Syria dọa nã "hàng trăm tên lửa" vào Israel

Người Lao Động Online:

Thứ Năm, 06/10/2011 09:43

(NLĐO) – Hãng tin Fars của Iran hôm 5-10 đưa tin Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố sẽ tấn công Israel nếu phương Tây can thiệp vào nội bộ nước này.

Phát biểu tại một cuộc họp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, ông Assad nói: “Nếu có bất kỳ biện pháp điên rồ nào được áp dụng đối với Damascus, sẽ chẳng mất tới 6 giờ để bắn hàng trăm tên lửa lên cao nguyên Golan và tấn công Tel Aviv”.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad dọa tấn công Israel nếu bị NATO can thiệp (Ảnh: HAARETZ)

Ông Assad thậm chí còn kêu gọi lực lượng du kích Hezbollah ở Lebanon hỗ trợ các cuộc tấn công này nếu xảy ra.
Tổng thống Syria cảnh báo: “Tất cả các cuộc tấn công này sẽ chỉ diễn ra trong 3 giờ, trong 3 giờ còn lại, Iran sẽ tấn công tàu chiến Mỹ ở vịnh Ba Tư. Các mục tiêu của Mỹ và châu Âu sẽ bị tấn công đồng loạt”.
Trong khi đó, Nga đổ lỗi cho giới truyền thông trước những đe dọa tấn công Israel của Tổng thống Assad. Bộ Ngoại giao Nga đã mô tả động thái này như “một phần của cuộc chiến tranh truyền thông chống lại Syria”.
Hiện tại, cả Syria lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa đưa ra phản ứng nào trước thông tin nói trên.
Tuyên bố này được đưa sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Syria đàn áp thô bạo những người biểu tình. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cho biết Moscow bác bỏ dự thảo nghị quyết được Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha soạn ra vì nó sẽ không thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Hơn 2.700 người được cho là đã thiệt mạng tại Syria kể từ khi các cuộc biểu tình chống chế độ Assad nổ ra vào tháng 3 năm nay.
H.Bình (Theo RIA NOVOSTI)


nld.com.vn
NGA VÀ TRUNG QUỐC CHẶN NGHỊ QUYẾT LHQ

Thất bại ngoại giao của phương Tây

Thứ Tư, 05/10/2011 23:19

Đây là một thất bại ngoại giao đối với phương Tây vốn đang nỗ lực tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad

Nhiều tháng tranh cãi tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc (LHQ) về một nghị quyết lên án Syria đã sụp đổ hôm 5-10 sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết cách thức xử lý bao gồm khả năng trừng phạt Damascus.

Chín quốc gia, trong đó có Mỹ và các đồng minh phương Tây, đã bỏ phiếu ủng hộ cách xử trí, trong khi Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Lebanon bỏ phiếu trắng. Nga, nước có đồng minh ở Trung Đông là Syria, nói sẽ không chấp nhận một nghị quyết bao gồm thậm chí chỉ là sự gợi ý trừng phạt mặc dù cách diễn đạt của dự thảo nghị quyết đã được làm dịu bớt với hy vọng ngăn ngừa sự phủ quyết.

“Động thái này không ủng hộ biện pháp hướng đến dân chủ mà chúng ta nhìn thấy trong Mùa Xuân Ả Rập” - Gerard Araud, đại sứ Pháp, nói sau cuộc bỏ phiếu. Ông lưu ý rằng một số thành viên của hội đồng sẽ cố gắng một lần nữa để tìm sự đồng thuận đối với nghị quyết.

Đại sứ Mỹ, bà Susan E. Rice, đã có một trong những bài diễn văn “gây chiến” nhất trong phòng họp HĐBA, cáo buộc các đối thủ đang tìm cách tiếp tục bán vũ khí cho Syria. Bà nói người dân Trung Đông giờ đây có thể nhìn thấy rõ ràng ai đã lờ đi lời kêu gọi của họ vì dân chủ.
Nghị quyết đòi hỏi chấm dứt ngay tình trạng bạo lực ở Syria và sự giải trình của những người bị cho là chịu trách nhiệm về thảm cảnh này. Nó cũng kêu gọi một tiến trình chính trị mới được kiểm soát trong một môi trường không có bạo lực, sợ hãi và cực đoan với sự tham gia của phe đối lập.
Nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền có hệ thống, sử dụng vũ lực quá đáng, giết chóc và bức hại những người chống đối ở Syria; cho rằng người dân Syria cần được hưởng những quyền con người cơ bản, bao gồm quyền tự do bày tỏ ý kiến và hội họp.
Nghị quyết, do 4 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha đề xuất có sự hợp tác của Mỹ, đã được “pha loãng” với hy vọng thuyết phục được Nga. Một sự đe dọa trừng phạt rõ ràng mà những người ủng hộ cho đó là sức mạnh của nghị quyết, đã được thay thế bằng cách diễn đạt nhẹ nhàng hơn.
Theo báo The New York Times, phiên bản đầu tiên của nghị quyết nói HĐBA sẽ xem lại thái độ của Syria đối với nghị quyết trong vòng 15 ngày và “chọn các biện pháp có mục tiêu, bao gồm cấm vận” nếu nước này không tuân thủ.
Phiên bản có chỉnh sửa được đưa ra bỏ phiếu hôm 5-10 mở rộng thời hạn chót đến 30 ngày và nói rõ rằng HĐBA sẽ “cân nhắc các lựa chọn”, bao gồm những “biện pháp” không được nói rõ theo điều khoản của Hiến chương LHQ từng được dựa vào để ban hành lệnh trừng phạt.

Theo các nhà ngoại giao, Mỹ cho rằng người châu Âu đã nhượng bộ quá nhiều nhưng cuối cùng Washington cũng ủng hộ biện pháp xử lý do họ đề nghị. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng lệnh cấm vận hay đe dọa cấm vận không giúp gì cho việc giải quyết vấn đề Syria.

Tường Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét