|
Sau một ngày dài làm việc, bạn vào Facebook để xem có tin gì mới của bạn bè, nhưng “chình ình” ở đó tin nhắn của sếp hay đồng nghiệp. Chịu nổi không! Ngoài việc đã hết giờ làm việc chính thức, có thích hợp không khi những người gặp cả ngày ở cơ quan “theo” bạn cả trên mạng xã hội.
Kênh liên lạc mới này giúp bạn làm việc linh hoạt và hiệu quả hơn. Nhưng nó cũng có thể làm bạn kiệt sức và bị xung đột cảm xúc giữa các “vai” trong đời sống. Trong môi trường làm việc, bạn cần thể hiện chuyên nghiệp, nhưng giữa bạn bè và người thân thì đâu cần phải khách sáo. Bạn có thấy thoải mái khi môi trường giao tiếp “nhập nhằng”?
Phải xử sự như thế nào với tin nhắn về một công việc khẩn cấp hay đề nghị “kết bạn” của đồng nghiệp hay cấp trên? | |
Thoạt đầu người ta dùng Facebook cho quan hệ bạn bè thân quen, LinkedIn cho quan hệ công việc chuyên môn. Nhưng dần dà, với sự “bành trướng” của Facebook, không ít người có bạn trên Facebook là đồng nghiệp.
Giờ trên Facebook không dễ “muốn nói gì cũng được”.
“Không dùng thông tin thật” từng là một trong những nguyên tắc (an toàn) căn bản cho người dùng web. Nhưng giờ đây, đa phần người dùng “khai thật mình là ai” trên mạng xã hội để dễ tìm bạn và tạo lập danh tiếng.
Trong khi đó việc bảo mật thông tin riêng tư trên mạng xã hội lại “thụt lùi”.
Năm 2005, Facebook nói: “Mọi thông tin bạn điền trên Facebook không ai có thể truy cập nếu không thuộc nhóm người quen do bạn xác định”.
Đến tháng 12/2009, Facebook lại phát biểu: “Các thông tin như tên tuổi, giới tính, ảnh đại diện, danh sách bạn bè và những trang web ưa thích, khu vực địa lý và địa chỉ mạng của bạn có thể “bị” công khai cho mọi người và cho các ứng dụng của Facebook, vì vậy không có thiết lập “che” thông tin cá nhân”. (Thật sự, có “che” cũng như không: theo một tài liệu mới công bố trên Isec LAB, một nhóm chuyên gia máy tính phát hiện với những kỹ thuật tấn công hiện có có thể dễ dàng lấy được thông tin cá nhân của người dùng tham gia các mạng xã hội).
Và tháng 4/2010, chính sách về thông tin cá nhân của Facebook ghi: “một số thông tin bạn điền trên Facebook mặc định được thiết lập “mở” cho mọi người…”. Facebook cũng vừa công bố dự án “Open Graph” nhằm chia sẻ sở thích và các hoạt động khác của người dùng với nhiều website khác.
Giờ trên Facebook không có gì riêng tư.
Theo một nghiên cứu hồi đầu năm của Pingdom.com, trên 50% người dùng mạng xã hội ở trong độ tuổi làm việc. | |
Từng là vùng đất đầy tính nhân văn, nơi người ta chia sẻ cảm xúc cá nhân và những câu chuyện đời. Facebook giờ phục vụ cho cả kinh doanh và chính trị. Nhiều công ty và không ít chính trị gia (có cả nguyên thủ quốc gia) đã mở trang Facebook để quảng cáo sản phẩm hay phát biểu chính kiến.
Khi Home trên Facebook không còn là “nhà”, cư dân nghĩ đến việc ra đi. Theo một thăm dò gần đây của Sophos (hình 1), trên 60% người dùng có ý định từ bỏ Facebook. Bạn có thể tìm thấy trên mạng những cụm từ và tin/bài mang tính phản kháng như: “Hatebook”, “Làm thể nào để … giết Facebook”, … Thậm chí gần đây người ta còn tổ chức “Ngày từ bỏ Facebook” (Quit Facebook Day, 31/5/2010).
Không chỉ người dùng cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng “đóng cửa” với Facebook nói riêng và các mạng xã hội nói chung vì lo ngại vấn đề bảo mật và hiệu suất làm việc. (Theo khảo sát cuối năm 2009 của Robert Half Technology, trên 50% doanh nghiệp tại Mỹ nói “không” với mạng xã hội).
Họ có lý do. Hơn 400 triệu người dùng Facebook mỗi tháng “đốt” trên 500 tỉ phút, số liệu do chính Facebook cung cấp (http://www.facebook.com/press/info.php?statistics).
Trả lời phỏng vấn Reuters mới đây, nhà nghiên cứu Nicholas Carr nói: “Tôi cảm thấy khả năng tập trung của mình trở nên hết sức yếu ớt. Vì vậy, tôi từ bỏ Facebook và Twitter, chỉ kiểm tra thư điện tử vài lần một ngày thay vì mỗi 45 giây. Tôi thật sự cảm thấy sự khác biệt” (xem báo Tuổi Trẻ, ngày 11/6).
Bạn nghĩ sao?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét