Thứ Hai, 4.10.2010 | 08:54 (GMT + 7)
(LĐ) - Câu chuyện về con bò tót "hoang đàng" ở Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) kích thích máu nghề nghiệp, tôi quyết định khăn gói vượt hơn 200 cây số, vừa đi vừa hỏi đường, cố gắng đúng hẹn với anh em kiểm lâm nơi thượng nguồn sông Cái, để mục kích bò tót "tán tỉnh" bò nhà.
Và, nếu không quan sát ở cự ly gần, không thể tin mấy chú bê lai láu lỉnh gặm cỏ giữa đại ngàn là "kết quả tự nhiên" sau nhiều cuộc giao hoan của "chàng" bò tót đen trũi, nặng khoảng 1 tấn với những ả bò vàng lai Sind thấp bé, thả rông suốt ngày đêm dưới chân núi Tà Nin. Tôi hiểu vì sao các nhà sinh học khẳng định động vật hoang dã là thành tố tất yếu của hệ sinh thái, là những mắt xích quan trọng trong chu trình dinh dưỡng và tuần hoàn vật chất trên trái đất. ThS Nguyễn Công Vân - GĐ Vườn quốc gia Phước Bình - cùng các đồng sự háo hức chờ đợi, bởi vì sự kiện này đang là mối bận tâm của nhiều nhà khoa học: "Đã đến lúc phải tập trung nghiên cứu hiện tượng bò tót giao phối với bò nhà. Rất có thể đây là cơ hội để ngành chăn nuôi nước ta tổ chức "khai thác" nguồn gene quý hiếm dự trữ trong tự nhiên, chủ động cho phối giống, lai tạo, nâng cấp đàn bò...
Kỳ 1: Cuộc giao phối kỳ lạ
Không rõ nguyên cớ nào khiến con bò tót đực cường tráng ấy tách khỏi bầy đàn, nhưng đồng bào dân tộc Raglai ở làng Bạc Lây 2, xã Phước Bình, huyện Bắc Ái nhớ rất rõ: "Nó ra khỏi rừng hồi tháng 4 năm ngoái, ban đầu bò tót rất thận trọng và hung dữ, nó húc tung cây cối, hạ gục 7 con bò đực, làm bị thương 3 người... Trước khi "âu yếm" bạn tình, bò tót thường dướn mũi đánh hơi rồi huỳnh huỵch cong đuôi khoe... "bộ hạ". Cuối năm 2009, nó biến mất. Đầu tháng 7 năm nay, có lẽ đến mùa động dục, "chàng" bò tót "si tình" quay lại, xông thẳng vào làng, tung tẩy bên đàn bò cái". Rất thú vị, cuộc giao phối kỳ lạ giữa bò tót với bò nhà ở vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình đã cho ra đời 2 con bê lai.
Mục kích bò tót
Để rút ngắn thời gian, tôi chọn tàu đêm vào Ninh Thuận, gần 12 giờ khuya đến Phan Rang-Tháp Chàm, mờ sáng hôm sau tiếp tục đi ôtô lên Phước Bình, kịp “theo chân” kiểm lâm tuần tra “khu vực bò tót thường xuất hiện”. Xe lướt êm trên quốc lộ 27, gặp ngã ba Ninh Sơn-Phước Bình-Bắc Ái, hỏi đường rồi rẽ trái. Dù đã chủ động “kết nối” trước giờ “xuất hành”, nhưng khi dừng ở chặng cuối, gọi điện thoại cho GĐ Vườn Quốc gia Phước Bình mới hay, “còn phải đi tiếp khoảng 30 cây số, qua nhiều đoạn xuyên rừng mịt mù cát bụi.
Thật tuyệt vời, băng qua vùng lõi, tán cây che kín bầu trời, không khí dịu nhẹ, rất có thể con đường bám theo sườn núi đã đưa chúng tôi lên độ cao khoảng chừng 500 mét. Mưa vén mây, tuôn nước trời nhuộm xanh đỉnh núi. “Đẹp quá!”- tôi thích thú reo to, quên hết gập ghềnh và giờ hẹn. Thiên nhiên thật kỳ vĩ, suốt 6 tháng mùa khô, nắng nóng cháy sém cả mặt đá, vậy mà mưa đầu mùa ào ạt đến, mầm sống bừng dậy, sinh sôi... Mặc kệ cảm xúc lãng mạn “lăn tăn” dưới bóng rừng mọng nước cho đến khi bên tai tôi vọng tiếng thú hoang và bánh xe dừng hẳn trước tòa nhà mới toanh của Ban quản lý Vườn quốc gia Phước Bình.
“Xuất phát!”- GĐ Vườn quốc gia Phước Bình Nguyễn Công Vân cử 2 bạn trẻ đưa chúng tôi sang bên kia sông Cái, vừa đến cầu treo đã gặp 2 kiểm lâm viên cùng nhóm thanh niên Raglai trong tổ tuần tra, phục kích bò tót.Trưởng trạm kiểm lâm Bạc Lây Phạm Văn Thành cho biết: “Đợt trước, bò tót chờ đến gần tối mới ra khỏi rừng, nhưng vài tuần gần đây nó “hoạt động” không theo quy luật. Có hôm, dường như quá “say tình”, nó hưng phấn ở lại suốt ngày-đêm”.
Pi Năng Vanh - Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Bạc Lây 2, kể: “Đồng bào quen gọi bò tót là con min (nghĩa là trâu rừng), tiếng Raglai là kvây (ám chỉ con vật rất hung dữ và to lớn). Đối với những người cao tuổi, kvây không xa lạ, ngày trước đàn kvây ở Phước Bình đông khoảng gần 100 con, hễ vào rừng là gặp, nhưng chẳng ai dám đến gần, thợ săn cũng không bắn. Kvây hùng dũng như voi, dữ tợn như hổ, luôn đi theo bầy đàn, hễ động là biến mất và cách thức trả thù rất kinh khủng. Dòng họ Pi Năng sống ở đây đã mấy trăm năm, bây giờ mới thấy một con kvây đơn độc xuống núi”.
Bò tót tự thuần hóa để quyến rũ bò nhà. |
Bản năng hoang dã, bò tót húc đổ mọi thứ mà nó nghĩ là vật cản đường. Nếu thấy bò đực giống trưởng thành, kẻ “hoang đàng” hồng hộc tấn công - triệt hạ đối thủ rồi ung dung “tung vó” quyến rũ “bạn tình”. Già làng Pi Năng Vanh hóm hỉnh nói thêm: “Đám trai trẻ thấy lạ, rủ nhau lên cầu treo, chờ xem bò tót giao phối!”. Câu chuyện bò tót “si tình” đẩy thời gian qua nhanh, thoáng chốc mặt trời đã gom hết tàn nắng, núp sau triền núi phía tây. Thật may, đúng lúc chúng tôi rút quân, nhóm “trinh sát” phấn khởi báo tin: “Bò tót đang xuống núi!”. Anh em kiểm lâm nắm vững “đường đi, nước bước” của bò tót, mùa động dục năm nay, bò tót hơi-bị-hiền. Dưới cái nhìn của nhà sinh học, ThS Nguyễn Công Vân giải thích: “Đó là phản xạ có điều kiện, bò tót tự thuần hóa để được “sống chung” với bò nhà và thỏa mãn ‘‘nhu cầu”...”.
Sơn - bạn đường của tôi người dân tộc Chăm, là kiểm lâm viên ở Phước Bình đã 3 năm - phất tay về hướng bụi chuối, chúng tôi nhìn thấy con vật đầu trâu, đuôi bò, đen trùi trũi cứ ngoắt đuôi liên hồi giữa đàn bò cái, dường như mấy “ả” bò nhà cũng “mê tít thò lò” nên mới cong đuôi “vẫy gọi”. GĐ vườn quốc gia và phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Phước Bình cùng chúng tôi “sang sông”, chạy tắt ngang rẫy bắp rồi cứ thế lội suối, tranh thủ chọn vị trí có thể mục kích bò tót ở cự ly gần nhất. Thú thật, dẫu liên tục cập nhật thông tin, tôi vẫn giật mình khi đối diện con thú hoang khổng lồ trong khoảng trống chưa đầy 20 mét. Ngay lập tức mắt người khúc xạ tia nhìn rực sáng của thú hoang. Gió đại ngàn thổi mạnh, tì máy ảnh lên vai kiểm lâm viên, chọn chế độ program, zoom thật gần... Nhưng, tình tiết mới phát sinh - lưng tôi bỗng nhói đau, có ai đó cấu mạnh vạt áo rồi bỏ chạy, đám đông hoảng hốt vì nhận thấy màu áo đỏ là “điểm nhấn” có nguy cơ khiến bò tót phát cuồng. Tự trách mình vô ý, tôi rùng mình liên tưởng... chiếc khăn đỏ nhuốm máu giữa đấu trường bò tót Tây Ban Nha!
Quan sát bê lai
Dân làng Bạc Lây 2 giới thiệu ông Nguyễn Văn Chuẩn như là “người nổi tiếng”, kể từ lúc bò tót giao phối với con bò cái lai Sind béo tốt của gia đình ông. Và, ông chủ thông minh, ngang tàng ấy không ngần ngại quyết định vẫn tiếp tục thả rông bò cái. Dẫn chúng tôi ra bãi soi bên kia sông, men theo lối mòn đến ngôi nhà bỏ hoang, để “mục sở thị” hơn nửa gia tài gồm 8 con bò cái dẫn đàn con đi ăn lông nhông bên chân núi, ông Chuẩn kể: “Nhà mới sát đường nên tui thả bò về vườn cũ, ban đêm đàn bò tự tìm chỗ ngủ dưới gốc cây. Rõ ràng là hồi năm ngoái, lần đầu tiên bò tót “gạ gẫm” bò nhà, nó chỉ nhắm nhe “nàng” bự nhất và màu lông sậm nhất. Dân làng đã tận mắt nhìn thấy bò tót húc chết con bò đực duy nhất theo “hầu” đàn, rồi nhảy cẫng lên mình con bò cái đẹp nhứt của tui. Sau cuộc giao phối lạ lùng ấy, bò nhà “lụy cuộc”, nằm tại chỗ suốt 3 tháng, hằng ngày vợ chồng tui phải cắt cỏ “đút” tận miệng. Trông chừng nó suốt 280 ngày, cái bụng lớn dần, căng cứng... Hôm 15.8.2010, bò mẹ đau đớn, quay cuồng rồi sinh hạ 1 chú bê lai”.
Ngắm lũ bê con loăng quăng kiếm ăn, chốc chốc lại rúc vào bụng mẹ, không quá khó để phân biệt bê lai bò tót. Ông Chuẩn cho biết: “Lúc mới lọt lòng, vóc dáng nó cao lớn gần bằng mấy “anh, chị” bê nhà khoảng 2 tháng tuổi”. Chúng tôi lần lượt điểm từ dưới lên: Chân trắng, tai vểnh, lưng thẳng, không thấy dải yếm dưới cổ nhưng bê lai có một chòm lông gần ức. Bò mẹ kiếm ăn đến đâu, bê lai láu lỉnh gặm cỏ đến đó và phản xạ cực nhanh. Ông Chuẩn và tổ tuần tra phát hiện thêm: “Toàn thân nó đang chuyển màu - ngọn lông vàng hoe ngả sang đen xám, mắt cũng to hơn, càng lớn bê lai càng giống bố!”.
Trên đường về làng tìm “sản phẩm” lai bò tót thứ hai, chúng tôi thấy hàng chục con bò bị cột chặt vào thân cây. Trưởng thôn Pi Năng Vanh cho hay: “Bò tót hung tợn và “đa tình” nên tất thảy bò đực lai Sind đều phải sơ tán.” Hóa ra, không chỉ đám bò cái của nhà ông Chuẩn mới được bò tót “chọn mặt” gửi “tình”. Ngày 30.8.2010, gia đình K Tơr Biên phát hoảng vì bò mẹ đẻ khó và “em” bê cái giống y hệt “anh” bê lai.
Hiện dân làng Bạc Lây 2 vô cùng sợ hãi, tuyệt đối không ai dắt bò sang bên kia sông chăn thả, riêng ông Nguyễn Văn Chuẩn vẫn ung dung thả rông đàn bò cái. Anh Chuẩn “bật mí”: “Có một tiến sĩ ở Viện Chăn nuôi của Bộ NNPTNT gọi điện thoại nói rằng bê lai là nguồn gene quý hiếm và hẹn nay mai sẽ đến tận nơi, “rước” nó về Hà Nội để nghiên cứu nhân giống, tạo nguồn...”. Ông Chuẩn đồng ý cho tôi chụp ảnh con bò chửa lặc lè, sắp đến kỳ “ở cữ” và cả quyết: “100% con lai bò tót trong bụng nó!”.
Bất giác, tôi ngước nhìn khe núi vắt qua đỉnh Tà Nin, hàng ngày bò tót thường đi - về theo lối ấy. Vâng, mấy năm trước, nhà động vật học Đỗ Tước đã “cắm chốt” ở Phước Bình và xác định nơi đây hiện hữu quần thể bò tót lớn nhất Việt Nam. Tài liệu của vườn quốc gia cho hay, hiện có 2 - 3 đàn bò tót với khoảng chừng 30 - 40 con, cư trú tập trung giữa tam giác rừng già, giáp ranh 3 tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên.
Bảo Chân
Thứ Ba, 5.10.2010 | 07:54 (GMT + 7)
(LĐ) - "Cuộc chiến bò tót" ở khu vực tam giác rừng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên ngày càng căng thẳng. Theo khảo sát, đánh giá của các nhà khoa học, ở Việt Nam, bò tót (Bos gaurus) quý hiếm hơn bò rừng (Bos Bangteng).
Cả nước hiện chỉ còn khoảng 300 con, quần thể bò tót đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do rừng đầu nguồn liên tục bị triệt phá và nạn săn bắt thú quý gia tăng. Sự kiện con bò tót đực ở Vườn quốc gia Phước Bình tách khỏi bầy đàn và đang tỏ ra thích ứng dần với cuộc sống thuần hoá của bò nhà là một hiện tượng khoa học hết sức thú vị. Ban quản lý VQG Phước Bình mong muốn nhân cơ hội này, xúc tiến hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu; đồng thời khai thác nguồn gene quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng.
Lập vườn để giữ rừng
Không rõ ai là người đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập vườn để bảo vệ rừng trên trái đất, chỉ biết rằng ngày 1.3.1872, Chính phủ Mỹ đã ban hành quyết định thành lập Vườn quốc gia Yellowstone rộng 8.980km2, bao gồm nhiều hồ, vực, sông và những dải núi lớn ở các bang phía tây Wyoming, Montana, Idaho. Đó là vườn quốc gia đầu tiên, xưa nhất của thế giới. Theo thời gian, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục lần lượt quy hoạch rừng thành từng khu bảo tồn, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của ban quản lý trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ở nước ta, mãi đến thập niên thứ sáu của thế kỷ trước – năm 1960, các nhà khoa học mới đưa ra ý tưởng thành lập khu bảo tồn rừng Cúc Phương. Gần 30 năm sau, ngày 9.8.1989 Chính phủ quyết định phân hạng quản lý rừng đặc dụng, đó là thời điểm đánh dấu sự ra đời của Vườn quốc gia Cúc Phương - vườn quốc gia (VQG) đầu tiên của Việt Nam. Trước khi lên đường, tôi đã có thông tin, rằng trên bản đồ 197 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) và VQG mà Bộ TNMT và Tổ chức Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố, Phước Bình là một “khu vườn” rộng lớn, đa dạng về sinh cảnh, đa dạng về thực vật, động vật và nổi tiếng là “ngôi nhà” lớn của loài bò tót Đông Nam Á.
ThS Nguyễn Công Vân - GĐ VQG Phước Bình - tổng hợp vắn tắt: “Thống kê tại thời điểm thành lập VQG Phước Bình (ngày 8.6.2006), tổng diện tích rừng tự nhiên là 19.814ha, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 10.766ha, khu sinh thái: 9.030ha, phân khu hành chính: 26ha. VQG Phước Bình là nơi chuyển tiếp khí hậu giữa núi cao Tây Nguyên và miền duyên hải Nam Trung Bộ, vì vậy ở đây có đến 6 kiểu rừng chính, 8 kiểu rừng phụ với 1.225 loài thực vật, 327 loài động vật, trong đó còn tồn tại 50 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và 29 loài đã liệt kê trong Sách đỏ thế giới”.
Tôi hình dung, vườn không có mốc phân ranh giới, không thể rào giậu ngăn cách với bên ngoài, càng không biết nơi nào là cửa để dựng cổng kiểm soát... Tổng biên chế của BQL vẻn vẹn 24 người. Năm 2008 tỉnh Ninh Thuận quyết định thành lập Hạt kiểm lâm VQG Phước Bình, bổ sung thêm 20 biên chế. Từ lâu, tam giác rừng giáp ranh giữa Ninh Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng là địa chỉ tập kích khá thường xuyên của lâm tặc. Dân làng kể, có lần chứng kiến lâm tặc chỉ huy khoảng 200 người kéo vào rừng chặt gỗ đưa lên xe, nhưng lực lượng kiểm lâm quá mỏng.
Những người giữ rừng từng gặp đoàn thợ săn gồm hơn 30 tay súng đến từ phía Tà Năng (Lâm Ðồng), nhận thấy cuộc chiến không cân sức, đành làm ngơ rồi báo cáo cấp trên, xin hỗ trợ, tiếc rằng khi công an, bộ đội đến tiếp ứng thì bọn chúng đã “cao chạy xa bay”. Đó là chưa kể thợ săn đơn lẻ, rất hung hãn, táo tợn, sẵn sàng nổ súng chống trả. Anh em kiểm lâm ở Bắc Ái, Ninh Sơn cải trang thành người Raglai, đột kích bắt kẻ săn thú quý, sau khi khống chế được đối tượng, mới hay khẩu AK trong tay hắn đạn đã lên nòng.
GĐ VQG Phước Bình tâm sự: “Nhà nước phân công trách nhiệm và quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của BQL VQG đối với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn; tuy nhiên trong thực tế, trình độ, năng lực cán bộ rất hạn chế, điều kiện tác nghiệp thiếu thốn, lạc hậu; thu nhập của CBCNV không có gì ngoài lương cơ bản và 0,5% hệ số khu vực, đó là lý do không thể áp dụng mệnh lệnh hành chính để gò ép, bắt buộc mọi người thủy chung, gắn bó với rừng. Không ít kỹ sư lâm sinh ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Nông - Lâm TPHCM đến đăng ký tuyển dụng tại Phước Bình, nhưng chỉ thử vài tháng, lâu nhất là 1 năm rồi tìm cách trở lại thành phố”.
Lãnh địa mới của bò tót dưới chân núi Tà Nin. Ảnh: Bảo Chân-Trung Chiến. |
Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình K’Tơr Cường trình bày rất tha thiết: “Hàng trăm năm sống quẩn quanh giữa núi rừng, nhưng đến thời điểm này đồng bào vẫn chưa hiểu thế nào là nghề rừng, 50% số hộ thuộc diện nghèo đói. Hiện tại, Nhà nước đã hỗ trợ chính quyền cơ sở xây dựng “điện, đường, trường, trạm” đầy đủ, khang trang, nhưng chúng tôi cần cán bộ người Kinh “cầm tay, chỉ việc” cho đến khi bà con tự biết trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định cuộc sống”.
Đi trên con đường dân sinh mới thảm nhựa phẳng lỳ tựa như dòng suối uốn lượn giữa lõi rừng rồi đổ về trung tâm hành chính và các điểm dân cư trong vùng đệm, tôi tin rằng đây là điều kiện đầu tiên để những người giữ rừng có thể nghĩ đến triển vọng khai thác tiềm năng du lịch sinh thái - kết nối tour từ Phan Rang - Tháp Chàm đến VQG Phước Bình trước khi dừng chân ở Đà Lạt, rồi tiếp tục mời đón du khách tham quan tuyến Đà Lạt - Phước Bình - Phan Rang - Tháp Chàm.
Động viên bò tót... "yêu"
Hôm tôi đến, BQL VQG Phước Bình cùng với đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện tòa nhà trưng bày tiêu bản và nhà khách dành riêng cho chuyên gia. Lắng nghe nhóm kỹ sư trẻ lần lượt trình bày ý tưởng chuẩn bị soạn thảo dự án bảo vệ một số loài động - thực vật nguy cấp nhất, nhằm mục đích thu hút mối quan tâm và hợp tác của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước cũng như quốc tế. Tôi hiểu, những trí thức nguyện gắn bó với rừng đang cố gắng vượt lên chính mình để thực hiện khát vọng bảo tồn. Vâng, hơn 20 năm bám trụ giữ rừng và hoàn thành luận văn thạc sĩ bằng việc nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học trên các cấp độ cao ở VQG Phước Bình, GĐ Nguyễn Công Vân đã và đang ấp ủ kế hoạch hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ triển khai các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo lời KS lâm nghiệp Phạm Ngọc Hoàn - Phó GĐ VQG Phước Bình, ngày trước mọi người bình thản chờ đợi cấp trên giao việc, còn bây giờ mỗi cá nhân tự đăng ký ý tưởng, đề tài rồi mạnh dạn trình bày và lắng nghe tập thể góp ý để phát triển nội dung. Trên cơ sở đó, BQL gợi ý, hướng dẫn cách thức tiếp cận thực tế, thu thập tài liệu và cập nhật thông tin. Ở giữa rừng nhưng kết nối được Internet wifi và tôi đã thấy cột ăngten của 3 nhà cung cấp mạng điện thoại di động lớn nhất Việt Nam đứng chân ở Phước Bình, không lý do gì để tự trói mình hay tách khỏi thế giới hiện đại.
Trở lại câu chuyện bò tót “si tình”, ThS Nguyễn Công Vân nhận định, nhiều khả năng đây là trường hợp sa thải sinh học sau cuộc giao tranh thống lĩnh bầy đàn, cũng có thể nó đi lạc xuống núi, bất ngờ gặp gỡ bò nhà, song tài liệu nghiên cứu động vật học cũng đã ghi nhận một số cá thể bò tót tách khỏi bầy đàn, sống đơn độc. Có người gợi ý nên chuyển bò tót vào Sở thú TPHCM để phục vụ du lịch, nhưng VQG Phước Bình nhận thấy con bò tót này đang độ trưởng thành, dáng vẻ kiêu hùng, “yêu đương” mạnh mẽ, đối với dân tộc bản địa nó không phải con vật linh thiêng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Ninh Thuận chủ động lập dự án nghiên cứu khai thác nguồn gene quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng.
Thì ra khoản tiền ít ỏi (25 triệu đồng) mà lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định chi nóng bây giờ mới về đến Phước Bình. Nhiệm vụ số 1 mà Hạt kiểm lâm VQG Phước Bình đang triển khai là tăng cường tuần tra để cảnh báo cho người dân không vào khu vực bò tót thường xuất hiện và thường xuyên phục kích, kịp thời ngăn chặn “bàn tay” lâm tặc tấn công. Trưởng trạm kiểm lâm Bạc Lây Phạm Văn Thành giải thích: “Nơi nào có bò tót, nơi ấy là rừng già, vậy nên lâm tặc theo dấu chân bò tót khai thác gỗ quý. Giới buôn bán động vật hoang dã rất thích tậu đầu bò tót nguyên xi cặp sừng, bởi lẽ ngoài giá trị thương phẩm rất cao, “tinh tướng” bò tót còn đem đến cho con người niềm tin và sức mạnh. Vì vậy, chúng tôi phải tăng cường lực lượng, bảo vệ 24/24h”.
* * *
Tôi rất vui khi nghe ThS Nguyễn Công Vân thông báo: “Nếu không có gì thay đổi, tháng tới, VQG sẽ nhập từ Thái Lan về 5 con bò cái to khỏe, rồi cho thả rông cùng bầy bò nhà ông Chuẩn, chúng sẽ gần gũi tự nhiên với bò tót, hy vọng thu được “sản phẩm” bê lai chất lượng cao”. Tôi nhẩm tính, mỗi năm bò cái đẻ 1 lứa, mỗi lứa cho ra đời 1 con bê lai... Hiện tại, riêng đàn bò cái của người dân Phước Bình khoảng 1.500 con, nguồn gene lai bò tót cứ thế gia tăng theo cấp số nhân. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương và VQG phải tìm sinh kế mới hoặc thu nhập thay thế cho dân làng Bạc Lây 2, bởi lẽ hơn 200 đám rẫy của bà con thuộc khu vực “giới nghiêm” - từ bờ hữu sông Cái đến chân núi Tà Nin là lãnh địa “yêu đương” của bò tót.
Bảo Chân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét