Tại sao Mỹ chưa ‘xuống tay’ với Syria?

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :11:40 AM, 11/05/2011
Sau những gì xảy ra ở Syria, Mỹ không yêu cầu Tổng thống Assad từ chức, thậm chí còn không tính đến việc can thiệp quân sự vào Syria.


Biến động ở Syria đang diễn ra giống kịch bản ở Libya vài tháng trước, nhưng Mỹ và phương Tây lại có cách phản ứng hoàn toàn khác.

Sau cuộc trấn áp của quân đội chính phủ đối với những người biểu tình trong “Ngày nổi dậy” đòi ông Bashar al-Assad từ chức có tới 60 người thiệt mạng, đưa tổng số người chết tại Syria trong 6 tuần qua lên 500 người.

Vậy mà Nhà Trắng tiến hành một nước cờ mà giới chuyên môn cho rằng chỉ mang lại một kết quả rất khiêm tốn: Tuyên bố tập trung trừng phạt 3 quan chức cấp cao, gồm một người em trai và một người họ hàng của ông Assad.

Washington nói rằng họ không muốn trừng phạt ông Assad vì muốn “tập trung trực tiếp” vào những người chịu trách nhiệm đối với các vụ vi phạm nhân quyền ở Syria.

Trừng phạt của Mỹ nhằm phong tỏa tài sản của 3 quan chức cấp cao, thế nhưng các quan chức cấp cao của Syria chọn gửi tiền của của họ vào các ngân hàng châu Âu và Trung Đông nơi quyền lực của Ngân khố Mỹ không thể với tới. Nên có thể thấy biện pháp trừng phạt này của Mỹ, cho đến nay ít hiệu lực.

Phản ứng của Washington cho thấy tính toán chiến lược của Mỹ đối với tình hình đang diễn ra ở Trung Đông. Dù tình hình ở Syria có nhiều điểm giống ở Libya nhưng ông Assad ít bị cô lập trên trường quốc tế hơn là ông Gaddafi.

Ông Assad mắn trong tay một đội quân mạnh hơn và các chuyên gia cho rằng đội quân này không dễ gì quay súng chống lại ông. Và nhất là những tác động dây truyền từ việc lật đổ ông Assad đối với thế giới bên ngoài sẽ rộng hơn và khó tiên đoán hơn trường hợp của Gaddafi.

Một chuyên gia về Trung Đông trong Hội đồng đối ngoại nhận xét: “Mỹ không có lợi ích cốt lõi ở Libya. Nhưng một Syria bất ổn sẽ có tác động xấu đối với Iraq, Lebanon và Israel.”

Vì vậy, trong khi phải cân nhắc sự lựa chọn của mình, Mỹ đang phải đối mặt với thực tế là Washington có rất ít ảnh hưởng đối với Damascus. Cho đến nay, các nhà phân tích vẫn không chắc rằng nếu tình hinh tương tự như kiểu Benghazi (Libya) xảy ra thì Washington có sẵn sàng áp dụng những nguyên tắc về can thiệp nhân đạo đơn phương đối với Syria hay không?

Phạm Ngọc Uyển

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét