Al-Qaeda vươn “vòi” khắp nơi

Thanh Niên Online:
(TNO) Việc Osama bin Laden bị tiêu diệt chưa hẳn đã đặt dấu chấm hết cho hoạt động của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda, vì mạng lưới này hiện có chân rết ở khắp nơi trên thế giới.

Afghanistan và Pakistan

Al-Qaeda được thành lập tại Peshawar (Pakistan) vào năm 1988 và các khu vực bộ tộc ở biên giới Afghanistan - Pakistan là “pháo đài” vững chắc nhất của al-Qaeda. Khu vực này được cho là nơi có nhiều trung tâm đào tạo các tay súng cho al-Qaeda.

Al-Qaeda bắt tay hợp tác với tàn quân Taliban đồng nghĩa với việc Osama bin Laden đã có sẵn một chỗ ẩn náu trước khi xảy ra vụ khủng bố 11.9 nhằm vào New York và Washington.

Do Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan nên bin Laden phải rời khỏi quốc gia Nam Á này vào năm 2001 và cuối cùng bị Mỹ phát hiện và tiêu diệt tại Abbottabad, Pakistan hôm 2.5 vừa qua.


Ayman al-Zawahiri - người được cho sẽ trở thành thủ lĩnh mới của al-Qaeda - Ảnh: AFP

Ayman al-Zawahiri, một trong những thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, đã được phát hiện lần cuối tại Afghanistan vào tháng 10.2001, và trước khi bin Laden bị tiêu diệt, al-Zawahiri được cho là đang ẩn náu tại khu vực biên giới Pakistan - Afghanistan.

Các “đồng minh” của al-Qaeda tại Pakistan hiện là Lashkar-e-Jhangvi và Lashkar-e-Taiba, những nhóm được cho có thể đã giúp che giấu các nhân vật cấp cao của al-Qaeda.

Theo BBC, chính Hafiz Mohammad Saeed - kẻ sáng lập tổ chức Lashkar-e-Taiba - đã giúp bin Laden thành lập mạng lưới al-Qaeda vào năm 1988.

Một số đồng minh khác của al-Qaeda còn có mạng lưới Haqqani, các nhóm Taliban thuộc Pakistan cũng như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan.

Bán đảo Ả Rập

Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập phụ trách mọi hoạt động ở Ả Rập Xê Út và Yemen. Tổ chức này trở nên nổi tiếng vào năm 2009 khi các tay súng chống đối chính phủ ở hai nước này gia nhập lực lượng, BBC cho hay.

Mục tiêu chính của nhóm này là lật đổ các chính phủ ở Ả Rập Xê Út và Yemen, đồng thời loại bỏ ảnh hưởng của phương Tây tại vùng Vịnh.

Chính al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập đã đứng đằng sau âm mưu cho nổ tung chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đến Mỹ hồi năm 2009.


Các thành viên thuộc mạng lưới al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập - Ảnh: AFP

Trước đó, tổ chức này đã thực hiện hàng loạt vụ tấn công trong khu vực, trong đó có vụ đánh bom khu phức hợp dân cư ở Riyadh (Ả Rập Xê Út) vào năm 2003, cướp đi sinh mạng của 34 người, và cuộc tấn công nhằm vào tàu khu trục USS Cole ở cảng Aden (Yemen) trong năm 2000, làm 17 người Mỹ thiệt mạng.

Đông Phi

Al-Qaeda từ lâu đã hiện diện ở Đông Phi. Chính tổ chức này đứng đằng sau các vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) và Lãnh sự quán Mỹ ở Dar es Salaam (Tanzania) vào tháng 8.1998.

Tổ chức al-Shabab, vốn có liên hệ với al-Qaeda, kiểm soát phần lớn miền nam và miền trung Somalia.

Châu Á - Thái Bình Dương

Tại khu vực này, hai nhóm được cho dính líu với al-Qaeda đóng tại Indonesia và Philippines.

Jemaah Islamiah, đặt tại Indonesia, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công nhằm vào hộp đêm ở Bali hồi năm 2002, làm hơn 200 người thiệt mạng.

Riêng nhóm Abu Sayyaf, đóng tại miền nam Philippines, đã bị Mỹ liệt kê vào danh sách các tổ chức có liên hệ với al-Qaeda. Nhóm này đã tham gia vào nhiều vụ bắt cóc để đòi tiền chuộc, nhằm mục đích giành độc lập cho bang Hồi giáo Mindanao và quần đảo Sulu.

Châu Âu

Sự hiện diện của al-Qaeda tại châu Âu không quy mô như ở những nơi khác. Giới chức chống khủng bố mô tả các phần tử chống đối ở đây chỉ lấy cảm hứng từ al-Qaeda chứ không hoàn toàn do al-Qaeda chỉ đường dẫn lối.

Iraq


Một vụ đánh bom được tình nghi do nhóm khủng bố al-Qaeda tại Iraq thực hiện - Ảnh: AFP

Al-Qaeda tại Iraq được thành lập vào năm 2004, một năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tại nước này. Vào thời điểm đó, tay súng người Jordan Abu Musab al-Zarqawi cam kết trung thành với Osama bin Laden. Al-Qaeda tại Iraq còn có tên gọi khác là al-Qaeda ở Mesopotamia.

Al-Qaeda ở đây đã lên tiếng chịu trách nhiệm cho hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại quốc gia vùng Vịnh này.

Bắc Phi

Tại khu vực này, mạng lưới al-Qaeda có lẽ hoạt động tích cực nhất ở Algeria, song hiện đã lan rộng đến Mali và Niger, nơi mà tổ chức này đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ con tin châu Âu.

Tunisia, Ma-rốc và Mauritania cũng có nhiều phần tử Hồi giáo hoặc các tổ chức lấy cảm hứng từ al-Qaeda.

Trong năm 2006, một tổ chức tại Algeria tự gọi là Nhóm Salafist thuyết giáo và chiến đấu (GSPC) đã tuyên bố liên kết với Osama bin Laden.

Một năm sau đó, nhóm trên đổi tên thành al-Qaeda in the Islamic Maghreb. Thủ lĩnh của nhóm là Abu Musab Abdul Wadud.


Abu Musab Abdul Wadud, thủ lĩnh nhóm al-Qaeda in the Islamic Maghreb - Ảnh: AFP

Mục tiêu tấn công của al-Qaeda in the Islamic Maghreb bao gồm các lợi ích của phương Tây, binh lính, công nhân dầu khí nước ngoài, nhân viên LHQ và các nhà ngoại giao Mỹ.

Trong khi đó, một tổ chức gồm các tay súng chống đối ở Ma-rốc cũng đã nhận trách nhiệm thực hiện các vụ đánh bom hệ thống tàu lửa tại Madrid (Tây Ban Nha) vào năm 2004, làm 191 người thiệt mạng.

Huỳnh Thiềm
(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét