Những ngày cuối cùng của Thế Chiến II tại Thái Bình Dương

Thứ tư, 11/08/2010, 13:22(GMT+7)

VIT - Chiến tranh Nhật - Mỹ ở Thái Bình Dương nổ ra lúc 7 giờ 55 phút sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941 (giờ Hawaii), khi Nhật không tuyên chiến mà bất ngờ tập kích Trân Châu Cảng, tức Pearl Harbor trên đảo Hawaii, đánh chìm và hỏng 19 tàu chiến và diệt 2300 lính Mỹ.

3- Quyết định tối hậu của Truman;

4- Thiên Hoàng Nhật Bản thân chinh quyết định;

5- Nước Nhật chính thức đầu hàng.

Bài 1. Phát xít Nhật trước nguy cơ buộc phải đầu hàng

Cú đánh bất ngờ này gây thiệt hại chưa từng thấy cho nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt gọi ngày 7 tháng 12 ấy là “một ngày ô nhục”. Hành động vô liêm sỉ của chính phủ Nhật đã kích động lòng căm phẫn sâu sắc của toàn dân Mỹ. Quốc Hội Mỹ nhanh chóng nhất trí từ bỏ lập trường biệt lập không can dự vào công việc của các nước khác, chuyển sang chủ trương kiên quyết chống phát xít Nhật.
Ngày 8 tháng 12, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt ngồi xe lăn ra trước cuộc họp Quốc Hội tuyên bố Mỹ tuyên chiến với Nhật. Ba ngày sau ông tuyên bố tuyên chiến với Đức và Ý.
Mỹ trở thành nước đồng thời chiến đấu trên cả hai mặt trận châu Âu và châu Á. Nước Nhật dại dột “đánh thức gã khổng lồ Mỹ” – như lời ta thán của đại tướng Tổng chỉ huy Hạm đội Liên hiệp Nhật Yamamoto. Viên tướng này từng học ở Mỹ nên biết rất rõ tiềm lực kinh tế và quân sự cũng như khoa học kỹ thuật của Mỹ, ông tin rằng Nhật không thể nào thắng nổi Mỹ. Phát biểu này khiến ông bị bọn quân phiệt Nhật gọi là “Nhật gian” và đòi xử tử.
Do quan điểm mơ hồ về quân phiệt Nhật nên trong một thời gian dài Mỹ thiếu chuẩn bị chiến đấu với Nhật, trên vùng Thái Bình Dương năm 1941 Mỹ chỉ có 3 tầu sân bay, 9 thiết giáp hạm, 22 tầu tuần dương và 54 tầu khu trục; trong lúc đó phía Nhật tương ứng có 10, 10, 38 và 113, vì vậy quân đội Mỹ ban đầu phải rút lui chiến thuật.
Quân đội Nhật thừa thắng “Nam tiến”, chiếm hầu hết Đông Nam Á và nhiều cứ điểm quan trọng của Mỹ, các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan ở Thái Bình Dương, tiến sát tới châu Úc.
Tuy thế Mỹ cũng kịp thời giáng trả Nhật một số đòn đau, như ngày 18 tháng 4 năm 1942, phi đội máy bay B-25 của trung tá Doolittle cất cánh từ tàu sân bay đột nhập ném bom Tokyo, làm rung chuyển cả nước Nhật. Trong trận hải chiến tại đảo Midway hồi đầu tháng 7 cùng năm, hải quân Mỹ lần đầu tiên đánh chìm tàu sân bay Nhật, kết thúc chuỗi trận bất bại của Nhật.
Chính phủ Mỹ nhanh chóng tổng động viên toàn dân tham gia chiến tranh, chuyển ngành công nghiệp khổng lồ của họ sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cải tiến vũ khí, tăng cường lực lượng quân đội. Chi phí quân sự từ 4,5 tỷ USD năm 1941 tăng lên 20 tỷ năm 1942 và 38 tỷ USD năm 1943, hơn hẳn Nhật (2,0; 3,0; 4,5 tỷ USD). Số lượng và chất lượng các loại vũ khí Mỹ đều tăng vượt bậc. Năm 1944, Mỹ sản xuất được hơn 35 nghìn máy bay, so với 11 nghìn của Nhật. Đặc biệt Mỹ thiết kế chế tạo được nhiều thế hệ máy bay, tàu chiến mới có tính năng tốt hơn của Nhật. Mỹ còn viện trợ rất nhiều vũ khí và trang bị quân sự cho các nước Đồng Minh kể cả Liên Xô, theo hình thức viện trợ cho vay-thuê (Lend-Lease aid) sau chiến tranh mới phải nợ.
Nhờ đó lực lượng Mỹ dần dần mạnh lên và từ cuối 1943 bắt đầu giành thế chủ động. Từ 1944, Mỹ phản công toàn diện, chiếm lại các đảo Saipan (7/1944), Guam, Tinian (8/1944) thuộc quần đảo Marianna ở phía Đông Phillippines. Sau đó Mỹ xây sân bay để từ các đảo này, cũng như từ Trung Quốc, pháo đài bay 4 động cơ kiểu B-29 thực hiện ném bom chiến lược chính quốc Nhật, phá huỷ các cơ sở sản xuất và căn cứ quân sự khiến cho Nhật ngày càng thiếu vũ khí, trang bị.
Sau khi mất quần đảo Marianna, tinh thần chiến đấu của quân Nhật sa sút hẳn, nhiều người Nhật đã nghĩ tới thất bại. Từ khi máy bay Mỹ thường xuyên ném bom, mọi hoạt động kinh tế, sản xuất công nghiệp và vũ khí trên chính quốc Nhật bị thiệt hại ngày càng nặng.
Trước tình hình thiếu máy bay tàu chiến, Bộ Thống soái Nhật quyết định áp dụng chiến thuật đánh bom tự sát bằng máy bay, tầu ngầm mi-ni và ngư lôi người lái. Chiến thuật mới này đã gây khó khăn và thiệt hại lớn cho Mỹ, nhưng cũng rất bất lợi cho Nhật vì mất gần hết phi công, trong khi Nhật đang thiếu phi công và việc đào tạo một phi công lâu hơn việc chế tạo một máy bay. Trong trận Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa, Nhật dùng 193 máy bay cảm tử (Kamikaze) tấn công hạm đội Mỹ, có 169 chiếc bị pháo phòng không và máy bay Mỹ bắn rơi, chỉ còn vài chục chiếc lao trúng mục tiêu.
Tổng cộng đã có hơn 2200 phi công Kamikaze chết, đây là một thiệt hại không thể bù đắp được. Sau đó máy bay Nhật không còn có thể cất cánh được nữa, máy bay Mỹ càng tự do khống chế bầu trời, bắn phá, ném bom bất cứ mục tiêu nào.
Ngày ngày hàng nghìn máy bay Mỹ bay sang chính quốc Nhật, ném bom rải thảm xuống các đô thị, chủ yếu dùng bom cháy nhằm gây tâm lý sợ hãi cho dân Nhật, vì hầu hết nhà ở của người Nhật đều là nhà gỗ, dễ bắt lửa và cháy lan ra xung quanh. Mỹ thường ném bom ban đêm, lửa cháy sáng rực trời càng gây hiệu quả tâm lý, vả lại ban đêm khó cứu chữa, sáng ra chỉ còn lại cảnh hoang tàn trông cực kỳ bi thảm.
Hầu như toàn bộ các nhà máy quân sự đều trúng bom, 64 đô thị Nhật biến thành đống tro tàn. Riêng cuộc ném bom rải thảm Tokyo hai ngày 9 và 10 tháng 3 năm 1945 đã làm 100 nghìn người chết cháy. Máy bay ném bom kiểu mới của Mỹ là pháo đài bay B-29 bay rất cao, máy bay tiêm kích Nhật (lúc đó đã bị diệt gần hết) và pháo cao xạ Nhật không với tới, từ độ cao an toàn ấy máy bay Mỹ tha hồ yên tâm rải bom xuống mà Nhật không làm gì được.
Ngày 7 tháng 5 năm 1945, nước Đức phát xít đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Châu Âu im tiếng súng. Thất bại thảm hại của phát xít Đức báo trước nước Nhật quân phiệt cũng sẽ nhanh chóng hứng chịu kết cục nhục nhã như vậy. Nhưng phát xít Nhật vẫn điên cuồng chống trả Đồng Minh. Mặt trận châu Á-Thái Bình Dương vẫn ầm vang tiếng súng.
Tháng 6, Nội các Nhật họp, phái chủ chiến chiếm đa số quyết tâm “Bản thổ quyết chiến”, “chiến đấu đến người Nhật cuối cùng”. Thiên Hoàng Hirohito im lặng trước quyết định đó. Vì thế nhân dân Nhật và thế giới tiếp tục phải đổ máu vô ích.
Lúc này đảo Okinawa cách đất liền 350 dặm về phía Nam đã bị Mỹ chiếm (4/1945). Trên đất Nhật, 2,25 triệu lục quân và 1,25 triệu hải quân chủ yếu lo cố thủ trước tin Mỹ sắp đổ bộ vào Nhật. Ngoài ra còn khoảng 3,5 triệu quân Nhật đóng ở Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và một số đảo trên Thái Bình Dương. Nghĩa là lực lượng Nhật vẫn còn rất mạnh, Bộ Chỉ huy Tối cao Đồng minh không thể coi thường.
Ngày 16 tháng 7 năm 1945, Mỹ thử thành công bom nguyên tử. Hôm sau, Truman, Churchill và Stalin hội đàm tại Potsdam gần Berlin để bàn về tương lai nước Đức.
Đồng thời, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ J. C. Gore và Bộ trưởng Lục quân H. L. Stimson dự thảo Tuyên ngôn Potsdam về vấn đề ép Nhật đầu hàng vô điều kiện để chuẩn bị trình nguyên thủ Mỹ, Anh, Trung Quốc ký (về sau Liên Xô cũng ký Tuyên ngôn này).
Ngay từ tháng 5, Gore đã kiến nghị với Tổng thống Truman là chỉ cần Tuyên ngôn này đưa ra tiền đề Nhật có thể được giữ lại chế độ Thiên Hoàng, thì chắc chắn Nhật sẽ chấp nhận đầu hàng ngay. Thiên Hoàng là thống soái tối cao của quân đội Nhật; xưa nay hoàng tộc Thiên Hoàng được dân Nhật coi là dòng dõi thần thánh không thể bị tiêu diệt.
Thế nhưng hồi ấy dư luận Mỹ và đa số quan chức trong Chính phủ Mỹ đều đòi đưa Thiên Hoàng ra xét xử tội ác chiến tranh, phản đối giữ lại chế độ Thiên Hoàng. Stimson đành đề nghị Truman dùng hình thức phi chính thức để truyền đạt cho phía Nhật biết ý định nói trên của Mỹ.
Ngày 26 tháng 7, Tuyên ngôn Potsdam chính thức công bố. Máy bay Mỹ thả xuống khắp đất Nhật hàng triệu tờ truyền đơn in Tuyên ngôn này bằng tiếng Nhật.
Điều 13 của Tuyên ngôn viết: “Chính phủ Nhật phải tuyên bố toàn bộ quân đội Nhật lập tức đầu hàng vô điều kiện”, “Bất cứ sự lựa chọn nào khác đều chỉ có thể dẫn đến sự huỷ diệt nhanh chóng và toàn diện của nước Nhật”.
Sakomizu, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật nhớ lại tình hình lúc ấy:
Nhà đương cục phía ta thận trọng nghiên cứu từng câu từng chữ của Tuyên ngôn này, và tôi xin nói thẳng ra là lúc ấy đã đi đến kết luận ta chỉ có thể dùng nó để làm cơ sở chấm dứt chiến tranh, ngoài ra không còn cách nào khác. Bộ trưởng Ngoại giao ta còn bàn chuyện phải chăng hội nghị Chính phủ nên thừa nhận như vậy...
Thế nhưng Bộ trưởng Lục quân lại chủ trương Ta đang nhờ Liên Xô làm trung gian để điều đình [với Mỹ], nay đang chờ trả lời, do đó nên chờ bao giờ có hồi âm thì hãy quyết định làm gì.
Thế là mọi người quyết định chờ đợi, nói cách khác, trước khi có hồi âm thì ta không tỏ thái độ gì về bản Tuyên ngôn này. [“Sự thật của việc ngừng chiến”, 1989]
Chính phủ Nhật đã phạm một sai lầm căn bản khi định nhờ Liên Xô làm trung gian đàm phán với Mỹ. Họ muốn gì từ Liên Xô?

Nguyễn Hải Hoành



Tin biên tập


Thứ sáu, 13/08/2010, 09:14(GMT+7)


Không quân Nhật 1945
VIT - Quả thật, từ đầu tháng 7 năm 1945, Chính phủ Nhật đã nhờ Liên Xô làm trung gian điều đình để hoà giải với Mỹ, dựa trên cơ sở Hiệp ước Trung lập Nhật-Xô (ký 13/4/1941) đến tháng 3 năm 1946 mới hết hạn.
3- Quyết định tối hậu của Truman;

4- Thiên Hoàng Nhật Bản thân chinh quyết định;

5- Nước Nhật chính thức đầu hàng.

Bài 2. Ảo tưởng nhờ Liên Xô làm trung gian điều đình với Mỹ
Về chuyện này, Thiên Hoàng Nhật Hirohito nhớ lại:
Sở dĩ phải chọn Liên Xô làm trung gian là vì các nước khác đều yếu, nếu có đứng ra điều đình thì cũng bị Mỹ, Anh áp chế, do đó dẫn đến việc đầu hàng vô điều kiện bất lợi. Liên Xô vừa có thực lực lại có tình nghĩa ký hiệp ước trung lập với ta. Tóm lại có hai lý do như vậy...
Song rất khó nhận định Liên Xô là một nước có thành ý, bởi thế trước tiên phải thăm dò thực hư. Chúng tôi quyết định triển khai cuộc hội đàm Koki Hirota [cựu Bộ trưởng ngoại giao Nhật] với Yakov A. Malik [Đại sứ Liên Xô tại Nhật] với nội dung: chỉ cần họ chịu xuất khẩu dầu mỏ cho ta thì cho dù ta phải biếu đảo Nam Kurin và Mãn châu cho họ cũng được...
Thế nhưng cho tới thượng tuần tháng 7, phía Liên Xô vẫn bặt vô âm tín. Mà tôi thì cần phải làm xong các việc liên quan trước khi hội nghị Potsdam bắt đầu [lãnh đạo thượng đỉnh Mỹ, Anh, Liên Xô họp Potsdam Conference từ 17/7 tới 2/8], nếu để chậm trễ thì sẽ rất bị động. Thế là tôi bàn với Suzuki [Thủ tướng Nhật], quyết định chấm dứt cuộc hội đàm Hirota-Malik mà trực tiếp giao thiệp với Chính phủ Liên Xô.
Việc này liên quan đến chuyện cử ai đi Moscow. Về đại thể đã kết luận Konoe [cựu Thủ tướng Nhật] là thích hợp, nhưng sợ Konoe không nhận, nên tôi quyết định trực tiếp gặp ông ta nói chuyện... Đầu tháng 7 tôi gọi Konoe đến và nói với ông ta là nhiệm vụ này khó khăn đấy, nhưng đề nghị ông nhất định phải gắng hết sức mà làm.
Konoe nói dù phải chết cũng làm và nhận quyết định ấy.
[“Tự bạch của Thiên Hoàng Showa”, 1995].
Nhưng rồi việc cử người đi Liên Xô bị đình lại vì ngày 9 tháng 7, các đại thần Arita và Kido đề nghị nhà vua nên trực tiếp giảng hoà với Mỹ, Anh.
Tuy vậy Thiên Hoàng Hirohito vẫn cố chấp nhờ Liên Xô môi giới điều đình, vì thế cho tới ngày 26 tháng 7, Bộ trưởng Lục quân Anami đã mượn cớ nhà vua có chủ trương như vậy để cố ý trì hoãn việc chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam.
Thật ra, sau khi thấy Đức đầu hàng và Liên Xô tập kết quân đội sang Viễn Đông, tướng Anami cho rằng việc nhờ Liên Xô làm môi giới đàm phán với Mỹ, Anh cũng là một thượng sách để Nhật tránh chạm trán với Liên Xô.
Ngày 26 tháng 7, Tuyên ngôn Potsdam chính thức công bố trên toàn thế giới. Hàng triệu tờ truyền đơn in Tuyên ngôn này bằng tiếng Nhật được máy bay Mỹ rải xuống khắp đất Nhật, không người dân Nhật nào không biết nội dung bản Tuyên ngôn này.
Điều 13 Tuyên ngôn Potsdam viết: “Chính phủ Nhật phải tuyên bố toàn bộ quân đội Nhật lập tức đầu hàng vô điều kiện”, “Bất cứ sự lựa chọn nào khác đều chỉ có thể dẫn đến sự huỷ diệt nhanh chóng và toàn diện của nước Nhật”.
Mệnh lệnh Nhật phải đầu hàng vô điều kiện đã ban ra; không hàng có nghĩa là nước Nhật tự chọn con đường huỷ diệt nhanh chóng hơn, bi thảm hơn.
Nhưng dưới sức ép của nhà vua và quân đội, Thủ tướng Suzuki đã không trả lời yêu cầu của Tuyên ngôn Potsdam.
Bè lũ quân phiệt Nhật cực kỳ hiếu chiến đã đánh giá sai lầm lập trường chống phát xít của Liên Xô, do đó kỳ vọng vào sự “trung gian hoà giải” của chính phủ Liên Xô. Hành động mù quáng đó tương phản với hành động có lý trí của các cộng sự của Hitler như Goering, Himmler ..., khi thấy rõ Đức chắc chắn thua, lũ người này đã chủ động giấu Hitler tự đi tìm con đường đàm phán với Đồng Minh để cứu nước Đức đỡ thất bại thảm hại hơn, dân Đức đỡ chết nhiều hơn, dù chúng biết chắc mình sẽ không thoát khỏi án treo cổ khi chiến tranh kết thúc.
Ba vật thiêng của Hoàng tộc Nhật Bản
Theo giáo sư Komori ở đại học Tokyo, lý do chủ yếu nhất của việc Nhật trì hoãn chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam là Thiên Hoàng Hirohito chỉ lo làm sao “giữ được thể chế Thiên Hoàng” (“quốc thể”) và giữ được “Ba vật thiêng” của Hoàng tộc.
Ba vật thiêng đó là: một tấm Gương Bát Xích (vật tượng trưng cho tinh thần của Hoàng tộc, được thờ ở đền Ise), một thanh Thảo Thế Kiếm (tức gươm trừ cỏ, còn gọi Thiên Tùng Vân Kiếm) và một viên Ngọc Bát Xích Quỳnh Câu thờ ở hai ngôi đền khác. Đây là 3 vật báu có tính thần thoại của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu, tương truyền là tổ tiên dân tộc Nhật Bản.
Thiên Hoàng lo các vật thiêng này bị phá huỷ, vì hôm 24 tháng 7, bom Mỹ suýt rơi trúng đền Ise. Cố vấn của nhà vua là Koichi Kido nhớ lại ông đã “tấu” lên Thiên Hoàng như sau:
Hiện nay phía quân đội đề xuất bản thổ quyết chiến, kêu gọi đánh một trận quyết chiến thật lớn để xoay chuyển tình hình, nhưng theo kinh nghiệm thời gian qua, mọi người khó có thể tin vào chủ trương này. Nếu trận này thất bại, kẻ địch sẽ nhảy dù xuống khắp nước, Bộ Thống soái tối cao sẽ bị bắt làm tù binh.
Cho nên vấn đề cần thận trọng xem xét hiện nay là làm gì để giữ gìn chu toàn 3 vật báu. Nếu không, sẽ để mất biểu tượng Hoàng tộc 2600 năm nay, cuối cùng thể chế Thiên Hoàng cũng khó có thể giữ được. Cho nên thần tin rằng việc hoà giải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.
[“Nhật ký của Kido”, 1966].
Ngày 31 tháng 7, nhà vua nói với Koichi Kido:
Sau khi cân nhắc nhiều mặt, cuối cùng Trẫm cho rằng vẫn cứ nên chuyển các vật thiêng về bên cạnh Trẫm. Có điều, khi ta động đến các báu vật ấy tất sẽ ảnh hưởng đến lòng người. Cho nên Trẫm nghĩ là cứ nên thận trọng thì hơn.
Ngày nào Trẫm cũng nghĩ đến việc nếu chỉ dựa vào chủ ý của một mình Trẫm mà động đến các vật thiêng ấy thì hậu quả sẽ ra sao ? Cho nên Trẫm đang nghĩ, nên chuẩn bị thế nào về tinh thần để có thể làm tốt việc di chuyển các vật ấy đến Shinsu [một vùng núi thuộc huyện Nagano].
Việc này mong ngươi bàn kỹ với Chánh văn phòng Hoàng cung. Cũng nên bàn với Chính phủ rồi hãy quyết định. Trầm nghĩ: nếu có gì bất trắc thì Trẫm đành kiên trì bảo vệ và cùng sống cùng chết với các vật thiêng ấy.
[“Nhật ký của Kido”].
Trong giờ phút “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, khi mà ngày nào cũng có hàng nghìn dân Nhật chết vì bom rải thảm của quân đội Đồng Minh, Thiên Hoàng Nhật Bản không hề lo nghĩ gì đến tính mạng của dân chúng và hàng triệu binh lính Nhật, mà chỉ ích kỷ lo giữ ngôi báu của mình và mấy “vật thiêng” tổ tiên để lại, vì thế mà lần chần bỏ qua dịp trả lời yêu cầu của Tuyên ngôn Posdam. Hành động ngu xuẩn ấy đã khiến phía Đồng Minh đi tới nhận định cho rằng nước Nhật quyết chiến đến người cuối cùng, và Tổng thống Mỹ không thể không cân nhắc biện pháp đáp trả. Quyết định tối hậu của Tổng thống Truman sẽ mang lại hậu quả khủng khiếp ra sao?

Nguyễn Hải Hoành


Tin biên tập


Thứ năm, 19/08/2010, 11:25(GMT+7)


Quang cảnh Hiroshima 4 tháng sau khi Mỹ ném bom nguyên tử

VIT - Một tuần đã qua mà không thấy phía Nhật có phản ứng gì về Tuyên ngôn Potsdam, Tổng thống Truman vô cùng đau đầu. Ông muốn Nhật đầu hàng nhưng lại do dự chưa dám đổ quân lên đất Nhật, cho dù lúc này hàng nghìn tầu chiến và cả triệu lính Mỹ đã sẵn sàng với khí thế chiến thắng hừng hực rực lửa.
3- Quyết định tối hậu của Truman;

4- Thiên Hoàng Nhật Bản thân chinh quyết định;

5- Nước Nhật chính thức đầu hàng.


Truman biết rõ đánh từ biển lên đất liền sẽ bị thương vong cực nhiều và chưa biết bao giờ mới thắng nổi 3,5 triệu quân Nhật thạo chiến đấu cố thủ trong các công sự ngầm trên 4 đảo chính và trên các tàu chiến của nước này, chưa kể cùng từng ấy quân Nhật đóng ở các nước châu Á và các đảo Thái Bình Dương. Ngoài ra còn hàng chục triệu dân Nhật sẵn sàng xả thân vì Thiên Hoàng, họ sẽ đánh du kích đến người cuối cùng sau khi Mỹ chiếm được chính quốc Nhật. Bài toán quả thật vô cùng nan giải.

Truman nhớ lại những sự thật tàn nhẫn: trận đổ bộ đảo Iwo Jima nhỏ tý đầu năm nay, quân số Mỹ nhiều gấp 3 Nhật, thế mà cũng mất gần 40 ngày mới chiếm được đảo, 21 nghìn lính Nhật đánh đến chết gần hết, chỉ còn lại 1038 thương binh; Mỹ thương vong 31 nghìn người.

Trận đổ bộ lên đảo Okinawa vừa rồi, với ưu thế tuyệt đối 183 nghìn lính, 1500 tầu chiến mà cũng mất 2 tháng Mỹ mới chiếm được; máy bay tự sát của Nhật lao vào tầu chiến Mỹ, lính Nhật đánh đến chết không hàng; Mỹ thương vong 48 nghìn quân.

Khi 70 nghìn quân Mỹ tấn công đảo Saipan, 40 nghìn lính Nhật trên đảo đánh đến người cuối cùng. Thương binh Nhật nổ lựu đạn tự sát không chịu để Mỹ bắt làm tù binh. Dân Nhật trên đảo dắt nhau nhảy từ vách đá cao xuống biển sâu, cha mẹ ôm con lội ra biển cho đến khi ngập nước chết. Lính Mỹ thấy thế khiếp sợ ôm mặt khóc, mất hết sức chiến đấu. Hai sĩ quan Nhật chỉ huy bảo vệ đảo là tướng Yoshitsugu Saito và phó đô đốc Chuichi Nagumo tự bắn vào đầu, không chịu hàng – khác hẳn tình hình chiến dịch Stalingrad: nguyên soái Paulus khi thấy tình hình chắc chắn thua đã dẫn đầu 90 nghìn lính Đức vác cờ trắng ra hàng Hồng quân Liên Xô. Rõ ràng lính Đức không gan dạ liều chết một cách mù quáng theo tinh thần samurai như lính Nhật. Một quân đội không sợ chết quả thật là đáng sợ.

Tổng thống Truman nhớ lại phương án có tên Chiến dịch Coronet tấn công chính quốc Nhật Bản do Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ dự thảo mới trình lên ông. Phương án này ước tính thương vong của phía Mỹ trong chiến dịch Coronet sẽ là 1,2 triệu người. Một tổn thất lớn không thể tưởng tượng nổi!

Truman biết rằng nhân dân Mỹ không bao giờ cho phép Tổng thống Mỹ hy sinh con em họ nhiều như vậy. Cuối cùng Tổng thống Truman đành chọn cách dùng bom nguyên tử để Mỹ không cần đổ bộ lên đất Nhật mà vẫn buộc Nhật phải đầu hàng. Khi bom nguyên tử gây thương vong lớn đe dọa sự tồn vong của dân tộc Nhật, vua Nhật không thể không quyết định đầu hàng để cứu quân đội và dân chúng nước này, cũng như cứu tính mạng chính nhà vua cùng Hoàng tộc. Nhưng quyết định này rất có thể làm tên tuổi Truman bị người đời mãi mãi nguyền rủa. Ông sẽ có thể phải chịu trách nhiệm trước lịch sử là người đầu tiên sử dụng bom nguyên tử.

8h15 sáng ngày 6 tháng 8, chiếc siêu pháo đài bay kiểu B-29 có tên Enola Gay từ độ cao 10 nghìn mét thả một trái bom Urani 235 xuống Hiroshima, nơi có trụ sở Bộ Tư lệnh miền Nam và nhiều nhà máy quân sự Nhật. Bầu không khí bị đốt nóng đến 70000C, cả thành phố thực sự trở thành một biển lửa.

Hiroshima là một trong số ít đô thị Nhật chưa bị ném bom (nghe nói đó là Mỹ cố ý làm thế để khi ném bom nguyên tử mới theo dõi được chính xác kết quả), vì thế dân chúng nơi này khá chủ quan chưa thực sự coi trọng việc trú ẩn, nhiều người thấy báo động mà không xuống hầm. Hậu quả thiệt hại cực kỳ nặng nề. Hơn 140 nghìn dân thiệt mạng.

Tổng thống Truman ra tuyên bố trước toàn thế giới nói Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima.

Thủ tướng Suzuki nhớ lại:

Sự việc đã đến nước này, tôi đành quyết định: không còn cách nào khác, chỉ còn cách duy nhất là chấm dứt chiến tranh. Sau khi nghe tin thảm hoạ ở Hiroshima, cuối cùng Bệ Hạ thở dài nói: Nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này thì sẽ chỉ gia tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc bi thảm trong lịch sử văn minh của nhân loại.

Tôi và mọi người đau khổ nhận thấy tâm trạng của Bệ Hạ vô cùng nặng nề..... Thế nhưng Chính phủ vẫn ra lệnh tổng động viên các nhà khoa học quân đội, đốc thúc họ đến Hiroshima điều tra thực địa, xác nhận bom nguyên tử là thật hay giả.

Ngày 8 tháng 8, sự thật đã rõ: đúng là bom nguyên tử thật. Do đó ai nấy càng lo sợ uy lực của nó.


[“Tự truyện của Suzuki”].
Khi biết tin ấy, Thiên Hoàng thở dài :

“Nếu cứ tiếp tục cuộc chiến tranh không có hy vọng thắng lợi này thì sẽ chỉ làm tăng sự hy sinh của quân đội, đây là một việc đau lòng trong lịch sử văn minh của loài người.”

[“Nhật ký của Kido”, tác giả: Koichi Kido Cố vấn của nhà vua ].

Thực ra, nhà vua chỉ lo cho số phận của mấy triệu lính Nhật còn lại lúc ấy chứ đâu có nghĩ gì đến sinh mạng dân chúng!

Chính phủ Nhật thì chưa tin Mỹ có bom nguyên tử. Sáng hôm mồng 7, họ cử các nhà khoa học đến Hiroshima khảo sát để xác định mối hoài nghi ấy.

Trên thực tế, sự xuất hiện bom nguyên tử hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của mọi người. Có người nghi ngờ đó là trò lừa bịp của Mỹ, đề nghị trước tiên nên đến điều tra tại chỗ rồi hãy nói......

Tối ngày 8, tiến sĩ Niko nước mắt ròng ròng báo cáo tôi: “Rất tiếc, đúng là bom nguyên tử”.... Nhận được báo cáo, Thủ tướng Suzuki chỉ thị tôi sáng mai họp ngay Nội các, ông sẽ tự nói ra ý định chấm dứt chiến tranh.


[“Sự thật của việc ngừng chiến”, Sakomizu, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật]

Nhưng phái chủ chiến lại nêu ra một ý kiến mới: Mỹ chỉ có một quả bom nguyên tử thôi, chẳng có gì đáng sợ cả !

6 giờ sáng hôm mồng 9, lại có tin Liên Xô đã tuyên chiến chống Nhật. Tin ấy có nghĩa là đội quân Quan Đông của Nhật đóng tại Đông Bắc Trung Quốc đã bị Hồng quân Liên Xô tấn công.

11 giờ 2 phút cùng ngày, quả bom nguyên tử thứ 2 (bom Plutoni) rơi xuống Nagasaki. Khoảng 70 nghìn người chết. Tổng cộng hơn 200 nghìn dân Nhật bỏ mạng chỉ vì Chính phủ Nhật chần chừ chưa tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam với lý do “chưa dự kiến đầy đủ” tình hình.

Việc Mỹ ném hai quả bom nguyên tử và Liên Xô tham chiến chống Nhật đều được giải thích bằng lý do “Nhật từ chối tiếp thu Tuyên ngôn Potsdam”. Chính phủ Nhật đã do dự, chậm trễ đưa ra quyết định trước một vấn đề vô cùng hệ trọng tới sự sống còn của dân tộc Nhật.

Tất cả chỉ vì họ muốn giữ bằng được chế độ Thiên Hoàng họ coi là thiêng liêng bất khả xâm phạm ! Điều 1 Hiến pháp Minh Trị 1889 viết: “Đế quốc Đại Nhật Bản là một khối thống nhất do Thiên Hoàng cai trị”. Điều 3 viết: “Thiên Hoàng thiêng liêng bất khả xâm phạm”, và điều 4: “Thiên Hoàng là nguyên thủ đất nước, nắm toàn bộ quyền thống trị”. Vì thế mà họ chỉ lo giữ “quốc thể” (tức thể chế Thiên Hoàng).

Tổng thống Truman đã giải quyết vấn đề hóc búa này như thế nào?

(còn nữa)

Nguyễn Hải Hoành

Tin biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét