Vải thiều Lục Ngạn Bắc Giang
Vải thiều thiều khi chín có màu đỏ, hạt nhỏ, cùi dày nhiều nước, rất ngọt và giàu chất dinh dưỡng. Ăn một quả vải thiều vị ngọt sắc, mùi thơm đặc trưng và cứ muốn ăn mãi. Có một điều khá lạ là, cùng giống vải nhưng vải thiều được trồng trên đất Lục Ngạn thì trái vải có màu đỏ tươi, nhiều cùi, hạt nhỏ, ngọt sắc hơn những vùng khác.
Vải thiều được khách khắp nơi trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện, người Lục Ngạn đã phát triển công nghệ chế biến vải sấy khô, đóng hộp vải tươi, nước ép vải… để phục vụ nhu cầu thưởng thức quanh năm của khách hàng.
Chuối ngự Đại Hoàng Hà Nam
Chuối ngự Đại Hoàng quả nhỏ hơn những loại thông thường nhưng mang một hương vị rất thanh ngọt, đậm đà thoảng chút hương thơm.
Chuối có nhiều loại nhưng hai loại thường thấy là chuối ngự trâu và chuối ngự mít (còn gọi là chuối ngự thóc). Chuối ngự mít quả nhỏ và ăn ngon hơn, ruột chuối vàng như múi mít và đặc biệt khi chín vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng (do vậy cũng được gọi là chuối ngự tía).
Loại chuối này tương truyền được đưa vào cung tiến vua vì thế nó có tên là “chuối ngự”.
Bưởi Diễn Hà Nội
Bưởi Diễn được trồng ở làng Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội), ra hoa vào đầu xuân, và khi thu đến, những trái bưởi vàng rực đã lúc lỉu trên cành.
Bưởi Diễn có mùi thơm đặc biệt, đến vườn bưởi, chưa thấy bưởi đã thấy thơm ngan ngát. Thứ hương này không cần phải cầm vào quả mới thấy, mà nó phảng phất trong gió, nao nao quyến rũ lòng người.
Không giống như các loại bưởi khác, cây bưởi Diễn càng già quả lại càng nhỏ và vị ngọt càng trở nên đặc biệt, sắc mà thanh tao. Khi cây có tuổi từ 15 đến 20 năm, trái bưởi chỉ còn to cỡ chiếc bát ăn cơm nhưng vỏ mỏng dính, múi mọng nước và hương vị không gì sánh được. Xưa kia, loại quả này chỉ được dùng để tiến vua.
Mùa thu hoạch bưởi Diễn bắt đầu vào khoảng hai tháng trước Tết, bưởi được trảy xuống xếp vào các kệ trong nhà. Bưởi Diễn càng để lâu thì vỏ càng ngót nước nhưng vị ngọt lại càng đậm. Ðến cuối thu, quả bưởi khô quắt lại nhưng múi bưởi vẫn mọng đầy nước và hương vị không hề thay đổi.
Hồng xiêm Xuân Đỉnh Hà Nội
Hồng xiêm Xuân Đỉnh có hương thơm và vị ngọt đặc biệt. Hồng được trồng ở đất Xuân Đỉnh hình phễu, quả to từ trên xuống dưới, da hồng, bổ ra có mùi thơm dịu, cát mịn, ăn có vị ngọt mát, phân biệt với hồng xiêm nơi khác cát to, có vị ngọt đậm, quả lớn hơn, hình dạng quả không đồng nhất.
Không giống những loại hồng xiêm khác, phải dùng tay để nắn kiểm tra đã chín chưa hồng Xuân Đỉnh chỉ cần nhìn vỏ là đã biết được còn xanh hay đã chín. Vì thế rất tiện lợi cho sự lựa chọn của các bà nội chợ.
Mơ Hương Sơn Hà Nội
Mơ Hương Sơn - chùa Hương được xem là một trong những thứ mơ ngon nhất. Quả mơ nơi đây nhỏ, mầu vàng hươm, có một lớp lông tơ mịn có mùi thơm và vị chua dìu dịu. Mơ chùa Hương vừa có thể ngâm đường làm nước giải khát vừa bổ vừa ngon trong mùa hè; hoặc làm ô mai cũng được ưa thích.
Cứ một cân mơ tươi (ngon nhất, thơm nhất vẫn là mơ chùa Hương vàng tươi nhỏ quả, thơm phức) thì một cân đường, để trong thố thủy tinh sạch sẽ, vài ba tháng sau, sẽ có một bình nước mơ đặc quánh. Mùa hè nóng nực mà được uống một cốc nước mơ thì thật sảng khoái.
Ô mai là quả mơ ngâm muối phơi khô. Ngày phơi, đêm ngâm, trên da nó còn li ti thứ muối kết tinh, vừa chua, vừa mặn là món quà mà các bà, các cô rất thích.
Sấu xanh Hà Nội
Sấu xanh là một trong những món quà được người xa quê chờ đợi nhất khi có bạn từ Bắc ghé thăm. Khi còn xanh, quả sấu được dùng để nấu canh chua, ngâm nước uống. Quả chín được dùng làm ô mai sấu, làm sấu dầm, tương giấm... Các sản phẩm chế biến từ quả sấu được nhiều rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là phụ nữ. Chỉ riêng món ô mai sấu cũng đã được làm thành nhiều loại như: sấu chua dòn, sấu dầm chua cay, sấu dầm chua mặn, sấu ngọt, sấu ngâm gừng… và loại nào cũng rất "đắt hàng".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét