Ngay sau khi đê vỡ, ngành chức năng huyện Thanh Bình đã chỉ đạo lực lượng xuống hiện trường khắc phục nhằm bảo vệ lúa. Tuy nhiên, do dòng nước lũ chảy quá mạnh khiến 2 chiếc xáng làm nhiệm vụ gia cố đê bị cuốn trôi.
Theo lãnh đạo xã Phú Lợi, vào thời điểm này nhiều tuyến đê bao trên địa bàn xã thường xuyên bị rò rỉ nước do mức nước chênh lệnh giữa bờ kênh và ruộng rất thấp. Ngoài ra, do sóng to liên tục đập vào thân đê nên nguy cơ các đê bị vỡ vẫn còn rất cao.
Cũng tại huyện Thanh Bình, trước đó, vào sáng ngày 4/10 đã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông dài 40m, rộng 5m tại xã Tân Bình. Buổi chiểu cùng ngày lại tiếp tục xảy ra sạt lở dài 3.000m tại xã Bình Thành làm mất trên 50.000m2 đất.
Cũng trong ngày 4/10, xảy ra sạt lở đất dài 30m gây ảnh hưởng đến 1 ha màu của người dân ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự.
Theo ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 5/10 có trên hàng ngàn km đường giao thông bị sạt lở, nhiều cầu cống bị hư hỏng, trên 10.300 căn nhà bị ngập, trên 2.000 ha lúa mất trắng, hàng trăm ha màu, cây ăn trái bị thiệt hại...
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có công văn gửi các cơ sở y tế trên toàn tỉnh đề nghị các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ và bệnh nhân. Sở cũng yêu cầu các cơ sở phải cử người túc trực 24/24h để kịp thời tiếp nhận cấp cứu những nạn nhân bị ảnh hưởng do lũ; yêu cầu các bệnh viện huyện, thị, thành phải sẵn sàng dự trữ cơ số thuốc để kịp thời sử dụng trong việc điều trị bệnh; các Trung tâm Y tế dự phòng phải thường xuyên kiểm tra giám sát dịch bệnh nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát.
Ở các xã như Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội, Phú Hữu… nhiều tuyến đường nông thôn bị ngập nước lũ nên gần 3.600 học sinh đến trường bằng các phương tiện đường thủy nhưng huyện chỉ mới vận động được khoảng 1.500 áo phao cho học sinh.
Tại Tân Châu, chính quyền thị xã cho biết, có 114 hộ bị ảnh hưởng sạt lở phải di dời và 4.463 căn nhà bị ngập (trong đó, 85 căn bị xiêu vẹo, 175 hộ cần phải di dời).Toàn thị xã có 612 học sinh đến trường do phụ huynh đưa đón bằng xuồng nên ẩn họa có thể xảy ra.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cho biết, toàn tỉnh có 56 điểm trường với 5.330 học sinh bị ảnh hưởng lũ. Các tuyến đường đến trường bị ngập (từ 0,3 đến 1,3 mét) khiến học sinh và giáo viên phải sử dụng các phương tiện thủy. Trong đó, 15 điểm trường (43 lớp) với 358 học sinh phải tạm nghỉ, do đường đến trường, sân trường và phòng học bị ngập nước, không thể duy trì hoạt động.
Ngoài ra Sở Giáo dục - Đào tạo An Giang còn cho biết, Ngành Giáo dục đã vận động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp được 1.326 dụng cụ cứu sinh cấp cho học sinh vùng lũ và tận dụng áo phao cũ của năm trước. Tuy nhiên sô đó vẫn chưa thấm vào đâu khi số học sinh cần dụng cụ cứu sinh còn nhiều.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã xuất 1,2 tỷ đồng từ nguồn đảm bảo xã hội hàng năm để hỗ trợ cho hộ có nhà bị sập, hư hỏng, người thân chết do lũ lụt… Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thiệt hại của các địa phương báo cáo, dự kiến kinh phí khoảng 8 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 15.000 người đang bị ảnh hưởng lũ.
Theo thống kê của UBMTTQVN tỉnh An Giang cho biết, tính đến ngày 3/10/2011, toàn tỉnh đã có 04 người chết, 4.083 héc-ta lúa và hoa màu vụ thu đông bị mất trắng, 66.000 ha lúa đang bị đe dọa, 14.885m2 diện tích bờ sông bị sạt lở; 07 cụm tuyến dân cư bị sạt lở nghiêm trọng. 17.670 căn nhà bị ngập và xiêu vẹo, 765 căn nhà bị ảnh hưởng cần phải di dời… ước tính thiệt hại ban đầu hàng trăm tỷ đồng và mức thiệt hại này còn đang tiếp tục gia tăng.
Huỳnh Hải – Ngô Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét