Iran ‘dắt mũi’ phương Tây:

Cập nhật lúc :7:30 PM, 14/01/2012
Trong khi Mỹ và liên minh châu Âu (EU) quẩn quanh với biện pháp cấm vận vốn tỏ ra vô hiệu suốt 30 năm nay với hy vọng “bóp nghẹt” chương trình hạt nhân của Iran thì quốc gia Hồi giáo lại cho thấy sự đa mưu với vô số chiêu thức khiến phương Tây phải “mướt mải chạy theo”.

“Lên gân” tại eo biển Hormuz
Giới chức Iran gần đây liên tục đe dọa đến khả năng phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường biển chiến lược quan trọng hàng đầu thế giới, với chiều ngang ở chỗ hẹp nhất chỉ có 34 km nhưng hàng ngày có tới 17 triệu thùng dầu, tương đương 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua đây.
Mới đây nhất, Esmeail Kowsari, thành viên của Ủy ban Đối ngoại và An ninh Quốc gia tuyên bố, hải quân Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) sẽ bắt đầu cuộc tập trận “nhà tiên tri vĩ đại VII” từ ngày 27/1 ở vịnh Péc  Xích, chủ yếu là rèn luyện khả năng đóng cửa eo biển Hormuz “trong thời gian ngắn nhất nếu tình thế bắt buộc”.
Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz. Ảnh minh họa: MarineTimes.
Đánh giá khả năng hiện thực hóa tuyên bố cứng rắn này của Iran, Giáo sư Caitlin Talmadge tại ĐH George Washington cho rằng, nếu muốn, Iran hoàn toàn có thể đóng cửa eo biển Hormuz.
Hải quân Iran không đủ tàu chiến lớn để duy trì một cuộc phong tỏa lâu dài nhưng với các loại tên lửa, tàu nổi, tàu ngầm rải thủy lôi và khả năng đánh bom liều chết bằng tàu cao tốc, Iran có thể gây ra một cuộc tàn phá đáng kể.
Ngoài ra, theo ông Talmadge, Iran có hàng nghìn thủy lôi, ngư lôi, tên lửa hành trình, hơn 1.000 tàu cao tốc kiểu Zolfaqar trang bị tên lửa Nasr chống tàu chiến có thể đạt tốc độ 128 km một giờ, cùng với đó là những máy bay không người lái có vũ trang và những dàn tên lửa hùng mạnh bố trí dọc eo biển.
Vài năm gần đây, Iran cũng củng cố và gia tăng đáng kể căn cứ hải quân dọc theo chiều dài eo biển chiến lược này nhằm đối phó với hạm đội 5 của Mỹ đang đóng ở Bahrain.
Giáo sư Talmadge khẳng định, những mối đe dọa trên có thể biến những chuyến đi qua eo biển Hormuz trở thành ác mộng.
Trong khi đó, Alireza Nader, chuyên gia của công ty tư vấn Mỹ RAND cho rằng, Iran có thể sẽ không đóng hẳn eo biển Hormuz mà sẽ áp dụng chiến thuật đánh du kích nhằm tránh đụng độ lớn không cân sức.
“Họ chỉ quấy rối bằng cách chặn và khám tàu dầu bởi họ biết các hành động quân sự sẽ là một cuộc tự sát về mặt kinh tế. Iran sẽ mất 80% doanh thu từ dầu mỏ bởi hằng ngày nước này xuất khẩu 2,5 tỷ thùng dầu qua ngả Hormuz. Không những mất nguồn xuất khẩu dầu mỏ, Iran cũng mất luôn đường nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như xăng”, chuyên gia Alireza Nader nhấn mạnh.
Theo ông, chỉ bằng cách quấy rối này, Iran sẽ gây xáo trộn thị trường dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá bảo hiểm hàng hải lên cao chót vót và nhất là bán giá dầu tăng lên thêm ít nhất 50 USD một thùng. Đó thực sự là một thảm họa. Các nước phương Tây đang trong vòng xoáy khủng hoảng khó mà trụ vững nếu giá dầu leo thang.
Dẫu vậy, nếu quyết định đóng cửa hay quấy rối tại eo biển Hormuz, ít chuyên gia tin rằng, chính quyền Iran có thể thực hiện nó trong thời gian dài. Các chuyên gia cho rằng, họ chỉ đạt được mục tiêu này trong vài ngày vì sẽ phải hứng chịu sự đáp trả dữ dội của Mỹ và các nước khác.
Ông Nikolas Gvosdev, Giáo sư chuyên nghiên cứu an ninh quốc gia thuộc ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ ở Rhode Island tin rằng, Tehran sẽ chỉ hành động như vậy như là một giải pháp cuối cùng. “Họ có lẽ đe dọa nhiều hơn là hành động”, ông Gvosdev nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù chỉ là lời đe dọa hay hành động thực sự thì việc tàu chiến và tàu sân bay các nước rầm rầm kéo đến eo biển Hormuz trong những ngày gần đây cũng đủ cho thấy phương Tây không hề coi nhẹ tuyên bố cứng rắn của quốc gia Hồi giáo.
Răn đe hạt nhân
Trong khi cuộc khẩu chiến liên quan đến việc đóng cửa eo biển Hormuz chưa xuống, Tehran lại thêm dầu vào lửa khi tuyên bố về kế hoạch làm giàu uranium.
Phát biểu tại trụ sở IAEA ở Thủ đô Vienna, Áo, đại diện của phía Iran Ali Asghar Soltanieh cho biết, cơ sở hạt nhân Fordo của nước này được xây dựng gần thành phố Qom linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shiite và đây là nơi đang tiến hành các hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ 20%.
Uranium làm giàu 20% là một bước đi quan trọng tiến tới việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, ông Ali Asghar Soltanieh khẳng định, động thái làm giàu uranium này nhằm mục đích vì hòa bình, đó là tạo ra các đồng vị phóng xạ điều trị ung thư.
“Mỗi bước đi chúng tôi thực hiện cho tới nay và trong tương lai đều sẽ nằm trong khuôn khổ và sự giám sát của IAEA. Hiện nay, với việc giám sát bằng máy quay và các hoạt động thanh sát 24/24 giờ, các hoạt động làm giàu uranium tại Natanz và Fordo đều nằm dưới sự kiểm soát của IAEA”, đại diện Iran nhấn mạnh.
Bất chấp sự quả quyết của Iran về mục đích hòa bình, phương Tây vẫn tỏ ra hết sức quan ngại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố, Iran quyết định làm giàu uranium gần thành phố Qom là sự việc hết sức nguy hiểm. Ngoại trưởng Anh William Hague thì mô tả đây là một hành động khiêu khích.
Quả thực, mối lo ngại này của phương Tây là hoàn toàn có cơ sở bởi Tehran thừa sức "qua mặt" IAEA. Trên thực tế, sự tồn tại của cơ sở làm giàu uranium ở gần thành phố Qom chỉ được phát hiện bởi cơ quan tình báo các nước phương Tây vào tháng 9/2009 trong khi IAEA không thể đưa ra được thời gian chính xác ra đời của nhà máy này.
Ngoài ra, cơ sở làm giàu uranium với tốc độ mạnh này cũng là mối đe dọa tiềm tàng với phương Tây vì nó nằm dưới lòng đất và có thể chống lại sự tấn công của các lực lượng quân đội nước ngoài.
Như vậy, rõ ràng là Iran đã thành công trong việc đem con bài hạt nhân ra để răn đe đối phương đúng thời điểm nhạy cảm.
Trà My (tổng hợp) 

baodatviet.vn - Cập nhật lúc :6:11 AM, 15/01/2012
Không dừng lại ở những tuyên bố cứng rắn, Iran còn tỏ ra rất biết cách làm chủ tình hình khi khẩn trương hành động với chuyến công du bốn nước ở đúng “huyệt đạo” phía sau của Mỹ.
Thăm viếng bằng hữu
Cả bốn nước mà Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tới thăm trong chuyến công du từ ngày 8/1 đều là đối tác chiến lược và đồng minh gắn bó của Iran lâu nay: Venezuela, Nicaragua, Cuba và Ecuador. Tất cả đều rất gần nhau về ý thức hệ và ủng hộ Tehran trong quan hệ đầy căng thẳng giữa nước này với phương Tây.
Chặng dựng chân đầu tiên trong chuyến công du này của Tổng thống Iran là Venezuela. Dù cách nhau rất xa về mặt địa lý nhưng Iran và Venezuela có mối quan hệ rất gắn bó, thân thiết.
Vì vậy, trong buổi hội đàm, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và người đồng cấp Iran Mahmoud Ahmadinejad tươi cười, trao cho nhau những cái bắt tay thật chặt và dành cho nhau những lời khen ngợi có cánh. Hai nhà lãnh đạo còn đưa Mỹ ra làm trò cười và công khai chỉ trích Washington.
Tổng thống Chavez nhấn mạnh: "Trong một thời gian dài, chúng ta chưa từng chứng kiến sự điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc như lúc này". Ông còn nói đùa rằng, một quả bom đang sẵn sàng dưới đồi cỏ trước những bậc thềm dinh thự Tổng thống Miraflores của ông.
"Ngọn đồi đó sẽ mở ra và một quả bom nguyên tử khổng lồ xuất hiện", ông Chavez bông đùa.
Lãnh đạo Venezuela nói tiếp: “Những phát ngôn viên của chủ nghĩa đế quốc nghĩ rằng, ông Ahmadinejad và tôi bây giờ sẽ đi vào tầng hầm của dinh thự Miraflores, nhắm vào Washington để bắn đại bác và tên lửa... Thật là nực cười”.
Chuyến công du bốn nước Mỹ Latin được coi là đòn "điểm huyệt" Mỹ của ông Ahmadinejad. Ảnh: Time.
Hai nhà lãnh đạo còn chỉ trích hành động trừng phạt Iran của Mỹ là mối đe dọa cho hòa bình, cáo buộc Mỹ và những kẻ xu nịnh Mỹ đang cố tạo nên hình ảnh Iran hiếu chiến.
"Họ nói chúng tôi là những kẻ xâm lược. Iran chẳng xâm lược ai cả. Ai là người thả hàng nghìn quả bom, trong đó có cả bom nguyên tử, xuống các nước? Những quả bom duy nhất mà chúng tôi đang thả xuống là nhằm vào sự đói nghèo, nỗi khổ của người dân", ông Chavez quả quyết.
Trong khi đó, Tổng thống Iran khẳng định, đất nước ông chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến “tử vì đạo”, song đồng thời nhấn mạnh, Iran không có ý định gây chiến. "Chúng tôi yêu tất cả mọi người, trong đó có nhân dân Mỹ, những người đang chịu sự chi phối của những kẻ ngạo mạn", ông Ahmadinejad cho hay.
Chia tay Venezuela, ông Ahmadinejad tiếp tục chuyến công du đến Nicaragua và Cuba, nơi ông cũng nhận được sự ủng hộ và đón tiếp thịnh tình.
Ông Ahmadinejad rời Nicaragua với lời ủng hộ của Tổng thống Daniel Ortega rằng “các quốc gia có quyền phát triển năng lượng hạt nhân”. Trong khi đó, Cuba cũng bày tỏ sự ủng hộ với quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì các mục đích dân sự của Iran.
Giá trị mới của đồng minh cũ
Theo giới phân tích, sự đón tiếp nồng hậu của các “bằng hữu” cho thấy ông Ahmadinejad đã đạt được mục đích ngoại giao của chuyến đi này là cho Mỹ thấy sức ảnh hưởng của Iran vẫn rất lớn, thậm chí ở ngay cả “sân sau” của Mỹ.
Trước khi lên đường, ông Ahmadinejad từng tuyên bố: “Châu Mỹ Latin từng là một khu vực mà chế độ thống trị xem là sân sau của mình, ở đó họ có thể làm điều họ muốn làm. Nhưng ngày nay, các dân tộc của các vùng này đã thức tỉnh và hành xử một cách độc lập”.
Ông còn nhấn mạnh, quan hệ của Iran với các nước châu Mỹ Latin là rất tốt và đang phát triển. Nền văn hóa của các dân tộc trong khu vực này cùng những đòi hỏi lịch sử của họ giống với những đòi hỏi của người dân Iran. Đây là những dân tộc có tư tưởng chống thực dân, chính vì thế họ chống lại chế độ thống trị.
Những tuyên bố này đủ để khiến Mỹ bất an nên trước khi ông Ahmadinejad bắt đầu chuyến công du, giới chức Mỹ đã yêu cầu các nước ở khu vực nơi nhà lãnh đạo Iran đặt chân đến trong chuyến công du này "làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình" để nhắc nhở Tehran rằng, con đường mà họ đang theo đuổi trong quá trình đối thoại với cộng đồng quốc tế về vấn đề hạt nhân là "sai lầm".

Tuy nhiên, đáp lại yêu cầu của Mỹ, Tổng thống Venezuela Chavez khẳng định, những khuyến cáo của Washington về các mối quan hệ giữa Caracas và Tehran là "điều nực cười" trong khi Ecuador tuyên bố không có trách nhiệm phải thông báo với Mỹ những gì họ làm.
Vì vậy, giáo sư khoa học chính trị Nicmer Evans thuộc ĐH Venezuela khẳng định, chuyến đi của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã thành công trong việc làm suy yếu mặt trận quốc tế chống Iran mà Mỹ cố gắng dựng lên, đồng thời cải thiện hình ảnh của Tehran, làm giảm ảnh hưởng toàn cầu của Washington và đảm bảo một chỗ đứng vững chắc hơn cho Iran ở “sân sau” của Mỹ.
Chia sẻ quan điểm này, Larry Birns, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Tây bán cầu ở Washington cho rằng: “Đây là một động thái ngoại giao rất thiết thực của Tổng thống Iran”. Theo ông, chuyến đi của ông Ahmadinejad là bước đi mới nhất trong nỗ lực lâu dài và có tính toán nhằm tăng cường sự ủng hộ ở khu vực Mỹ Latin.
Hơn nữa, theo chuyên gia Doug Farah ở Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và EU vừa mới siết chặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận xuất khẩu dầu của Iran nên các đồng minh cũ càng có thêm giá trị mới, đó là những lợi ích kinh tế giúp Tehran trụ vững trước các lệnh trừng phạt liên tiếp của phương Tây.
“Rõ ràng Iran đang thật sự bị ảnh hưởng từ những biện pháp cấm vận mới đây. Tehran có thể tìm thấy các con đường phát triển ở Mỹ Latin để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt khi thiết lập các mối quan hệ tài chính với khu vực Mỹ Latin sẽ cho phép họ luân chuyển tiền tệ của mình”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Ông Doug Farah khẳng định, những mối quan hệ tài chính như vậy sẽ dễ dàng bị thao túng để tránh né các biện pháp cấm vận. Iran sẽ có cơ hội mua thiết bị cần thiết ở các nước và có cách tham gia các hệ thống tài chính để chuyển tiền khắp thế giới.
Ngoài ra, trong trường hợp bị EU tẩy chay cung cấp dầu mỏ cho các quốc gia đồng minh, Iran đã có thị trường mới là Mỹ Latin. Hiện mức đầu tư của Iran ở thị trường Mỹ Latin vẫn còn khá khiếm tốn. Nhưng sau chuyến công du lần này, mọi thứ rất có thể sẽ khác.
Như vậy, chuyến đi này có thể coi là một đòn “điểm huyệt” Washington bằng những hợp đồng thương mại cũng như những thỏa thuận chính trị mà Mỹ không thể có được.
Bằng hàng loạt chiêu thức như tung đòn gió hay những chuyến đi cụ thể này, chính quyền của Tổng thống Ahmadinejad đã chứng tỏ được rằng, Tehran vẫn đủ khả năng và thể hiện bản lĩnh thách thức phương Tây, bất kể đối phương giở kế sách gì.
Trà My (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét