Lý Công Uẩn - huyền thoại và lịch sử

1.000 năm Thăng Long - Hà Nội:

Khi tìm hiểu về sự ra đời, về tuổi thơ, và sự kiện lên ngôi, sáng lập ra vương triều Lý, dời đô đến một miền đất mới, của vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long - Lý Công Uẩn, người đọc thấy xung quanh Đức Vua là vô số những huyền tích và sự thật lịch sử đan xen.

Truyền thuyết xuất thân kỳ bí

Ảnh: Minh An
Ảnh: Minh An
Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Ninh. Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình thứ năm (974), thời Đinh”. Sách Việt sử thông giám cương mục viết: “Mẹ ngài là Phạm thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giáp Tuất, Thái Bình thứ năm (974), thời Đinh”. Tại ngôi chùa tọa lạc trên sườn núi Tiêu ở huyện Từ Sơn ( Bắc Ninh), cuối thế kỷ XX, các nhà sử học đã phát hiện một sự thật lịch sử. Đó là những thông tin quý giá, hé mở sự thật về người đàn bà đã sinh ra Lý Công Uẩn. Những dòng chữ của tiền nhân còn lưu lại trên bia “Lý gia linh thạch” cho đời sau biết, người phụ nữ sinh ra Lý Công Uẩn tên thật là Phạm Thị Ngà. Bà là người làng Hoa Lâm, làm thủ hộ của nhà chùa, chuyên quét sân, làm vườn, và lo nhang đèn...

Sự đầu thai đã nhuốm mầu thần bí, rồi sự chào đời của Lý Công Uẩn, cũng vậy: “rồi một đêm, trời trong sáng lạ thường, có mây ngũ sắc xuất hiện, vị sư trụ trì ở chùa Ứng Tâm đã được báo mộng là ngày mai phải đón vua. Nhưng sáng sớm hôm sau chỉ thấy người đàn bà Phạm Thị Ngà xin tạm ở chùa, bà vừa sinh được một người con trai khôi ngô, trong lòng bàn tay lại có bốn chữ “sơn- hà-xã- tắc” đỏ như son.

Người thầy, người cha tinh thần

Cha là “thần nhân”. Được thế lực thần bí chọn nơi sinh là cửa nhà Phật. Khi chào đời có mây ngũ sắc xuất hiện, trên tay lại có bốn chữ thể hiện khí phách, hoài bão, sự nghiệp khác thường của Công Uẩn. Những điều đó hứa hẹn “đứa trẻ - Lý Công Uẩn - lớn lên không phải là người tầm thường”. Mẹ là thôn nữ, làm giám hộ ở chùa, có duyên với thần nhân. Như vậy có thể thấy, Lý Công Uẩn là kết quả của tình yêu giữa một người phụ nữ bình dân với một “thần nhân”. Lên ba tuổi được mẹ gửi gắm cho nhà sư Lý Khánh Văn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì, “vua sinh ra mới ba tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi”. Còn theo sách Đại Việt sử ký tiền biên: “năm 3 tuổi, mẹ bế đến nhà Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp, Khánh Văn nuôi làm con nuôi”. Năm Lý Công Uẩn 7 tuổi, Khánh Văn nhờ sư Vạn Hạnh (anh trai) ở chùa Lục Tổ dạy cho học. Vạn Hạnh thiền sư nhận thấy cậu bé Uẩn là người có tư chất thông minh, khí độ rộng rãi nên đã kỳ vọng rất nhiều. Sách sử chép rằng sư Vạn Hạnh lần đầu trông thấy Công Uẩn lấy làm lạ: “Đây là một người phi thường! Sau này lớn mạnh lên, tất có thể cứu đời, yên dân, làm chúa thiên hạ”. Sách Thiên Nam ngữ lục cho biết năm 20 tuổi, Lý Công Uẩn được Vạn Hạnh tiến cử vào triều. Ngài bắt đầu sự nghiệp bằng việc đi làm võ tướng dưới thời Tiền Lê, giữ chức Điện tiền quân và giữ chức Tứ sương quân phó chỉ huy sứ đời Lê Ngọa Triều (1005 – 1009). Hơn 10 năm tu tâm dưỡng tính, học tập dưới mái nhà Phật và được sự rèn cặp của thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn trở thành một người quả cảm, có học vấn và trí tuệ, được quần thần cảm mến, kính phục.

Lại nói về thiền sư Vạn Hạnh, người cha tinh thần, người thầy giáo, và người vạch ra con đường đi tới ngai vàng cho Lý Công Uẩn. Theo sử liệu thì thiền sư Vạn Hạnh sinh vào khoảng năm (938 – 939), ở châu Cổ Pháp (tương đương với thị xã Từ Sơn và Tiên Du ngày nay). Ông xuất gia ở chùa Lục Tổ. Sau hai mươi năm thụ giáo ở Đạo giả Thiền Ông, thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng là người thông minh, uyên bác, thâu nhập được những điều huyền vi của giáo lý. Lời nào thiền sư nói ra, dân chúng cũng đều cho là lời sấm ký. Các nghiên cứu về ông đều nhận định rằng Thiền sư Vạn Hạnh là: “một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ thứ XI”. Ông từng làm cố vấn cho Lê Hoàn và có ảnh hưởng lớn với nhà Tiền Lê. Với Lý Công Uẩn, ông đối xử thật sự thân tình, nuôi nấng, chăm chút với tình thương yêu như một người cha đối với đứa con của mình. Ông là người cha tinh thần của nhà vua, đã theo sát, dạy dỗ nhà vua từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Có thể nói rằng Vạn Hạnh thiền sư với Lý Công Uẩn là một người cha, một người thầy. Với vương triều Lý thì, ông là “nhà thiết kế” tài tình, như một kim chỉ nam – định đường đi nước bước cho một vương triều. Ông cùng với Đào Cam Mộc – một võ tướng thời đó đã phù trợ, ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập vương triều Lý. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì, năm Vạn Hạnh 70 tuổi, một lần nói với Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn: “Vừa rồi, tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết để xem đức hóa của ông thế nào. Thực là cái may ngàn năm có một...”

Lên ngôi - thuận ý trời, hợp lòng người

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn chép: “Trước đây ở thôn Diên Uẩn, châu Cổ Pháp có cây gạo bị sét đánh, người hương ấy xem kỹ dấu sét đánh có chữ: “Thụ căn diểu diểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành/ Đông A nhập địa/ Mộc dị tái sinh/ Chấn cung kiếm nhật/ Đoài cung ẩn tinh/ Lục thất niên gian/ Thiên hạ thái bình”. Có nghĩa là: “Gốc cây thăm thẳm/ Ngọn cây xanh xanh/ Cây hòa đao rụng/ Mười tám hạt thành/ Cành đông xuống đất/ Cây khác lại sinh/ Đông mặt trời mọc/ Tây sao náu hình/ Khoảng sáu bảy năm/ Thiên hạ thái bình”. Ở hương Cổ Pháp xuất hiện một con chó trắng trên lưng có chữ “thiên tử” lông đen. Cây đa chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ “Quốc”. Quanh mộ cha Lý Công Uẩn ban đêm có tiếng tụng kinh và ngâm thơ báo trước việc họ Lý làm vua... Có người đem những điều đó hỏi Thiền sư Vạn Hạnh thì, được ông giải thích rằng: đó là điềm trời báo trước việc họ Lê mất, họ Lý nổi lên.

Dưới thời Tiền Lê, Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nhiều vị cao tăng được mến mộ, trọng đãi. Lực lượng quân đội do Đào Cam Mộc lãnh đạo, còn Phật giáo mà Vạn Hạnh là một thiền sư tiêu biểu, là hai lực lượng chính phù trợ cho nhà Lê. Tuy nhiên, thời Lê Ngọa Triều, đã duy trì những chính sách tàn ác, dã man, khiến lòng người oán giận, mất đi sự ủng hộ của Phật giáo và quân đội. (Ngọa Triều là một vua nổi tiếng bạo ngược và tàn ác, lấy việc giết người làm trò giải khuây). Vì vậy mà trong nhân gian đã xuất hiện những bài sấm ký, đoán trước sự suy vong tất yếu của nhà Tiền Lê, và dự báo một triều đại mới đang manh nha. Lê Ngọa Triều băng hà, vua nối ngôi còn bé, đất nước đứng trước nạn ngoại xâm, và nội chiến...Một lần Đào Cam Mộc nói với Lý Công Uẩn “Gần đây chúa thượng ngu tối bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, trời chán ghét nên không cho hết thọ, con nối thơ ấu, không kham nổi nhiều khó khăn. Mọi việc phiền nhiễu thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác, mong tìm chân chúa...”. Lần sau lại nói “Người trong nước ai cũng nói họ Lý khởi nghiệp lớn, lời sấm đã hiện ra rồi, đó là cái họa không thể che dấu được nữa. Chuyển họa thành phúc chỉ trong sớm chiều. Đây là lúc trời trao người theo...” và “Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo. Hiện nay trăm họ mỏi mệt, kiệt quệ, dân không chịu nổi, Thân vệ nên lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, có ai ngăn được!”. Cuối cùng thì điều phải đến đã đến. Được sự ủng hộ của quân đội và giới Phật giáo, của quần thần trong triều, Lý Công Uẩn đã lên nắm triều chính. Đây là sự thay đổi vương triều thuận ý trời, hợp lòng người, nên đã diễn ra êm thấm, không đổ máu. (Theo PGS Lê Thành Lân, nhà lịch pháp học, ngày mà Ngọa Triều mất30 tháng 10 năm Kỷ Dậu ứng với ngày 19/11/1009. Hai ngày sau sự kiện Ngọa Triều ra đi, vua nối ngôi còn nhỏ dại, ngày mùng 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu, ứng với ngày 21/11/1009, quần thần đã đồng lòng suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra vương triều Lý đặt niên hiệu là Thuận Thiên). Năm ấy Lý Công Uẩn bước sang tuổi 35. Lịch sử dân tộc Việt lật sang trang sử mới. Theo soạn giả của Đại Việt sử ký toàn thư thì, sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi vua là “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận”

Cuộc thiên đô và tầm nhìn của bậc thiên tử

Kinh đô Hoa Lư nằm trên địa phận xã Trường Yên, huỵên Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi hiểm trở. Với địa hình núi non sông suối bao bọc, Hoa Lư thích hợp với việc phòng thủ. Tuy nhiên với một triều đại mới, thời vận mới của dân tộc thì Hoa Lư dần dần bộc lộ những hạn chế. Kinh đô phải đảm bảo được yếu tố phát triển về mọi phương diện. Đó là phát triển kinh tế, văn hóa, ngoại giao với các nước, ổn định chính trị, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho chúng dân...Theo Lý Công Uẩn thì, “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương” và điều đó đã khiến nhà vua “rất đau đớn”. Ý định dời đô nung nấu tâm can nhà vua. Quê hương của ngài ở miền Kinh Bắc cũng là một vùng phong cảnh hữu tình, sản vật trù phú. Mùa xuân năm Canh Tuất (1010), sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã về thăm hương Cổ Pháp. Phải chăng những chuyến đi về nơi chôn nhau cắt rốn cả khi chưa lên ngôi và sau này khi đã ở ngôi thiên tử, đã là một trong những gợi ý để nhà vua chọn nơi định đô sau này. Bởi vậy mà trong “Chiếu hỏi quần thần” (Chiếu dời đô), Nhà vua đã đưa ra chủ kiến “xem khắp nước Việt” chỉ thấy thành Đại La “là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”. Với tư duy đó về mảnh đất sẽ chọn để đóng đô, đã chứng tỏ Đức Vua là một bậc minh quân, có tầm nhìn xuyên thấu không gian, xuyên suốt thời gian: “thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng đất này, mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh...”. Suy nghĩ thấu đáo, tham khảo ý kiến quần thần, chuẩn bị kỹ lưỡng, tháng 7 năm Canh Tuất khi tiết trời vào thu, Lý Công Uẩn cùng triều thần dời Hoa Lư ra thành Đại La. Các ghi chép của tiền nhân cho thấy, khi thuyền vừa cập bến ở chân thành thì, “rồng vàng hiện lên trên thuyền ngự”. Rồng uốn lượn như chào mừng nhà vua đến đóng đô ở vùng đất này. Vì vậy, nhà vua đã quyết định đặt tên cho kinh đô của triều đại mình là Thăng Long! Với khát vọng mãnh liệt “Thăng Long - Rồng bay” thể hiện khí thế vươn lên mạnh mẽ của vương triều Lý, cũng là mở đầu cho sự phát triển rực rỡ của dân tộc Việt.

Quyết định sáng suốt của Lý Công Uẩn đã đem đến luồng sinh khí mới cho mảnh đất này và mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên văn minh Đại Việt.

Thương Hường (sưu tầm và biên soạn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét