Vì sao Mỹ từ chối đàm phán với Iran

Chính trường - Pháp Luật Xã hội:
Thứ Hai, 04/10/2010 08:59

Vì sao Mỹ từ chối đàm phán với Iran

(PL&XH) - "Tội" duy nhất của Iran (theo quan điểm của các đế quốc) là cố trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền.


Nhiều năm qua, những lần bế tắc về ngoại giao và chính trị liên tiếp giữa Iran và Mỹ thường được đổ lỗi cho Tehran với các lý do như "chính sách ngoại giao đối đầu" hay "không sẵn sàng" tham gia đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế ít ai biết rằng trong thập kỷ qua, Iran đã nhiều lần đề xuất đàm phán với Mỹ, nhưng chưa bao giờ nhận được một phản hồi tích cực nào từ phía Washington.

Theo giới phân tích, việc các chính quyền Mỹ nhiều lần từ chối các đề xuất đối thoại từ phía Tehran cho thấy chính sách ngoại giao của Mỹ đối với Trung Đông được định hướng không chỉ bởi lợi ích quốc gia, mà còn bởi nhu cầu của các tập đoàn công nghiệp-quân sự muốn duy trì mối đe dọa thường xuyên từ bên ngoài, nhằm biện minh cho "số tiền khổng lồ" mà các tập đoàn này nhận được từ ngân sách. Trong mọi trường hợp, ban đầu Mỹ luôn tìm được lý do "hợp lý" để nhằm mục tiêu vào một nước nào đó bằng cách cáo buộc nước đó "tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân" hay "hỗ trợ khủng bố".

Tổng thống Obama (trái) và người tiền nhiệm George W.Bush đều chưa dám đàm phán với Iran

Trong thập kỷ qua, nỗ lực đối thoại nổi bật nhất của Iran được Tehran đưa ra vào tháng 5-2003. Đây là một đề xuất đàm phán bằng văn bản dài hai trang về một thỏa thuận sơ bộ giữa Iran-Mỹ, bao gồm mọi vấn đề hai bên cùng quan tâm. Văn bản này đã được chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran, song Bộ Ngoại giao Mỹ không những không trả lời, mà còn "khiển trách Đại sứ Thụy Sĩ vì đã chuyển đề xuất này". Kể từ đó, Tehran đã có nhiều nỗ lực thương lượng khác, trong đó mới nhất là đề xuất đàm phán được Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đưa ra trước khi tới Mỹ để tham dự hội nghị thường niên Đại hội đồng LHQ cuối tuần trước. Như thường lệ, một lần nữa Washington lại phớt lờ đề nghị của ông Ahmadinejad gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tại sao Mỹ lại có thái độ như vậy? Tại sao các chính quyền kế của Mỹ không muốn đối thoại nhằm giải quyết xung đột với Iran, nước nằm trong các lợi ích của Mỹ? Đáp án chung cho hai câu hỏi này là chính sách ngoại giao của Mỹ, đặc biệt đối với Trung Đông, được định hướng không hẳn bởi lợi ích quốc gia, mà còn được định hướng bởi những tập đoàn thích chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt hơn là thích hòa bình và hiểu biết lẫn nhau. Đó là những tập đoàn đầu tư vào các ngành công nghiệp quân sự và những ngành kinh doanh có liên quan đến "an ninh", được biết tới dưới danh nghĩa các tổ hợp công nghiệp-quân sự. Những kẻ trục lợi từ chiến tranh sẽ không thể biện minh cho những khoản tiền kếch sù mà họ nhận được từ những đồng USD tiền thuế, nếu thiếu "các kẻ thù bên ngoài" hay "các mối đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ".

Vào thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, để bào chữa cho việc tăng chi tiêu quân sự, các tập đoàn an ninh-quân sự Mỹ đã "sáng tạo" hơn trong việc nghĩ ra (hay tạo ra - nếu cần) mối đe dọa mới đối với các lợi ích của Mỹ. Đại diện các tập đoàn này đã nghĩ ra "các mối đe dọa mới đối với lợi ích của Mỹ," trong đó chủ yếu là "trục liên minh ma quỷ", "chủ nghĩa khủng bố toàn cầu" và "chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan".

Vì sao Iran lại nằm trong thước ngắm của Mỹ như là một "mối đe dọa mới"? Chính quyền Iran có gì không ổn, hay các chính sách của Tổng thống Ahmadinejad thách thức siêu cường Mỹ? Câu trả lời hợp lý vào thời điểm hiện nay là vì Iran đã phá vỡ hình mẫu thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở Trung Đông. "Tội" duy nhất của Iran (theo quan điểm của các đế quốc) là cố trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Tất cả các "tội khác" như "tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân" hay "hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố," chỉ là những cái cớ được tạo ra để trừng phạt Iran vì đã cố thực hiện các quyền dân tộc của một đất nước có chủ quyền.

Minh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét