Về một lá thư gửi trang mạng Bauxite Việt Nam

vokhanhlinh - vokhanhlinh - Yahoo! 360plus:
Đăng ngày: 06:49 16-04-2010

Một lá thư của một fan Bauxite nhưng nay thì......, tôi nhận được từ lâu, thấy vẫn rất hay nên đăng nên blog để những ai quan tâm biết đuợc......
***************

Hà Nội, ngày 02/01/2010





Kính gửi: trang mạng Bauxite Việt Nam và những bạn đọc quan tâm!



Tôi là VCĐ, giảng dạy lý luận về nghiên cứu khoa học của Học viện hành chính Quốc gia, người đã ký tên vào các thư ngỏ của nhóm các giáo sư, tiến sỹ, nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng đồng ký tên kiến nghị Nhà nước ngừng triển khai 9 dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Ngày 07/5/2009, sau khi được biết về thư kiến nghị này, tôi đã ký tên với tất cả sự cảm phục tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 99 tuổi vẫn đau đáu vận nước, mệnh dân, với sự hiểu biết của bản thân tôi gần 40 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, đã có trực tiếp hơn 10 năm công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, hoàn toàn không có ai thúc đẩy, xúi giục, kích động. Tôi hiểu rằng, là trí thức mang trên mình sứ mệnh “tội đồ” của nhân dân, người nghĩ hộ nhân dân, nói hộ nhân dân, vì thế, trước một chính sách nhiều sai sót như dự án Bauxite, tôi hy vọng việc ký thư ngỏ của tôi và các trí thức sẽ góp tiếng nói phản biện xã hội, giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở khoa học và thực tiễn để lựa chọn, điều chỉnh dự án cho phù hợp.



Tôi cũng là người đọc trang mạng bauxite Việt Nam khá thường xuyên, đều đặn, bởi trong đó, tôi tìm thấy được khá nhiều ý kiến đồng cảm, một nơi để bày tỏ quan điểm một cách tương đối dân chủ. Tôi cũng tin tưởng vào mục tiêu ban đầu mà ông Nguyễn Huệ Chi đã trả lời phỏng vấn đài RFA đã khẳng định, trang mạng bauxite được lập ra với mục đích phản biện xã hội, không hoạt động vì mục đích chính trị, không vụ lợi.



Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, Chính phủ, Bộ Công thương đã tổ chức một số cuộc hội nghị, hội thảo, họp báo về việc này và ít nhiều đã có sự điều chỉnh nhất định. Tư thế của Việt Nam trong tình hình hiện nay, trong mối quan hệ bang giao phức tạp với ông láng giềng Trung Quốc đã buộc Nhà nước ta vào thế đâm lao phải theo lao, cưỡi trên lưng cọp, vấn đề là lao phóng thế nào, cưỡi cọp thế nào để bảo toàn. Theo tôi trách nhiệm của trí thức là góp ý kiến về mặt khoa học để Nhà nước có cái nhìn toàn diện, việc điều chỉnh hoặc lựa chọn các quyết định chính sách phải dựa trên rất nhiều tiêu chí, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến không gian, thời gian, lịch sử, địa lý… Vì thế, tôi cũng là người phản đối trang mạng này sau một thời gian theo dõi. Chưa đề cập đến nguồn gốc không rành mạch của trang mạng bauxite Việt Nam lập ra ở Mỹ và ban quản trị mạng chủ yếu do người bên ngoài điều hành, các bài viết trên trang mạng này đã không còn giữ được nguyên tắc ban đầu là nơi thể hiện các ý kiến phản biện khoa học hoặc phản biện xã hội về vấn đề bauxite, mà ngày càng có xu hướng gây sức ép buộc Nhà nước phải chấm dứt ngay lập tức các dự án bauxite, bất kể mối quan hệ đối ngoại, hợp tác kinh tế quốc tế, bất kể quan hệ chính trị phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước. Rất nhiều bài viết tranh cãi theo kiểu “lý toét”, “xã xệ” làng xã thời kỳ Pháp thuộc. Rất nhiều bài viết lồng ghép tư tưởng quan điểm cá nhân, vin vào cớ phản đối bauxite để phê phán đường lối phát triển đất nước, đả kích chế độ XHCN, phê phán hầu hết mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một số lớn các bài viết không ghi tên thật, hoặc nặc danh với lời lẽ bộc lộ cảm tính thái quá, hoặc lấy từ các trang web không rõ nguồn gốc từ bên ngoài. Một số người cơ hội chính trị nổi tiếng như ông Hà Sỹ Phu, ông Trần Khuê cũng lợi dụng đưa các bài viết, bài thơ mang tính chất kích động tư tưởng trái chiều một cách quá lộ liễu, đả kích, chống đối chế độ. Một số luật sư cực đoan, chưa bao giờ có danh, có tiếng trong giới như ông Cù Huy Hà Vũ, vì “dám” đứng đơn trong vụ kiện Thủ tướng hy hữu và nực cười mà cũng được tung hô, ca tụng. Mạng bauxite Việt Nam vô tình (hay cố ý) đã không còn nguyên nghĩa một trang phản biện xã hội, mà đã trở thành nơi lẫn lộn đồng thau, thượng vàng hạ cám, nơi tập hợp nhiều phần tử chống đối trong và ngoài nước, thành tụ điểm để một số người lợi dụng tuyên truyền, hướng lái dư luận, lợi dụng tạo dựng uy tín chính trị, trở thành một trang mạng với các luận điệu không khác gì diễn đàn của các tổ chức phản động lưu vong ở hải ngoại, chỉ có điều họ có được tấm bình phong là danh tiếng của một số trí thức lớn, đứng đắn và được nhiều người trong nước tham gia hơn mà thôi.



Tôi là một trí thức lâu năm về lý luận nghiên cứu khoa học, tôi hiểu rằng phản biện xã hội và phản biện khoa học không đồng nhất với nhau, bên cạnh thuộc tính khoa học, phản biện xã hội còn có thuộc tính xã hội, tức là phản ánh các quan điểm, quyền lợi của các tầng lớp khác nhau trong xã hội và không phải lúc nào cũng dựa trên các cơ sở lập luận khoa học thuần túy và các yếu tố quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội được phản ánh thông qua chủ thể phản biện. Tôi cho rằng mạng bauxite Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đặt ra, phản biện đã không được định hướng, không đúng nơi, đúng chỗ, người phản biện không đủ chức năng, không đủ vai trò, ảnh hưởng tới xã hội và nhất là không xác định được mục tiêu phản biện là gì. Hơn nữa, việc lợi dụng phản biện tràn lan, vô chính phủ và lồng ghép các mục đích chính trị của trang mạng bauxite Việt Nam đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự giới trí thức nói chung.



Tôi cho rằng cần phải có sự quản lý của Nhà nước đối với các trang web như thế này, trước khi kêu gọi sự trung thực, lương tâm của những người điều hành. Thái độ của tôi và nhiều trí thức, không thể đứng chung với các cá nhân phản động lưu vong người Việt, những người cơ hội, lợi dụng phản biện để tạo dựng thân thế, uy tín chính trị. Chúng tôi mong muốn có được một diễn đàn thực sự lành mạnh, thực sự trong sạch để bày tỏ, như một cách đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Cái chúng ta muốn tìm là cái nhìn sáng tỏ về vận mệnh đất nước và cách xử sự đúng đắn của người trí thức nhằm góp phần cùng cả dân tộc chèo chống, kiên quyết không đi theo những kẻ “chỉ đường” sai trái có thể đẩy lịch sử vào những tình thế hiểm nghèo.



VCĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét