27/09/2011 08:55
Dân luôn ủng hộ cảnh sát mạnh tay với những kẻ côn đồ. Ảnh: Lê Việt |
Trong thời gian này, báo điện tử VTC News cũng đã cử PV theo sát những hoạt động của các tổ công tác trên địa bàn thành phố, kịp thời tuyên truyền thông tin rộng rãi tới nhân dân Thủ đô về những kết quả ban đầu mà kế hoạch 141 đã mang lại. Trong thời gian đó, nhiều bài viết, nhiều video clip về chiến công của các chiến sĩ được đăng tải đã tạo lên một diễn đàn bàn luận sôi nổi trong độc giả về chiến dịch trên.
Báo điện tử VTC News đã nhận được rất nhiều câu hỏi của độc giả từ khắp mọi miền đất nước gửi về để tìm hiểu và chia sẻ công việc của các chiến sĩ Công an TP. Hà Nội trong chiến dịch rất có ý nghĩa này.
Với mục đích tăng cường tuyên truyền cho công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên mặt trận tư tưởng, Báo điện tử VTC News quyết định tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến mang tên “Cùng công an quét sạch cái ác” tới độc giả khắp cả nước thông qua các câu hỏi của người dân và câu trả lời trực tiếp của các lãnh đạo Công an TP. Hà Nội tại địa chỉ: http://vtc.vn.
Mục đích của chương trình mong muốn nâng cao hơn nữa nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân Hà Nội cũng như nhân dân trong cả nước trong việc chấp hành luật lệ giao thông và luật pháp nói chung. Từ đó nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa những hành vi vi phạm, chống đối, coi thường luật pháp của những người tham gia giao thông.
Chương trình giao lưu có sự tham gia của:
- Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an TP. Hà Nội.
- Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội.
- Đại tá Phạm Văn Hưng – Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ, Công an TP. Hà Nội.
- Thượng tá Đào Thanh Hải – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP. Hà Nội.
Buổi giao lưu diễn ra từ 9 giờ sáng hôm nay tại tòa soạn báo điện tử VTC News, tầng 2 số 46/230 – Lạc Trung – Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Lãnh đạo Công an Thành phố Hà nội và TBT Báo điện tử VTC News |
- Bạn đọc Nguyễn Phương An (24 tuổi, Hà Nội): Là người dân Hà Nội tôi rất ủng hộ kế hoạch triển khai ra quân trấn áp tội phạm lần này của các chiến sỹ CAHN. Tuy nhiên có một điều tôi rất băn khoăn đó là chiến dịch này chỉ kéo dài đến hết tháng 10/2011. Tại sao CAHN không tiếp tục duy trì chiến dịch?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Tôi rất hoan nghênh độc giả, nhưng CAHN đề ra 3 tháng là để trấn áp tội phạm và sẽ căn cứ tình hình phạm pháp trên địa bản thành phố để có kế hoạch triển khai tiếp. Trong kế hoạch 130 có một kế hoạch trấn áp tội phạm côn đồ, hung hãn, chuyên gây án ở nơi công cộng và trên đường phố từ mâu thuẫn trên đường phố hoặc các nơi ăn uống công cộng, kế hoạch này không chỉ làm đến ngày 30/10. Đề ra như vậy là để chia từng thời kỳ, để dễ đánh giá hiệu quả, không có nghĩa đến đó là không làm nữa mà chỉ để đánh giá. Sau ngày đó có thể làm tiếp, làm đến bao giờ Hà Nội bình yên, không còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Khi nào Thủ đô còn tội phạm thì chúng tôi vẫn sẽ làm quyết liệt.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an TP. Hà Nội đang tham gia giao lưu |
- Bạn đọc Kiều Vương Thanh (Hà Nội): Hiệu quả của kế hoạch 141 có thể nhìn thấy rất rõ đó chính là sự ủng hộ của những người dân Hà thành như chúng tôi. Chúng tôi xin hoan nghênh việc triển khai hành động của tổ liên ngành CSCĐ, CSGT, CSHS trong việc trấn áp tội phạm, vi phạm giao thông.
Tuy nhiên, hiện nay tôi thấy tình trạng xe ben, xe tải ganh đua, chạy bạt mạng, phóng ầm ầm ngoài đường rất nguy hiểm, thậm chí chạy bất kể ngày đêm, chạy trái giờ quy định, trái tuyến rất nhiều song thấy rất ít lực lượng tham gia xử phạt. Trước đây tôi có đọc loạt bài về hung thần xe ben của Báo điện tử VTC News phản ánh, song không thấy lực lượng CAHN tham gia xử lý tình trạng này.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Theo quyết định 09 của Uỷ ban Thành phố có quy định rõ các loại xe nào được chạy trong tuyến đường nào và theo giờ quy định đúng. Nếu xe tải, xe ben muốn chạy vào trung tâm thành phố phải chạy ngoài giờ cao điểm và vào ban đêm. Các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng có vào nội thành, nhưng phải đúng giờ, đúng tuyến quy định.
Trước tình trạng này, ngay từ đầu năm 2011, Giám đốc công an Thành phố đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với thanh tra giao thông vận tải, và lực lượng công an ở các quận, phường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên. Tính đến nay, đã có hơn 3.000 trường hợp vi phạm bị xử lý và chúng tôi đã tạm giữ hơn 100 trường hợp vi phạm. Mọi người đều thấy tình trạng vi phạm đã giảm cơ bản, nhưng nếu những trường hợp này còn vi phạm nhiều thì tình trạng ùn tắc giao thông còn phức tạp hơn nữa.
- Bạn đọc Nguyễn Quang Hải (26 tuổi, công chức, Hà Nội): Với những đối tượng vi phạm trong đợt ra quân triển khai chiến dịch 141 thì hình thức xử lý sẽ được tiến hành như thế nào? Hay đơn giản chỉ là lập hồ sơ, nộp phạt hành chính rồi lại thôi. CAHN có đưa biên bản về tận gia đình, địa bàn nơi cư trú của những đối tượng này để răn đe, cảnh báo và giáo dục họ hay không?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Đồng chí Giám đốc CATP đã nói rất rõ quan điểm để thành lập các lực lượng liên quân theo kế hoạch 141 của CATP trong việc đấu tranh trấn áp đối với các đối tượng thanh niên vi phạm luật giao thông, càn quấy, chống người thi hành công vụ…
Trong thời gian qua, lực lượng này đã xử lý hàng ngàn trường hợp trong đó có những trường hợp vi phạm giao thông đường bộ như không có mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, không đủ tuổi đã điều khiển phương tiện…và những trường hợp quá trình kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm như tàng trữ vũ khí thô sơ.
Nếu tàng trữ vũ khí thô sơ trái phép thì xử lý theo Nghị định 73 của Thủ tướng Chính phủ, nếu có dấu hiệu tội phạm về ma tuý, hình sự … thì chuyển đối tượng cùng tang vật cho các phòng chức năng công an các quận, để điều tra theo quy định và mức độ vi phạm đến đâu thì áp dụng heo bộ luật hình sự để xử lý đến đó. Thực tế đã xử lý nhiều vụ việc trong quá trình kiểm tra của tổ liên quân theo kế hoạch 141 đã bàn giao cho địa phương, cơ quan và gia đình.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đang trả lời độc giả |
- Bạn đọc Nguyễn Phương Chi (26 tuổi, Hà Nội): Kế hoạch 141 được triển khai từ cuối tháng 7/2011 trong khi đó tình trạng vi phạm giao thông lẫn vi phạm pháp luật của các băng nhóm, đối tượng lại xuất hiện từ trước đó rất lâu. Phải chăng việc triển khai kế hoạch lần này là quá muộn so với những gì đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội? Và phải chăng đây chỉ là biện pháp mà CAHN thực hiện chỉ để nhằm cải thiện tình hình trong khi không có biện pháp ngăn chặn các loại tội phạm?
Thượng tá Đào Thanh Hải: Có thể khẳng định Công an Thành phố Hà Nội là một trong những cơ quan đi đầu cả nước về công tác phòng ngừa và trấn áp tội phạm, từ khi sát nhập cả Hà Nội và Hà Tây, mặc dù dân số được mở rộng, địa bàn mở rộng nhưng qua các năm tình hình tội phạm được kiềm chế và làm giảm. Ví dụ 2008 xảy ra 5.883 vụ, đến năm 2009 còn 5.641 vụ. Sáu tháng đầu năm 2011 xảy ra 2.487 vụ, so với 6 tháng đầu năm 2010 giảm 544 vụ (giảm 18%).
Tình hình an ninh thế giới và kinh tế thế giới có tác động xấu đến kinh tế và xã hội VN.., tình hình tội phạm cũng diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc dùng các vũ khí nóng, từ cái nhìn đến cách cư xử dẫn đến những vụ án thương tâm.
Giám đốc CA TP quyết định thành lập các đơn vị đặc biệt trấn áp tội phạm kịp thời, đem lại sự bình yên cho Thành phố. Đây là một việc làm cần thiết và kịp thời.
Thượng tá Đào Thanh Hải – Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP. Hà Nội đang giao lưu trực tuyến cùng độc giả |
- Bạn đọc Lê Hoàng Lan (27 tuổi, Hà Nội): Hiện nay các loại tội phạm hoạt động theo hình thức xã hội đen từ công khai cho đến lén lút khi cần mới ra mặt đang có xu hướng gia tăng. Hoạt động của các băng nhóm này gây bất an cho người dân. Vậy CAHN đã có biện pháp gì để ngăn chặn các băng nhóm này để người dân Hà Nội yên tâm trong sinh hoạt hằng ngày?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Xin cảm ơn độc giả Lê Hoàng Lan đã gửi câu hỏi đến Trung đoàn CSCĐ. Công tác phòng ngừa và trấn áp tội phạm là của lực lượng công an nói chung, đối với lực lượng CSCĐ ngoài những nhiệm vụ được Công an Thành phố giao cho, bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn thành phố. Công tác tuần tra, kiểm soát là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSCD.
Mỗi một đêm có trên 100 tổ tuần tra, kiểm soát với quân số từ 500-600. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, mỗi một năm phát hiện, bắt giữ 600-800 vụ và gần 1.000 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự. Trong đó có nhiều đối tượng trộm cắp, cướp của, giết người, đâm thuê, chém mướn, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Có những vụ tới 20 bánh heroin, có những vụ đối tượng vừa giết người đang trên đường chạy trốn đã được lực lượng CSCĐ phát hiện, bắt giữ. Có những vụ đối tượng hối lộ hàng trăm ngàn USD nhưng với tinh thần kiên quyết trấn áp tội phạm, lực lượng CSCĐ đã phối hợp với các lực lượng CA thành phố, góp phần làm giảm tội phạm hình sự trên địa bàn Thủ đô.
Đại tá Phạm Văn Hưng – Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ, Công an TP. Hà Nội. |
- Bạn đọc Lê Minh Hải (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): Lực lượng cảnh sát cơ động đã huy động bao nhiêu lực lượng tham gia chiến dịch 141 này? Kể từ khi chiến dịch diễn ra lực lượng CSCĐ có những khó khăn và thuận lợi nào? Kết quả thời gian đầu thực hiện ra sao thưa ông?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Thực hiện kế hoạch 141 của CA Thành phố, Trung đoàn CSCĐ đã phối hợp với lực lượng CSHS, CSCĐ thành lập tổ liên quân đặc biệt nhằm phòng ngừa xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm hình sự, đặc biệt các băng ổ nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Để thực hiện kế hoạch 141, Trung đoàn CSCĐ đã huy động lực lượng trực tiếp tham gia vào lực lượng liên quân, ngoài ra Trung đoàn CSCĐ còn thường xuyên huy động lực lượng quân số cao nhất, đặc biệt trong các ngày lễ thứ 7, chủ nhật để góp phần cùng các lực lượng Công an Thành phố đấu tranh làm giảm các loại tội phạm.
Thông qua thực hiện kế hoạch 141, thuận lợi đối với lực lượng CSCĐ, trước hết là được sự chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc CA Thành phố và sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô nên bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên thông qua hoạt động còn có những khó khăn, lực lượng tham gia đấu tranh tội phạm trên địa bàn thành phố vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng với thực tế đảm bảo an ninh thành phố.
Thông qua hoạt động của các đối tượng, việc không chấp hành, cản trở, chống lại lực lượng thi hành công vụ vẫn còn. Một số đối tượng đã bỏ phương tiện, buộc lực lượng phải sử dụng các phương tiện để đưa về trụ sở. Phần lớn các đối tượng hoạt động ban đêm nên khi thu thập chứng cứ, “người làm chứng” gặp nhiều
khó khăn. Ý thức chấp hành của những người đi kiểm tra chưa ủng hộ lực lượng khi thi hành công vụ.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Trưởng phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội. |
- Bạn đọc Minh Hà (học sinh THPT Chu Văn An, Hà Nội): Tôi thấy có nhiều trường hợp vi phạm bị công an bắt giữ tuy nhiên họ chỉ cần rút điện thoại gọi cho ai đó sau đó nhanh chóng được tha. Vậy phải chăng có sự nể nang trong công tác xử phạt và lực lượng tổ công tác đặc biệt vẫn chưa được toàn quyền quyết định trong mọi tình huống xử phạt người vi phạm giao thông?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Trước hết, tôi phải nói rằng lực lượng CSGT làm nhiệm vụ ở ngoài địa bàn đa số thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định và mọi hành vi vi phạm đều được xử lý công bằng trước pháp luật. Thực tế, tính nghiêm túc chấp hành các quy định và xử lý công bằng khách quan nên đã góp phần rất tốt trong vấn đề đảm bảo an toàn giao thông của Thành phố Hà Nội với tình hình hạ tầng giao thông còn đang rất khó khăn, phương tiện gia tăng không cân đối với hạ tầng giao thông, ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông còn nhiều yếu kém.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, lực lượng CSGT gặp phải gia đình đưa người bệnh đi cấp cứu hoặc có khó khăn đặc biệt đối với các trường hợp không may vi phạm (đón con nhỏ đã quá giờ quy định, đưa con (cháu) đi thi)… Còn những trường hợp cá biệt khác, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục đảm bảo khách quan, công bằng giữa những người vi phạm.
- Bạn đọc Hà Linh (34 tuổi, công nhân, huyện Mê Linh, Hà Nội): Thời gian vừa qua, trước và sau khi triển khai kế hoạch 141, có rất nhiều trường hợp Công an bị người dân lẫn người vi phạm giao thông chống đối. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Theo tôi, cũng không có nhiều trường hợp như vậy. Hiện tượng chống người thi hành công vụ từng xảy ra trước khi triển khai kế hoạch này.
Và trong quá trình triển khai kế hoạch 141 của công an thành phố, tình trạng này vẫn còn xảy ra. Ở đây, chúng ta phải thấy một bộ phận thanh niên, một bộ phận những người vi phạm coi thường pháp luật, côn đồ, hung hãn, thiếu hiểu biết, thiếu sự tu dưỡng của bản thân, sự dạy dỗ giúp sức của gia đình hoặc nơi công tác, cư trú.
Vấn đề thứ 2, trong quy định của pháp luật cũng cần quy định các chế tài để xử lý đối với những hành vi này nghiêm minh hơn. Nhưng quan trọng hơn cả là phải tạo nên được sự lên án mạnh mẽ của xã hội đối với những hành vi này.
Riêng đối với lực lượng Công an Thành phố nói chung, lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng, đều được Giám đốc Công an thành phố quán triệt phải xử lý nghiêm khắc với những hành vi chống người thi hành công vụ.
Song song với việc đó, là việc chấn chỉnh tư thế, tác phong tập huấn, điều lệnh, ứng xử và tập huấn nghiệp vụ cũng như trang bị từng bước công cụ hỗ trợ, vũ khí để trấn áp kịp thời các hành vi chống đối cũng như hạn chế tối đa những người vi phạm, đối tượng lợi dụng những sơ hở của người thi hành công vụ để chống đối.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an TP. Hà Nội. |
- Bạn đọc Lê Minh Thảo (Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội): Kế hoạch 141 thực hiện được gần 2 tháng nhưng có thể thấy trên đường phố Hà Nội vẫn có không ít người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vẫn lạng lách trên đường và hình ảnh chở 3 người trên xe gắn máy, đặc biệt trong đó có cả những em học sinh vi phạm... Việc này không hẳn chỉ do ý thức của người tham gia giao thông kém mà phải chăng do việc tuyên truyền pháp luật giao thông chưa hiệu quả, xử lý vi phạm giao thông chưa nghiêm..., thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Bạn nói rất đúng, vấn đề vi phạm giao thông còn rất phổ biến. Khi có mặt lực lượng CSGT thì vi phạm giảm đi, nhưng khi vắng thì vi phạm lại tăng lên. Đặc biệt là một bộ phận thanh thiếu niên, biểu hiện sự coi thường pháp luật, mặc dù các lực lược CSGT, CSCĐ đã có rất nhiều cố gắng, tuy nhiên cũng chưa xử lý hết được hành vi vi phạm. Lý do, các lực lượng làm việc không đủ biên chế, ý thức một bộ phận người dân thiếu tự giác. Chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Đó chính là những nguyên nhân còn tồn tại. CAHN tiếp tục kiến nghị và đề xuất với những cấp có thẩm quyền để giải quyết.
- Bạn đọc Chu Tuấn Hùng (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội): Những vi phạm giao thông trên làm cho hình ảnh Thủ đô không đẹp trong lòng người dân, khách du lịch, bạn bè quốc tế - ngoài xử phạt vi phạm này thì sau đó theo ông còn biện pháp nào để tránh tái phạm?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Câu hỏi của bạn Hùng là rất đúng, hình ảnh về vi phạm giao thông, ảnh hưởng đến khách du lịch, đến con mắt của bạn bè quốc tế, và cũng ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô vì hòa bình và một thủ đô văn minh.
Chính vì vậy, Chính phủ cũng như Bộ Công an và Thành phố đang chỉ đạo rất quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, từ đẩy nhanh xây dựng hạ tầng giao thông, công tác tuyên truyền giao thông, nhất là với học sinh – sinh viên các trường học và tăng cường xử phạt các vi phạm này nghiêm khắc. Tuy nhiên, một trong những yếu tố rất quan trọng đó là sự tự giác của mỗi người, trách nhiệm của mỗi công dân với Thủ đô và đối với kỷ cương phép nước trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, khi tham gia giao thông phải thể hiện văn hóa.
- Bạn đọc Nguyễn Hoàng Việt (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội): Ngày 30/10 mới là mốc để sơ kết, đánh giá việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn TP, nhưng được biết chỉ trong 1 tháng qua, các lực lượng Công an Hà Nội đã điều tra, khám phá trên 300 vụ từ vi phạm hành chính đến các vụ vi phạm hình sự. Vậy theo ông, số liệu xử lý vi phạm này đã sát với thực tế chưa?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Có thể nói đây là sự nỗ lực rất lớn của các lực lượng liên quân, CSGT, CSCĐ, CSHS trong phát hiện và xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, cũng chưa thể phát hiện và xử lý hết các vi phạm được. Bởi vì, các hành vi vi phạm còn quá nhiều, nhất là về ban đêm. Và những nơi mà lực lượng chưa tuần tra, kiểm soát đến. Vấn đề xử lý hơn 300 vụ chỉ là một con số cụ thể, chứ chưa đạt được yêu cầu là tất cả các vi phạm đều bị phát hiện và xử lý.
- Bạn đọc Trần Anh Tú (Từ Liêm, Hà Nội): Ngoài xử lý lỗi vi phạm thì người vi phạm có thái độ sửng cồ với CSGT, cãi lại hoặc văng tục... hiện đang xảy ra khá phổ biến, theo ông đối với những trường hợp này thì xử lý thế nào?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Những năm gần đây, hiện tượng chống lại người thi hành công vụ, trực tiếp là CSGT, CSCĐ là khá phổ biến, thể hiện coi thường pháp luật. Những hành vi này, đều bị xử lý nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật. Có thể là xử phạt hành chính nếu hành vi ít nghiêm trọng. Có thể bị khởi tố và truy tố trước pháp luật nếu là hành vi nghiêm trọng với một thái độ rất kiên quyết và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, với các lực lượng cảnh sát, Giám đốc CATP HN cũng yêu cầu họ phải chấp hành đúng điều lệnh, lễ tiết tác phong phải đúng mức, không được có biểu hiện vi phạm, tiêu cực. Không để những sơ hở để người vi phạm bức xúc, phản kháng.
- Bạn đọc Trần Nam (45 tuổi, kiến trúc sư, TP Đà Nẵng): Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải xử lý mạnh với các hành vi vi phạm luật giao thông. Vậy Công an Hà Nội đã đề xuất những hình phạt tăng thêm nào với những người vi phạm? Hình thức xử lý với học sinh đi xe máy đến trường?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Đối với các hành vi vi phạm, đa số đã được xử lý rất nghiêm minh và đứng trước tình hình chế tài chưa đảm bảo sức răn đe đối với người vi phạm an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn của các thành phố đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM thì công an thành phố đã đề xuất với Bộ Công an và với Uỷ ban TP, đề xuất với Chính phủ tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ tại các khu trung tâm của đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM.
Vào ngày 2/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định 34CP của chính phủ để áp dụng các hình thức xử lý đối với một số hành vi vi phạm ở mức tăng cao. Ví dụ, đi sai phần đường, dừng đỗ trái quy định...
Công an thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng công an trong thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, phối hợp với các ban ngành để tuyên truyền, xử lý đối với các học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông.
Quá trình triển khai và thực hiện kế hoạch này, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp chặt chẽ với công an các quận các phường để có các bài tuyên truyền đến với học sinh của các trường, nhất là với các trường được chọn làm điểm trên địa bàn của các quận, sau đó ghi hình bí mật những trường hợp vi phạm và chuyển cho nhà trường để phối hợp cùng xử lý theo luật quy định, các hình thức thi đua do Sở GD - ĐT và các trường quy định. Đối với học sinh chưa đến tuổi, nhưng điều khiển xe máy (tức là chưa có giấy phép) sẽ bị giữ xe 10 ngày theo điều 54 của nghị định 34, sau đó sẽ bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền tuỳ theo lứa tuổi của họ, theo luật định.
- Bạn đọc Nguyễn Tuấn (55 tuổi, TP.HCM): Vừa qua tôi có thấy trên VTC News đăng tải bài viết và video clip về việc có 2 kẻ mạo danh CSHS vi phạm giao thông đã chống đối lại lực lượng 141 làm nhiệm vụ trên đoạn gần Đại học Quốc gia (Xuân Thủy, Cầu Giấy). Các đối tượng này còn có hành vi đập phá máy ảnh của nhà báo. Vụ việc này đang gây xôn xao và bức xúc trong dư luận. Tôi muốn biết CA TP.HN đã xác minh và làm rõ các đối tượng này hay chưa? Hình thức xử lý như thế nào?
Thượng tá Đào Thanh Hải: Với hai trường hợp này chúng tôi đã xác minh làm rõ. Với đối tượng tự xưng là CSHS thì thực chất chỉ là một anh bán cà phê, và theo lời khai của anh ta vào buổi tối hôm đó đã vi phạm về an toàn giao thông, cụ thể là không đội mũ bảo hiểm, xe không biển kiểm soát, không có giấy tờ, bằng lái xe, và lái xe trong tình trạng đã sử dụng bia rượu. Khi bị lực lượng làm nhiệm vụ 141 kiểm tra, người này đã có những lời lẽ và hành vi cản trở người thi hành công vụ, và tự xưng là CSHS.
Người này đã vi phạm điều 7, khoản 3, điểm A của Nghị định 73 trong việc cản trở, không chấp hành người thi hành công vụ có những hành vi, lời nói lăng mạ, xúc phạm hoặc chống lại người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức xử lý hình sự và một số lỗi vi phạm giao thông khác.
Với đối tượng đá ống kính của PV, chúng tôi đã xác minh làm rõ nhân thân, lý lịch và đang tổ chức điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ để có hình thức xứ lý nghiêm minh trước Pháp luật.
- Bạn đọc Phan Duy Kiên (28 tuổi, TPHCM): Trong đợt ra quân triển khai kế hoạch 141 rất nhiều "hàng nóng" được phát hiện trong người và cốp xe máy của các đối tượng vi phạm giao thông. Vậy trong trường hợp người dân thường như chúng tôi đi mua dao Thái Lan để gọt hoa quả hay chọc tiết lợn và về dùng cho sinh hoạt cá nhân đi trên đường về nhà lại không đội mũ bảo hiện bị CA bắt khi kiểm tra trong cốp xe thấy những đồ như thế thì hình thức xử lý thế nào?
Thượng tá Đào Thanh Hải: Trước tiên nói đến công tác Công an là nói đến công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Các cơ quan điều tra của chúng tôi có trách nhiệm điều tra, xác minh, làm rõ hành vi của người vi phạm. Với trường hợp cụ thể của bạn chúng tôi phải tiến hành điều tra xác minh làm rõ, thứ nhất là bạn mua dao có đúng để sử dụng trong công việc gia đình hay không, và để xác minh được điều này chúng tôi phải xác minh nơi bán dao xem có đúng bạn vừa mua dao không, xác minh tại gia đình của bạn, xem có đúng gia dình bạn có nhu cầu sử dụng đến những loại dao bạn vừa mua không.
Ngoài ra chúng tôi phải xác định bạn là con người như thế nào, có dấu hiệu gì nghi vấn hay không. Sau đó chúng tôi sẽ có kết luận, nếu như bạn mua dao để sử dụng trong sinh hoạt là một nhu cầu chính đáng thì bạn sẽ không bị xử lý.
- Bạn đọc Nguyễn Hùng (50 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội): Hiện nay, càng ngày càng có nhiều tội phạm trẻ tuổi. Với cương vị là một cán bộ điều tra, ông có thể giải thích vì sao có hiện tượng đó? Đặc điểm về gia đình và giáo dục của những em này là gì?
Lãnh đạo Công an TP. Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng PV, BTV Báo điện tử VTC News. |
Thượng tá Đào Thanh Hải: Đúng là trong thời gian gần đây tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, với loại tội phạm này cơ quan CA chúng tôi bao giờ cũng đặt lên yếu tố phòng ngừa, giáo dục là cao nhất, với loại tội phạm vị thành niên này, thì yếu tố phối hợp giữa cơ quan pháp luật với nhà trường, với gia đình là quan trọng nhất trong đó vai trò của gia đình phải giữ vai trò chủ đạo.
Trong thực tế, 80% trẻ em vị thành niên vi phạm đều có những hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ vi phạm pháp luật, sống trong môi trường có tính giáo dục kém, quan hệ với những bạn bè xấu, một phần cũng do ảnh hưởng của các phim ảnh đồi trụy và game online bạo lực.
- Bạn đọc Trần Mai Ánh (45 tuổi, Hà Nội): Trong thời gian tới, Phòng CSĐT CA. Hà Nội có biện pháp, mục tiêu gì để tiếp tục trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn?
Thượng tá Đào Thanh Hải: Thực tế chúng tôi vẫn đang thường xuyên tiến hành các biện pháp, giải pháp để kiềm chế sự gia tăng của tội phạm hình sự. Chúng tôi sẽ thực hiện quyết liệt hơn công tác quản lý đối tượng, đấu tranh trấn áp với các loại đối tượng côn đồ hung hãn, gây án nghiêm trọng và xử lý nghiêm trước pháp luật. Mục tiêu là làm giảm phạm pháp hình sự và làm giảm trọng án trên địa bàn TP. Hà Nội.
- Bạn đọc Vũ Đình Hoà (25 tuổi, sinh viên, Đà Nẵng): Nếu con của đồng chí đi xe vi phạm giao thông thì đồng chí sẽ xử lý thể nào?'
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Trước hết, với tư cách là Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội, tôi đã thực hiện ý kiến của Giám đốc công an Thành phố, truyền đạt ý kiến của Bộ công an và Công an thành phố với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền: Cán bộ công an phải nghiêm túc chấp hành luật pháp nói chung, luật giao thông đường bộ nói riêng và có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền người thân trong gia đình chấp hành.
Và như vậy, con tôi cũng là những đối tượng được điều chỉnh theo quy định của ngành và phải chấp hành, cũng như bị xử phạt nếu vi phạm.
- Bạn đọc Mai Hương (26 tuổi, người mẫu, TP HCM): Về tình trạng đua xe, ở TP Đà Nẵng có 1 biện pháp rất cứng rắn, đó là tịch thu, xung công quỹ đối với các phương tiện tham gia đua xe. Vậy Hà Nội học hỏi được gì và liệu có áp dụng hay không, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Các biện pháp cứng rắn đối với các hành vi đua xe trái phép đã được Công an TP Hà Nội mà cụ thể đồng chí Giám đốc trực tiếp chỉ đạo xử lý nghiêm khắc từ nhiều năm nay. Nhiều vụ việc đã bị truy tố trước pháp luật, tức là xử tù đối với những đối tượng đua xe trái phép. Còn tịch thu hay không tịch thu xe là những phương tiện để đua xe trái phép phải theo quy định của pháp luật.
Ngày 24/9 vừa qua, với văn bản 1702, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quan điểm rất rõ ràng đối với các hành vi đua xe trái phép, các phương tiện dùng để đua xe trái phép phải được tịch thu. Trong đó cũng có nêu rõ, những vấn đề nào mà trong luật chưa quy định hoặc chưa đủ sức răn đe thì Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu tập hợp nghiên cứu để đề xuất mức phạt cao hơn. Chính vì như vậy nên tình trạng đua xe ở thành phố Hà Nội đã giảm cơ bản.
- Bạn đọc Lã Anh Tuân (Hoàng Mai, Hà Nội): Theo nhận định của ông thì kết quả bước đầu triển khai Kế hoạch 141 của Công an thành phố Hà Nội về cao điểm thiết lập lại trật tự an toàn giao thông như thế nào so với những kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước đây của HN?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Vấn đề giao thông của Hà Nội trong nhiều năm vừa qua là một trong những vấn đề rất khó khăn và bức xúc của người dân, cụ thể là ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, những hành vi vi phạm luật giao thông. Trong nhiều năm qua, các ngành, các cấp của TP đã triển khai rất nhiều biện pháp để phấn đấu làm giảm tai nạn giao thông và giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, về khách quan, TP ngày càng đông dân, phương tiện tham gia giao thông tăng trưởng 1 cách nhanh chóng, nhất là ô tô và xe máy. Trong khi đó, hạ tầng về kỹ thuật giao thông không theo kịp. Vì vậy, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao. Trong những năm tới, TP đang phấn đấu đẩy nhanh tiến độ về hạ tầng giao thông, xây dựng các điểm đỗ giao thông tĩnh, các tuyến tàu điện ngầm, nổi, hệ thống xe bus để từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Lúc đó mới hy vọng là giao thông HN mới được cải thiện.
- Bạn đọc Trần Hoàng Hải (Giảng Võ, Hà Nội): Ông từng nói đây là hoạt động nơi công cộng nên tuyệt đối giữ gìn và không một đồng chí nào được có biểu hiện tiêu cực bởi vì hiệu quả công việc đang rất tốt, được dư luận đồng tình mà lại có một “vết sứt”, “vết sẹo” cho dù là nhỏ thì mọi thành quả tan biến. Vậy nếu phát hiện trường hợp tiêu cực nào từ phía công an TP thì biện pháp xử lý là thế nào?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm khắc nếu việc phát hiện các tổ công tác có biểu hiện tiêu cực. Nếu vi phạm có mức độ thì xử lý kỷ luật, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể phải xử lý bằng pháp luật. Tư tưởng chỉ đạo là không bao che, dung túng cho những điều sai trái. Có như vậy, luật mới nghiêm, vì mục tiêu bình yên cho thành phố, trong sạch cho lực lượng công an. Tôi mong nhân dân và báo chí giám sát.
- Bạn đọc Lê Thu Hà (Tây Hồ, Hà Nội): Con số những trường hợp vi phạm pháp luật giao thông bị xử lý vừa qua chắc chắn sẽ được nâng lên nhiều, nếu mô hình tuần tra liên lực lượng được cùng tổ chức ở nhiều địa bàn thì an toàn cho người tham gia giao thông nói riêng và trật tự xã hội nói chung cũng được đảm bảo hơn. Vậy CA TP có tính đến mở rộng các tổ công tác với đủ 3 lực lượng cơ động, hình sự và giao thông trên cả 29 quận huyện của TP Hà Nội không? Nếu có, bao giờ triển khai thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Chủ trương của CATP là sẽ làm quyết liệt và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự bình yên của thủ đô. Vì vậy, sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, củng cố lực lượng và triển khai tiếp ở cả thành phố, trên 29 quận, huyện, nhằm mục tiêu chống tội phạm, đảm báo trật tự an toàn giao thông, để nhân dân yên tâm phấn khởi trong công tác và lao động.
- Bạn đọc Nguyễn Viết Xuân (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội): Ông cũng từng nói: “Nếu lực lượng Công an không nghiêm trị được những đối tượng côn đồ, coi thường pháp luật thì chưa hoàn thành nhiệm vụ và có lỗi khi để người dân lo lắng” - đấy là nói chung cả lực lượng, còn cá nhân ông với vai trò là người đứng đầu lực lượng CA TP thì sao, thưa ông?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Tôi nói câu nói đó là trách nhiệm của toàn lực lượng công an thành phố và đương nhiên tôi là người đứng đầu, tôi phải chịu trách nhiệm cao nhất. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực của lực lượng CAHN, tôi cũng mong rằng nhân dân Thủ đô hãy đồng tình ủng hộ, giám sát phát hiện và cung cấp cho CA các cấp những đối tượng, con người có hành vi phạm tội, để góp phần cùng lực lượng CA đảm bảo sự bình yên cho Thủ đô. Tôi hiểu đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng không có nghĩa là không làm được, nếu nhân dân đồng tình ủng hộ, thì không có khó khăn gì không làm được.
- Bạn đọc Anh Duy (29 tuổi, Hà Nội): Vừa qua tôi có đọc trên báo phản ánh về việc có một số đối tượng vi phạm khi bị tổ công tác đặc biệt bắt giữ tự xưng là cháu của “chú Nhanh”, cháu của “chú Hưng” cơ động. Vậy thực hư của việc này là như thế nào? CAHN đã cho người về kiểm tra, xác minh và thông tin về những đối tượng này hay chưa? Với những đối tượng mạo danh làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo CAHN như thế liệu rằng có biện pháp xử lý nào mạnh tay đối với những đối tượng này không?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Tôi đã gặp nhiều lần qua điện thoại, anh em làm nhiệm vụ có nói rằng, đối tượng A, đối tượng B là người nhà người này người khác, tôi đều trả lời, anh em hãy căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể của họ để xử lý cho đúng với pháp luật, bất kể họ là ai.
- Bạn đọc Lê Hoàng Phương (58 tuổi, Hà Nội): Tôi thấy lực lượng CSHS, CSGT, CSCĐ rất vất vả trong đợt triển khai kế hoạch 141 và để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân chúng tôi. Song người dân chúng tôi lại không mấy thiện cảm với lực lượng Công an phường, trật tự phường. Dường như ở phường nào lực lượng này cũng tỏ thái độ thiếu tôn trọng người dân, rất hống hách và cửa quyền. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo Công an Hà Nội nên có buổi họp bàn riêng với lực lượng này để chấn chỉnh lại thái độ, tác phong làm việc của họ?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Tôi rất hoan nghênh ý kiến của bạn. Bạn nói rất đúng. CA cấp cơ sở tuy có nhiều cố gắng nhưng cũng để lại nhiều bức xúc cho người dân, nhất là quan hệ với dân, gần gũi nhân dân, giúp đỡ người dân….CATP đã nhiều lần tập huấn, kiểm tra chấn chỉnh và thậm chí xử lý kỷ luật những cá nhân và tập thể vi phạm, về trách nhiệm, chế độ công tác khi tiếp xúc và quan hệ với nhân dân. Tôi mong bạn cùng mọi người giám sát, phát hiện và cung cấp cho đường dây nóng của CATP để kiểm tra, xử lý.
- Bạn đọc Nguyễn Duy Phương (37 tuổi, Hà Nội): Tôi thấy bây giờ ra đường nguy hiểm lắm. Hễ mà cứ va chạm giao thông thì xảy ra đánh nhau to. Nhiều nam thanh đầu mặt bặm trợm nhìn là biết ngay không phải con nhà lành. Những đối tượng này thường o ép, bắt nạt người va chạm với mình không cần biết lỗi gì trong khi đó tâm lý người dân thường rất sợ những đối tượng này. Gọi điện báo cho Công an đến thì chưa đợi được má đã sưng. Vậy với những trường hợp như thế CAHN nên lập tổ phản ứng cực nhanh để đối phó giúp đỡ người dân? Bởi tôi thấy những trường hợp như thế ngày nào cũng diễn ra.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Câu hỏi của bạn rất đúng với thực tế hiện nay. Vì vậy, CAHN đã lập các tổ công tác đặc biệt 141 để xử lý những hành vi như bạn nói. Tuy nhiên, khi va chạm giao thông, mỗi người cũng phải tự biết ứng xử sao cho có văn hóa để tránh những bức xúc, những va chạm, nhất là đối với những thanh thiếu niên có biểu hiện côn đồ, hung hãn, đồng thời điện thoại cho CS 113, cho cảnh sát giao thông…can thiệp giải quyết.
- Bạn đọc Nguyễn Việt Dũng – TP HCM: Kính chào Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, GĐ Công an TP Hà Nội. Trước hết xin cảm ơn Trung tướng vì kế hoạch truy quét tội phạm, mang lại sự bình yên cho người dân Hà thành. Chúng tôi, những người con của đất phương Nam luôn theo dõi sát sao những tin tức an ninh, trật tự từ Thủ đô qua kế hoạch này.
Qua một vài lần trực tiếp đến với Thủ đô, chúng tôi có 1 vài cảm nhận thế này: - Trung tướng nghĩ thế nào khi có người có ý kiến cho rằng, so với TP.HCM, tình hình trật tự an ninh, an toàn giao thông còn kém xa. Cụ thể, số vụ phạm pháp hình sự, đua xe, thanh thiếu niên quậy phá ngoài đường thời gian gần đây tại Hà Nội xảy ra thường xuyên hơn, nhiều hơn ở TP.HCM, đến mức Hà Nội phải có kế hoạch truy quét đặc biệt mang tên 141?
Trong những lần đến với Thủ đô, chúng tôi thấy dường như lực lượng chức năng cho dù truy bắt những thanh thiếu niên vi phạm giao thông rất mạnh tay, nhưng vẫn còn rất nhiều người vi phạm. Theo Trung tướng nguyên nhân này do đâu? Từ thực tế địa bàn của TP.HCM, Trung tướng cho rằng Hà Nội có thể học được điều gì trong cách quản lý về trật tự an toàn giao thông?
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Tôi rất hoan nghênh câu hỏi của bạn, khi bạn đã quan tâm đến vấn đề tội phạm, an toàn trật tự giao thông của thủ đô, nếu so sánh giữa Hà Nội và TP.HCM, thì bạn hãy tìm hiểu qua báo chí, tìm hiểu qua Bộ CA, sẽ thấy rõ vấn đề tội phạm cũng như trật tự an toàn giao thông.
HN thường xuyên và rất mạnh mẽ trong trấn áp tội phạm, vì vậy, rất hiếm khi cướp tiệm vàng, cướp ngân hàng, cướp kho bạc, cướp giật trên đường phố HN, nhiều hành vi phạm tội được các lực lượng trinh sát phát hiện, triệt phá có hiệu quả. Các hành vi đua xe, các lực lượng CSGT, CSCĐ, CSHS đã chủ động ngăn chặn, bắt giữ, trấn áp và xử lý mạnh mẽ, kiên quyết, nên rất ít các vụ đua xe xảy ra. Tuy nhiên, đây là những vấn đề mà người dân rất quan tâm. Và là trách nhiệm của các lực lượng CATP.
- Bạn đọc Nam Anh (An Giang): Tại sao có những vấn đề nổi cộm trong xã hội mà ai cũng bức xúc, nhưng trong nhiều năm qua không được giải quyết triệt để, thưa ông?
Thượng tá Đào Thanh Hải: Thực tế tại trạm trung chuyển xe bus trước cổng trường ĐH Giao thông vận tải là một trạm có lưu lượng người qua lại rất đông. Những người sử dụng xe bus đều là những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên... Ý thức được vấn đề đó, lực lượng Cảnh sát hình sự Thành phố cùng lực lượng Cảnh sát hình sự quận và phường vẫn thường xuyên duy trì công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm móc túi tại đây.
Với loại đối tượng này đa phần là loại đối tượng ở tỉnh ngoài vào Hà Nội gây án, thường xuyên thay đổi địa bàn. Trong những năm qua, chúng tôi đã có quy chế phối hợp với các công ty xe bus để đấu tranh với loại tội phạm này, đã có nhiều ổ nhóm tội phạm trộm cắp, móc túi được phát hiện và xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, có một số khó khăn trong công tác xử lý tội phạm này, như có nhiều vụ án khi cơ quan CA bắt giữ do lượng tiền bị xâm hại chưa đủ quy định của pháp luật để xử lý hình sự, hoặc khi bắt giữ đối tượng không tìm được người bị hại... Vì vậy, chúng tôi cũng rất mong có sự phối hợp giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân.
- Bạn đọc Hai Lúa (48 tuổi, nông dân, Cần Thơ): Thế nào là nồng độ cồn trong máu? Tôi uống bao nhiêu rượu, bia thì vi phạm, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Theo quy định, lái ô tô thì không có nồng độ nào hết. Theo điều 8,9 của Nghị định 34 có ghi rõ nồng độ bao nhiêu thì bị phạt, và bị phạt bao nhiêu, cùng với đó là tước giấy phép lái xe. Những người tham gia giao thông phải hiểu mình được quyền gì và không được quyền gì để thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Độc giả Lê Minh Hải (32 tuổi, nhà thơ, Quảng Nam): Lực lượng cảnh sát cơ động đã huy động bao nhiêu lực lượng tham gia chiến dịch 141 này? Kể từ khi chiến dịch diễn ra lực lượng CSCĐ có những khó khăn và thuận lợi nào? Kết quả thời gian đầu thực hiện ra sao?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Để thực hiện kế hoạch 141, Trung đoàn CSCĐ đã huy động lực lượng trực tiếp tham gia vào lực lượng liên quân, ngoài ra Trung đoàn CSCĐ còn thường xuyên huy động lực lượng quân số cao nhất, đặc biệt trong các ngày lễ thứ 7, chủ nhật để góp phần cùng các lực lượng công an thành phố đấu tranh làm giảm các loại tội phạm.
Thông qua thực hiện kế hoạch 141, thuận lợi đối với lực lượng CSCĐ, trước hết là được sự chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp của Giám đốc CA thành phố và sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô nên bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên thông qua hoạt động còn có những khó khăn, lực lượng tham gia đấu tranh tội phạm trên địa bàn thành phố vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng với thực tế đảm bảo an ninh thành phố.
Tuy nhiên thông qua hoạt động còn có những khó khăn, lực lượng tham gia đấu tranh tội phạm trên địa bàn thành phố vẫn còn mỏng, chưa đáp ứng với thực tế đảm bảo an ninh thành phố.
- Bạn đọc Hoàng An (Sóc Trăng): Ông đánh giá đâu là điểm mạnh, là điểm yếu của lực lượng CSCĐ khi tham gia chiến dịch này?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Trước hết, xin cảm ơn câu hỏi của độc giả,điểm mạnh của lực lượng CSCĐ: phần lớn cán bộ chiến sĩ trẻ, có sức khỏe, năng động trong công tác, được tổ chức, tập huấn và đào tạo cơ bản như vũ thuật, kĩ chiến thuật và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, được trang bị đầy đủ các phương tiện khi thi hành công vụ.
Lực lượng CSCĐ khi làm nhiệm vụ đều tập trung, ít nhất là 4 đồng chí trở lên. Được sự chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp của cấp trên, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thủ đô, tuy nhiên vẫn tồn tại những khó khăn. Lực lượng CSCĐ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chủ yếu vào ban đêm, các đối tượng tham gia giao thông đa thành phần vì vậy khi kiểm tra và xử lý các đối tượng không chấp hành, cản trở, bỏ phương tiện, gây khó khăn cho lực lượng khi làm nhiệm vụ.
Khi xử lí các đối tượng đua xe, thì số đối tượng này cố tính không chấp hành, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và lực lượng làm nhiệm vụ, nguy hiểm cho chính cả đối tượng. Vì vậy, việc lưu giữ lại các biển số xe để làm cơ sở điều tra, xác minh, xử lý. Chế tài khi đối tượng đua xe và cổ vũ đua xe mà phải tịch thu phương tiện còn nhiều bất cập.
- Bạn đọc Lê Duy Hoàng (48 tuổi Hà Nội): Hà Nội về đêm rất phức tạp, có rất nhiều vụ đâm chém xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Người dân thường rất bất an sau những vụ việc như thế. Vậy trách nhiệm của lực lượng CSCĐ đến đâu khi để xảy ra những sự việc đó. Làm sao người dân chúng tôi an tâm khi ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh đâm chém, bắn giết nhau như thế?
Công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm hình sự và các loại vi phạm pháp luật khác là nhiệm vụ của các lực lượng công an nhân dân. Tuy nhiên, riêng lực lượng CSCĐ ngoài những nhiệm vụ được công an thành phố giao cho, Trung đoàn CSCĐ còn có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát vào ban đêm. Để phối hợp với các lực lượng đấu tranh, chấn áp các loại tội phạm hình sự , các đối tượng đua xe và cổ vũ đua xe trên địa bàn thành phố vào các đêm, lực lượng CSCĐ thường huy động lực lượng tối đa, tuần tra kiểm soát trên các địa bàn trọng điểm, các tụ điểm phức tạp, tích cực kiểm tra, phát hiện và xử lý các đối tượng tang trữ, vận chuyển và sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng trái phép nhằm phòng ngừa và ngăn chặn các vụ phạm pháp hình sự có thể xảy ra.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, mỗi 1 tháng, lực lượng CSCĐ phát hiện trên 100 vụ, trong đó 70% số vụ là đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép. Đây là những nguyên nhân gây ra những vụ trọng án trên địa bàn thành phố. Vì vậy thông qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSCĐ đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả.
- Bạn đọc Nguyễn Hải Nam (công nhân trong khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư): Tôi có một số thắc mắc về cảnh sát cơ động làm việc vào các buổi tối trên quốc lộ 5 như sau. Buổi tối thường có rất nhiều nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm chở 2-3 người dàn hàng ngang chạy lạng lách,tốc độ cao trên quốc lộ 5 thậm chí ngang qua mặt các cảnh sát cơ động nhưng họ không bị bắt. Có lần có hai thanh niên khi đi qua trước mặt CSCĐ họ còn bốc đầu xe máy trêu ngươi nhưng CSCĐ làm ngơ. CSCĐ sợ họ chăng, chỉ dám đi dừng xe kiểm tra những công dân hiền lành, vậy bảo vệ dân ở đâu. Mỗi người khi bị kiểm tra giấy tờ xe máy,đủ thì không sao, nếu thiếu giấy tờ gì đó thì bị dọa giữ xe, phạt nọ phạt kia, người có lỗi đưa 50.000 đến 100.000 là cầm và cho đi, không có biên bản, biên lai.
CSCĐ thì phải đi tuần tra liên tục, đằng này các anh cứ nấp ở ngã tư Trâu Quỳ, gầm cầu Thanh trì, thỉnh thoảng ra chộp xe. Lỗi vi phạm đáng nhẽ không đến mức phải giữ xe nhưng CSCĐ anh nào cũng thuộc lòng "lỗi vi phạm này giữ xe đến 60 ngày, phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu". Đa số người dân có nắm được luật đâu, nghe thế là sợ, xin xỏ, giúi cho 50.000 đến 200.000 để được tha. Vậy hành động trên được đánh giá như thế nào đây?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Trong công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSCĐ được GĐ CAHN giao cho tuần tra, kiểm soát và phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm khác. Chống đua xe máy trái phép, trong công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSCĐ đã có qui trình tuần tra, kiểm soát theo quyết định 910 của Bộ trưởng Bộ CA, trong tuần tra kiểm soát có quy định địa bàn, thời gian, quy định kiểm tra và xử lý các đối tượng theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ . Vì vậy, nhiệm vụ chống đua xe máy trái phép và xử lý những người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm cũng là nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ. Tuy nhiên trong suốt ca tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSCĐ không thể đi lại thường xuyên, liên tục mà có những điểm để chốt trạm các đối tượng đua xe, cổ vũ đua xe. Khu vực địa bàn trên cũng là một địa bàn của lực lượng CSCĐ, tuy nhiên trong việc xử lý các đối tượng đua xe, chạy tốc độ cao, lạng lách đánh võng, “bốc đầu”, việc bắt giữ các đối tượng này rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và lực lượng làm nhiệm vụ mà chỉ bắt giữ khi đảm bảo an toàn cho đối tượng và cho những người làm nhiệm vụ.
Việc phản ánh của bạn, CSCĐ không bắt giữ được những đối tượng trên là cũng có do những lí do vừa nêu. Còn dấu hiệu sai phạm của cán bộ chiến sĩ CSCĐ trong tuần tra kiểm soát, mặc dù đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý những dấu hiệu sai phạm như thái độ, nhận mãi lộ, xử lý không đúng lỗi đều được xử lý nghiêm túc theo qui định của ngành công an. Tuy nhiên, đây là dư luận và những thông tin phản ánh của nhân dân, Trung đoàn CSCĐ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến nêu trên. Chúng tôi vẫn và sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra để phòng ngừa sai phạm của cán bộ chiến sĩ để tạo niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là hưởng ứng cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”.
- Bạn đọc Lê Thị Ánh Nguyệt (Núi Thành, Quảng Nam): Lãnh đạo CATP có chế độ chính sách gì đối với lực lượng thực hiện nhiệm vụ cũng như đối với những chiến sĩ bị hành hung, chống đối dẫn đến bị thương thậm chí hy sinh?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Đối với cán bộ chiến sĩ CSCĐ bị thương, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của GĐ CA thành phố, các ngành, các cấp của thành phố Hà Nội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Khi cán bộ chiến sĩ bị thương hoặc hy sinh, chúng tôi được lãnh đạo các cấp quan tâm, thăm hỏi, động viên bằng tinh thần và vật chất. Đối với đơn vị, chúng tôi đều có quỹ đồng đội để chia sẻ những khó khăn, mất mát của cán bộ chiến sĩ tùy theo mức độ, chúng tôi đã đề nghị cấp trên công nhận thương binh và liệt sĩ cho cán bộ chiến sĩ trong năm 2010, Trung đoàn đã có 2 cán bộ chiến sĩ được công nhận là thương binh, 1 đồng chí được công nhận là liệt sĩ và hiện nay chúng tôi đang đề nghị cấp trên công nhận liệt sĩ cho 2 đồng chí, đây là sự quan tâm, động viên lớn đối với cán bộ chiến sĩ đang công tác và chiến đấu trong lực lượng CSCĐ.
- Bạn đọc Nguyễn Hoàng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Thời gian càng về khuya, các đối tượng đua xe, chống đối càng nhiều, gây nguy hiểm cho nhiều chiến sĩ làm nhiệm vụ, vậy mình đã có thêm biện pháp gì để đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ và vừa hoàn thành được nhiệm vụ?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Chống đua xe máy trái phép là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSCĐ, trong thời gian vừa qua, tình hình đua xe, cổ vũ đua xe máy trái phép trên địa bàn thành phố đã được hạn chế đến mức tối đa. Tình hình đua xe với quy mô lớn, tụ tập số người đông cổ vũ đã giảm hẳn so với các địa phương khá, tình hình đua xe trên địa bàn Hà Nội đã được kiềm chế được lãnh đạo Bộ CA và Giám đốc CA thành phố ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vào các tối thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng đã xuất hiện từng tốp từ 5-15 xe, có khi đến 20 xe chạy tốc độ cao, lạng lách đánh võng gây nguy hiểm, lực lượng CSCĐ đã chủ độgn bố trí lực lượng, hóa trang kết hợp với cảnh sát công khai, kịp thời xử lí và bắt giữ, không để các đối tượng tụ tập đua xe và cổ vũ đua xe trên địa bàn thành phố.
- Bạn đọc Vy Hà (18 tuổi, Đồng Nai): CSCĐ khi đi 2 người có được phép dừng xe cũng như kiểm tra bất ngờ các xe đang lưu thông trên đường mà chưa có dấu hiệu vi phạm không, vì tôi thấy hiện nay CSCĐ luôn bắt các xe đang đi tạt vào lề đường, thưa ông?
Đại tá Phạm Văn Hưng: Khi tuần tra kiểm soát thì lực lượng CSCĐ có 4 đồng chí đi trên 2 xe máy, khoảng cách mỗi xe từ 20-50 mét và được trang bị đầy đủ vũ khí công vụ hỗ trợ, mỗi đồng chí đều có số hiệu, có tên tuổi rõ ràng. Khi làm nhiệm vụ, lực lượng CSCĐ có quyền kiểm tra tất cả người, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô nếu có nghi vấn, không nhất thiết có dấu hiệu vi phạm rõ ràng vì thông qua tuần tra, kiểm soát, có những đối tượng không vi phạm giao thông nhưng khi kiểm tra, lực lượng CSCĐ đã phát hiện, đối tượng mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vũ khí quân dụng trái phép, thậm chí vận chuyển heroin với số lượng lớn (6-10 bánh heroin) và những đối tượng vừa gây án giết người đang trên đường chạy trốn đã bị lực lượng CSCĐ phát hiện, bắt giữ. Vì vậy không nhất thiết những người vi phạm giao thông, lực lượng CSCĐ mới có quyền kiểm tra. Còn việc kiểm tra như thế nào khi dừng xe, CSCĐ phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và chấp hành nghiêm điều lệnh công an nhân dân, phải chào và xin lỗi sau khi kiểm tra xong.
- Bạn đọc Trần Thị Hồng Nhung (Long Biên, Hà Nội): Thời gian qua tình trạng đua xe trái phép về đêm khuya xảy ra khả phổ biến, vậy kế hoạch 141 đã đạt được những kết quả như thế nào trong việc hạn chế tình trạng này?
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc: Tôi không thấy tình trạng đua xe khá phổ biến trên địa bàn Hà Nội, có chăng thỉnh thoảng có một tốp nhỏ thanh niên quá khích chạy lạng lách, quá tốc độ, gây ầm ĩ trên một số tuyến phố, cá biệt là có những khu đô thị. Tuy nhiên, các lực lượng cảnh sát cơ động là chủ công đã phối hợp cùng với các lực lượng khác trấn áp kịp thời và như trên tôi đã nói, những vụ đủ yếu tố để truy tố trước pháp luật đều đã được thiết lập hồ sơ để chuyển toà án truy tố.
Với những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, kiên trì như vậy, về cơ bản tình trạng đua xe trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giải quyết. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp nắm tình hình và chủ động lực lượng để xử lý khi có hiện tượng đua xe trái phép xảy ra.
- Bạn đọc Vũ Đình Tiêu (Bắc Ninh): Tệ nạn mại dâm đang hoạt động mạnh mẽ theo nhiều hình thức, đặc biệt như tại đường Phạm Văn Đồng đã trở thành điểm nóng về tệ nạn này, tôi thường xuyên đi qua đây thấy các "động" hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm, vậy Công an thành phố có biên phám gì để xử lý triệt để tệ nạn này?
Thượng tá Đào Thanh Hải: Thực tế tại đường Phạm Văn Đồng có rất nhiều những quán tẩm quất, gội đầu thư giãn mọc lên dọc hai bên đường trong nhiều năm. Do đặc điểm những đất dọc đường này đều là những đất đang trong giai đoạn chuyển đổi từ đất canh tác sang đất thổ cư, hoặc của những cơ quan đã cắm đất nhưng chưa sử dụng... Rất nhiều lều quán tạm bợ mọc lên, kéo theo tệ nạn xã hội phát triển.
Trong nhiều năm qua, lực lượng chức năng đã đấu tranh rất mạnh với loại tệ nạn này, hàng năm, chúng tôi cũng bắt giữ hàng chục vụ tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm trước pháp luật. Những năm gần đây, tình hình tại đây cũng đã được cải thiện. Trong các loại hình mại dâm, hiện nay đối tượng đang sử dụng là sử dụng mồm, miệng, tay để kích dục, với loại hình này thì chỉ xử lý được hành chính và kiến nghị chính quyền thu hồi giấy phép kinh doanh.
Những ổ nhóm, tệ nạn xã hội này thường do từng nhóm đối tượng cùng là gái mại dâm tự tổ chức với nhau, nên khi bị bắt giữ cơ quan điều tra không xử lý hình sự được, chỉ có hình thức chuyển các đối tượng này vào trại phân loại Lộc Hà để lập hồ sơ xử lý về hành vi làm gái mại dâm.
Hiện nay phòng CSHS vẫn tích cực phối hợp với CA. huyện Từ Liêm áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, xóa bỏ các hoạt động tệ nạn xã hội trên tuyến đường này.
Còn rất nhiều câu hỏi của bạn đọc gửi đến VTC News, nhưng thời gian có hạn, chúng tôi sẽ chuyển tất cả câu hỏi này cho Lãnh đạo Công an TP Hà Nội và sẽ đăng tải các câu trả lời trong thời gian tới. Trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực và sự quan tâm của bạn đọc trong cả nước!
VTC News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét