Quân đội Ai Cập hôm qua tuyên bố công nhận “đòi hỏi chính đáng” của người dân và cho biết sẽ không dùng vũ lực chống lại công chúng.
Thông cáo của quân đội được đưa ra trong khi hàng nghìn người Ai Cập tiếp tục biểu tình tại quảng trường Tahrir tại Cairo, bất chấp lệnh giới nghiêm của chính phủ qua đến đêm thứ tư và tiếp tục làm áp lực để chấm dứt sự cai trị kéo dài gần 30 năm của Tổng thống Hosni Mubarak. Nhưng thông cáo không nói rõ là quân đội coi như chính đáng những đòi hỏi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak hay là chỉ những kêu gọi cải tổ.
Trong khi đó, phó Tổng thống mới được bầu Omar Suleiman hôm qua đã xuất hiện trên truyền hình và cho biết Tổng thống Mubarak đã yêu cầu ông bắt đầu đối thoại với các lực lượng chính trị về nỗ lực cải tổ hiến pháp và các cải tổ khác.
Cùng ngày hôm qua, truyền thông Ai Cập cho hay Tổng thống Hosni Mubarak đã bổ nhiệm một tân bộ trưởng nội vụ và bộ tân bộ trưởng tài chính. Đây là những nỗ lực liên tiếp của Tổng thống Ai Cập, trong bối cảnh người biểu tình tiếp tục gia tăng sức ép đòi chấm dứt 30 năm cai trị của ông. Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng lâu năm vẫn còn giữ chức vụ cũ trong vụ thay đổi nội các lần này.
Tin tức từ Cairo cho hay cựu giám đốc các trại tù, Tướng Mahmoud Wagdy, sẽ thay thế ông Habib Adly trong chức vụ Bộ trưởng Nội vụ, có nhiệm vụ giám sát cảnh sát và các lực lượng an ninh nội địa không mặc đồng phục. Nhiều người Ai Cập kêu gọi cách chức Bộ trưởng Nội vụ Habib Adly sau khi có xung đột gây chết người trong tuần qua giữa cảnh sát và các người biểu tình.
Sự thay đổi Nội các này diễn ra sau khi người biểu tình kêu gọi thực hiện một cuộc tuần hành mạnh mẽ với sự tham dự của một triệu người ở Cairo vào ngày hôm nay, 1/2, để buộc ông Mubarak từ chức. Họ cũng kêu gọi tổng đình công, mặc dù phần lớn thủ đô của Ai Cập vẫn đóng cửa.
Cảnh sát đang được bố trí trở lại trên khắp các đường phố, vài ngày sau khi họ rút lui sau các cuộc đụng độ bạo lực với người biểu tình. Các nguồn tin an ninh cho biết cảnh sát đã được lệnh không được đối đầu với bất cứ người biểu tình nào và chỉ thực hiện công việc thường lệ của cảnh sát.
Các vụ cướp bóc đã trở thành vấn nạn ở Cairo. Trong khi đó, quân đội Ai Cập đang tiếp tục tăng cường sự hiện diện của họ với xe tăng canh gác các ngân hàng, các tòa nhà chính phủ.
“Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn”
Ai Cập đang đứng trước ngưỡng những rúng động mới. Giới phân tích phương Tây cho rằng nhiều phần là làn sóng hỗn loạn mà đất nước này trải qua từ hôm 25/1 sẽ có thể cuộn dâng với qui mô nghiêm trọng hơn nữa.
Sự phát triển sôi động của các sự kiện ở Ai Cập đang khiến giới phân tích bối rối. Đất nước này vốn luôn được coi như hình mẫu bình ổn trong thế giới Ảrập. Ở Ai Cập hiện tại tình hình không đồng nhất. Chính quyền Ai Cập và phái đối lập đều đang cố gắng xoay chuyển cục diện có lợi cho mình.
Tổng thống Hosni Mubarak giao cho Chính phủ “lấy lại sự tự tin của nền kinh tế Ai Cập”, tiếp tục trợ cấp thực phẩm, kiểm soát lạm phát và đảm bảo việc làm cho cư dân, đồng thời ông Mubarak ghi nhận rằng cần thực hiện những động thái cải cách và tích cực đối thoại với các đảng phái khác. Tất cả những yếu tố này chứa đựng cố gắng dẹp yên sự bất bình trong nước.
Về phần mình, phái đối lập trong nước đang thúc đẩy tiến trình đoàn kết để đạt mục tiêu. Những phe nhóm đối lập, kể cả tổ chức bị cấm là “Các đạo hữu Hồi giáo” đã thỏa thuận với nhau về việc ủy nhiệm cho cựu lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed El Baradei thay mặt họ trong các cuộc đàm phán với chính quyền. Ông El Baradei ủng hộ viễn cảnh Tổng thống Mubarak từ chức bởi ông cho rằng động thái đó sẽ mở ra con đường thành lập Chính phủ lâm thời.
Tình thế của Tổng thống Ai Cập mỗi lúc càng phức tạp hơn, bởi như đang thấy,ông Mubarak đã mất sự hỗ trợ của các nước phương Tây. Mỹ và các đồng minh châu Âu đòi ông Mubarak kiềm chế không sử dụng vũ lực với những người biểu tình và tạo điều kiện để tiến hành cuộc bầu cử tự do.
Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Ai Cập vẫn đang nóng thêm. Trong khi đó, bối cảnh kinh tế tại nước này thì xấu đi. Có thêm nhiều nước đang đưa máy bay tới để sơ tán công dân nước họ thoát khỏi cuộc bạo động ở Ai Cập. Truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin một máy bay đang trên đường tới Ai Cập để đón hơn 500 công dân Trung Quốc tại sân bay Cairo. Sau Mỹ, Azerbaijan, Ấn Độ, Iraq, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đưa máy bay tới Ai Cập hôm qua để đón công dân nước họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét