'Để phát triển kinh tế biển đảo phải duy trì hòa bình biển Đông'

VnExpress:
Thứ ba, 10/5/2011, 17:57 GMT+7

"Để phát triển kinh tế biển đảo quốc gia, tôi nghĩ việc đầu tiên là duy trì cho được môi trường hòa bình, ổn định trên biển Đông", Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Trưởng Ban biên giới Chính phủ, Hồ Xuân Sơn nêu quan điểm.

Phát biểu tại hội thảo quốc gia Hướng đến phát triển bền vững Quảng Ngãi và miền Trung, diễn ra sáng nay tại Quảng Ngãi, Thứ trưởng Sơn cho rằng: “Chúng ta tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước về luật biển ban hành năm 1982 của Liên Hiệp Quốc. Giải quyết tranh chấp bằng đối thoại hòa bình thì chúng ta hoàn toàn giữ được môi trường ổn định trên biển Đông, phát triển kinh tế biển đảo không chỉ riêng lãnh hải nước ta mà còn bền vững chung cho cả khu vực”.

Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn phát biểu tại hội thảo phát triển kinh tế biển đảo diễn ra ở Quảng Ngãi sáng 10/5. Ảnh: Trí Tín
Thứ trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn phát biểu tại hội thảo phát triển kinh tế biển đảo diễn ra ở Quảng Ngãi sáng 10/5. Ảnh: Trí Tín

Theo Thứ trưởng Sơn, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề biển Đông là kiên trì, tìm kiếm những giải pháp ổn định, lâu dài, cơ bản bằng con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hiện nay Việt Nam tiếp tục đàm phán với các bên để tiến tới tìm giải pháp cơ bản lâu dài tất cả các tranh chấp trên biển Đông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn trên biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

“Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn lịch sử để khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là ngư trường truyền thống của đồng bào ngư dân Quảng Ngãi và miền Trung”, Thứ trưởng Sơn khẳng định.

Hội thảo sáng nay đã thu hút gần 100 chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu Trung ương, trường đại học, cao đẳng trong cả nước tham gia.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, để phát triển kinh tế biển, đảo bền vững, Việt Nam cần có những đột phá mới trong tư duy và chiến lược phát triển kinh tế biển miền Trung cũng như trên phạm vi cả nước. Ông nói: “Để khẳng định chủ quyền biển thực sự, Việt Nam phải có các hạm tàu lớn và các doanh nghiệp kinh tế biển mạnh. Nền khoa học và công nghệ biển tiên tiến, nguồn nhân lực tốt, các cảng biển tầm cỡ, khu kinh tế biển mạnh có sức cạnh tranh và hấp dẫn quốc tế, thì nước ta mới sớm làm chủ kinh tế biển”.

Tàu đánh cá của ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi với cờ đỏ sao vàng phấp phới. Ảnh: Trí Tín
Tàu đánh cá của ngư dân đảo Lý Sơn chuẩn bị ra khơi với cờ đỏ sao vàng phấp phới. Ảnh: Trí Tín

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam thì nhìn nhận, những năm gần đây mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến biển, đảo; thế nhưng vẫn thiếu một chiến lược tổng thể mang tính liên ngành, liên địa phương và đa mục tiêu ở tầm quốc gia.

Miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có bờ biển dài 1.867 km với những bãi biển tuyệt đẹp, hoang sơ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử hàng nghìn năm với cơ tầng phong phú, đa dạng của văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh.

Vùng biển đảo miền Trung, nhất là biển, đảo Quảng Ngãi nằm trong vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Đặc biệt đảo Lý Sơn, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có vị trí phòng thủ và chiến lược quan trọng.

Người miền Trung vốn có truyền thống và ý thức vươn ra biển đảo từ rất sớm. Trong đó sự hình thành Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Trường Sa) là minh chứng sống động.

Trí Tín

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét