Bắc Hàn rập khuôn theo Trung Quốc?

BBC Vietnamese - Thế giới:
Cập nhật: 14:53 GMT - thứ hai, 4 tháng 10, 2010

Gia đình ông Kim Chính Nhất thời ông còn trẻ.

Bắc Hàn đã bắt đầu khởi động tiến trình thay thế lãnh tụ chính trị theo đúng phong cách họ từng áp dụng từ hàng thập niên qua.

Nhà sáng lập ra chính thể hiện thời, ông Kim Nhật Thành, được gọi là "Lãnh tụ vĩ đại", đã đưa con trai Kim Chính Nhất lên kế vị hồi 30 năm về trước.

Nay, Kim Chính Nhất, tức "Lãnh tụ kính yêu" đã tỏ rõ ý định chọn người con trai út Kim Jong-un, hay còn được gọi là "Đồng chí xuất sắc" làm người thay thế mình.

Sự khác biệt có lẽ chỉ là ở thời điểm. Kim Chính Nhất được đưa lên vị trí "thái tử" vào năm 1980, nhưng mãi cho tới khi cha ông qua đời, năm 1994, ông mới chính thức nắm giữ quyền lực.

Có vẻ như Kim Jong-un, năm nay khoảng 27 tuổi, sẽ không phải chờ đợi lâu đến thế.

Nhà lãnh đạo hiện thời, năm nay 68 tuổi, gần đây được cho là đã rất ốm yếu. Có lẽ ông đã suy sụp sức khỏe sau cơn đột trụy hồi năm 2008.

Đã có những lời đồn đoán rằng lý do khiến cho việc tổ chức đại hội toàn thể Đảng Lao động cầm quyền ở Bắc Hàn đã bị hoãn lại hai tuần, một thay đổi lớn vá ít nhiều khiến giới lãnh đạo nước này cảm thấy mất mặt, chính là vì sức khỏe của ông Kim lại đi xuống.

Nếu thực sự sức khỏe của ông Kim Chính Nhất xuống dốc nhanh chóng, thì điều này có thể giải thích lý do có việc tái sắp xếp nhân sự diện rộng trong giới lãnh đạo Bắc Hàn tại kỳ đại hội đảng này.

"Bàn tay của Trung Quốc"

Chỉ trong vài giờ đồng hồ, người con trai của ông Kim Chính Nhất là Kim Jong-un, vốn không hề có chút kinh nghiệm gì về cả quân sự lẫn chính trị, đã trở thành vị tướng bốn sao, phó chủ tịch Ban quân ủy Trung ương, và là ủy viên Trung ủy của Đảng Lao động.

Để củng cố vị trí cho anh này, người em gái của ông Kim Chính Nhất là bà Kim Kyong-hui cũng được phong tướng, đồng thời trở thành ủy viên bộ chính trị.

Chồng của bà, Chang Song-taek, là người đứng đầu Ủy ban quốc phòng quốc gia, và thường được coi như một thế lực đằng sau ngai vàng.

Hầu hết các vị trí trong bộ chính trị đã bị bỏ trống từ nhiều năm qua, nay có khả năng sẽ dần dần được lấp đầy.

Lưu ý: Một số thành viên khác trong gia tộc Kim không được đưa vào đây. (d) = đã mất.

Đằng sau hậu trường rất có thể đang có một nỗ lực nhằm quyết liệt xác lập quyền kiểm soát của Đảng Lao động đối với quân đội, vốn là một quyền lực có sức mạnh dẫn dắt tại Bắc Hàn.

Nếu quả vậy thì dường như Trung Quốc đã thò tay vào khá nhiều các hoạt động hậu trường. Giới lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc chứ không phải là Bộ ngoại giao mới là cơ quan nắm giữ chính sách của Bắc Kinh đối với Bắc Hàn.

Đã có những tín hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn Bắc Hàn phát triển theo hướng tương tự như Trung Quốc hồi những thập niên 1970, 1980, dẫn tới sự hình thành mô hình chủ nghĩa tư bản do nhà nước kiểm soát rất thành công trong những năm gần đây.

Kiến trúc sư chính của mô hình thay đổi này là lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Điều thú vị là vị trí chính thức duy nhất mà ông nắm giữ trong nhiều năm chỉ là chức kiểm soát quân ủy trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không khác bao nhiêu so với vị trí quan trọng nhất mà người con trai út, Kim Jong-un, vừa được trao.

Rõ ràng là Trung Quốc muốn cải tổ Bắc Hàn. Bắc Kinh đã ngỏ những tín hiệu báo động về chính sách quân sự khó lường trước của Bắc Hàn.

Nếu nền kinh tế Bắc Hàn đổ vỡ, có lẽ một làn sóng hàng triệu người tị nạn sẽ tràn qua biên giới vào Trung Quốc, và điều đó khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh lo lắng.

Cho nên Trung Quốc ra tín hiệu hối thúc Bắc Hàn đi theo hướng mà Trung Quốc đã từng đi: dùng Đảng cộng sản để kiểm soát quân đội, và dần dần mở cửa kinh tế.

Vị tướng mới được phong Kim Jong-un được cho là chưa hề có kinh nghiệm gì cả về mặt quân sự lẫn chính trị.

Ở một chừng mực rất hạn hẹp thì điều này đã bắt đầu xảy ra. Người dân đang được phép đi bán các sản phẩm mình làm ra trên đường phố, và và vào ban đêm, cảnh sát không còn đi phá vỡ các thị trường chợ đen họp tại các phố tối nữa, điều mà giới chức vẫn làm cho tới tận thời gian gần đây.

Nghe thì không có gì nhiều nhặn, nhưng đó lại chính là cách thức mà Trung Quốc bắt đầu áp dụng từng ít một từ hồi 30 năm về trước.

Yêu thích môn bóng rổ

Với nền chính trị kỳ quặc ở gia đình họ Kim, ít ra là trong con mắt của người phương Tây, thì việc ông Kim Chính Nhất bỏ qua những nhân vật họ hàng cùng hai người con trai lớn để trao quyền cho người con út, người từng được đào tạo tại Thụy Sỹ, cũng là điều dễ hiểu.

Chuyện này giúp anh con út có được kinh nghiệm thực tiễn về nền kinh tế thị trường, điều mà không ai khác trong họ tộc có thể hãnh diện khoe ra.

Nếu số phận mỉm cười với ông Kim Chính Nhất, thì ông sẽ có thêm vài năm nữa để đào tạo người con trai cách điều hành đất nước.

Nếu không, tình hình có lẽ sẽ trở nên đáng quan ngại.

Và có lẽ sẽ không khó gì để tìm ra một số các nhân vật chính trị khác, những người tự thấy mình có đầy đủ khả năng để chèo lái đất nước hơn so với anh chàng cựu học trò Thụy Sỹ kia, người vốn rất yêu thích môn bóng rổ.


- Sent using Google Toolbar"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét