Tuyên bố của Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, diễn ra sau tuyên bố hồi tháng trước của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã làm cho Trung Quốc nổi giận. Bà tuyên bố tại một hội nghị ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” trong việc thấy những tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông được giải quyết thông qua một “quá trình ngoại giao đa phương của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền."
Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông, vùng biển có nhiều nhóm đảo tranh chấp, bao gồm cả Quần đảo Trường Sa của Việt Nam – ngoài ra còn có Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippine cũng tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ các quần đảo này.
Đô đốc Willard cho biết Washington không đứng về bên nào trong những tranh chấp này nhưng ông cho biết thêm Washington sẽ phản đối bất kỳ hành động nào sử dụng "vũ lực hoặc các hình thức cưỡng chế để giành chủ quyền một phần lãnh thổ của bất cứ quốc gia đơn lẻ nào gây tổn hại đến các nước khác."
Ông cho biết cách cư xử "quả quyết" của Trung Quốc tại biển Đông đã nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán quốc phòng thường niên tại Manila hôm 18/8 với các quan chức quân đội Philippine.
"Chúng tôi đã thảo luận về sự quả quyết của người Trung Quốc mà chúng tôi đang cảm nhận được tại biển Đông và những mối quan ngại đã phát sinh trong khu vực," ông nói trong một cuộc họp báo.
Ông cho biết quân đội Mỹ sẽ tiếp tục sự hiện diện của họ tại khu vực này trong những năm tới để giữ những tuyến đường biển và không phận ở đó an toàn cho sự lưu thông của các chuyến tàu thương mại lớn.
Ông Willard cũng yêu cầu các nước trong khu vực xây dựng quân đội đủ mạnh để giúp gìn giữ hòa bình.
"Điều rất quan trọng là các chính phủ trong khu vực cần phải đầu tư đầy đủ cho quân đội và bộ máy an ninh để bảo vệ những vùng lãnh hải tương ứng của họ," ông nói.
Tư lệnh quân đội Philippine, Trung tướng David Ricardo, đã phàn nàn về sự yếu kém của quân đội nước ông, mà ông cho rằng có thể không đủ sức tuần tra Quần đảo Trường Sa mà họ tuyên bố chủ quyền. Với những chiếc máy bay và tàu cũ kỹ, khả năng quân sự của Philippine tại những khu vực tranh chấp này "hầu như không đáng kể," ông nói.
Trường Sa là một nhóm đảo, đá ngầm và đảo san hô với nguồn thủy sản rất phong phú. Khu vực này được cho là có trữ lượng dầu và khí tự nhiên lớn và nằm trên các tuyến đường biển tấp nập và là tuyến đường quan trọng cung cấp dầu và các nguồn tài nguyên khác cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và những quốc gia châu Á khác.
Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đã đánh chìm ba chiếc tàu hải quân của Việt Nam trong một trận hải chiến năm 1988.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét