Thứ Hai, 31.1.2011 | 22:31 (GMT + 7)
(LĐO) - Tối 29.1, thi thể nhà báo Hoàng Hùng đuợc đưa từ BV Chợ Rẫy về nhà riêng của anh tại phường 6 – TP.Tân An – Long An. Hàng trăm người dân TP.Tân An đã có mặt để đón anh về và chứng kiến lễ tang nhà báo.
Trong số những người có mặt đón anh, có một người đàn ông khoảng 50 tuổi. Ông tên Trương Văn Tem – Chủ nhiệm HTX Vận tải đường thuỷ Vàm Cỏ, đại biểu HĐND tỉnh Long An. Ông đến vuốt mặt người quá cố trước khi thi thể được đưa vào quan tài. Song ông đứng lặng lẽ ở góc nhà, nước mắt lưng tròng, cho đến tận nửa đêm ông mới ra về.
Cách đây gần 10 năm, khi đang là chủ nhiệm HTX Vàm Cỏ, ông bất ngờ bị bắt biệt giam với tội danh “trùm tham nhũng”. Nhà báo Hoàng Hùng (khi ấy là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM) đã đến nhà ông để lấy thông tin viết về vụ “tham nhũng” này. Nhà báo đã thật sự bất ngờ khi chứng kiến “trùm tham nhũng” Trương Văn Tem sống trong căn nhà rách nát, vợ anh đang mang thai đứa con thứ hai, đứa con đầu không ai trông giữ vừa bị té ao suýt chết…
Bằng sự nhạy cảm của nghề nghiệp, Hoàng Hùng đã lật lại hồ sơ và chứng minh đây là vụ bắt oan sai, hoàn toàn trái pháp luật. Những bài báo của anh đã giúp cho cơ quan chức năng trung ương vào cuộc và kết luận ông Tem vô tội. Ông được trả tự do, được bồi thường oan sai hàng trăm triệu đồng, sau đó ông được bầu vào HĐND tỉnh. Khi ông bị bắt biệt giam, HTX Vàm Cỏ đứng bên nguy cơ phá sản, gia đình ông hoàn toàn suy sụp. Nay HTX Vàm Cỏ với sự dẫn dắt của ông ngày càng ăn nên làm ra, gia đình ông như được cứu vớt từ vũng bùn, các con ông học giỏi…Ông nói: “Hoàng Hùng đã giúp gia đình tôi và HTX Vàm Cỏ hồi sinh, nhưng nay anh lại ra đi…”.
Sáng 30.1, trong số hàng trăm người đến viếng nhà báo, có một đoàn khách gần 20 người đến từ xã An Nhựt Tân - huyện Tân Trụ - Long An. Họ là những nông dân nghèo, vượt quãng đường xa bằng xe đò đến viếng nhà báo. Họ cũng là những người từng lặn lội đến tận BV Chợ Rẫy thăm nhà báo Hoàng Hùng cách đây 1 tuần.
Những nông dân huyện Ba Tri cúng nhà báo. |
Họ cho biết, họ là những hộ dân có nhà đất trong khu quy hoạch 1 dự án công nghiệp. Khi nhà nước và doanh nghiệp thu hồi đất làm dự án, việc thực hiện tái định cư có nhiều sai trái, gây thiệt hại lớn cho người dân. Chính những bài báo của Hoàng Hùng đã giúp họ được trả lại sự công bằng. Họ là những người khóc nhiều nhất trước quan tài của Hoàng Hùng cho tới thời điểm ấy.
Tối 30.1, một đoàn nông dân khác bao xe đò vượt hơn 100km từ vùng biển huyện Ba Tri – Bến Tre đến viếng nhà báo. Đó là những nông dân chuyên sống bằng nghề nuôi nghêu. Cũng nhờ những bài báo của Hoàng Hùng mà họ được trả lại quyền lợi hàng trăm triệu đồng từ các sân nghêu. Đến gần nửa đêm họ mới lưu luyến rời khỏi đám tang.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 31.1, có một người đàn ông khoảng 70 tuổi quốc tịch Đan Mạch đi xe gắn máy từ thị trấn Hiệp Hoà (huyện Đức Hoà – Long An) vượt quảng đường 80 cây số đến viếng nhà báo. Ông tên Fred Helth, kỹ sư hoá học đã nghỉ hưu. Ông đến Việt Nam cưới vợ và ở lại thị trấn Hiệp Hoà.
Ông Fred Helth trước quan tài nhà báo. |
Cách đây hơn 1 năm, ông bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Từ những bài báo của Hoàng Hùng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và ông Fred Helth được trả lại tài sản. Ông đốt nhang và đứng ngắm nhìn thật lâu hình ảnh nhà báo trước quan tài. Ông đã ở lại đến 13 giờ để tiễn đưa người quá cố ra tận nghĩa trang phường 4 – TP.Tân An.
Gần đến giờ làm lễ truy điệu nhà báo Hoàng Hùng, khách đến viếng càng đông, nhiều người phải đợi chờ đến lượt mình vào đốt nhang cúng người quá cố. Đôi vợ chồng người công nhân xây dựng Đoàn Văn Đức – Nguyễn Thị Hạnh đến từ xã Hưng Long – huyện Bình Chánh, TP.HCM cũng đứng chờ được vào đốt nhang. Ông Đức cho biết, ông chưa từng quen biết hay nhờ cậy gì nhà báo Hoàng Hùng.
Qua báo chí, vợ chồng ông biết chuyện nhà báo bị sát hại dã man, đã tạm gác chuyện dọn dẹp ngày Tết để đi viếng nhà báo. Trước khi đến đám tang, ông đã điện thoại cho Công đoàn báo NLĐ đề nghị làm sổ tiết kiệm cho 2 đứa con nhỏ dại của nhà báo. Nếu được như thế, vợ chồng ông sẽ vận động nhiều đồng nghiệp khác cùng góp tiền vào số tiết kiệm. Ông nói: “Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều nhà báo tiếp tục công việc của nhà báo Hoàng Hùng: bênh vực người lao động, người dân nghèo; dũng cảm chống lại cái ác, cái xấu, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn…”.
Có một nhà thơ đã đến đốt nhang và đọc bài thơ do chính mình sáng tác trước quan tài nhà báo. Đó là nhà thơ Trọng Khanh (Hội VHNT tỉnh Tiền Giang). Bài thơ có đoạn: “Bàng hoàng khi nhận tin anh – Bị kẻ thủ ác tạt xăng vào mình…Hai mươi lăm năm đấu tranh – Can cường chống kẻ bạo hành giúp dân…Hoàng Hùng nay chẳng còn đâu – Anh như khúc nhạc, cung sầu lỡ cung – Cái chết sao quá hãi hùng – Như vầng trăng sáng bỗng dưng lặn mờ!”.
Về với đất. |
Bài điếu văn do ông Đỗ Danh Phương – TBT báo Người Lao Động – đọc trước quan tài nhà báo Hoàng Hùng lúc 12g ngày 31.1 làm phần lớn trong số hàng trăm người có mặt rơi nước mắt: “Hơn 8 năm sát cánh cùng đồng nghiệp ở báo NLĐ, dường như chưa bao giờ Hoàng Hùng chùn tay trước cái xấu. Lòng nhiệt huyết và ngòi bút sắc bén của anh đã góp phần đưa không ít vụ việc tiêu cực ra trước ánh sáng công lý…Đêm 18.1, anh đã viết 3 bài báo gửi về toà soạn. Nào ai ngờ bài viết cuối cùng của anh với tiêu đề: “Giết người vẫn ung dung” đăng ngày 29.1 cũng là ngày anh ra đi mãi mãi…”
Kỳ Quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét