Tung 5 tấn vàng để dập đầu cơ

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Sáu, 07/10/2011, 07:50 (GMT+7)

TT - Ngày 6-10, lãnh đạo các thành viên trong liên minh năm ngân hàng (NH) thương mại đã tập trung tại “đại bản doanh” NH Nhà nước đồng loạt chỉ đạo việc bán cùng một mức giá để can thiệp vào thị trường vàng trong nước.

5 NH đó gồm Eximbank, ACB, Sacombank, Techcombank, Đông Á và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Sản xuất vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.

Đã có hàng trăm ngàn lượng vàng được bán ra trong ngày đầu tiên, kéo chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới cuối ngày còn hơn 1 triệu đồng/lượng.

Đồng loạt bán vàng

Việc can thiệp thị trường được thực hiện từ sáng 6-10, khi các cửa hàng vàng tư nhân đều niêm yết giá bán ra ở mức 44,9 triệu đồng/lượng. Nhưng mức giá này, theo đại diện của SJC, đã không tồn tại được lâu do ngay sau đó, SJC và năm NH thương mại trên đồng loạt tung vàng ra bán với giá thấp hơn thị trường đến 400.000 đồng/lượng.

Phản ứng trước sự kiện “lạ” này, nhiều chủ cửa hàng và người dân đã lũ lượt đi mua vàng. Chỉ trong buổi sáng, SJC bán ra đến gần 700kg vàng (hơn 18.600 lượng). Đến cuối ngày, số vàng bán ra ở mức kỷ lục: 20.000 lượng. Tại Công ty PNJ, bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty, cho biết bán ra đến 3.500 lượng, trong đó đa số vàng được bán ra trong khoảng thời gian từ 8g-14g.

Trái với kỳ vọng của đa số người mua vàng, dù lực mua tăng đột biến và giá vàng thế giới liên tục tăng nhưng giá vàng trong nước vẫn kiên trì đi xuống. Từ mức 44,5 triệu đồng/lượng lúc mở cửa, một giờ sau giá vàng còn 44,15 triệu đồng/lượng. Buổi chiều, giá vàng trong nước tiếp tục giảm thêm nhưng tốc độ có phần chậm hơn. Cuối ngày, giá vàng bán ra tại SJC và năm NH trên còn 44,05 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, do “lỡ” mua vàng giá cao buổi sáng nên đến cuối ngày các cửa hàng vàng tư nhân vẫn neo giá bán ở mức 44,2 triệu đồng/lượng. Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy về cuối ngày sức mua trên thị trường đã giảm rõ rệt so với buổi sáng. Đặc biệt khi thông tin SJC cùng năm NH can thiệp thị trường lan ra thì nhiều người mua vàng trước đó đồng loạt đổ ra bán.

Sau khi các ngân hàng thương mại và Công ty SJC can thiệp, vàng trong nước đang trở về mức giá hợp lý hơn - Ảnh: Thanh Đạm

Triệt đầu cơ làm giá

Khác với thời điểm trước, việc can thiệp giá vàng lần này được thực hiện bài bản hơn. Theo đó, nhóm các NH và SJC dùng số vàng có trong tay (với NH là một phần vốn vàng huy động của dân, với SJC là vàng tự có) bán ra thị trường nhằm kéo giá vàng trong nước về mức hợp lý so với giá vàng thế giới. Đồng thời các đơn vị này được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để mua/bán cân đối với số đã bán/mua ở trong nước nhằm tránh bị thiệt hại do giá tăng giảm thất thường. Khi giá vàng trở lại bình thường, các NH và SJC sẽ mua lại vàng. Nếu giá tăng trở lại, liên minh này tiếp tục bán.

USD tự do giảm

Cuối ngày 6-10, giá vàng thế giới ở 1.652 USD/ounce, tương đương 42,9 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỉ giá USD tại thị trường tự do. Như vậy giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn 1,15 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi, trong khi mức chênh lệch đầu ngày lên đến gần 2 triệu đồng/lượng. Cùng giá vàng, giá USD tại thị trường tự do đã giảm 230 đồng/USD so với cuối ngày 5-10, còn 21.500 đồng/USD.

Theo NH Nhà nước, mức chênh lệch hợp lý giữa giá vàng trong nước - thế giới là 400.000 đồng/lượng. Trong giai đoạn đầu nên can thiệp để khống chế chênh lệch ở mức 500.000-700.000 đồng/lượng. Nhưng việc tính chênh lệch này phải được quy đổi theo tỉ giá mua bán USD giữa các NH.

Theo ông Nguyễn Thành Long - tổng giám đốc SJC, định hướng của NH Nhà nước việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài này chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là ổn định giá vàng trong nước. Các NH cho biết NH Nhà nước giới hạn thời gian mà các tổ chức này phải cân bằng trạng thái nhằm hạn chế rủi ro cho các đơn vị kinh doanh. NH Nhà nước cũng lập ra một tổ chuyên trách có nhiệm vụ theo dõi, cập nhật lượng vàng bán ra trong nước của từng ngân hàng.

Theo một nguồn tin của Tuổi Trẻ, số vàng bán ra trong ngày 6-10 đạt trên 5 tấn, tương đương hơn 130.000 lượng, nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong quỹ vàng của năm NH và SJC. Trong những ngày tới, việc bán can thiệp sẽ được thực hiện tiếp tục đến khi đạt mục tiêu giữ giá vàng trong nước ở mức hợp lý so với giá thế giới và ổn định tỉ giá. Những đơn vị tham gia sẽ hành động theo hướng liên minh chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của NH Nhà nước, từng giai đoạn chiến thuật tác chiến sẽ được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với thị trường.

Cho phép ngân hàng mở tài khoản vàng ở nước ngoài

Trong ngày 6-10, NH Nhà nước đã ban hành thông tư số 32, cho phép một số NH đủ điều kiện được chuyển đổi một phần số vàng huy động và vàng tồn quỹ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường trong nước. Đồng thời, các NH này được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng. Tuy nhiên, các NH này cũng phải tuân theo các điều khoản chặt chẽ nhằm bảo đảm việc mở và sử dụng tài khoản vàng ở nước ngoài chỉ nhằm mục đích bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng.

ÁNH HỒNG


tuoitre.vn

Thứ Tư, 28/09/2011, 16:00 (GMT+7)

“Chiến tranh tiền tệ” quay lại?

TTCT - Khi Thụy Sĩ tuyên bố sẽ neo đồng franc Thụy Sĩ vào đồng euro, người ta lại nói đến nguy cơ về một cuộc “chiến tranh tiền tệ”. Sau một thời gian bị bóng mây lạm phát toàn cầu, nợ công và hạ bậc tín nhiệm che lấp, câu chuyện về cuộc chiến này lại xuất hiện vì sự “tham chiến” của Thụy Sĩ.

Những nỗ lực khó khăn của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cứu con thuyền kinh tế châu Âu đang xì hơi qua bút biếm của họa sĩ Petar Pismestrovic trên tờ Kleine Zeitung (Áo)

Ý nghĩa của chiến tranh tiền tệ đang được nhắc đến ở đây là cuộc đua hạ giá đồng tiền của các nước nhằm giữ sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Nó không giống với cách hiểu về chiến tranh tiền tệ trong quyển sách bán chạy cùng tên của tác giả Song Hongbing từng nổi đình nổi đám trước đây.

Khi dân Thụy Sĩ qua Đức mua sắm

Ngày 6-9, Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) Thụy Sĩ đã tuyên bố đặt một mức sàn cho tỉ giá EUR/CHF là 1,2 (nghĩa là 1 euro (EUR) đổi được 1,2 franc Thụy Sĩ - CHF) và sẵn sàng “mua ngoại tệ với mức không hạn chế” để giữ tỉ giá này không giảm xuống thấp hơn mức sàn 1,2 này. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 8, tỉ giá EUR/CHF liên tục tuột dốc từ 1,3 xuống gần 1 nên NHTƯ Thụy Sĩ đã không thể “chịu nổi” tình trạng như vậy nữa.

Nước nào cũng giảm giá đồng tiền thì rốt cục không ai thật sự gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu cả, và không nước nào có thể thoát khỏi suy thoái bằng cuộc chạy đua hạ giá tiền như vậy.

Báo chí cho rằng đồng franc Thụy Sĩ lên giá nhanh là do những rắc rối ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (cả chuyện nợ công lẫn chuyện các số liệu vĩ mô cho thấy kinh tế khu vực này đang suy thoái) và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng lần thứ 3 (nghĩa là in tiền tiếp) khiến các nhà đầu tư phải đi tìm nơi “trú ẩn an toàn”.

Ngoài vàng ra, đồng franc Thụy Sĩ và yen Nhật là những đồng tiền được lựa chọn để trú ẩn (bất chấp Nhật cũng có tỉ lệ nợ công/GDP cao ngất ngưởng). Tiền nước ngoài đổ vào mua đồng franc Thụy Sĩ nhiều thì đồng tiền này tất nhiên phải lên giá mạnh, và bên chịu thiệt hại trước tiên là các doanh nghiệp xuất khẩu của Thụy Sĩ. Những doanh nghiệp lớn như Nestlé đã lên tiếng kêu ca doanh số bị giảm trong sáu tháng đầu năm vì đồng franc Thụy Sĩ tăng giá mạnh, tạo ra những áp lực mà NHTƯ Thụy Sĩ không thể phớt lờ.

Với tư cách là một nền kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu, Thụy Sĩ khó mà chấp nhận mức độ lên giá nhanh của đồng franc như thời gian qua, và càng không thể chấp nhận cảnh tượng dân họ cuối tuần chạy qua các nước láng giềng Đức hay Pháp mua sắm vì giá cả ở đó trở nên rẻ hơn đáng kể.

Sức ép lan rộng

Thụy Sĩ hiện không phải là nền kinh tế phát triển duy nhất phải tìm cách hạn chế những bất lợi của chuyện đồng tiền lên giá. Nhật Bản cũng vậy, đồng yen đang ở mức cao trong lịch sử và xu thế tăng giá vẫn tiếp diễn, khiến vào tháng 8 NHTƯ nước này đã phải bán ra 4,5 nghìn tỉ yen để can thiệp vào thị trường nhằm hạ đồng yen xuống.

David Bloom, chuyên gia phân tích tiền tệ của Ngân hàng HSBC ở London, nhận xét hành động của Thụy Sĩ ngày 6-9 có thể là kết quả đáp trả lại việc NHTƯ Nhật đã can thiệp để hạ giá đồng yen trong tháng 8. Cho nên, người ta có lý do lo ngại chiến tranh tiền tệ lại sẽ trở nên căng thẳng với các bên tham chiến mới.

Trước đây, tâm điểm của tranh luận về chiến tranh tiền tệ nằm ở xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong chuyện đồng nhân dân tệ định giá quá thấp, và chuyện các nước châu Á và Mỹ Latin phải vất vả hạn chế dòng vốn vào để ngăn đồng nội tệ lên giá quá nhanh. Hiện tại, khi chuyện đồng tiền Trung Quốc bị định giá thấp đang tạm lắng, Thụy Sĩ và Nhật lại nổi lên trong chuyện thi nhau hạ giá đồng tiền của mình.

Nhiều dấu hiệu cho thấy tranh cãi về chuyện định giá thấp của đồng nhân dân tệ sẽ sớm trở lại mặt báo trong thời gian tới, khi mà số liệu kinh tế công bố cho thấy tốc độ xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 vào Mỹ đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, và tốc độ tăng này đã nhanh đáng kể so với mức 9,5% trong tháng 7. Trong bối cảnh kinh tế các nước đều gặp khó khăn, người ta có thể sẽ dễ dàng quay lại tìm Trung Quốc để “nói chuyện” với hi vọng nước này sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng giá của đồng nhân dân tệ.

Vì vậy, toàn cảnh của cái gọi là chiến tranh tiền tệ hiện nay tuy khá lộn xộn nhưng ý tưởng chủ đạo lại không khó nhận ra: nhiều nước đang cố gắng làm hạ giá đồng tiền của mình hoặc ít ra không để nó tăng lên nữa. Mỹ và Anh thì vẫn đang hướng về bơm tiền, nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế, do đó đồng tiền của họ vẫn chịu sức ép giảm giá.

Rắc rối ở Mỹ và châu Âu khiến yen Nhật và franc Thụy Sĩ lên giá nhanh, buộc NHTƯ các nước này phải mạnh tay can thiệp đẩy giá đồng nội tệ xuống. Trong khi đó, ở Brazil, NHTƯ phải đang kiểm soát vốn vào để tránh đồng tiền bị lên giá nhanh. Trung Quốc vẫn đang đứng trước sức ép phải làm tăng giá nhân dân tệ hơn nữa, nhưng họ lại không muốn điều đó.

Bây giờ đã bắt đầu có người cảnh báo xu thế tranh nhau hạ giá đồng nội tệ này có nguy cơ sẽ chuyển thành một cuộc chiến tranh khác - chiến tranh thương mại. Chưa biết điều đó có trở thành sự thật hay không và gọi tình hình hiện nay là “chiến tranh tiền tệ” thì có phải hơi quá lời hay không? Cho đến nay, những người có quan điểm mạnh rằng chuyện tranh nhau hạ giá nội tệ căng thẳng tới mức gọi là “chiến tranh” chỉ có bộ trưởng tài chính Brazil và cựu giám đốc IMF - ông Dominique Strauss-Kahn (người bị dính vào xìcăngđan tình ái gần đây).

Nhưng cho dù tình hình không xấu đến mức như vậy, xu thế nhiều nước cùng sẵn sàng bơm tiền để làm đồng tiền của mình rẻ hơn rõ ràng là không có lợi cho việc kiểm soát lạm phát toàn cầu vốn dĩ đang tăng cao, trong lúc đó lại có lợi cho giá vàng. Hơn nữa, nước nào cũng giảm giá đồng tiền thì rốt cục không ai thật sự gia tăng được lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu cả, và không nước nào có thể thoát khỏi suy thoái bằng cuộc chạy đua hạ giá tiền như vậy.

Việt Nam đang ở đâu?

Chính sách neo tỉ giá VND vào USD (với tuyên bố gần đây của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là tỉ giá không biến động quá 1% từ đây đến cuối năm) cho thấy quan điểm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là không tham gia vào xu thế chạy đua để hạ giá đồng nội tệ này.

Một nguyên nhân là vì VN chưa rơi vào tình trạng dòng vốn đầu tư chảy vào ào ạt như các thị trường mới nổi khác là Brazil hay Thái Lan vừa qua. Có chăng, vào giai đoạn 2007-2008 dòng vốn ngoại chảy vào VN làm VND lên giá nhưng chưa đáng kể. Dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán còn có xu thế chảy ra, nên áp lực lên giá của đồng nội tệ là không đáng kể.

Ngược lại, việc người Việt có xu hướng chuyển đổi đồng nội tệ sang vàng và USD tạo sức ép mất giá VND nhiều hơn là tạo ra sức ép tăng giá nội tệ như ở những nền kinh tế đang phát triển khác. Hơn nữa, với tình hình lạm phát cao ở VN, ưu tiên chống lạm phát phải được đặt lên trước, do đó việc giữ để VND không mất giá nhanh hiện tại đã được NHNN đánh giá là quan trọng hơn, cho dù nhiều chuyên gia trong và ngoài nước lưu ý là đồng tiền VN vẫn định giá cao theo tỉ giá thực.

Dù vậy, khi neo đồng VND vào USD thì các doanh nghiệp xuất khẩu VN cũng có thể hưởng lợi nếu USD tiếp tục xu thế trượt giá so với những đồng tiền khác. Tuy vậy, một rủi ro khác lại đặt ra, đó là đối với các khoản nợ ngoại tệ của VN. Nhiều doanh nghiệp và dự án phát triển của VN vay vốn bằng ngoại tệ, như đồng yen chẳng hạn. Do đó khi đồng yen lên giá nhanh thì các khoản nợ này cũng tăng nhanh.

Ngoài ra, một lượng không nhỏ nguyên liệu đầu vào của hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng của VN là phải nhập của nước ngoài. Với việc đồng tiền nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, đang tăng giá so với USD, thì chi phí đầu vào của doanh nghiệp xuất khẩu và giá cả hàng tiêu dùng nhập ngoại sẽ trong xu thế tăng.

Vì vậy, nếu các nước này không thể kiềm chế được tốc độ tăng giá đồng tiền của họ so với USD, doanh nghiệp VN tuy có thể hưởng lợi về tính cạnh tranh của giá hàng xuất khẩu nhưng sẽ gặp rắc rối với chuyện kiểm soát nợ vay bằng ngoại tệ khác USD như đồng yen. Còn nếu các nước cứ thay nhau hạ giá đồng tiền đến mức khiến lạm phát toàn cầu bùng phát, thì vấn đề của VN sẽ nằm ở chỗ làm sao kiểm soát được giá trong nước không tăng quá nhanh theo giá thế giới.

Nói tóm lại, có chiến tranh tiền tệ hay không, thách thức lớn đối với VN trong thời gian tới vẫn là vấn đề kiểm soát lạm phát.

HỒ QUỐC TUẤN
(Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh)


tuoitre.vn

Thứ Ba, 27/09/2011, 07:22 (GMT+7)

Giữ lạm phát mức 18%

TT - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra trong hai ngày 25 và 26-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh thực hiện tăng dư nợ tín dụng khoảng 15-17%, tổng phương tiện thanh toán 12%; không ứng trước vốn ngân sách năm 2012 và kiên quyết cắt giảm đầu tư công; quyết liệt thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trước hết là sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng chín tháng đầu năm 2011 (nguồn: Tổng cục Thống kê) - Đồ họa: Vĩ cường - Ảnh: H.T.V.

Thủ tướng cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành, dứt khoát không tham gia hoạt động ngân hàng, công ty tài chính, công ty kinh doanh chứng khoán.

Tại cuộc họp báo chiều 26-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2011 đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, nguyên nhân lạm phát và các giải pháp ứng phó...

Lạm phát đang giảm dần

Công khai giá xăng dầu, giá điện

Trả lời về vấn đề điều hành giá xăng dầu, ông Vũ Đức Đam nói cuộc hội thảo do Bộ Tài chính chủ trì tổ chức vừa qua là một hội thảo khoa học, do vậy việc trình bày các ý kiến là bình thường, còn điều hành giá xăng dầu là chủ trương nhất quán của Chính phủ đã làm liên tục và theo lộ trình từ nhiều năm nay.

Theo ông Vũ Đức Đam, Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo: một là công khai, minh bạch giá (kể cả với giá điện), nhập khẩu bao nhiêu, chi phí thế nào... phải được công khai; hai là sử dụng quỹ bình ổn giá theo đúng định hướng và cũng công khai việc sử dụng; ba là việc kinh doanh lỗ, lãi của các doanh nghiệp cũng phải được công khai, minh bạch.

Về việc xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tỉnh Quảng Nam, ông Vũ Đức Đam nói tỉnh cũng như các bộ ngành và cấp Chính phủ đã có chủ trương nhưng về kinh phí sẽ được xem xét trên tinh thần thắt chặt đầu tư và tập trung vào những công trình thật sự cấp bách.

Theo ông Vũ Đức Đam, Chính phủ thống nhất đánh giá trong chín tháng đầu năm 2011 lạm phát đang giảm dần. “Bắt đầu từ tháng 5, CPI đã giảm xuống. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,82% của CPI tháng 9 có xấp xỉ 0,5% là do tăng giá tất cả các mặt hàng liên quan đến khai giảng năm học mới” - ông Vũ Đức Đam nói.

Tốc độ tăng trưởng GDP chín tháng đầu năm ước đạt 5,76% và tuy thấp hơn chín tháng đầu năm 2010 nhưng trong khó khăn, tập trung ưu tiên cho ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì đây là một cố gắng lớn. Về đầu tư phát triển, việc cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư đã được quan tâm chỉ đạo, tập trung cho các dự án cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ, sắp hoàn thành.

Ông Vũ Đức Đam nói: “Chính phủ phấn đấu giữ mục tiêu lạm phát ở mức 18%, phấn đấu tăng trưởng GDP 6%. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ dễ dàng đạt được con số này mà phải rất quyết liệt. Một trong những giải pháp đã và đang được thực hiện là cơ cấu lại đầu tư, tập trung vào các công trình, dự án thúc đẩy sản xuất, nhất là các công trình có ý nghĩa đặc biệt, còn lại sẽ cho giãn, đình hoãn và thậm chí dừng. Bên cạnh việc đầu tư công giảm, cần có các cơ chế, chính sách để các loại hình đầu tư khác tăng lên. Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ vấn đề này để có tháo gỡ”.

Cũng theo ông Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh không được chủ quan, phía trước còn nhiều khó khăn, ví dụ như chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tính cách nào vẫn rất cao, lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao (ít trường hợp vay được dưới 17%), sản xuất khó khăn...

Tại cuộc họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét để có giải pháp phù hợp với tình hình giá vàng biến động, trong đó có cho nhập khẩu vàng.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm

Thông tin từ Chinhphu.vn cho biết trong phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm 2011 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trong ba tháng cuối năm 2011 ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để duy trì tăng trưởng hợp lý, chú ý bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, nhiệm vụ trước tiên vẫn là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, không nới lỏng tiền tệ. Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất xuống theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng. Kiểm soát tỉ giá hiệu quả để không gây biến động lớn.

Về cung tiền, tăng dư nợ tín dụng ở mức 15-17%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 12%. Quan tâm tới thanh khoản ngân hàng, giám sát chặt chẽ các hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, nhất là về nợ xấu; kiểm soát tốt cho vay nợ bất động sản. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường “chợ đen” về ngoại hối, thị trường vàng...

Về thu chi ngân sách và đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiên quyết không ứng trước vốn ngân sách năm 2012, cùng với đó là thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công.

Quyết liệt thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trước hết là sản xuất nông nghiệp; trong công nghiệp tiến hành rà soát, thúc đẩy các dự án, nhất là việc dồn vốn cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án thật sự cấp bách. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam, giảm nhập siêu. Việc giảm nhập siêu cần thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường xuất khẩu, bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.

Về vấn đề tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ xây dựng đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tới từng tập đoàn, tổng công ty; quy định rõ trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát hoạt động cũng như công tác quản lý cán bộ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo Chính phủ. Các tập đoàn, tổng công ty tập trung đầu tư vào lĩnh vực chính, đồng thời thực hiện việc thoái vốn đã đầu tư vào ngoài ngành nghề chính, nhất là vào ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm.

V.V.THÀNH - chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét