Obama: Mỹ có nguy cơ 'thua' Trung Quốc, Ấn Độ

VietNamNet

Trong Thông điệp liên bang đưa ra trước Quốc hội Mỹ sáng 26/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Obama cảnh báo, Mỹ có nguy cơ tụt hậu với các nước như Ấn Độ và Trung Quốc trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ và nghiên cứu.

Trong bản Thông điệp, Obama ba lần nhắc tới Ấn Độ. Ông cho rằng, chính quyền của ông đã xây dựng một “quan hệ đối tác với quốc gia Nam Á như một phần các nỗ lực của ông để định hình một thế giới yêu chuộng hoà bình và thịnh vượng.

Tổng thống Mỹ, người tới thăm Ấn Độ tháng 11 vừa qua, cũng đề cập tới các thoả thuận kinh doanh gần đây với Ấn Độ và Trung Quốc. Ông khẳng định, những hợp đồng ấy sẽ tạo việc làm tại Mỹ. “Chúng ta đang điều chỉnh lại quan hệ với Nga, tăng cường các đồng minh châu Á và xây dựng quan hệ đối tác mới với các nước như Ấn Độ”, ông nói trong bức Thông điệp hàng năm, khi chủ đề khủng bố và chiến tranh đã lùi sau với tâm điểm của Tổng thống là tập trung vào giáo dục và kinh tế.

Ảnh: Reuters
Xây dựng quan hệ mới với những nước như Ấn Độ, ông khẳng định, đó là một phần nỗ lực của ông để định hình một thế giới hoà bình và thịnh vượng.

Ông cũng đưa ra phác thảo để duy trì vị trí vượt trội của Mỹ trong một thị trường thế giới ngày một cạnh tranh bởi các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ. Bốn trụ cột trong phác thảo là: đổi mới, giáo dục, xây dựng, cải tổ và trách nhiệm.

Obama còn đưa ra một kế hoạch giúp Mỹ giành lợi thế trong tương lai bằng đầu tư vào đổi mới, giáo dục và xây dựng khả năng cạnh tranh toàn cầu. "Những nước như Trung Quốc và Ấn Độ đã tự nhận ra những thay đổi của họ, họ có thế cạnh tranh trong thế giới mới này”, ông nhấn mạnh. “Nên họ bắt đầu đầu tư vào giáo dục con cái sớm hơn, dài hơn, tập trung vào toán học và khoa học. Họ cũng đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ mới”.

Nói một cách khác, theo ông Obama, chất lượng giáo dục toán học và khoa học Mỹ đã tụt hậu sau nhiều nước và Mỹ đã rớt xuống hạng thứ chín trong tỉ lệ thanh niên có một bằng đại học.

Obama còn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc trong việc tạo thêm nhiều việc làm ở Mỹ. "Gần đây, các thoả thuận chúng ta ký kết với Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ tạo thêm hơn 250.000 việc làm tại Mỹ”, ông nói.

Trong khi kêu gọi đầu tư sự đổi mới ở Mỹ, Tổng thống Obama cũng khẳng định tính cần thiết của việc cải tổ cách quản lý của chính phủ - đầu tư vào những gì khiến Mỹ mạnh hơn và cắt giảm những gì không dẫn tới mục tiêu này.

Cứng rắn với Triều Tiên

Tổng thống Barack Obama đề cao những tiến bộ của Mỹ ở cả Afghanistan và trong bức Thông điệp liên bang hàng năm trước quốc hội, đồng thời tuyên bố Mỹ vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Triều Tiên và Iran về các tham vọng hạt nhân của họ.

Ông Obama đã sử dụng Thông điệp để đưa ra hàng loạt thành công trong chính sách ngoại giao bao gồm “điều chỉnh” quan hệ với Nga, phát triển quan hệ đối tác với Ấn Độ và hồi sinh các nỗ lực kiểm soát việc gia tăng vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Tuy nhiên, những nỗ lực không thành về hoà bình Trung Đông - điều mà Obama đưa ra trong tháng 9 nhưng nhanh chóng bị đình trệ vì bất đồng sâu sắc giữa Israel và Palestine - đã không được đề cập tới, mặc dù các quan chức Nhà Trắng nói rằng, việc “lãng quên” không phản ánh bất kỳ sự suy giảm nào trong cam kết của Mỹ với nỗ lực hoà bình.

Tổng thống Obama tuyên bố, Mỹ đứng bên cạnh người dân Tunisia, "nơi ý chí của người dân đã minh chứng có sức mạnh hơn mệnh lệnh của một nhà độc tài”. Trong tháng này, những cuộc biểu tình của người dân Tunisia đã buộc Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali ra đi sau thời gian dài cầm quyền.

Tuy nhiên, ông Obama tránh xa việc đề cập tới Ai Cập - nơi đang xảy ra những cuộc biểu tình chưa từng có trong tiền lệ phản đối Tổng thống Hosni Mubarak, một đồng minh lâu dài của Mỹ. Cuộc biểu tình tại Ai Cập hôm qua thậm chí còn được so sánh với sự nổi dậy của người dân Tunisia.

Obama nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ theo lịch trình sẽ kết thúc triển khai tại Iraq trong năm nay với tư thế “ngẩng cao đầu”, đồng thời cũng nhắc lại kế hoạch bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan trong tháng 7 bất chấp mối đe dọa tiếp tục tồn tại từ al Qaeda.

"Sẽ là cuộc chiến khó khăn phía trước và chính phủ Afghanistan sẽ cần có sự quản trị tốt hơn. Nhưng chúng tôi sẽ tăng cường khả năng cho người dân nước này và xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với họ”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Với al Qaeda, ông nói rõ ràng trong Thông điệp rằng: “Chúng ta không chùn bước, chúng ta không nao núng và chúng ta sẽ đánh bại chúng”.

Giảm mối đe dọa hạt nhân

Lãnh đạo Nhà Trắng cho hay, Mỹ cam kết tháo gỡ những mối đe doạ hạt nhân của thế giới và không ngừng gia tăng áp lực với Tehran và Bình Nhưỡng cho dù tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực với cả hai bên trong việc thảo luận về các chương trình hạt nhân.

"Vì một nỗ lực ngoại giao để khẳng định rằng, Iran cần tuân thủ các bổn phận của mình, chính phủ Iran giờ đây phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt chặt chẽ và cứng rắn hơn trước”, ông nói khi chưa đầy một tuần sau vòng đàm phán mới nhất giữa Tehran với các cường quốc thế giới chấm dứt mà không có tiến triển nào.

"Trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta đứng bên cạnh đồng minh Hàn Quốc và khẳng định Triều Tiên cần tuân thủ cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân”, ông nói.

Tổng thống Mỹ, người đã thực hiện chuyến công du tới Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Ghana, cũng tuyên bố các kế hoạch thăm Brazil, Chile và El Salvador trong tháng 3, để thực hiện một phần nỗ lực của chiến dịch ngoại giao Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với những khu vực đang trỗi dậy.

Trong Thông điệp liên bang, Obama cũng thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua thoả thuận tự do thương mại với Hàn Quốc “sớm nhất có thể” trong khi không đưa ra lịch trình cụ thể về hai thoả thuận tương tự khác với Panama và Colombia.

Tìm kiếm sự đoàn kết thống nhất quốc gia trong kỷ nguyên mới với nhiều thách thức to lớn, Tổng thống Mỹ kêu gọi người dân nước này gạt bỏ các khác biệt đảng phái và đoàn kết vì một mục tiêu chung của tính cạnh tranh toàn cầu.

  • Thái An tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét