Osama bin Laden và al-Qaeda: Những chiến dịch tìm diệt

Thanh Niên Online:
Ngay sau vụ 11.9.2001, tình báo Mỹ đã có chủ trương phải hạ sát Osama bin Laden ngay tại chỗ chứ không bắt sống.

Vụ 11.9 đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức của người Mỹ về nguy cơ bị tấn công khủng bố. Khủng bố bây giờ không chỉ là chuyện ôm bom tự sát hay xả súng điên loạn. Khủng bố có thể là những cuộc tấn công được tổ chức quy mô, gây thiệt hại lớn về người và của cũng như để lại những vết thương tinh thần không bao giờ lành. Sau đó, chính quyền Washington khẩn trương triển khai cuộc chiến chống khủng bố với một trong những mục tiêu quan trọng nhất là tiêu diệt bin Laden và các thủ lĩnh cấp cao al-Qaeda.

Mang đầu hắn về đây!

Gary Schroen đã bước qua tuổi 59 và đang chuẩn bị về hưu thì vụ 11.9 xảy ra. Hai ngày sau khi tòa tháp đôi ở New York bị đánh sập, ông được sếp Cofer Black của Trung tâm chống khủng bố trực thuộc CIA triệu tới. Sếp Black bảo hãy dẹp chuyện hưu trí sang một bên để tập trung cho nhiệm vụ mới.


Người Mỹ luôn muốn giết Osama bin Laden ngay lập tức - Ảnh: AFP

Với tuổi nghề cao, Schroen hẳn nhiên biết tầm quan trọng của nhiệm vụ sắp được giao. Một cách cụ thể thì không, nhưng Schroen biết chắc chắn công việc có liên quan tới tìm diệt các phần tử khủng bố sau vụ 11.9. Dẫu biết thế, nhưng chuyên gia dày dạn trận mạc này vẫn không khỏi giật mình khi nghe mệnh lệnh từ miệng sếp Black. Hơn 30 năm đảm trách nhiều vị trí khác nhau trong lòng CIA, Schroen chưa bao giờ nhận một mệnh lệnh ngắn gọn và cụ thể như thế.


Mỹ tốn 3.000 tỉ USD vì bin Laden

Theo tính toán của tạp chí National Journal, Mỹ đã mất ít nhất 3.000 tỉ USD trong 15 năm qua vì bin Laden. Trong đó bao gồm thiệt hại kinh tế sau các vụ tấn công khủng bố, chi phí cho các cuộc chiến Afghanistan và Iraq cũng như tiền của đổ vào các chiến dịch truy lùng bin Laden và các thủ lĩnh al-Qaeda khác.

Lê Loan


"Bắt bin Laden, giết hắn rồi bỏ đầu vào thùng nước đá mang về đây", sếp Black ra lệnh. Khi kể lại câu chuyện với Đài NPR vào năm 2005, Schroen nói trong đời mình, đây là lần đầu tiên ông nhận lệnh giết mục tiêu chứ không bắt sống mang về. Tiếp sau, sếp Black còn chỉ dẫn thêm: trước hết hãy kết nối với các thủ lĩnh vũ trang chống Taliban ở Afghanistan; sau đó tìm diệt bin Laden và các thủ lĩnh khác của al-Qaeda. "Đối với các tay đầu sỏ khác, hãy bêu đầu chúng trên mũi giáo", giọng sếp Black đanh lại.

Đúng 7 ngày sau vụ 11.9, Schroen cùng những thành viên tinh nhuệ hàng đầu của CIA bay tới Nam Á. Họ mang theo máy tính xách tay, điện thoại vệ tinh, cà phê hòa tan và 3 triệu USD tiền mặt, gồm toàn tờ 100 USD. Hành trình của toán đặc nhiệm CIA rất vất vả, nhưng rốt cuộc họ cũng tới được miền bắc Afghanistan. Tại đây, họ thiết lập liên lạc với các nhóm thuộc Liên minh miền Bắc chống Taliban. Họ còn dùng tiền mua chuộc nhiều thủ lĩnh vũ trang địa phương trong kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch lớn sắp tới của quân đội Mỹ.

Băm nát Tora Bora

Rất ít người, nhưng phải nói toán công tác của Schroen làm khá được việc. Số tiền mặt mang từ Mỹ sang họ chi hết cho việc đút lót để mua thông tin cũng như tìm kiếm sự hợp tác. Tiếp nối CIA, một nhóm đặc nhiệm Lục quân cũng đã đổ xuống miền bắc Afghanistan, và sau đó là một nhóm của Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt (USSOCOM). Một cuộc chiến thực sự sắp nổ ra.

Không lâu sau ngày toán CIA đáp xuống, vào ngày 7.10, Mỹ tấn công Afghanistan. Ban đầu là những đợt không kích cấp tập vào Kabul và một số mục tiêu khác. Tiếp sau đó là các đơn vị mặt đất tiến vào. Taliban nhanh chóng bị đẩy lùi khỏi Kabul và Osama bin Laden cũng bốc hơi mất dạng.

Vào cuối năm, nhóm đặc nhiệm của Schroen thu thập được thông tin tình báo về vị trí ẩn náu của thủ lĩnh al-Qaeda. Đó là khu hang động Tora Bora nằm trong dãy Spin Ghar ở miền đông Afghanistan. Thế là một chiến dịch tấn công đã được triển khai.

Ngày 12.12.2001, đặc nhiệm Delta Force, CIA, cùng với các nhóm nhỏ của Anh, Đức và Liên minh miền Bắc với sự yểm trợ của máy bay ném bom tiến vào Tora Bora. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, các tay súng Taliban và al-Qaeda lợi dụng địa thế hiểm trở chống lại đối phương áp đảo về quân số và vũ khí. Đến ngày 17.12, sau khi bom đã băm nát khu vực Tora Bora và khoảng 200 tay súng chống đối bị tiêu diệt, liên quân chiến thắng. Nhưng lục soát kỹ càng, liên quân tìm mỏi mắt cũng không thấy xác bin Laden đâu cả. Mục tiêu quan trọng nhất đã sổng.

Về sau, một cựu thành viên Delta Force nói rằng tin tức tình báo sau đó cho biết bin Laden đã chạy trốn sang Pakistan vào ngày 16.12. Trong khi đó, trên tờ The New York Times vào năm 2004, tướng 4 sao Tommy Franks - chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ trong cuộc tấn công Afghanistan năm 2001 - thừa nhận: "Đến nay chúng tôi cũng không biết chắc là liệu bin Laden có ở Tora Bora vào tháng 12.2001 hay không. Một vài nguồn tin tình báo khẳng định ông ta có ở đó; một số nguồn khác nói ông ta ở Pakistan... Tora Bora lúc ấy có nhiều tay súng Taliban và al-Qaeda... nhưng bin Laden chưa bao giờ ở trong tầm tay của chúng tôi".

Bắn chết

Nhóm của Schroen ban đầu làm rất được việc, nhưng riêng mệnh lệnh của sếp Black thì vẫn còn đó như một món nợ. Cho đến lúc Schroen về hưu và có thời gian thong thả để viết hồi ký kể lại chiến tích xưa thì thủ lĩnh al-Qaeda vẫn bóng chim tăm cá, thỉnh thoảng chỉ xuất hiện trong một số đoạn băng dọa dẫm nước Mỹ.

Trong suốt thập niên qua, cuộc truy bắt bin Laden không thu được kết quả nào, ngoài một vài tuyên bố rằng "suýt bắt được" vào lúc này hoặc lúc khác. Mỹ đã tìm đủ mọi biện pháp, từ thẩm vấn nghi phạm khủng bố tới phân tích các đoạn băng ghi hình bin Laden, nhưng hầu như họ chưa bao giờ biết rõ thủ lĩnh al-Qaeda ở đâu. Dù thế, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ cũng đã thu được một số kết quả đáng kể, xét về mặt tiêu diệt các nhân vật chủ chốt của al-Qaeda. Ngày 14.11.2001, một chiếc máy bay không người lái Predator đã phóng tên lửa vào cơ sở của al-Qaeda ở ngoại vi Kabul, làm chết Mohammed Atef. Atef đứng đầu bộ phận quân sự của al-Qaeda, được coi là nhân vật số 3 của tổ chức này, chịu trách nhiệm thiết kế hầu hết các kế hoạch tấn công. Abu Musab al-Zarqawi và Abu Ayyub al-Masri, hai thủ lĩnh của tổ chức vũ trang mà người Mỹ cho là chi nhánh al-Qaeda ở Iraq, cũng bị hạ sát vào các năm 2006 và 2010.

Cuộc săn tìm Osama bin Laden thì mãi tới tháng 5.2011, tức 10 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng trong lòng nước Mỹ, mới kết thúc. Đặc nhiệm Mỹ đã đột kích và bắn chết thủ lĩnh al-Qaeda trong một khu nhà ở Abbottabad, Pakistan. Có nhiều thông tin khác nhau - thậm chí mâu thuẫn nhau - về việc bin Laden đã bị giết chết như thế nào. Có thông tin cho rằng bin Laden bị bắt sống và sau đó mới bị giết. Dù thế nào, cái chết của thủ lĩnh al-Qaeda cũng cho thấy tính nhất quán trong chính sách của CIA. Năm 2001, Cofer Black đã ra lệnh giết và cắt đầu mang về. Điều đó có nghĩa là Mỹ không muốn giữ một bin Laden còn sống.

Cuộc báo thù Bắt đầu?

Trong vài ngày qua xuất hiện nhiều sự kiện khiến người ta liên tưởng đến việc al-Qaeda, Taliban và các phần tử Hồi giáo cực đoan bắt đầu chiến dịch trả thù cho Osama bin Laden. Từ ngày 5.5, 39 bì thư chứa chất bột trắng đã được gửi đến 34 trường học ở thủ đô Washington của Mỹ, khiến một số trường phải sơ tán học sinh. Tờ Daily Mail dẫn lời giới chức FBI cho hay các chất bột này không nguy hiểm nhưng gây hoang mang dư luận. Ngoài ra, ít nhất một phong bì có đề chữ "Al-Qaeda - FBI". Nhà chức trách đang khẩn trương điều tra nguồn gốc các bức thư và ra lệnh cảnh giác trên toàn quốc.

Tại Afghanistan, hàng chục tay súng tấn công Dinh Tỉnh trưởng của tỉnh Kandahar. Đến tối qua, giao tranh vẫn diễn ra nhưng chưa có báo cáo thương vong, theo AFP. Kandahar được coi là cái nôi của Taliban, lực lượng từng chứa chấp bin Laden và mới đây đã tuyên bố sẽ trả thù cho thủ lĩnh al-Qaeda.

Về phần mình, Mỹ tiếp tục truy sát một thủ lĩnh al-Qaeda khác là Anwar al-Awlaki tại Yemen nhưng không thành công. BBC dẫn thông báo từ Lầu Năm Góc cho hay máy bay không người lái Predator bắn tên lửa vào một chiếc xe ở tỉnh Shabwa nhưng sau đó giới chức xác định al-Awlaki không ở trong xe. Người này được cho là thủ lĩnh nhóm al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập và là một trong những ứng viên thay thế bin Laden làm chỉ huy tối cao của al-Qaeda.

Trong khi đó, Washington vừa yêu cầu Islamabad cung cấp dữ liệu về một số quan chức tình báo cấp cao của Cơ quan Tình báo Pakistan để điều tra liệu có ai trong số họ liên hệ và bao che cho bin Laden, theo tờ The New York Times.

Lê Loan

Đỗ Hùng
(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét