Rủi ro khi Mỹ chuyển trọng tâm quốc phòng về châu Á

Cập nhật lúc : 5:15 PM, 08/01/2012
(VOV) - Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được tăng thêm sức ép do một loạt quá trình chuyển đổi quyền lực chính trị ở các nước trong năm 2012
Chính sách quốc phòng của Mỹ là hướng trở lại châu Á- Thái Bình Dương, nhưng thực tế cho thấy có nhiều rủi ro cần phải được tính toán. Những cuộc chiến tranh tốn kém với ít lợi nhuận kinh tế ngày nay không còn thích hợp. Tuy nhiên, trong khi Hoa Kỳ  tìm kiếm thị phần tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quốc gia này nhận thấy sự hiện diện quân sự là quan trọng để duy trì an ninh khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Chiến lược quốc phòng, theo đó chuyển trọng tâm về châu Á- Thái Bình Dương (CNN)
Hôm thứ Năm vừa qua, ông Barack Obama tái khẳng định chiến lược quốc phòng tại Lầu Năm Góc, nói rằng "cắt giảm ngân sách sẽ không ảnh hưởng đến các khoản chi tiêu cho khu vực quan trọng này."

Một điều quan trọng là, việc Mỹ liên kết về quân sự và ngoại giao với các nước châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia Đông Nam Á, đã được Trung Quốc nhận biết.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo trong một tuyên bố ngày 01/1, “Các thế lực thù địch quốc tế đang tăng cường nỗ lực Tây hóa và chia rẽ chúng ta."

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ được tăng thêm sức ép do một loạt quá trình chuyển đổi quyền lực chính trị ở các nước trong năm 2012. Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc và Hàn Quốc, và sự thay thế người lãnh đạo ở Triều Tiên khuyến khích các chính trị gia mềm mỏng với các quan hệ quốc tế để lấy lòng cử tri. Đây là một thách thức lớn đối với sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là khi Mỹ thể hiện sự hiện diện quân sự của mình.
Điểm bắt đầu của chiến lược hướng tới châu Á là khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 11/10/2011 có bài viết "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ", được xuất bản trong Chính sách đối ngoại. Theo đó xác định 5 lĩnh vực bao gồm Hợp tác an ninh song phương, tăng cường quan hệ đối tác, chủ nghĩa đa phương, Thương mại, Nhân quyền và dân chủ.

Trong khi quan hệ thương mại của khu vực Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ là rất quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế, lợi ích lớn nhất của các nước này từ tăng cường hợp tác với Mỹ là các hình thức bảo vệ quân sự. Trong khu vực, chính phủ các nước càng hài lòng với khoản đầu tư kinh tế của Trung Quốc bao nhiêu lại càng quan tâm đến ý đồ quân sự của Trung Quốc bấy nhiêu. Hợp tác với Hoa Kỳ được coi là một chính sách bảo hiểm hợp lý.

Nhưng gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, bao gồm thủy quân ở Australia, các tàu hải quân tại Singapore và tăng cường hợp tác quân sự với Philippines và Việt Nam, có thể tạo thế ổn định, nhưng cũng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực khác.

Hơn bao giờ hết, với sự thay đổi chính trị sắp xảy ra trên cả hai bờ Thái Bình Dương, các chính trị gia muốn khẳng định mình mạnh về quốc phòng và là người ủng hộ lợi ích quốc gia của họ.

Một ví dụ về sự căng thẳng rõ nét với các đối tác về dự trữ năng lượng ở Biển Đông. Liên quan đến khiếu nại hàng hải, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario tuyên bố vào tháng 12 vừa qua rằng Hoa Kỳ đang sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực của Philippines để phát triển một "thế trận quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu" đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.

Tuy nhiên, kế hoạch hành động quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể bị Trung Quốc coi là vượt quá mức "tối thiểu".

Các nước Đông Á cho thấy họ sẵn sàng tạo cơ hội để Mỹ đầu tư trở lại với khả năng bảo trợ an ninh. Nhưng nếu không có cuộc đối thoại hiệu quả với Trung Quốc, thực tế có thể  tăng nguy cơ leo thang quân sự tại khu vực này./.
Bích Đào/VOV online
(Theo CNN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét