Đà Nẵng: Gần 100 dân cản trở xây khu tái định cư cho người làng phong
>> Dân làng phong bị “tẩy chay” khi vào đất liền
Sáng 30/9, một lần nữa gần 100 người dân của tổ 14 lại kéo ra công trường xây dựng 114 căn hộ liền kề cho dân cư làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc) không cho đơn vị thi công xây dựng. Mãi đến 10 giờ sáng, sau khi thuyết phục, vận động, dân tổ 14 mới chịu kéo về nhà nhưng vẫn tiếp tục yêu cầu: Đối thoại với thành phố.
Đại đa số người dân tổ 14 đều ý kiến cho rằng: Việc di dời hàng chục hộ dân làng Vân (nơi điều trị bệnh nhân mắc bệnh phong của thành phố Đà Nẵng trước đây) sẽ gây lây nhiễm đến những người dân đang sống ở đây.
Mặc dù đã được giải thích cặn kẽ về chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng trong công tác di dời 134 hộ dân làng Vân, đưa người dân làng Vân hoà nhập với cộng đồng, trong đó 42 hộ dân sẽ về sống, sinh hoạt tại tổ 14, phường Hoà Hiệp Nam; đây là những hộ dân đã lành hẳn, đã ra sản xuất bình thường và không còn khả năng lây nhiễm bệnh; nhưng người dân tổ 14 không nghe.
Họ một mực không đồng ý, liên tiếp kéo ra cản trở việc thi công vào ngày 15/8, 20/9, 28/9 và 30/9; đồng thời đưa ra những yêu cầu như: Tái định cư lần 2, đưa khu tái định cư làng Vân ra địa điểm khác để… tránh lây bệnh.
Bác sĩ Hà Nguyên Hào thuộc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cho biết: Là một người công tác phòng chống bệnh phong gần 30 năm nay, ông khẳng định những người dân làng Vân này không còn khả năng gây lây lan nữa, cái mà bà con sợ chỉ là di chứng còn lại của những người bệnh. Theo phát triển của y học hiện nay, người mắc bệnh phong chỉ cần điều trị 1 lần 3-5 ngày thì virus gây căn bệnh này đã bị tiêu diệt 99,9%.
Ông Lê Duy Du – Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam - cũng lấy cái tình để nói: “Họ cũng là con người, trước đây họ bị bệnh nhưng giờ không còn một chút bệnh tật nào. Thử hỏi, bà con làm thế liệu đặt bà con là người dân làng Vân bà con có tủi không? Liệu nếu bà con có người thân như vậy sẽ cảm thấy thế nào?”.
Qua những lần tiếp xúc với dân, các buổi họp dân của phường, quận đều nhận thấy rằng: Sự kì thị của người dân tổ 14 về căn bệnh này vẫn còn lớn. Đặc biệt là vấn đề mơ hồ trong việc nhận thức bệnh phong không còn là căn bệnh nan y như trước đây mà ông Hào gọi là “cái thời ngày xửa, ngày xưa”. Bên cạnh đó, cách hành xử của chính quyền địa phương vẫn còn những thiếu sót. Ông Nguyễn Hữu Thiết - PCT UBND quận Liên Chiểu - cũng chỉ rõ: “Việc tuyên truyền vận động của cán bộ từ quận đến phường, các cơ quan chuyên môn chưa thấu đáo nên gây bức xúc cho người dân”.
Người dân tổ 14 kể: Trong cuộc họp vào tối 14/8 có một bác sĩ da liễu đã phát biểu chưa rõ ràng về căn bệnh phong khiến người dân vẫn không thể xoá bỏ sự kì thị về căn bệnh, người bệnh; xem người làng Vân là hiểm hoạ. Đồng thời vị bác sĩ này còn nói căn bệnh phong này có khả năng lây, nhưng lây chậm trong khi không giải thích rõ ràng là những người đã lành thì sẽ không còn khả năng lây nhiễm nào.
Một sự việc, một công tác nhân đạo là đưa người dân làng Vân hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng của UBND thành phố Đà Nẵng đáng ra sẽ hoàn toàn hợp với lòng dân nhưng bởi thiếu sót trong tuyên truyền, vận động mà dẫn đến sự việc dân cản trở thi công.
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, đã xuống trực tiếp chỉ đạo công tác vận động người dân, cho biết: “Trước mắt chúng tôi tạm dừng thi công và tiếp tục tuyên truyền vận động người dân để hiểu rõ hơn về vấn đề này. Đồng thời chờ chủ trương tiếp theo của thành phố”.
Gặp chị Chu Thị Tâm, cán bộ phụ nữ phường Hòa Hiệp Nam - người có thâm niên 22 năm làm công tác tuyên truyền dân số tại làng Vân, chị cho biết: “Trước kia tôi đã từng ăn ở với những người dân ở đây để làm công tác tuyên truyền dân số, sức khỏe sinh sản… đến năm 2005 mới không ra nữa. Giờ tôi có bệnh tật hay di chứng gì đâu. Kể cả cô con gái của một người bạn tôi ngoài đó học lớp 10 đã vào ăn ở trong nhà cùng con gái tôi”.
Không chỉ có chị Tâm mà hàng chục, hàng trăm cán bộ quận Liên Chiểu đã và đang “bám” làng Vân trong nhiều năm liền đều chung một mong muốn: đưa người làng Vân về hòa nhập với cộng đồng.
Ô Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét