Yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân, tàu cá Việt

Yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân, tàu cá Việt -- Vietnam+ (VietnamPlus) --- 06/10/2010:
06/10/2010 | 08:12:00


Ngày 11/9/2010, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Sau khi nhận được thông tin nêu trên, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tiến hành xác minh và được biết tàu cá và 9 ngư dân nêu trên là của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đi đánh bắt, tàu cá nêu trên chỉ mang theo các ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá...

Từ đó đến nay, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau tại Hà Nội và Bắc Kinh.

Ngày 21/9/2010, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã chính thức gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh việc lực lượng ngư chính Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt động nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc nhanh chóng thả vô điều kiện tàu cá và toàn bộ ngư dân nói trên.

Ngày 5/10, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc gặp đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và nói rằng do tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt chủ tàu và đã thông báo cho gia đình những người bị bắt về quyết định nêu trên; sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân.

Tại cuộc gặp trên, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối quyết định xử lý của phía Trung Quốc đối với chủ tàu QNg 66478TS, nhấn mạnh lý do bắt giữ và xử phạt của phía Trung Quốc đối với chủ tàu nêu trên là phi lý, khẳng định rõ tàu cá QNg 66478TS hoạt động bình thường tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trên tàu cá QNg 66478TS không có chất nổ, ngay trong thông báo ngày 15/9/2010 của Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng không đề cập đến việc tàu cá nêu trên có mang theo chất nổ.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc xử lý vấn đề ngư dân, thả ngay và vô điều kiện các ngư dân và tàu cá QNg 66478TS./.

(TTXVN/Vietnam+)

tuanvietnam.vietnamnet.vn:

Trung Quốc lại "nói một đường, làm một nẻo"

Trong khi Trung Quốc tăng cường áp lực ngoại giao và bày tỏ sự phẫn nộ đối với việc Nhật Bản giam giữ thuyền trưởng đánh cá nước này thì họ lại bắt giữ và đòi tiền chuộc đối với hàng trăm ngư dân Việt đánh cá ở khu vực tranh chấp quần đảo Hoàng Sa.

>>Yêu cầu Trung Quốc thả vô điều kiện tàu cá Việt Nam

Hãy tưởng tượng rằng thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc hiện đang bị giam giữ ở Nhật Bản không phải là một cá nhân đơn lẻ mà là một trong vài trăm người bị bắt và giam giữ trong 18 tháng qua. Hãy tưởng tượng rằng một số tàu thuyền của họ bị đâm và đánh chìm; trong khi họ bị bắt giữ.

Giả sử họ bị giam giữ có khi đã nhiều tháng và Nhật Bản chỉ thả người sau khi mỗi người phải trả hàng nghìn đôla. Chính phủ của họ từ chối việc chi trả để chuộc người nhưng một số gia đình vì quá mong mỏi gặp cha, con trai và chồng nên đã lặng lẽ thanh toán hết. Nhiều tin đồn lan truyền đi rằng một số người đã bị bắn.

Tôi đã đặt kịch bản này với một người bạn là sinh viên đại lục. Anh ta bị sốc. "Tôi thậm chí không thể tưởng tượng được kết quả", anh nói. "Sẽ nảy sinh sự phẫn nộ nhằm vào chính phủ Nhật Bản và tôi tin rằng một người Nhật bình thường không thể an toàn khi ở Trung Quốc".

Chắc chắn Trung Quốc không chịu nổi khi nghĩ về kịch bản này. Hiện giờ đã có "cơn sốt" áp lực ngoại giao và xã hội ở Tokyo do việc giam giữ thuyền trưởng còn tiếp tục.

Tuy nhiên, kịch bản này đã xảy ra, nhưng không liên quan đến việc lực lượng bảo vệ biển Nhật Bản chống lại các tàu đánh cá Trung Quốc gần khu vực các đảo đang tranh chấp ở biển Hoa Đông. Thay vào đó, nó đại diện cho hành động của các tàu Trung Quốc đối với các ngư dân Việt Nam trong khu vực tranh chấp biển Đông. Thay vì quần đảo Điếu Ngư, hầu hết các vụ bắt giữ xảy ra ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa - nơi hai nước cùng tuyên bố chủ quyền và Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã đệ đơn kháng cáo chính thức trong khi báo chí khơi ra những câu chuyện về nỗi đau của thân nhân khi chờ đợi tin tức. Dưới áp lực của các nhà ngoại giao Trung Quốc, các quan chức chính phủ Việt Nam đã cố gắng giữ để những căng thẳng quốc gia không lan ra thành các cuộc biểu tình trên đường phố.

Tình huống này có thể làm mất uy tín Trung Quốc, bất kể là đúng hay sai trong vấn đề Điếu Ngư hoặc việc bồi thường cho ngư dân Việt Nam - những người cũng đã bị giam giữ ở Indonesia và Malaysia trong những năm gần đây.

Đối với các quan chức trong khu vực, các hành động cưỡng chế theo kiểu "nói một đường làm một nẻo" của Trung Quốc xuất hiện như là dự cảm về kỉ nguyên thống trị của Bắc Kinh.

Những vụ bắt giữ người Việt Nam chắc chắn gây tiếng vang trong các kênh ngoại giao khắp khu vực nhạy cảm này và tạo cho Mỹ một cơ hội nhảy vào.

Như mục này đã đề cập từ trước, không ai trong khu vực muốn kiềm chế Trung Quốc, nhưng họ chắc chắn không muốn bị ức hiếp hoặc thấy bản thân mình rút cục phụ thuộc vào một siêu cường duy nhất. Do đó, cân bằng trở thành mục tiêu.

Tâm trạng này đã gây tiếng vang đến Washington, quân đội Mỹ rất sợ hãi sẽ rơi vào cảnh ngộ như ngư dân Việt Nam, các quan chức Mỹ tìm cách quay lại khu vực Đông Á tưởng như đã bị lãng quên.

Kết quả là gì? Mỹ chính thức được mời đóng một vai trò quan trọng trong một tổ chức ở Đông Á là ASEAN. Đồng thời, Mỹ đã củng cố thêm ảnh hưởng của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông với Trung Quốc khi nói rằng tìm kiếm một giải pháp hòa bình và đa phương là ưu tiên ngoại giao của Mỹ - một động thái làm Bắc Kinh tức giận.

Các vấn đề này được thiết lập để tạo đà cho tháng 10 tới khi Việt Nam sẽ chủ trì cuộc họp lần đầu tiên trong lịch sử của 10 Bộ trưởng quốc phòng ASEAN với các đồng nhiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Mỹ và Nga tại Hà Nội.

Những thay đổi mang tính bước ngoặt này đối với sân khấu ngoại giao và chiến lược khu vực đã đến khi Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Vai trò này sẽ được chuyển giao cho Indonesia - nước ngày càng quả quyết trong vấn đề riêng với Trung Quốc ở biển Đông - nằm trong tầm ảnh hưởng của tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc tăng cường thái độ ngoại giao xung quanh việc bắt giữ thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc ở Nhật Bản đang khuấy động tinh thần dân tộc trên khắp Trung Quốc và khuấy động nỗi sợ hãi ở các khu vực đang nỗ lực dũng cảm đương đầu với Bắc Kinh.

  • Ngọc Tú dịch từ South China Morning Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét