|
Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan: "Tôi rất hi vọng rằng, chính phủ Ai Cập sẽ bắt đầu đối thoại với người dân ngay lập tức và tiến hành cải tổ theo cách giành được sự ủng hộ rộng rãi và sự tham gia của người dân. Và điều đó có thể ngay lập tức khôi phục sự ổn định chính trị và cuộc sống an bình tại Ai Cập”.
Rất nhiều nhà lãnh đạo thế giới cũng có chung quan điểm, khi bày tỏ hy vọng chính phủ Ai Cập sẽ tìm ra cách đạt được hoà bình.
Thủ tướng Palestin Salam Fayyad cho rằng, chính phủ Ai Cập sẽ phải vượt qua khó khăn với nhiều hi sinh.
Thủ tướng Palestin Salam Fayyad: "Tình hình tại Ai Cập không giống với việc một chiếc máy bay đi qua khu vực thời tiết xấu, qua rồi thì sẽ ổn định và lành lặn như trước khi đi vào. Không còn nghi ngờ là có những thay đổi cần phải diễn ra”.
Thủ tướng Ai Cập Mubarak hôm qua cho biết, ông đã yêu cầu chính phủ từ chức sau khi áp đặt lệnh giới nghiêm và hạ lệnh cho quân đội hỗ trợ cảnh sát đảm bảo an ninh trật tự.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen cho rằng, lời nói của ông Mubarak là chưa đủ để trấn an bạo lực.
Thủ tướng Đan Mạch Rasmussen: "Ông ấy có bài phát biểu và cố gắng đến được với người dân, kêu gọi họ. Nhưng những lời nói thì chưa đủ trong bối cảnh hiện nay. Ông ấy cần có những hành động cụ thể”.
Trong một diễn biến mới nhất, các đoàn biểu tình lên tới hàng chục nghìn người hôm qua tiếp tục tràn xuống những đường phố chính ở thủ đô Cairo của Ai Cập, đòi Tổng thống đương nhiệm Mubarak từ chức, bác bỏ những hứa hẹn về cải cách kinh tế và chính trị cũng như một nội các mới của nhà lãnh đạo này.
Trong lúc này, Kuwait là 1 trong những nước đầu tiên nỗ lực đưa các công dân của mình sinh sống và làm việc tại Ai Cập về nước trên các chuyến bay miễn phí của hãng hàng không Kuwait Airways. Mỹ cũng lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp Đại sứ quán tại Cairo.
Tác giả : Đức Cường
VOV: Cập nhật lúc : 8:17 PM, 31/01/2011
Kêu gọi Tổng thống Ai Cập đáp ứng nguyện vọng nhân dân
(VOV) - Mỹ tăng cường kêu gọi thay đổi hệ thống chính quyền và các hoạt động dân chủ
Nguồn tin Al Jazeera cho biết, làn sóng biểu tình tại Ai Cập vẫn tiếp diễn trong bầu không khí căng thẳng trong ngày 31/1. Người biểu tình đang chuẩn bị cuộc diễu hành lớn ở trung tâm thủ đô Cairo vào ngày 1/2 yêu cầu Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.
Cùng thời điểm này lực lượng quân đội bắt đầu tăng cường sự hiện diện tại quảng trường Tự do cùng với lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên sự tham gia của lực lượng cảnh sát khiến nhiều người biểu tình lo lắng. Trước đó lực lượng cảnh sát đã rút khỏi các đường phố vì những căng thẳng và đụng độ với người biểu tình.
Tình hình tại Ai Cập được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Nhiều nước bày tỏ sự lo ngại về tình hình Ai Cập và kêu gọi Tổng thống Mubarak thực hiện thay đổi đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Một số nước Arab và Tổ chức Hồi giáo mong muốn Ai Cập sớm ổn đinh.
Mỹ tăng cường kêu gọi thay đổi hệ thống chính quyền và các hoạt động dân chủ. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thực hiện hàng loạt các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo trên thế giới để thảo luận về tình hình Ai Cập.
Ông Obama kêu gọi Tổng thống Ai Cập sớm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân (Ảnh: Reuters) |
Chiều 30/1,Tổng thống Mỹ đã trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Quốc vương Saudi Arab Abdullah bin Abdul Aziz, Thủ tướng Anh David Cameron, cũng như Quốc vương Jordan Abdullah II.
Tuy ông Obama gây sức ép với Tổng thống Mubarak nhưng không đề cập tới việc từ chức. Ông Obama tái khẳng định từ chối xung đột và ủng hộ quyền của người dân Ai Cập, trong đó có quyền hội họp hoà bình, tự do ngôn luận và hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi chế độ đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định mong muốn của Mỹ thấy quá trình thay đổi thể chế ở Ai Cập thông qua kế hoạch của Chính phủ dân chủ, cũng như muốn thấy việc tổ chức bầu cử tự do, công bằng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ngày 30/1 cũng có cuộc trao đổi qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Mohammed Hussein Tantawi để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ai Cập, và trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tuy nhiên nội dung chi tiết của cuộc nói chuyện không được tiết lộ.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, Thủ tướng cũng có cuộc trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Obama. Hai bên lên án bạo lực tại Ai Cập và kêu gọi Tổng thống Mubarak thực hiện cải cách chính trị toàn diện và tổ chức thực hiện thành lập Chính phủ đáp ứng mong muốn của nhân dân Ai Cập và nguyện vọng của họ.
Anh và Mỹ cùng khẳng định từ chối sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình. Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi Tổng thống Mubarak thực hiện dân chủ và bày tỏ hy vọng Chính phủ mới sẽ bao gồm đại diện của các phe đối lập.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi Tổng thống Mubarak đáp ứng nhu cầu của người dân đối với những thay đổi liên quan. Bà Merkel cũng kêu gọi ông Mubarak đảm bảo không sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình và đảm bảo sự tự do thông tin, thúc đẩy cải cách và tham gia đối thoại với nhân dân.
Về phần mình, Trung Quốc lần đầu tiên đã đưa ra lời bình luận về sự kiện tại Ai Cập với sự trung lập và kiềm chế. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lee Hong trong tuyên bố ngày 30/1 nói rằng Trung Quốc quan tâm rất lớn tới tình hình tại Ai Cập và hy vọng Ai Cập sẽ trở lại ổn định xã hội, nhanh chóng phục hồi trật tự.
Trong khi đó Tổng thống Venezuela Hugo Chavez phát động cuộc tấn công mới vào Mỹ. Ông cho chỉ trích vài trò của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Ai Cập và cho rằng đó là “đạo đức giả” khi mạnh mẽ ủng hộ Ai Cập rồi sau đó lại từ bỏ.
Còn Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới tình hình tại Ai Cập và khẳng định sự đoàn kết với Chính phủ và nhân dân Ai Cập. Tổng thống mong muốn Ai Cập sớm ổn định.
Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas trong bài phát triển mới nhất cũng bày tỏ mong muốn Ai Cập sớm ổn định, an ninh. Tổng thống Abbas nói rằng Ai Cập và các nhà lãnh đạo Ai Cập có vai trò trung tâm và quan trọng trong việc hỗ trợ người Palestine và các vấn đề Arab.
Tổng thư ký Hội nghị Hồi giáo Ihsanoglu kêu gọi các bên kiềm chế và bảo vệ tài sản, cuộc sống của người dân, cũng như tin tưởng vào khả năng của Ai Cập trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng hiện này một cách hoà bình và tiếp tục thực hiện vai trò trong khu vực và quốc tế.
Uỷ ban an ninh và hoà bình châu Phi kêu gọi Ai Cập thay đổi đáp ứng nguyện vọng của người dân và đề nghị thực hiện cải cách kinh tế, xã hội, cũng như tránh đổ máu trong việc giải quyết các vấn đề liên quan.
Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Đức khuyến cáo công dân không nên đi du lịch Ai Cập thời điểm hiện nay do tình hình căng thẳng ở nước này./.
Trung Quốc điều máy bay đến đón công dân rời Ai Cập
31/01/2011 17:52(VTC News) – Tân Hoa Xã đưa tin, nhà chức trách Trung Quốc đã điều động 2 chiếc phi cơ tới Ai Cập để đón những công dân của mình đang bị mắc kẹt ở quốc gia đang có bạo động và căng thẳng chính trị này.
Cảnh sát và quân đội Ai Cập bắt giữ những người biểu tình bạo loạn
Theo thông tin của truyền thông nhà nướcTrung Quốc, 2 chiếc phi cơ đã rời sân bay tại thủ đô Bắc Kinh vào trưa ngay 31/1 (theo giờ địa phương).
Thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận việc này: “Chính quyền Trung Quốc nhận thức tầm quan trọng phải đảm bảo an ninh cho các công dân của mình đang ở Ai Cập. Chính quyền đã điều động các hãng hàng không thực hiện các chuyến bay đưa công dân Trung Quốc trở về nhà”.
Trong khi đó, một đội công tác đặc biệt gồm nhiều quan chức ngoại giao, Cơ quan du lịch quốc gia, Bộ công an và Cục hàng không đân dụng của nước này cũng đã được thành lập để triển khai các biện pháp giúp đỡ người Trung Quốc ở Ai Cập.
Một chiếc phi cơ cỡ lớn của Trung Quốc được điều tới Cairo
Theo một báo cáo mới nhất, hãng hàng không quốc tế Air China của Trung Quốc đã điều vận 1 chiếc Airbus A330 đến Cairo vào lúc 11:30 sáng nay theo giờ địa phương. Loại máy bay này có thể chở khoảng 265 hành khách.
Trong khi đó, một chiếc A330 – 200 của hãng Hainan Airlines đã đến sân bay quốc tế ở thủ đô Cairo vào lúc 12:00 theo giờ địa phương.
VOV: Cập nhật lúc : 9:17 AM, 30/01/2011
Israel sơ tán công dân khỏi Ai Cập
Tình hình an ninh tại Ai Cập tiếp tục diễn biến phức tạp
(VOV) - Thành viên gia đình của các nhà ngoại giao Israel cùng với 40 công dân khác đã rời khỏi Cairo trên một chuyến bay do Bộ ngoại giao Israel sắp xếp
Lo ngại tình hình an ninh tại Ai Cập tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao Israel ngày 29/1 cho biết, nước này đã sơ tán thành viên gia đình của các nhà ngoại giao Israel tại Ai Cập và 40 công dân Israel khác khỏi thủ đô Cairo.
Trong khi đó, Kuwait đang nỗ lực đưa các công dân của mình sinh sống và làm việc tại Ai Cập về nước. Mỹ cũng lên kế hoạch sơ tán khẩn cấp Đại sứ quán tại Cairo.
Ngày 29/1, hàng chục nghìn người tiếp tục tràn xuống những đường phố chính ở thủ đô Cairo, đòi Tổng thống đương nhiệm Hosni Mubarak từ chức, bác bỏ những hứa hẹn về cải cách kinh tế và chính trị cũng như một nội các mới của nhà lãnh đạo này.
Lực lượng an ninh Ai Cập đã triển khai xe tăng và xe bọc thép tại nhiều điểm trọng yếu trong thành phố có 18 triệu dân này, đồng thời tăng cường an ninh tại các tòa nhà chính phủ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét