Thứ Tư, 05/10/2011, 07:59 (GMT+7)
“Chiếm lấy Phố Wall” lan khắp Mỹ
TT - Vincent, 21 tuổi, thất nghiệp, có một giấc mơ: nhìn thấy những người khổng lồ của Phố Wall vào tù. Tội của họ? Ăn trộm. Hàng tỉ USD từ tiền thuế của người dân Mỹ đã phải rót vào các vụ cấp cứu tài chính cho các ngân hàng.
Tờ Occupied Wall Street Journal được phát miễn phí cho mọi người - Ảnh: NYT |
>> Xuống đường “chiếm lấy Phố Wall”
Giới ngân hàng, các tập đoàn tài chính lớn vẫn giàu lên với những khoản lợi nhuận và thưởng kếch xù trong khi nền tài chính Mỹ lại đang nghiêng ngả. Với những người đã phát chán khi phải đứng nhìn người giàu càng giàu hơn, còn người nghèo chật vật kiếm sống thì đây là lúc cần phải xuống đường để bày tỏ ý kiến.
“Mùa thu nước Mỹ”
Vincent bỗng dưng trở thành một trong số vài người phát ngôn không chính thức cho phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” với những cuộc biểu tình của những người ở độ tuổi 20. Và ngày 4-10 là ngày đánh dấu cuộc “chiếm đóng” khu tài chính này bước sang tuần lễ thứ ba.
Vincent nói: “Chúng tôi đều có mặt ở đây vì những lý do khác nhau. Nhưng cuối cùng là vì một mục tiêu chung, đó là yêu cầu nhà chức trách giải trình về sự bất công xã hội và cuộc khủng hoảng. Chúng tôi muốn có thông tin về mối liên hệ giữa Phố Wall và các chính trị gia. Cần phải thay đổi”. Giles Clarke, nhiếp ảnh gia 46 tuổi, cũng đồng ý: “Chúng ta sống ở thời đại mà những bất bình đẳng giữa Phố Wall giàu có và phần còn lại của nước Mỹ đã trở nên quá lớn. Hàng triệu người đã mất việc, mất nhà”. Egberto Willies, một người thông tin trên trang CNN iReporter từ Washington, nhận định phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” dường như sẽ lan rộng giống như “Mùa xuân Ả Rập” và “Tôi gọi đó là mùa thu nước Mỹ”.
Vào tuần lễ đầu tiên, cảnh sát đã bắt giữ 80 người, nhưng sang tuần thứ hai phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” ngày càng mở rộng với cuộc tuần hành của 3.000 người đến đại bản doanh của cảnh sát New York. Việc 700 người biểu tình bị bắt giữ vì bị cáo buộc gây mất trật tự công cộng khiến hàng ngũ những người biểu tình thêm đông. Nhiều nghiệp đoàn tại New York lần đầu tiên đã vào cuộc. Số người tham gia từ vài ngày qua lan rộng đến các thành phố khác ở Mỹ. Boston, Los Angeles, Seattle, Tampa, Chicago cũng chiếm những “Phố Wall” riêng cho mình. Cuộc biểu tình khi bước vào tuần thứ ba đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn. Trang web “Occupy Together” (Cùng chiếm) không chính thức của phong trào kêu gọi những cuộc biểu tình mới vào ngày 5-10 trong khu tài chính của New York, và cho biết vào cuối tuần này sẽ có các cuộc biểu tình đồng loạt diễn ra ở các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và sẽ lan sang cả Nhật Bản và châu Âu.
Thu hút sự chú ý
George Soros, một trong những người giàu nhất thế giới, đã lên tiếng ủng hộ người biểu tình khi cho rằng họ cảm thấy bị thôi thúc phải lên tiếng do “những khoản lợi nhuận kếch xù” và “những khoản thưởng kếch xù” trong các ngân hàng. “Tôi có thiện cảm với những quan điểm của họ - Soros nói và nhấn mạnh - Tôi hiểu phản ứng của họ”.
Những người biểu tình cho biết họ đang sử dụng mạng xã hội Twitter và Facebook để kêu gọi xuống đường, quyên góp tiền, thực phẩm và chăn màn cho “cuộc chiến có thể còn kéo dài”. Tuy không có một tổ chức thống nhất, nhưng các nhóm đã tự thành lập các tiểu ban chuyên biệt chịu trách nhiệm về an ninh, giao thông vận tải và thông tin đại chúng. Susan Olzak, GS xã hội học tại Đại học Stanford, nhận định rất khó để phân loại phong trào phản đối xã hội như vậy ở thời điểm nó đang manh nha như hiện nay. Các mục tiêu rõ ràng hơn của phong trào sẽ được đưa ra trong thời gian tới, nhưng không phải lúc nào cũng thế.
Cho tới nay, những ông chủ của các tập đoàn ở Phố Wall vẫn chưa cho là phong trào gây ảnh hưởng gì tới họ dù có thể sẽ nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân. Những người biểu tình không quá khích hay đe dọa tấn công người khác, mà thực hiện quyền được bày tỏ ý kiến của họ.
Trong khi đó, phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” lại thu hút được sự quan tâm ngày càng tăng của những lực lượng cấp tiến. Tại Boston, những người nổi tiếng ở Hollywood như nhà làm phim - hoạt động xã hội Michael Moore, diễn viên - đạo diễn Roseanne Barr, nhà phê bình phim từng đoạt giải Pulitzer Roger Ebert, diễn viên Mark Ruffalo, nghệ sĩ Yoko Ono và doanh nhân Russell Simmons - đã đến Phố Wall thăm những người biểu tình. Tại New York, những người biểu tình đã mời được cây bút bình luận, Nobel kinh tế Joe Stiglitz và nhà kinh tế học Jeff Madrick, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất mới đây Age of greed (Thời của sự tham tàn), đến trao đổi ý kiến.
HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, BBC, Reuters, CNN)
Phát hành “Báo Phố Wall bị chiếm đóng” Những người biểu tình đã in được tờ báo riêng có tên “Occupied Wall Street Journal”, phát miễn phí, coi đó là nơi thể hiện quan điểm của họ để công chúng hiểu rõ hơn. Tờ báo đã được phát hành vào ngày 1-10, với 50.000 số in đầu tiên bằng tiền quyên góp trên mạng. Tờ báo khổ lớn, bốn trang, có các bài xã luận của cựu phóng viên chiến trường của tờ New York Times Gupta và Jed Brandt, 38 tuổi, đều có kinh nghiệm làm báo độc lập và là người tổ chức xuất bản... Chỉ trong tám giờ họ đã quyên được hơn 12.000 USD. So với việc hét lên ở một góc phố, việc làm ra được một tờ báo lại là cách tốt để truyền tải thông điệp của phong trào. |
Thực trạng phân hóa trong xã hội Mỹ được thể hiện qua biểu ngữ thường xuyên xuất hiện trong đợt biểu tình: “Chúng ta là 99%”, ám chỉ 99% người dân luôn phải lo lắng cho cuộc sống thường nhật và bi quan về tương lai. Có nghĩa là chỉ có 1% người Mỹ không ở trong tâm trạng ấy. Việc một bộ phận rất nhỏ người giàu nắm giữ tới 90% của cải mà cả đất nước làm ra cho thấy sự phân hóa trong xã hội có lẽ đã tới đỉnh điểm.
Đợt biểu tình khiến dư luận quan tâm đến sự bất công ngày càng tăng trong xã hội và đòi hỏi chính phủ cũng như cả đất nước phải hành động. Cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế khiến tình trạng của số đông ở Mỹ càng tồi tệ hơn. Thất nghiệp cao, điều kiện học tập và đào tạo hạn chế, cơ hội thành đạt gần như chỉ dành riêng cho số ít. Trong khi đó, giới ngân hàng và tài chính với hiện thân là Phố Wall lại luôn được lợi nhiều nhất. Nhìn như vậy sẽ thấy biểu tình phản đối là chuyện không thể tránh khỏi.
Phân hóa xã hội đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất của Mỹ. Muốn khắc phục, nước này phải nhanh chóng tiến hành cải cách xã hội và giáo dục để có được công bằng xã hội và cơ hội cho tất cả mọi người.
Thảo Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét