Cập nhật 20:07 ngày 05-10-2010 |
Bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội (phải) gắn biển Công trình kỷ niệm 1.000 năm cho Con đường gốm sứ. |
NDĐT – Hôm nay 5-10, Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã khánh thành và được gắn biến Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Công trình nghệ thuật công cộng này cũng được tổ chức Guiness thế giới chính thức công nhận là Bức tranh ghép gốm sứ dài nhất thế giới.
Cách đây bốn năm, ý tưởng về con đường ghép những bức tranh gắn gốm chạy dọc theo bờ đê sông Hồng được “công bố” trong một cuộc triển lãm tranh gốm ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học. Khi đó, nhiều người đã nghĩ rằng, ý tưởng của hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ đẹp và lãng mạn, nhưng khó trở thành hiện thực.
Đại diện Guiness thế giới trao bằng chứng nhận kỷ lục bức tranh gốm cho lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Bây giờ, những người tham gia giao thông dọc theo tuyến đường từ đê Yên Phụ, từ phía bên này cửa khẩu An Dương, dọc theo Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, kéo dài đến tận cửa khẩu Vạn Kiếp hẳn sẽ có nhiều người bất ngờ: Cả một bức tường xi măng trơ trụi chạy dài suốt theo dọc con đê đã được thay thế bằng những màu sắc rực rỡ, những hoạ tiết, hoa văn, hình ảnh phong phú. Hàng triệu mảnh gốm đủ kích cỡ, hàng trăm bức phù điêu, hàng nghìn bức tranh… đã làm nên một con đường rực rỡ nhất Hà Nội.
Những con số… kỷ lục
Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, sau bốn năm thực hiện, Dự án Con đường Gốm sứ đã tập hợp công sức và sự sáng tạo của 20 hoạ sĩ Việt Nam, 15 hoạ sĩ quốc tế từ 10 nước, 500 em thiếu nhi Việt Nam và nước ngoài, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ các làng gốm truyền thống. Hơn 100 viên gạch nghệ thuật được gửi từ Hungary, Mexico, Brazil, Argentina, Mỹ, Đài Loan, Croatia, Cuba… dành tặng Hà Nội được gắn trên con đường gốm sứ. Dự án khởi đầu với mong muốn tôn vinh gốm Việt, cũng đã có sự góp mặt của sáu làng gốm truyền thống, gồm Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc. Dự án cũng thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài trợ kinh phí.
Đoạn tranh gốm sứ trên tường đê Trần Quang Khải.
Tính đến hôm nay, Con đường gốm sứ đã có độ dài 3850m, tổng diện tích 6.950m2. Trong đó, đoạn tranh liền mạch có chiều dài 810m, đã được Tổ chức Guiness thế giới công nhận là bức tranh gắn gốm dài nhất thế giới.
Có mặt tại Hà Nội ngày hôm nay để công bố và trao bằng chứng nhận kỷ lục này cho Con đường gốm sứ, bà Beatriz Garcia Fernandez, đại diện của Guiness thế giới cho biết: Kỷ lục Guiness chỉ công nhận một bức tranh gốm khi đó là những đoạn ghép gốm có bề mặt liền nhau. Tuy con đường gốm sứ có độ dài gần 4km và tổng diện tích lên đến gần 7000m2 nhưng lại bị phân cách bởi các cửa khẩu nên không thể được coi là bức tranh duy nhất. Đây là công trình có nhiều đoạn tranh hợp thành. Và sau khi đo đạc, thẩm định, chưa tính đến toàn bộ công trình, các chuyên gia của Guiness thế giới đã công nhận đoạn tranh với hoa văn mang chủ đề “Hoa văn Việt Nam trong dòng chảy lịch sử” (kéo dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Tân Ấp trên phố Yên Phụ) là đạt kỷ lục bức tranh gốm dài nhất của thế giới, phá vỡ kỷ lục trước đó của một bức tranh có chiều dài hơn 200m ở TP. Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc).
Đoạn tranh tái hiện những tác phẩm của danh hoạ Bùi Xuân Phái.
Không chỉ là những con số, đại diện của Guiness thế giới cũng ngạc nhiên và ấn tượng bởi tính đa dạng của công trình nghệ thuật công cộng này. Đó là sự đa dạng về phong cách thể hiện, chủ đề, kỹ thuật, chất liệu. Những hoạ tiết, hoa văn trang trí được tái hiện từ nền văn hóa Đông Sơn đến các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, từ nét biểu trưng văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, văn hóa vùng miền, từ nét vẽ thơ ngây của các em thiếu nhi, những ngẫu hứng của các hoạ sĩ đương đại, đến những tác phẩm “kinh điển” của các danh hoạ nổi tiếng… đã làm nên một con đường gốm sứ độc đáo chưa từng có.
Hình ảnh đẹp trên Con đường Gốm sứ.
Vì tình yêu Hà Nội
Với dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng, năm 2008, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ đã được trao giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Và mới đây, Nguyễn Thu Thủy cũng được thành phố Hà Nội trao danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ (giữa) cùng gắn những mảnh gốm lên bức tường đê.
Nhớ về những ngày đầu đeo đuổi dự án lãng mạn này, hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ nói rằng, bởi mình mơ mộng và lãng mạn, nên Con đường gốm sứ mới trở thành hiện thực. Không phải từ cách đây bốn năm, mà ý tưởng về những bức tranh gốm ngoài trời đã được Nguyễn Thu Thuỷ ấp ủ từ nhiều năm trước. Năm 2003, Khu di tích khảo cổ Hoàng Thành được phát lộ. “Mê mẩn” những bức phù điêu, những nét chạm khắc, những hoa văn hoạ tiết trên đồ gốm… từ những mảnh vỡ hiện vật khai quật được tại đây, chị đã nghĩ đến việc tìm cách tái hiện chúng trên những chất liệu khác, hình thức khác.
Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ (ngoài cùng bên phải) làm việc cùng với các hoạ sĩ quốc tế tại làng gốm Bát Tràng.
Sau này, khi Con đường gốm sứ đã thành hiện thực, bà Katherin Muler, Trưởng văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội đã gọi sự liên tưởng này là “những gắn kết mật thiết”. Những khai quật khảo cổ của Hoàng thành là nguồn cảm hứng để họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ khởi xướng dự án này.
Một lý do nữa để thúc đẩy chị thực hiện dự án, chính là mong ước được tôn vinh một nghề truyền thống có từ lâu đời và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt. Vẻ mộc mạc mà tinh tế của đồ gốm, qua những đồ gia dụng mà chị nhìn thấy khi lang thang về các làng gốm cổ truyền, cũng như qua các hiện vật khảo cổ, đã cho chị một sự liên hệ rõ ràng. Miêu tả một dòng chảy lịch sử trên chất liệu gốm chính là cách mà chị muốn tôn vinh nghề truyền thống lâu đời và tốt đẹp của cha ông.
Nghệ sĩ Tây Ban Nha Louis Lambert làm việc trên Con đường Gốm sứ.
Chưa nói đến chuyện phải tính toán kỹ thuật, suy nghĩ để tìm chủ đề, thiết kế tổng thể bức tranh sao cho phù hợp, giai đoạn đầu thực hiện dự án đã gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí. Người thân của họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ cho biết, chị đã phải lần lượt bán cả hai chiếc xe cổ của gia đình để lấy tiền làm dự án.
Nhưng, có lẽ cũng vì tình yêu Hà Nội, mà chỉ một thời gian ngắn, dự án đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Cũng còn nhiều ý kiến chưa hài lòng về tính nghệ thuật trong bức tranh tổng thể, cũng như có người cho rằng vì dự án phải dựa vào nguồn lực “xã hội hoá” từ sự tài trợ của các doanh nghiệp, nên không tránh khỏi phần nào bị “thương mại hoá”.
Bà Katherin Muler nhận xét: “Chị Thuỷ đã tập hợp được nhiều tổ chức nhà nước, tư nhân và quốc tế khác nhau, để tạo nên những hình mẫu trang trí kết hợp văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản, truyền tải những giá trị này một cách hấp dẫn và dễ hiểu. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của công chúng và nhắc nhở chúng ta rằng, di sản thuộc về nhân dân”.
MINH NHẬT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét