Bạch Thái Bưởi qua hồi ức Phan Khôi

Vef.vn:

Trong các nhà doanh nghiệp Việt Nam nổi bật ngay đầu thế kỷ 20, Bạch Thái Bưởi (1874-1932) được kể vào một trong số 4 người Việt giàu nhất lúc ấy ("nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi").

Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi cũng đã có ít nhiều bài vở, tài liệu nghiên cứu. Tuy vậy, hình như chưa có ngòi bút nào tiếp cận doanh nhân nổi tiếng kia ở phương diện con người cụ thể, tính cách cụ thể. Chính vì vậy, tôi cho là rất lý thú một đoạn hồi ức của nhà nho Phan Khôi (1887-1959), kể về quãng thời gian ông vào làm việc tại hãng tàu Bạch Thái ở Hải Phòng, năm 1920.

Phan Khôi kể rằng, sau khi được ra tù (vì vụ án "xin xâu" ở Quảng Nam năm 1908), từ 1911-1917, ông buộc phải nằm lỳ ở quê nhà (Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam). Năm 1918, ông ra Hà Nội làm báo Nam phong được ít lâu lại bỏ về; năm 1919 vào Sài Gòn làm báo Quốc dân diễn đàn và Lục tỉnh tân văn, rồi cũng mất việc. Người cha, một vị hưu quan từng đỗ phó bảng, thì lo sao cho con trai thoát khỏi cái lốt một gã cựu tù, còn chính Phan Khôi thì chỉ mong sao vượt khỏi cái cổng làng. Nhưng muốn đi mà xin phép cha không được, vì người bảo vận hạn anh còn xấu lắm! Suốt mùa đông 1919, Phan Khôi nhớ, ngày nào ông cũng phải nốc rượu, và đêm nào cũng phải đi đánh cờ nơi mấy nhà hàng xóm.

Thời cơ bất ngờ đến vào đầu năm 1920. Nhà họ Phan ở Bảo An được tin người con trai ông chú ruột, bị chết ở Thanh Hóa: đó là Phan Hanh (anh ruột Phan Thanh, 1908-1939). Đang đêm, Phan Khôi được cử cùng ông chú đi ngay ra Hội An. Tại đây, sau khi nắm rõ tình hình, Phan Khôi được phái ra Thanh Hóa, còn ông chú thì trở về Bảo An. Đến Thanh Hóa thì người chết đã được mai táng. Những rương hòm để lại, Phan Khôi tính đem về đường bộ không tiện, chỉ có cách đưa theo xe hỏa (đường sắt) ra Hà Nội, xuống Hải Phòng, rồi theo đường biển mà chở về. Ông đã làm như thế.

Ở Hải Phòng, Phan Khôi gặp Dương Tự Nguyên, đang làm cho một ngân hàng của Anh đặt tại đây. Dương Tự Nguyên là một trong mấy anh em họ Dương quê Mễ Sở, Hưng Yên (Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tụ Quán...). Họ Dương khuyên họ Phan ở lại, tìm chỗ làm, chơi với nhau cho vui. "Chúng ta bỏ nghề báo qua nghề buôn, sao lại chẳng được?".

Rồi có người mách cho rằng: ông Bạch Thái Bưởi, chủ hãng tàu Bạch Thái, đang cần tìm một thư ký viết thạo chữ Hán và Quốc ngữ, nếu biết chữ Pháp nữa thì càng hay, trả lương tháng chừng bốn năm chục. Theo lệ thường, ai muốn xin việc làm thì viết thư cho chủ. Nhưng Phan Khôi không làm thế. Ông viết thư kể rõ sự tình gửi cho cụ Nguyễn Bá Học ở Nam Định, là thầy dạy chữ Pháp cho mình hồi 1907, nhờ cụ tiến cử mình cùng ông chủ Công ty Bạch Thái.

..."Quả nhiên, sau một tuần lễ, một ngày vào hạ tuần tháng tư tây, lúc ba giờ chiều, có người nhà ông chủ Bạch Thái đến nhà trọ mời tôi đến phòng giấy ông. Tôi đến với y phục và dáng điệu nhà nho đặc. Tuy vậy ông tiếp tôi một cách vui vẻ lắm, như đã có quen biết nhau từ trước rồi.

Ông Bưởi hỏi tôi trước làm Nam phong một tháng bao nhiêu. Tôi nói thật với ông rằng tôi chỉ ăn có hai chục, nhưng chuyện ấy cách nay đã ba năm rồi, vả lại tôi thôi ở đó cũng đã lâu rồi nữa, để cho ông thấy cái giá cũng không nên vịn. Rồi ông hỏi tôi bây giờ phải trả bao nhiêu. Tôi đòi năm chục. Ông mặc cả từ bốn chục cho đến bốn năm đồng, về sau cũng đành chịu năm chục, nhưng phải mỗi tháng để lại mười phần trăm làm như tiền "ký quỹ". Còn công việc tôi sẽ làm, theo ông nói, thì chỉ có viết thơ giao thiệp với các hàng hiệu hoặc Hoa kiều hoặc An Nam.

Ngày mồng một tháng năm tây năm 1920, tôi bắt đầu vào làm".

Mươi hôm đầu, Phan Khôi thấy như chẳng có việc gì làm. Mỗi ngày chỉ viết một vài cái thư, thường là trả lời những người xin việc, cái thì hứa hẹn, cái thì từ chối. Nhưng nửa tháng, rồi một tháng, dần dần công việc mới thật là công việc.

Theo quy chế đã yết bảng thì nhân viên mỗi ngày làm 10 giờ: sáng từ 7 đến 12 giờ, chiều từ 13 đến 19 giờ, Chủ nhật được nghỉ nửa ngày. Nhưng riêng Phan Khôi lại khác: sáng từ 8 đến 13 giờ, chiều từ 15 đến 20 giờ.

"Cứ mỗi sáng, từ 8 đến 12 giờ, tôi phải làm những việc hôm qua còn lưu lại. Còn ông chủ, 9 giờ ông mới đến. Đến thì ông sai cắt công việc, đọc thơ tiếp khách cho đến 12 giờ. Lúc nầy ai nấy đã về cả, ông mới gọi tôi đến ngồi trước mặt ông. Đưa ra một mớ thơ mà ông đã đọc, rồi mỗi cái, ông bảo phải trả lời làm sao; tôi, mắt thì nhìn, tai thì nghe, tay thì ghi giấy. Có ngày thơ nhiều quá, một giờ rồi mà chưa xong thì cũng phải ngồi ráng ít nữa.

Chiều đến phải viết những thơ ấy. Cái nào quan hệ (quan trọng) mới giao cho người khác đánh máy. Rồi 4 giờ ông chủ lại. Làm việc của ông đến 7 giờ, ông lại gọi tôi vào làm việc như buổi mai. Vì mỗi ngày hai giờ ngồi cùng ông mà tôi phải ở trễ. Trong tám tháng ở nhà trọ, bữa nào tôi cũng ăn sau, ăn một mình và ăn cơm nguội".

Tự thấy không chịu nổi áp lực về thời gian, chỉ sau tám tháng, Phan Khôi phải xin thôi việc. Tuy vậy, khi đang làm việc, tự ông thấy rất vui thích, như đang học trong một nhà trường lớn.

Một trong những điều Phan Khôi quan sát chăm chú, ấy là cách hành xử của ông chủ Bạch Thái Bưởi. Ông thấy nhà doanh nghiệp này có những thủ đoạn riêng để giữ chân những nhân viên giỏi. Một người họ Đoàn tên Dư chỉ muốn kiếm đủ số tiền cần thiết rồi bỏ công ty ra ngoài làm ăn riêng; ông Bưởi biết ý, dùng kế buộc ông Đoàn ở lại.

"Một hôm ông Bưởi sắp đi đâu đó, xe hơi đã dàn sẵn, kêu ông Dư ra, bảo đưa cho mình một ngàn bạc. Dư đưa và xin biên lai. Ông Bưởi quạu quọ: "Ông không thấy tôi bận thiếu điều xẻ lỗ mũi mà thở sao? Ông cứ ghi đó cũng được chứ". Rồi đi thẳng.

Hôm sau về, Dư lại hỏi biên lai. Ông Bưởi cười xề xề: "Biên lai gì? Biên lai gì?". Họ Đoàn ta hơi lấy làm chột dạ, nhưng cũng không nghĩ đến đó là cái tròng sắp tra vào cổ mình.

Đến cuối tháng, ông chủ bảo để sổ trong tháng lại cho ông coi thử. Thì một ngàn đồng bạc ấy, ông không nhìn (= không thừa nhận). Thế rồi, một đằng ông Dư viết giấy nợ công ty một ngàn đồng, một đằng công ty tăng lương ông ấy mỗi tháng hai chục nữa, và tháng tháng trừ hai chục cho đến hết.

Chuyện đó xảy ra trước tôi đến một năm. Ông Dư kể cho tôi nghe và nói rằng: Tôi ở lại đây đã hơn một năm rồi, ông chủ đã hứa rồi đây ông sẽ hủy cái giấy nợ ấy cho tôi".

Là nhà nho, Phan Khôi rất dị ứng với thói đánh đập nhân viên của ông chủ. Có lần lên tiếng can ngăn thì ông Bưởi bảo: không đánh sẽ không chạy việc. Rồi ông lý luận rằng: "Người An Nam, nhất là bọn hạ lưu, xưa nay họ quen chịu roi vọt mới làm phải chớ không làm phải vì biết tự trọng. Vậy bây giờ chỉ có theo thói quen ấy mà cai trị thì mới dễ, còn muốn đãi họ lấy nhân đạo thì phải đợi đến khi nào giáo dục lan khắp và đầy đủ, họ biết tự trọng hàng ngày. Tôi là nhà buôn, tôi chỉ làm làm sao cho công việc chạy, chứ nói đến nhân đạo thì hỏng cả"!

Phan Khôi nói tính mình không chịu nhục được và xin ông chủ đừng cư xử với mình như thế kẻo sẽ sinh chuyện. Ông Bưởi cười ha hả giữ lời dặn ấy, và quả nhiên ông không bao giờ nặng lời với viên thư ký suốt thời gian ở hãng.

Ông Bưởi khuyên Phan Khôi mặc Âu phục vì tiện ích cho bản thân và cho công ty; Phan Khôi từ chối, nói không đủ tiền; sang mùa lạnh, ông Bưởi lại giục và hứa cho vay trước vài trăm để may sắm. Nhưng Phan Khôi không nhận, "vì biết ngửa tay lấy tiền của ông là phải làm mọi cho ông suốt đời".

Cũng thời gian ấy, viên tri phủ ở quê Phan Khôi gây chuyện, thưa bẩm quan trên đòi đưa Phan Khôi về, không cho ở Hải Phòng, lất cớ ông là tù mãn hạn bị quản thúc. Được tin ấy, Phan Khôi tự lo làm đơn gửi về đối phó chứ không cho ông Bưởi hay. Sau ông biết, bảo Phan Khôi lấy thầy kiện "bao tháng" của hãng mà kiện lại viên tri phủ, nhưng Phan cũng gạt đi, nói rằng: "Việc là việc riêng của tôi, tôi không muốn ông can thiệp vào".

Trong câu chuyện giữa hai người với nhau, ông Bưởi từng khen Phan Khôi: "Sao một nhà nho lại có cái óc tây lạ!". Phan Khôi biết, ông càng khen mình chừng nào thì mình càng nhai lưng ra làm cho ông ấy chừng nấy, nhưng được có người thưởng thức cho, lại chẳng hơn là không?

Trước ngày định thôi việc một tháng, Phan Khôi gửi đơn xin thôi việc cho ông Bưởi bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện.

"Rồi buổi chiều ngày 31 tháng 12 năm 1920, tôi sang bàn giấy ông từ giã; ông kêu người thủ quỹ lấy đưa cho tôi 35 đồng theo với tiền lương tháng ấy mà nói rằng: Ông có ra, nhớ bảo cho người khác biết Công ty Bạch Thái sòng phẳng lắm, không hề quỵt tiền ký quỹ của ai đâu!".

Năm sau, 1921, gặp lại Phan Khôi đang viết cho Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội, ông Bưởi "nằn nì tôi trở về với công ty nhưng tôi hẹn rồi lơ luôn"! Vì tự Phan Khôi thấy mình không thể quay lại với nghề thư ký hãng buôn.

Phan Khôi kể rằng, khi ông từ Hải Phòng viết thư về nhà nói ý định ở lại làm việc, thì cha ông liền bảo với con dâu (tức là vợ Phan Khôi): "Làm gì thì làm chớ chi lại đến nỗi đi làm công cho Bạch Thái Bưởi là một thằng cha trọc phú"!

Năm ấy, vị hưu quan chưa đến lục tuần mà vẫn khinh thị giới doanh gia như thế. Thời ấy đã bắt đầu phổ biến chữ Quốc ngữ, ông già vẫn viết thư cho con bằng chữ Hán, và không quên hỏi con ghi "chức danh" bằng chữ Hán ra sao ngoài bì thư? Người con trai bèn viết về xin đề rằng: "Phan Khôi tiên sinh, Bạch Thái công ty thư ký viên". Ý ông muốn nhờ những chữ "tiên sinh", "viên" để tăng giá trị lên đôi chút cho cha mình bớt tủi vì con! Có ngờ đâu, trong mắt người từng đỗ phó bảng và làm tới tri phủ thì mấy chữ kia nào có chút ý nghĩa gì?!

Trên đây là nội dung một đoạn tự truyện của Phan Khôi, đăng Dân báo ở Sài Gòn số Tết 1940. Nhân đây xin cảm ơn bạn N.K.H, người tìm được ở Paris tài liệu này và cung cấp cho tôi.

(Theo TBKTSG Xuân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét