Huỳnh Hoa
Chủ Nhật, 3/10/2010, 10:08 (GMT+7)
(TBKTSG) - Cuộc xung đột ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, sau khi Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) hôm 7-9, đã kết thúc sau nửa tháng căng thẳng cao độ nhưng những diễn tiến tiếp theo cho thấy tình hình ngày càng leo thang đến mức nguy hiểm.
Hãng tin AFP ngày 28-9 dẫn nguồn tin từ báo chí Nhật cho biết Trung Quốc vừa đưa thêm nhiều tàu vào khu vực quần đảo tranh chấp bất chấp cảnh báo của phía Nhật rằng họ sẽ tiếp tục bắt giữ nếu chủ quyền lãnh thổ của Nhật bị xâm phạm.
Xâu chuỗi các sự kiện diễn ra gần đây, giới phân tích nhận ra một chiến dịch gây sức ép của Trung Quốc đối với Nhật Bản, bắt đầu từ những vụ đình công đòi tăng lương của công nhân Trung Quốc trong các nhà máy do Nhật Bản đầu tư đến việc Trung Quốc ồ ạt mua đồng yen Nhật làm cho đồng tiền này tăng giá gây khó cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Rồi khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng hôm 7-9 thì Trung Quốc phản ứng bằng hàng loạt biện pháp mạnh mẽ chưa từng thấy, thậm chí Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo còn sử dụng diễn đàn Liên hiệp quốc để yêu cầu Nhật Bản trả tự do cho viên thuyền trưởng và đe dọa có thêm “nhiều biện pháp” nếu yêu cầu đó không được đáp ứng…
Trước những áp lực dồn dập và mạnh mẽ như vậy, Nhật Bản đã phải nhượng bộ và Trung Quốc coi đây là một thắng lợi lớn. Sau khi được Nhật Bản phóng thích, viên thuyền trưởng họ Chiêm trở về nhà như một anh hùng dân tộc, được máy bay thuê bao của chính phủ đưa về, được quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp ôm hoa ra sân bay đón tiếp vào lúc 4 giờ sáng.
Báo chí Trung Quốc được dịp lên lớp Nhật Bản bằng những lời lẽ ngạo mạn nhất, chẳng hạn Nhân dân nhật báo Trung Quốc số ra ngày 27-9 nhận định Nhật Bản theo “Ostrich Policy” (chính sách con đà điểu), gọi Chính phủ Nhật “mắc bệnh cận thị”, đòi Nhật Bản phải “rút ra bài học nghiêm túc từ sự kiện này” để tránh đừng chọc giận Trung Quốc trong tương lai.
“Thiệt hại trong quan hệ Trung-Nhật một lần nữa phơi bày những sai lầm nghiêm trọng - và những âm mưu bỉ ổi - của Nhật Bản trong ứng xử với Trung Quốc”, tờ báo viết.
Và “thừa thắng xông lên”, Trung Quốc ra tuyên bố đòi Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường cho vụ bắt giữ thuyền trưởng Chiêm, một yêu cầu gây sửng sốt cho các nước trong khu vực và tất nhiên bị phía Nhật bác bỏ thẳng thừng.
Quan sát vụ tranh chấp Nhật-Trung, nhiều nhà bình luận cảm thấy thất vọng trước hành động “khấu đầu” quá sớm của Nhật Bản và lo ngại việc này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ giữa Trung Quốc với các lân bang.
Đè bẹp được ý chí của Nhật trong vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, Trung Quốc sẽ có cơ sở để dấn tới mạnh mẽ hơn nữa trong việc đòi chủ quyền các quần đảo đang tranh chấp khác, không chỉ ở biển Hoa Đông mà cả ở Hoàng Hải và biển Đông.
Có nhà bình luận cho rằng, những diễn biến trong hai tuần qua đã làm phơi bày sự thật đằng sau chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, làm tiêu tan những nỗ lực xây dựng “quyền lực mềm” mà nước này thực hiện trong hai thập niên qua để thu phục nhân tâm của các dân tộc láng giềng thông qua viện trợ, cho vay và hợp tác kinh tế.
Nhưng ở một góc độ khác, đối lập với thái độ ôn hòa của Chính phủ Nhật Bản, cách hành xử của Trung Quốc càng làm cho các lân bang lo ngại, buộc họ phải tăng cường cảnh giác để ứng phó.
Tại Nhật Bản, sức ép của Trung Quốc đã đẩy chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan tiến thêm về phía Mỹ, đảo ngược chính sách ngoại giao cố hữu của đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền là tăng cường hợp tác với các nước châu Á, xa rời quỹ đạo của Mỹ được Thủ tướng Yukio Hatoyama nêu ra từ trước.
Hơn thế nữa, vụ xung đột Nhật-Trung tạo điều kiện cho các đảng chính trị đối lập lên án sự nhu nhược của chính phủ, đòi bãi bỏ điều 9 của Hiến pháp Nhật, tiến tới tái vũ trang để tự bảo vệ đất nước. Sự ổn định của khu vực Đông Á chắc chắn sẽ xáo trộn lớn nếu Nhật Bản lao vào cuộc chạy đua giành thế thượng phong về quân sự với Trung Quốc.
Tại Hàn Quốc, báo Korea Herald ngày 27-9 cho biết tâm lý bất an đang lên cao trước một ông láng giềng “đang vênh váo về sức mạnh kinh tế và quân sự gia tăng nhanh chóng”. Người Hàn Quốc đã khó chịu khi Trung Quốc tỏ ý bao che cho Bắc Triều Tiên trong sự cố đánh chìm tàu Cheonan hồi tháng 4, nay lại càng có thêm lý do để lo ngại.
Và theo nhiều nhà quan sát, kẻ thủ lợi thực sự trong vụ xung đột này lại là Mỹ. Chính quyền của Tổng thống B. Obama đang quay trở lại Đông Á, tìm cách khôi phục ảnh hưởng về kinh tế và quân sự đã bị xuống cấp trong thời kỳ Tổng thống George Bush.
Cái bóng của Trung Quốc càng đè nặng lên toàn khu vực thì người Mỹ càng có lý do để dấn tới, làm một thứ đối trọng, cả về kinh tế lẫn an ninh với Trung Quốc, vừa giải quyết quyền lợi quốc gia của Mỹ vừa đáp ứng nhu cầu của các nước nhỏ, muốn được phát triển trong một môi trường ổn định, hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Các cuộc hội đàm cấp cao giữa Mỹ với Nhật Bản và ASEAN bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong tuần qua là minh chứng cho xu thế hợp tác ấy.
Trong lĩnh vực kinh tế, báo chí Nhật nhận định, việc Trung Quốc gây sức ép bằng cách âm thầm cấm xuất khẩu đất hiếm, gây chậm trễ về kiểm hóa… cho thấy đây là một đối tác không đáng tin cậy, cho nên các doanh nghiệp Nhật phải suy nghĩ lại về quan hệ làm ăn với Trung Quốc.
Từ Singapore, báo Straits Times nhận định: “Các doanh nghiệp Nhật, hoảng hốt trước những biểu hiện mới nhất của sự thù địch mà Chính phủ Trung Quốc trưng ra, cùng với đòi hỏi ngày càng tăng của công nhân Trung Quốc, có khả năng sẽ phải rút dần đầu tư và chuyển nhà máy sang các nước có lao động rẻ hơn như Việt Nam và Indonesia”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét