Cập nhật lúc : 1:16 PM, 13/01/2012
(VOV) - Ngọn lửa căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục bùng phát dữ dội khiến nhiều người cho rằng, bầu không khí đặc mùi thuốc súng ở khu vực Trung Đông sắp phát nổ.
- Mỹ trừng phạt 3 công ty năng lượng của Iran
- Các vụ ám sát không thể ngăn cản chương trình hạt nhân của Iran
Vụ một nhà khoa học hạt nhân của Iran bị sát hại khiến cho mọi thứ dường như vượt khỏi tầm kiểm soát. Cả đất nước Iran sôi sục trong sự căm phẫn và tức giận. Từ dân thường đến quan chức cao cấp ở nước Cộng hòa Hồi giáo đều tin rằng, Mỹ và Israel đứng đằng sau vụ ám sát chuyên gia hạt nhân Mostafa Ahmadi-Roshan của họ.
Chiếc xe bị đánh bom đang được cảnh sát cẩu đi để phục vụ công tác điều tra (Ảnh: Al-Alam) |
Phát biểu với báo giới tại Đại sứ quán Iran ở thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ông Larijani nhấn mạnh: “Nếu Israel nghĩ rằng họ có thể ngăn cản các công trình nghiên cứu của chúng tôi bằng 4 vụ tấn công khủng bố, thì đó là lối suy nghĩ sai lầm. Chúng tôi sẽ công bố những phát triển mới trong các nghiên cứu hạt nhân của mình trong tương lai và tất cả mọi người sẽ hiểu rằng họ không thể ngăn cản Iran với những hành động như vậy”.
Trước đó, đại diện Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế tuyên bố, nước này có bằng chứng xác thực rằng “các phần tử nước ngoài” đứng sau các vụ ám sát các chuyên gia hạt nhân nước này trong 2 năm qua, đồng thời yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động trên “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”.
Trong khi đó, tại thủ đô Tehran của Iran, nhiều người dân đã kéo đến cửa các đại sứ quán của Anh, Pháp, Đức để biểu tình phản đối vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của họ.Tuy nhiên, trong một động thái xoa dịu, Mỹ đã bác bỏ mọi cáo buộc dính dáng tới vụ ám sát.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pa-nét-ta phát biểu: “Về vụ nhà khoa học hạt nhân Iran bị sát hại, như Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói, chúng tôi không có bất kỳ sự liên quan nào đến vụ việc này. Tôi không biết chắc là ai tham gia nhưng tôi có thể khẳng định một điều, Mỹ không có bất kỳ sự liên quan nào và đó cũng là điều mà Mỹ không làm”.
Nếu nhìn vào những diễn biến đã và đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây trong những ngày này, nhiều người e ngại rằng về khả năng có thể xảy ra một cuộc chiến. Trong khi đó, ngày 12/1, quân đội Mỹ lại tuyên bố, một nhóm tàu sân bay tấn công mới của nước này vừa đến vùng Biển Ả rập và một nhóm tàu khác đang trên đường đến khu vực.
Dù Mỹ phủ nhận các động thái quân sự này có liên quan đến căng thẳng gần đây với Iran nhưng việc điều động tàu chiến của Mỹ trong thời điểm căng thẳng bùng phát này khiến người ta không thể không nghi ngờ Mỹ sắp đánh Iran.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tình hình ở khu vực, có nhiều lý do để chiến tranh không xảy ra ở khu vực Trung Đông trong thời gian trước mắt. Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Obama chắc chắn sẽ không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới ngay trước thềm cuộc bầu cử quan trọng vào năm sau. Ngoài ra, cuộc chiến ở Iran nếu xảy ra sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều nước, đặc biệt là hai nước Nga và Trung Quốc.
Dư luận Vùng Vịnh cho rằng, căng thẳng hiện nay xoay quanh Iran khó có thể hóa giải trong tương lai gần. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đã và đang áp đặt lên Iran dường như không giúp tăng cường cục diện chống phổ biến vũ khí hạt nhân mà trái lại có thể đẩy cuộc khủng hoảng tới những nấc thang khó lường./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét