Lại bàn về đường lưỡi bò trong Biển Đông

VietNamNet
- Việc duy trì một con đường không khoa học, không khách quan, không phù hợp luật pháp quốc tế làm xấu đi hình ảnh một đất nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình.
Ngày 26/1/2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã ra tuyên bố phản đối việc Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc từ ngày 18/1/2011 cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến "Map World", trong đó vẫn tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông. Hành động này diễn ra ngay khi Trung Quốc - ASEAN đang có cuộc họp về DOC (Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông) tại Côn Minh (Trung Quốc), chứng tỏ Trung Quốc vẫn cố tình đi ngược lại những chuẩn mực chung của luật biển quốc tế.
Ảnh: Hoàng Long
Sau công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa tại Liên hợp quốc lần đầu tiên thông báo yêu sách đường lưỡi bò với cộng đồng quốc tế, tháng 4/2010, các quan chức Trung Quốc lại tuyên bố trong một cuộc gặp với quan chức Mỹ về quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc ở Biển Đông, không nhượng bộ trong việc đòi chủ quyền theo đường lưỡi bò, tương tự như Đài Loan và Tây Tạng.
Đồng thời với việc tăng cường các hoạt động trên biển, các học giả Trung Quốc và Đài Loan phối hợp tìm nhiều cách giải thích khác nhau để bảo vệ cái gọi là sự đúng đắn của đường lưỡi bò trên diễn đàn hàng loạt các hội nghị quốc tế về an ninh khu vực.

Anfred Hu, Đại học Quốc gia Cheng Kung, Đài Loan cho rằng quan điểm của Trung Quốc về đường chữ U đứt khúc 9 đoạn là nhất quán và đã được quốc tế công nhận rộng rãi. Đường này trước kia gồm 11 đoạn đã được Vụ lãnh thổ và biên giới thuộc Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc thể hiện trên bản đồ từ năm 1946 và không có nước nào phản đối.
Điều này thể hiện sự sử dụng lâu đời và danh nghĩa lịch sử của con đường.
Ji Guaxing, GS Đại học Thanh Hoa - Bắc Kinh bổ sung đường biên giới truyền thống trong biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX cho đến năm 1947 trong các bản đồ tư nhân. Vào nửa năm đầu 1947, Bộ Nội vụ Trung Hoa Dân quốc mới chính thức vẽ đường chữ U. Tháng 2/1948, Bộ Nội vụ cho biết đã in bản đồ hành chính Trung Quốc chính thức yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong phạm vi đường chữ U. Trước những năm 1960 và 1970, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và các nước Đông Nam Á khác đều không đưa ra phản đối đường chữ U này. Điều đó chứng tỏ họ đã công nhận và mặc nhiên chuẩn y đường chữ U cũng như tính chất lịch sử của nó. Điều đó cũng chứng tỏ họ đã công nhận cả bốn quần đảo (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Ông cho rằng các nước đã có sự hiểu nhầm khi áp dụng Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Không có điều khoản nào trong Công ước cho phép các quốc gia ven biển mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình lại đòi hỏi chủ quyền các đảo nằm trong các vùng biển đó nhưng thuộc quốc gia khác. Hơn nữa, Công ước Luật biển lại công nhận và bảo vệ danh nghĩa lịch sử. Vì vậy không thể dùng Công ước Luật biển làm cơ sở xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận. Biển Đông có diện tích 3,5 triệu km2 trong khi đường chữ U chỉ chiếm 55% diện tích đó chứ không phải 80% như các nước tuyên truyền.
Tuy nhiên, ông thấy khó xử khi Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc năm 1992 lại không có ngoại lệ cho Biển Đông, nghĩa là sẽ có một vùng nước lịch sử nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, mặc dù điều 14 của luật này có nói quy định này không ảnh hưởng đến quyền lịch sử của CHND Trung Hoa.
Ông tìm cách xoa dịu dư luận bằng lập luận đường chữ U không phải là đường vùng nước lịch sử mà là đường vùng nước lịch sử đặc biệt, nghĩa là Trung Quốc có một số quyền lịch sử xác định trong đường đó như một số ưu tiên về hàng hải, đánh cá và khai thác tài nguyên. Vùng chồng lấn giữa đường vùng nước lịch sử đặc biệt này của Trung Quốc với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác sẽ tạo ra các vùng tranh chấp khác nhau. Mô hình "gác tranh chấp cùng khai thác" có thể áp dụng phía bên trong đường chữ U với 50/50 phân chia lợi tức giữa Trung Quốc và các nước. Công thức phân chia 40/60 mà Trung Quốc hưởng phần ít hơn sẽ áp dụng cho các vùng nước nằm ngoài đường chữ U.

Cần thấy rằng các tác giả trên quá tự tin khi khẳng định rằng đường chữ U đã được cộng đồng quốc tế công nhận và các quốc gia liên quan không có sự phản đối.
Trước hết, thời điểm xuất hiện của đường lưỡi bò còn chưa được các tác giả thống nhất.
Thứ hai, nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân.
Thứ ba, một đường lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng làm sao có khả năng thể hiện một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế để các quốc gia khác phải bận tâm.
Thứ tư, vào thời điểm đường lưỡi bò đang được Bộ Nội vụ Trung Hoa in trên bản đồ, Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ Nhà nước phong kiến An Nam và hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này chẳng phải là sự phản đối hùng hồn ý định yêu sách hai quần đảo bằng cách vẽ đường chữ U từ phía nước láng giềng phương Bắc đó sao?
Thứ năm, Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 không đả động chút gì tới đường chữ U. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng đâu có nhắc gì đến đường chữ U. Vì vậy không thể nói đã có sự công nhận quốc tế.
Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói đường chữ U trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận.
Thứ bảy, ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Indonesia cho lưu chuyển tại Liên hợp quốc ngày 8/7/2010 Công hàm không chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Lập luận đường chữ U là đường vùng nước lịch sử đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế vì ngay cả trong tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên một vùng nước nào trong Biển Đông.
Công ước Luật biển năm 1982 đâu có chấp nhận một vùng nước lịch sử nào. Điều 15 của Công ước mà các tác giả Trung Quốc viện dẫn chỉ quy định trường hợp phân chia lãnh hải rộng 12 hải lý theo đường cách đều hoặc trung tuyến trừ khi có danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt.
Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý chứ đừng nói cách bờ vài trăm hải lý như đường chữ U. Cho nên không thể nói Công ước luật biển công nhận và bảo vệ cho danh nghĩa lịch sử. Các tác giả Trung Quốc đành đưa ra một khái niệm mới đường chữ U là đường vùng nước lịch sử đặc biệt. Thế nhưng việc vach một đường yêu sách vùng biển rồi đòi chủ quyền trên các đảo nằm trong phạm vi đường đó không chỉ không phù hợp với Công ước luật biển năm 1982 mà còn đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản mang tính lịch sử của luật biển quốc tế là Đất thống trị biển. Phải có chủ quyền trên đất liền và các đảo mới có quyền đòi hỏi mở rộng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã phát biểu rất đúng tại Hội nghị ARF 17 tại Hà Nội tháng 7/2010 rằng: “Phù hợp với luật tập quán quốc tế, yêu sách hợp pháp vùng biển trong Biển Đông cần phải được bắt nguồn chỉ từ các yêu sách hợp pháp với đất liền và đảo”. Và khó có thể tưởng tượng được một vùng nước lịch sử đặc biệt lại nằm trong cùng một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Việc tìm cách giảm số liệu vùng biển trong phạm vi đường chữ U từ 80% xuống 55% không che đậy được thực chất của vấn đề độc chiếm Biển Đông. Vì ngay trong đề nghị tiếp sau, Ji Gouxing đã đưa ra công thức 50/50 cùng khai thác trong phạm vi đường chữ U và 40/60 ngoài phạm vi đường chữ U nghĩa là công thức gác tranh chấp cùng khai thác được áp dụng trên toàn bộ Biển Đông chứ đâu dừng ở con số 80%.

Việc duy trì một con đường không khoa học, không khách quan, không phù hợp luật pháp quốc tế làm xấu đi hình ảnh của một đất nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, đồng tác giả của năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và là trở ngại chính cho mọi giải pháp giải quyết tranh chấp trong Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Việt Long

- Tham vọng đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc với cơ sở pháp lý quốc tế thiếu thuyết phục chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế thừa nhận chính thức – ý kiến của độc giả gửi về VietNamNet xung quanh việc Trung Quốc cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó vẫn tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông.


Không phải lần đầu tiên Trung Quốc “công bố” tham vọng về đường yêu sách 9 đoạn ở Biển Đông, độc giả Trần Chính (Hà Nội) cho hay hành động mới nhất của Trung Quốc không chỉ tái diễn vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà hơn bao giờ hết, Trung Quốc, với thái độ “phớt lờ” luật pháp quốc tế, ngày càng quyết liệt thực hiện tham vọng ôm trọn hầu hết diện tích Biển Đông.

Điều đáng nói, tham vọng đó dựa trên ý chí chính trị lớn hơn cơ sở pháp lý quốc tế cần thiết phải có. Trung Quốc chưa bao giờ “nói to” được cái lý của mình. Đó là cơ sở pháp lý quốc tế của đường yêu sách mang tính thuyết phục được cộng đồng quốc tế thừa nhận chính thức. Biển Đông không thuộc về một quốc gia riêng lẻ, đường yêu sách 9 đoạn do đó là tham vọng đơn phương với tất cả sự khó hiểu.

“Không đưa ra được căn cứ pháp lý quốc tế tín nhiệm chính thức nên Trung Quốc dường như chọn thái độ mập mờ về bản chất của đường lưỡi bò và chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi đường yêu sách 9 đoạn”, độc giả nêu.

Độc giả Nguyễn Quyết (Hà Nội) đồng tình ngay cả lấy mốc thời gian trở ngược quá khứ lịch sử phong kiến xa xưa, Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục về chủ quyền trên hầu hết toàn bộ Biển Đông rộng lớn một cách liên tục, hòa bình. Vì lẽ đó, đường yêu sách 9 đoạn tự vẽ là sự thừa nhận vô lý.

“Map World cũng như các bản đồ trước đó của Trung Quốc thể hiện đường yêu sách 9 đoạn khiến ngày càng gia tăng sự nghi ngại về tham vọng bành trướng Biển Đông của quốc gia này”, độc giả Quyết viết trong thư phản hồi.

Độc giả Hữu Hào (TP HCM) cũng cho rằng một yêu sách mang tính đơn phương không có cơ sở nào cả trong luật pháp quốc tế lẫn trong lịch sử như yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là sự đi ngược phát triển của luật biển quốc tế hiện đại. Cách hành xử “nói một đằng làm một nẻo” sẽ gây tổn hại đến hình ảnh của một cường quốc luôn khẳng định sự trỗi dậy của mình là “hòa bình” và yêu chuộng hợp tác!

Điều này đặt câu hỏi về thái độ ứng xử thực chất của Trung Quốc khi mà chỉ mới đây không lâu, lời cam kết của Trung Quốc cùng ASEAN trong một hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vẫn chưa ráo mực? Độc giả cho rằng, Trung Quốc cần có cách ứng xử một cách có trách nhiệm hơn trong vấn đề Biển Đông vì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực :

“Chủ quyền lãnh hải luôn là vấn đề nhạy cảm. Trong khi các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm kiếm giải pháp công bằng cùng chấp nhận được cho các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông, qua đó đảm bảo hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực, thì hành động hôm 18/1 của Trung Quốc chỉ làm cho tình hình thêm rối ren, phức tạp”, độc giả này nhấn mạnh.

Đồng tình với độc giả Hào, độc giả Thái Hà (Đà Nẵng) cho rằng thay vì chọn cách mập mờ, im lặng về đường lưỡi bò khó hiểu 9 nét hay 11 nét như trước đây, Trung Quốc không nên lẩn tránh mà cần hành xử một cách có trách nhiệm thông qua việc đối thoại với các nước trong khu vực về các khác biệt nảy sinh, thể hiện trách nhiệm là thành viên tin cậy của các cơ chế luật pháp quốc tế như Công ước về Luật biển hay Tuyên bố DOC về ứng xử ở Biển Đông.

“Tôi không ảo tưởng sẽ xảy ra chuyện một ngày nào đó Trung Quốc bỏ đường lưỡi bò hình chữ U trong các bản đồ của họ. Sẽ không bao giờ có chuyện đó. Vậy thì thái độ của các nước ra sao? Trung Quốc ứng xử trách nhiệm thế nào là điều phải rõ. Rõ ràng cơ chế đối thoại chung và những hành xử có tính ràng buộc pháp lý là sự cần thiết ”, độc giả Thái Hà nêu quan điểm.

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng cả về lịch sử lẫn pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông - bản đồ của Trung Quốc thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông là sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam nghiêm trọng - nhiều độc giả gửi thư phản đối hành động này của Trung Quốc.

Độc giả Thành Lưu (Thanh Hóa) cho rằng để Biển Đông không “dậy sóng” thì trước hết phải chấm dứt câu chuyện đường lưỡi bò. Đường lưỡi bò, vốn không có giá trị pháp lý quốc tế chính thức thuyết phục, chừng nào còn tồn tại, sẽ khó giải quyết những bất ổn ở Biển Đông.Trung Quốc cần phải xem xét lại tham vọng đơn phương của mình với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc sâu sắc.

L.Thư


- Việt Nam phản đối Trung Quốc cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga hôm nay (26/1) đã phản ứng trước việc ngày 18/1, Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó vẫn tiếp tục thể hiện đường yêu sách 9 đoạn trên Biển Đông.

Bà Nga nói việc Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến “Map World”, trong đó thể hiện đường yêu sách 9 đoạn ở Biển Đông là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và của các nước ven Biển Đông, hoàn toàn trái với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

“Việt Nam phản đối việc làm này của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ ngay những nội dung sai trái trong các bản đồ nói trên”, người phát ngôn nêu rõ.

L.Thư

- Đưa đường lưỡi bò vào bản đồ trực tuyến "Map World" khi lời cam kết của Trung Quốc cùng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chưa kịp lắng xuống khiến công luận một lần nữa phải lấy làm khó hiểu. Phải chăng, có một khoảng cách giữa những mỹ từ và hành động thực chất của cường quốc đang trỗi dậy này?

Đường yêu sách vô lý
Đường "lưỡi bò", "chữ U" hay "đứt đoạn"... là những cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của Trung Quốc đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines.
Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân Đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi (bỏ bớt hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn).
Công hàm của Trung Quốc đệ trình lên Ủy ban Liên hợp quốc về thềm lục địa mở rộng ngày 7/5/2009 có lẽ là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của đường yêu sách 9 đoạn và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới.
Ngoại trừ các học giả Trung Quốc, tất cả các học giả nước ngoài đều chỉ rõ, đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.
Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Long
Vùng nước trong "đường lưỡi bò" chiếm 80% diện tích Biển Ðông mà Trung Quốc cho là "vùng nước lịch sử" là không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế chưa bao giờ ghi nhận một yêu sách như vậy và sẽ không chấp nhận một vùng biển lớn nhất nhì thế giới thuộc về quyền tài phán của một nước.
Thậm chí, Indonesia, một nước không hề dính líu đến tranh chấp Biển Đông cũng phải chính thức gửi công hàm phản đối "đường lưỡi bò", cho rằng bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc là "rõ ràng không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước Luật biển 1982".
Thế giới sẽ nghĩ gì về hành động vừa qua của Trung Quốc trong khi mới tháng 10/2010, nước này cùng ASEAN đã long trọng "cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới thông qua bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, qua đó góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực"?
Đáng nói hơn, động thái này xảy ra chỉ vài ngày trước khi cuộc họp cấp ngoại trưởng Trung Quốc - ASEAN để kỷ niệm 20 năm hợp tác.
Khoảng cách giữa mỹ từ và hành động thực tế
Đây không phải là lần đầu tiên, cường quốc đang lên tại khu vực "nói vậy mà không làm vậy".
Nhiều năm qua, sự trỗi dậy Trung Quốc đi liền với mối lo ngại về cái gọi là "mối đe dọa Trung Quốc" trong cộng đồng quốc tế. Cho rằng thế giới đang hiểu nhầm mình, Trung Quốc bằng nhiều cách thức, khi lặng lẽ, lúc ồn ào, cố gắng làm an lòng phần còn lại của thế giới về một chiến lược phát triển hòa bình của nước này.
Tranh thủ mọi cơ hội, mọi diễn dàn, khu vực và quốc tế, người Trung Quốc đang tỏ ra muốn "minh bạch hóa" chiến lược phát triển, nhất là các chính sách an ninh gắn với sự đầu tư ngày càng lớn cho quân sự.
Những cụm từ "phát triển hài hòa", "phát triển chung", "an ninh chung", "hợp tác", "đối tác bình đẳng", "tin cậy lẫn nhau", "đối tác có trách nhiệm"... thường xuyên xuất hiện trên cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Khẩu hiệu hòa bình và chống bá quyền được giới chức Trung Quốc tận dụng mọi cơ hội phô diễn.
Khi Biển Đông nóng lên, những phát ngôn mang tính trấn an như thế của lãnh đạo Trung Quốc càng xuất hiện với tần suất dày đặc, nhất là tại các diễn đàn khu vực, nơi các nước láng giềng chia sẻ mối lo về an ninh khu vực.
Còn nhớ, năm ngoái, nhân vật thứ 3 của giới quốc phòng Trung Quốc, Trung tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội đã hai lần trấn an đại diện các quốc gia Đông Nam Á và nước lớn, rằng "quân đội Trung Quốc không đe dọa an ninh nước nào".
"Sự phát triển năng lực của quân đội quốc gia Trung Quốc không nhằm thách thức, đe dọa hay xâm lược quốc gia nào mà trước hết và trên hết là để đảm bảo an ninh của Trung Quốc", ông Mã Hiểu Thiên nói. "Duy trì an ninh trong khu vực là lợi ích và bổn phận của Trung Quốc"... "Trung Quốc không bao giờ nhắm tới bá quyền, ngay cả khi mạnh hơn".
Cố gắng thuyết phục thế giới hiểu đúng về Trung Quốc và tham vọng phát triển của nước này, nhấn mạnh xây dựng quan hệ đối tác thực sự dựa trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thế nhưng, hành động của Trung Quốc, nhất là liên quan đến Biển Đông lại buộc thế giới đặt những dấu hỏi nghi ngờ.
Những lời trấn an của lãnh đạo Trung Quốc không thể an lòng thế giới, nhất là khu vực, khi những hành động của giới chức nước này lại "một mình một lối".
Từ đường ranh giới chữ U đòi chủ quyền trên Biển Đông tham lam "lờ đi những giới hạn luật pháp được quy định bởi Công ước Luật biển Quốc tế 1982" (nhận xét của PGS Peter A. Dutton, Viện Nghiên cứu Hàng hải, trường Cao đẳng Hải chiến Hoa Kỳ) đến những hoạt động thực tế mang tính hiếu chiến trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá vỡ cam kết "giữ nguyên trạng", "không làm căng thẳng tình hình" mà nước này đã ký năm 2002 với các quốc gia ASEAN trong Tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC).
Kể từ giữa năm 2009, Trung Quốc liên tục "gây chuyện", với từng nước riêng rẽ liên quan đến tranh chấp, trực tiếp và gián tiếp, và với cả khu vực. Xây dựng đơn vị hành chính, đơn phương cấm đánh bắt cá, bắt giữ và đòi tiền chuộc với các tàu cá của các quốc gia Đông Nam Á, va chạm với tàu Mỹ, xây dựng cơ sở hải quân khổng lồ ở đảo Hải Nam, tổ chức tàu tuần tra, tập trận không quân và hải quân trong khu vực tranh chấp... là những bước leo thang của Trung Quốc trong việc làm căng thẳng tình hình Biển Đông.
Vậy mà, trong cuộc họp báo trước hội nghị Côn Minh, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đồng Hiểu Linh còn cảnh báo: Việc làm nóng lên và phức tạp hóa vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN!
Có vẻ như, cái gọi là "cam kết", "hợp tác", "không đe dọa"... đã được Trung Quốc tự định chuẩn theo cách hiểu của riêng mình. "Phương cách đơn phương Trung Quốc" không chỉ được áp dụng trong giải thích luật biển quốc tế, mà trong những thuật ngữ hoa mỹ nước này dùng để dựng hình tượng về mình cũng như mô tả về quan hệ tốt đẹp với láng giềng.
Thay vì dùng lời nói thuyết phục thế giới và khu vực "hiểu đúng" về Trung Quốc với tư cách "cổ đông có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế, có lẽ, đến lúc Trung Quốc dựng hình tượng ấy bằng hành động cụ thể, trước hết và trên hết bằng việc minh bạch hóa vấn đề an ninh Biển Đông với hành động thiện chí và xây dựng thực sự.
Và thay vì sử dụng phương cách Trung Quốc để rồi trách thế giới hiểu nhầm mình, Trung Quốc cần thực sự áp dụng phương cách và chuẩn mực quốc tế trong hành xử, để làm thế giới tin.
Việc Cục Đo đạc và Bản đồ Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào bản đồ trực tuyến vào lúc này chỉ làm cho tình hình trên Biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu thế và nỗ lực của các nước trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định lâu dài cho những tranh chấp Biển Đông. Các vấn đề trên Biển Đông cần được các nước trong khu vực, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, tìm ra một giải pháp công bằng mà các bên có thể chấp nhận được.
Trường Minh - Hoàng Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét