Ai Cập chìm trong bạo động

Thanh Nien Online
03/02/2011 16:58

(TNO) Các cuộc biểu tình ngày càng nhuốm màu bạo động tại Ai Cập, bất chấp Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố sẽ không ra tranh cử vào nhiệm kỳ tới.

>> Tổng thống Ai Cập cam kết từ chức “đúng nhiệm kỳ”
>> Ai Cập: Quân đội sẽ không dùng vũ lực với người biểu tình

Các cuộc đụng độ đã diễn ra từ 4 giờ sáng hôm nay 3.2, giờ địa phương (tức 9 giờ cùng ngày, giờ VN) tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và rất nhiều người khác bị thương, theo đài truyền thanh Europe 1.

Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập thông báo xung đột giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Hosni Mubarak hôm 2.2 làm 3 người thiệt mạng và 640 người bị thương.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một bác sĩ làm công tác cứu hộ tại Tahrir cho biết, số người bị thương lên đến 1.500 người.

Chính quyền Ai Cập khẳng định hầu hết các trường hợp thương vong là vì hai phe ném đá qua lại chứ không do đọ súng.

Quân đội sau khi “án binh bất động” đã bắn chỉ thiên để vãn hồi trật tự tại khu vực rộng lớn của quảng trường Tahrir, nơi đã trở thành điểm tập trung của những người phản đối ông Mubarak từ hôm 25.1.

Bất chấp lệnh giới nghiêm, hằng ngày có hàng ngàn người “cắm trại” tại đây.

Sau vài tiếng tạm lắng, đụng độ lại bùng lên vào rạng sáng nay, khi những người ủng hộ Tổng thống Mubarak bắn về “trại Tahrir” của những người chống đối.

Theo đài truyền hình al-Arabia, quân đội phải can thiệp và bắt giữ những người gây bạo loạn.


Các cuộc biểu tình tại Ai Cập ngày càng nóng bỏng - Ảnh: AFP

Trước tình hình căng thẳng tại Ai Cập, Washington đã kêu gọi công dân nước này hồi hương “ngay lập tức” và cho biết trong chiều nay, có thể sẽ có nhiều chuyến bay tăng cường về Mỹ từ sân bay Cairo.

Trong khi đó, Paris cũng khuyên công dân Pháp nếu không có việc gì bắt buộc nên sớm rời khỏi Ai Cập.

Như vậy, dù tối 1.2, Tổng thống Mubarak đã chính thức tuyên bố sẽ không ra tranh cử vào tháng 9 tới nhưng vẫn không thể xoa dịu làn sóng chống đối đang trở nên vô cùng mạnh mẽ.

Tờ Les Echos dẫn lời Phó tổng thống Omar Suleiman kêu gọi những người biểu tình hãy quay về vì “những yêu sách của họ đã được lắng nghe”.

Tuy nhiên, các đảng phái đối lập khẳng định sẽ tiếp tục biểu tình vì nếu “thu quân” trong 7 tháng, đợi đến kỳ bầu cử tháng 9 thì sẽ phá vỡ “khí thế bừng bừng” hiện tại và tạo điều kiện cho đảng của ông Mubarak có thời gian “hồi phục”.

Dự kiến sẽ có một cuộc biểu tình rất lớn vào ngày mai để tiếp tục gây sức ép lên Tổng thống Ai Cập.


Những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Mubarak đối đầu tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo - Ảnh: AFP

Mỹ và châu Âu trong hôm 2.2 đều gửi thông điệp đến Tổng thống Hosni Mubarak, theo Les Echos.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định Ai Cập cần phải có “sự chuyển giao quyền lực ngay lập tức”.

Pháp cho rằng “không nên làm chậm trễ quá trình chuyển giao quyền lực”.

Trong khi Anh kêu gọi việc này cần phải diễn ra “ngay lập tức”.

Giới quan sát đánh giá tương lai của Ai Cập có thể nằm trong tay quân đội. Với 468.000 binh lính, quân đội nước này hiện có quy mô xếp thứ 10 thế giới, theo tờ Le Figaro.

Quân đội Ai Cập đã khẳng định hôm 31.1 sẽ không bắn vào đoàn người phản đối ông Mubarak và nhận định đòi hỏi của những người biểu tình là “chính đáng”.

Động thái ôn hòa này đã khiến quân đội trở thành “trọng tài” cho những diễn biến phức tạp hiện tại ở xứ sở của Kim tự tháp.

Kể từ cuộc cách mạng năm 1952 của Tổng thống Gamal Abdel Nasser, quân đội luôn nhận được sự ủng hộ của dân chúng.

Hiện nay, ngoài quốc phòng, quân đội Ai Cập còn tham gia vào rất nhiều lãnh vực kinh tế và trở thành thể chế uy tín hàng đầu tại đất nước này.

Lan Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét