Gián điệp toàn cầu - Cuộc chiến vì thông tin

SGGP Online:
Thứ sáu, 07/10/2011, 01:15 (GMT+7)

Hoạt động gián điệp thường được gắn với yếu tố chính trị. Tuy nhiên, gián điệp kinh tế cũng đang là một trong những nỗi lo lớn nhất của các chính phủ, doanh nghiệp lớn trên phạm vi toàn cầu. Đối với các nước phát triển và đang có tham vọng vượt lên dẫn đầu, hoạt động gián điệp song song với bảo mật thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Bìa của một tác phẩm viết về gián điệp kinh tế.

Gián điệp kinh tế

Gián điệp kinh tế không phải mới được biết đến khi có những vụ “lùm xùm” khi Apple (Mỹ) cáo buộc Samsung (Hàn Quốc) sao chép iPad, iPod và iPhone để dùng cho máy tính bảng Galaxy Tab. Từ thế kỷ 18, linh mục Francois Xavier d’Entrecolles sống ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, trong 2 bức thư gửi về quê nhà đã tiết lộ công nghệ sản xuất đồ gốm sứ gia truyền của Trung Quốc. Cũng trong thế kỷ 18, ở Anh rộ lên hiện tượng nhiều công nhân bậc cao vốn căm phẫn chủ sở hữu bạo ngược nên đã tiết lộ dây chuyền sản xuất sang các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Hàng loạt vụ xâm phạm thông tin kinh tế, bí mật công nghệ, kinh doanh của các tập đoàn trong nội bộ và bên ngoài những quốc gia phát triển được ghi nhận. Năm 1991, Hãng hàng không Air France của Pháp bị cáo buộc giúp các tổ chức gián điệp nước này thu thập thông tin của các yếu nhân đến từ Mỹ bằng cách lắp đặt thiết bị nghe lén dưới ghế ngồi của những đối tượng trên. Sau đó, Mỹ và Pháp liên tục đưa ra những cáo buộc gián điệp lẫn nhau đối với các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp kỹ thuật, hàng không vũ trụ và viễn thông.

Hàng loạt vụ gián điệp kinh tế kinh điển như: nhà sản xuất xe hơi Opel (thuộc General Motors) tại Đức bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của Hãng Volkswagen (Đức) để sau đó phải bồi thường 100 triệu USD kèm theo một số điều kiện gắt gao (năm 1993); vụ 2 công dân người Mỹ đánh cắp công nghệ chiết xuất loại thuốc Taxol để chữa trị ung thư buồng trứng; vụ một cựu nhân viên của Kodak bán tài liệu mật dùng để chế tạo loại máy làm phim ảnh mới với chất lượng tốt và giá thành lại rẻ, khiến Kodak tổn thất hàng triệu USD…

Một trong những sản phẩm gốm sứ mà linh mục Francois Xavier d’Entrecolles được tiếp cận.

Ngăn chặn gián điệp

Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nước này đứng đầu danh sách những quốc gia bị đánh cắp thông tin kinh tế nhiều nhất. Hiện có ít nhất 30 quốc gia, lãnh thổ có những chiến lược dài hạn để tập trung khai thác thông tin từ các tập đoàn, tổ chức tài chính-kinh tế của Mỹ. Mỗi năm, các doanh nghiệp Mỹ chịu tổn thất khoảng 250 tỷ USD vì thông tin kinh doanh bị đánh cắp.

Từ năm 1996, Đạo luật Gián điệp kinh tế (EEA) của Mỹ được ký ban hành luật. Đạo luật nhằm hỗ trợ các công ty Mỹ giảm thiểu rủi ro bị đánh cắp thông tin tài chính, thương mại, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, và những thông tin độc quyền khác từ các tổ chức cạnh tranh. EEA cho phép Chính phủ Mỹ có quyền điều tra và khởi tố bất cứ đối tượng nào, kể cả trong và ngoài nước có các hành vi xâm phạm trên. Mức phạt tù được quy định trong đạo luật lên đến 15 năm tù, mức phạt tiền cao nhất là 500.000 USD.

Hơn 15 năm kể từ khi EEA được áp dụng, chỉ hơn 800 vụ được điều tra đến cùng, hầu hết kẻ phạm tội là thanh thiếu niên. Vẫn còn nhiều bất cập khiến EEA chưa phát huy được hiệu lực. Thứ nhất, rất khó lần ra dấu vết của hoạt động gián điệp, đặc biệt khi đối tượng cần truy lùng là tin tặc quá tinh vi. Thứ hai, nếu là vụ xâm phạm thông tin kinh tế từ các tổ chức nước ngoài, thông thường sẽ được xử lý bằng biện pháp ngoại giao. Cuối cùng, điều tốt nhất là tự chính các doanh nghiệp phải tự tăng cường và hỗ trợ thiết bị bảo đảm an toàn thông tin cho mình!

Ý thức tự bảo vệ

Hiện nhiều nước, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin. Mạng máy tính của nhiều chính phủ, quốc hội, tập đoàn, định chế tài chính lớn như Thượng viện Mỹ, IMF, NATO, Google... gần đây bị tấn công hàng loạt.

Tại Việt Nam, Chỉ thị “Về việc tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số” ban hành ngày 10-6 vừa qua đã nêu rõ: Thời gian gần đây, tình hình mất an toàn thông tin số (ATTTS) ở nước ta diễn biến phức tạp...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin-Truyền thông nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng internet Việt Nam nhằm sớm phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu và nguồn gốc tấn công mạng; các Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến ATTTS tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng về ATTTS; điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng ATTTS trong các tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Không chỉ Việt Nam, các nước, kể cả những quốc gia vốn ít bị ảnh hưởng từ hoạt động gián điệp nhất giờ đây cũng bắt đầu trang bị kiến thức cũng như các biện pháp phòng chống cho riêng mình.

Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét