Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận

NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ:
Cập nhật lúc 16:49, Thứ ba, 27/09/2011 (GMT+7)

Thiếu nữ Chăm đi vui lễ hội.
NDĐT- Sáng 27- 9, hàng nghìn du khách và người dân địa phương đã tựu về Tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm, nơi thờ vị vua Pô Klong Garai (1151 – 1205) là người được dân tộc Chăm suy tôn là “Thần Thủy lợi” để xem các nghi thức chính của lễ hội Katê năm 2011.

Lễ hội Katê là dịp để người Chăm tưởng nhớ về tổ tiên, các vị thần đã độ trì làm mưa thuận gió hòa cho bà con sản xuất được mùa, mọi gia đình được no cơm ấm áo. Lễ hội là một tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị kỹ và mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm để cùng hòa với nền văn hóa của các dân tộc anh em, góp phần làm cho “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú.

Một ngày trước khi diễn ra lễ hội chính thức, tại các Đền tháp Pô Nưgar ở thôn Hữu Đức, Tháp Pô Rômê ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước hàng nghìn đồng bào dân tộc Chăm, Raglai đã tề tựu để làm lễ đón rước y trang của Nữ thần Pô Nưgar – Thần mẹ thủy tổ của người Chăm. Tương truyền vị thần này đã dạy cho con cháu trồng lúa, trồng bông, dệt vải và các phong tục cúng trong lễ hội được lưu giữ cho đến ngày nay.

Trong không khí trang trọng của lễ hội tại Tháp PôKlong Garai, Cả sư Trượng Định thay mặt đồng bào Chăm bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước đã chăm lo cho đời sống của đồng bào Chăm và các dân tộc anh em trong tỉnh; khấu tạ các vị thần đã độ trì cho đất nước bình an, con cháu làm ăn khấm khá, được no cơm ấm áo. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí, nên các làng nghề truyền thống như: nghề dệt thổ cẩm làng gốm Bàu Trúc… được khôi phục và phát triển mạnh trở lại, nhiều sản phẩm làm ra đã theo chân hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước khi đến Ninh Thuận. Và điều đáng ghi nhận hơn nữa ở tất cả các làng Chăm là số thanh niên theo học tại các trường đại học; cao đẳng hàng năm tăng đáng kể. Nhiều gia đình ở xã Phước Thuận; làng Mỹ Nghiệp; thị trấn Phước Dân… có đến ba, bốn người con theo học cao đẳng, đại học. Phong trào khuyến học trong cộng đồng người Chăm ngày phát triển mạnh mẽ. Các nghi thức của lễ hội Katê kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã đến dự, tặng quà chúc mừng các vị chức sắc và đồng bào Chăm, không khí lễ hội càng nhộn nhịp hơn bởi nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thu hút đông đảo người dân đến chung vui với tiếng trống Ginăng, tiếng kèn Saranai và vũ điệu truyền thống của thiếu nữ Chăm.Giờ đây, có thể nói Lễ hội Katê không còn là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, RaGlai ở Ninh Thuận.

NGUYỄN TRUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét