TT - Các biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu dường như không hiệu quả đối với Iran. Chính quyền Tehran vẫn tỏ thái độ thách thức trước mọi lời đe dọa.
Tàu HMS Daring, tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Anh, trên đường đến vùng Vịnh để đảm bảo giao thông tại eo biển Hormuz - Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn Iran FARS ngày 9-1 đưa tin Tòa án Tehran đã kết án tử hình đối với Amir Mirzai Hekmati, 28 tuổi, cựu thủy quân lục chiến Mỹ, vì tội “hợp tác với một quốc gia thù địch và làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA)”. Hekmati mang hai quốc tịch Mỹ - Iran do sinh tại Mỹ và là con một gia đình nhập cư gốc Iran.
Vào giữa tháng 12-2011, truyền hình Iran chiếu cảnh Hekmati thừa nhận mình có “nhiệm vụ” xâm nhập Bộ Tình báo Iran theo yêu cầu của CIA. Chính phủ Mỹ tuyên bố chính quyền Tehran đã vu khống Hekmati. Gia đình Hekmati ở Mỹ cũng khẳng định anh chỉ đến Iran để thăm ông bà.
Sự kiện này nằm trong một chuỗi diễn biến đang làm căng thẳng thêm cuộc xung đột giữa Washington và Iran, do áp lực của phương Tây đang tăng lên nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Cơ sở hạt nhân trong lòng núi
"Mỹ sẽ không thể thống trị thế giới. Người dân Mỹ Latin sẽ không chịu quỳ gối" Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tuyên bố trước cuộc gặp với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad |
Trong khi đó, như báo Iran Kayhan đưa tin, hoạt động làm giàu uranium đã bắt đầu ở Fordow. Các quan chức Mỹ và châu Âu khẳng định nhà máy này có thể chứa tối đa 3.000 máy ly tâm. Nó không đủ năng lực để sản xuất nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân, nhưng đủ khả năng sản xuất một lượng nhỏ uranium làm giàu mức độ cao để sản xuất vũ khí nguyên tử.
Kể từ khi cơ sở Fordow bị lộ diện hồi tháng 9-2009, các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thường xuyên đến đây kiểm tra, nhưng lại chưa phát hiện các hoạt động khả nghi. “Vấn đề là không ai biết Iran muốn làm gì với Fordow” - một nhà ngoại giao phương Tây được New York Times dẫn lời cho biết.
Vẫn theo báo này, ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy nhà máy này nằm sâu trong lòng núi. Đánh bom sẽ không thể phá hủy được. Hơn nữa, quân đội Iran đã triển khai cả một hệ thống chống máy bay quanh nhà máy. Giới quan sát nhận định Mỹ và Israel phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu quyết định tấn công phủ đầu Iran.
Quyết đóng cửa eo biển Hormuz
Một diễn biến khác: nhật báo Iran Khorasan mới đây dẫn lời tư lệnh Lực lượng vệ binh cộng hòa Ali Ashraf Nouri tiết lộ Tehran đã quyết định sẽ chắc chắn đóng cửa eo biển Hormuz nếu bị phương Tây cấm vận xuất khẩu dầu. Ông Nouri nhấn mạnh đây là phán quyết của các lãnh đạo cấp cao nhất trong chính quyền Iran.
Các quan chức Mỹ và châu Âu trước đây đã nhận định Iran sẽ không dám có bước đi mạo hiểm này do hậu quả kinh tế quá lớn, và đó cũng sẽ là lời tuyên chiến với Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hải quân Iran vẫn có thể “quấy rối” tàu chở dầu đi qua Hormuz hoặc thả mìn xuống biển, đe dọa an ninh hàng hải khu vực.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo Mỹ sẽ “đáp trả” bằng sức mạnh nếu Iran tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz - con đường chiến lược cho vận chuyển dầu trên biển.
“Đó là một lằn ranh đỏ không được phép xâm phạm” - ông Panetta nhấn mạnh. Bộ trưởng Panetta cũng cho biết “sản xuất vũ khí hạt nhân” cũng là một lằn ranh đỏ khác mà Iran vượt qua. Theo các chuyên gia phương Tây, Iran hiện có đủ nhiên liệu để sản xuất bốn quả bom hạt nhân.
SƠN HÀ
Cập nhật lúc : 10:00 AM, 10/01/2012
Căng thẳng leo thang khi Iran bắt đầu làm giàu uranium
(VOV) - Ngoại trưởng Anh William Hague lên án hoạt động làm giàu uranium dưới lòng đất của Iran và cho rằng, đây là một sự khiêu kích.
Cơ quan Giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa đưa ra thông tin xác nhận Iran đang bắt đầu tăng cường làm giàu uranium dưới lòng đất tại nhà máy Fordo, gần thành phố Qom.
Hoạt động này của Iran lại một lần nữa làm tăng sự đối đầu giữa nước này với Mỹ và các nước phương Tây. Ngay lập tức, Mỹ và Anh đã lên tiếng phản đối những dự án của Iran và nói rằng, việc làm giàu uranim tại nhà máy Fordo chính là làm leo thang căng thẳng.
Sự ra đời của cơ sở làm giàu uranium ở gần thành phố Qom, miền Bắc Iran chỉ được phát hiện bởi cơ quan tình báo các nước phương Tây vào tháng 9/2009. Phía Tehran cho biết, cơ sở này bắt đầu được xây dựng trong năm 2007 nhưng IAEA nói cơ sở được xây dựng trong năm 2006.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy cơ sở làm giàu uranium Fordo được xây dựng năm 2009 (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, ngày 9/1, Gill Tudor, người phát ngôn của IAEA khẳng định rằng, Iran có thể tăng tốc độ làm giàu uranium lên tới 20%. Tất cả những vật liệu hạt nhân của Iran vẫn đang dưới sự kiểm soát của IAEA.
Về phía Iran khẳng định, chương trình làm giàu uranium của nước này chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình và cần thiết để chữa trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, việc làm giàu uranium tăng lên tới 20% là một bước tiến quan trọng để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Việc Iran bắt đầu làm giàu uranium dưới lòng đất ngay lập tức đã gặp phải sự chỉ trích của các nước phương Tây. Tại Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng, hành động làm giàu uranium của Iran là một leo thang mới và Ian đang vi phạm các điều luật về chương trình hạt nhân.
Còn tại Paris, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp lại cho rằng, cần có thêm các biện pháp quốc tế để trừng phạt Iran. Các thành viên châu Âu và các nước khác hãy sẵn sàng sử dụng các biện pháp trừng phạt không có tiền lệ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague lên án hoạt động làm giàu uranium dưới lòng đất của Iran và nói rằng, đây là một sự khiêu kích với các nước phương Tây./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét