Chớ hy vọng ở phép mầu

CAND Online
13:00:00 26/09/2010

Cách đây 10 năm, khi nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới - thế kỷ 21- cộng đồng thế giới đã vui mừng chào đón một trong những lý tưởng nhân đạo nhất của nền văn minh trái đất - "Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ" hay còn được gọi là "Mục tiêu Thiên niên kỷ" (MDG).

MDG thực chất là một chương trình vô cùng dung dị đối với một số ít quốc gia này nhưng lại khó vô vàn đối với phần lớn các nước khác đang sống trong thế giới thứ ba. Vì vậy, cộng đồng quốc tế muốn chào đón kỷ nguyên mới của loài người bằng cách thực hiện 8 mục tiêu cơ bàn nhằm tạo ra một "mặt bằng" về hạnh phúc cho toàn thể 6 tỷ con người cùng chung một ngôi nhà duy nhất cho đến giờ trong vũ trụ - Trái đất.

Vừa qua, tại New York, 189 nguyên thủ quốc gia đã tham gia Hội nghị cấp cao LHQ nhằm kiểm điểm 10 năm thực hiện MDG. Hai trong tám thành tựu mà cộng đồng quốc tế đã đạt được trong 10 năm qua thực ra rất nhỏ bé so với khát vọng đã cháy bỏng từ đầu thế kỷ XXI, nhưng dù sao vẫn là con số có tâm hồn có sự sống vì chúng đã cứu thoát 400 triệu người khỏi cảnh khốn cùng và hơn 5 triệu nạn nhân của siêu vi HIV được chăm sóc y tế.

Nguyên nhân khiến các mục tiêu MDG trong 10 năm qua chỉ đạt có chừng ấy con số có rất nhiều. Đó là: khủng hoảng kinh tế toàn cầu, biến đổi thời tiết, các cường quốc bóp chặt hầu bao viện trợ theo cam kết, xung đột vũ trang - chính trị gây bất ổn tại quốc gia và khu vực, tham nhũng và năng lực quản lý kém…

Chi phí quân sự và tham nhũng...những rào cản của MDG.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009 như cơn sóng thần san bằng gần như hầu hết cố gắng của thế giới trong việc đạt được mục tiêu số 1 của MDG - xóa đói giảm nghèo cho 50% dân số trên thế giới.

Trong 5 năm tới, nếu các nhà lãnh đạo thế giới không đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu có thể sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến mỗi năm thế giới không chỉ mất hàng trăm nghìn sinh mạng người do hạn hán và lũ lụt, mà còn phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong vài thập niên gần đây làm giảm 20% GDP toàn cầu.

Thêm một rào cản thâm căn cố đế và cứng hơn sắt thép ở các nước nghèo là tệ nạn tham nhũng. Theo đánh giá của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và Ngân hàng Thế giới (WB), nạn tham nhũng đã gây thiệt hại cho các nước đang phát triển tới 1,6 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Rõ ràng số tiền này không rơi vào tay các nhà lãnh đạo bất lương thì chắc chắn sẽ có thêm hàng trăm triệu trẻ em không bị yểu tử và được cắp sách tới trường. Còn sức khỏe của dân số nhân loại được chăm sóc cẩn trọng tương xứng với thiên chức làm mẹ của họ.

Vậy làm sao đây để MDG - ngọn lửa văn minh của nhân loại rực sáng trong thế kỷ XXI mà không bị tắt ngấm bởi "các nhân tố ác mộng" trên? Trong phiên Hội nghị cấp cao LHQ nhằm kiểm điểm 10 năm thực hiện MDG, ông Hubert Vedrine - cựu Ngoại trưởng Pháp - không phủ nhận những bước tiến đã đạt được trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, song ông Vedrine cho rằng LHQ không phải là "Chúa trời toàn năng" để giải quyết mọi vấn đề gai góc của MDG.

Ngoại trưởng Pháp phân tích thêm: Cộng đồng quốc tế chỉ can thiệp đối với những quốc gia chậm tiến nhất, các nước còn lại phải tự vận động một cách tối đa vì không có bất cứ một phép mầu nào biến ý tưởng của MDG thành hiện thực mà "không đổ mồ hôi trên từng luống đất". Khu vực Đông Á - châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam là những minh chứng như vậy.

Việt Nam được nhắc đến như một điển hình đặc biệt vì đã hoàn thành trước thời hạn 5/8 các mục tiêu và có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu vào năm 2015. Tổng Thư ký Ban Ki-moon có những đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các MDG cũng như thúc đẩy việc thực hiện Sáng kiến "Một LHQ".

Ông cho rằng với đường lối lãnh đạo, cam kết của Nhà nước, cùng nỗ lực của nhân dân, Việt Nam sẽ là một trong những nước đi đầu hoàn thành các MDG. Phải chăng công cuộc phát triển đất nước cho thấy Việt Nam là một điển hình của chân lý: Không nên hy vọng quá nhiều ở phép mầu ngoại nhập

8 mục tiêu của MDG bao gồm: 1- Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn; 2- Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; 3- Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; 4- Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5- Cải thiện sức khỏe bà mẹ; 6- Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; 7- Đảm bảo sự bền vững của môi trường; 8- Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. MDG được bắt nguồn từ sáng kiến các Mục tiêu Phát triển Quốc tế trong bản Báo cáo Định hướng Thế kỷ XXI của (OCED) đã trở thành "xương sống" hành động của LHQ và toàn thể các quốc gia thành viên kể từ tháng 9/2000.

Từ Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét