Đại lễ 1000 năm: tưng bừng như cơn bão đi qua rồi thôi?
Kỷ niệm 1000 năm tức là kỷ niệm truyền thống, để biết được rằng tại sao đến hôm nay, sau 1000 năm thăng trầm của lịch sử, ta vẫn độc lập, vẫn đứng vững trên trường quốc tế. Tổ chức tưng bừng như cơn bão đi qua xong rồi thôi thì đáng tiếc quá!
"Hoàng thành gì mà chỉ thấy đất trống?"
Đại lễ: Người bở hơi tai, người hụt hẫng
Tuần Việt Nam trao đổi với Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Văn hiến nhìn lại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ồ ạt, vội vàng?
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội vừa kết thúc, với tư cách là một công dân và hơn nữa là một nhà nghiên cứu, GS có nhận định như thế nào?
Với tư cách là một công dân, tôi hết sức quan tâm đến đại lễ 1000 năm Thăng Long. Mặt khác, là người làm trong lĩnh vực văn hóa, lại lớn lên ở Hà Nội cả về tuổi đời và sự nghiệp nên tôi chú ý rất nhiều về văn hóa Hà Nội cũng như sự phát triển của thủ đô. Khi dấu ấn của Hà Nội đạt đến đỉnh cao - mà ta gọi là Đại lễ 1000 năm.
Tôi hình dung tâm lý của người dân quan tâm nhiều, chú ý nhiều, nhưng không phải chờ đợi một ngày lễ rầm rộ mà chờ đợi một mốc lịch sử quan trọng của 1000 năm. Thậm chí đó là sự chờ đợi của toàn dân chứ không phải của riêng một cá nhân nào. Chờ từng ngày, từng giờ và mong ước nhìn thấy sự thay đổi của thủ đô.
GS Hoàng Chương, Ảnh TTVH |
Công bằng mà nói tiết tấu, tốc độ phát triển của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng còn chậm, trì trệ. Nói về văn hóa, thì có mấy rạp hát thôi nhưng nhiều rạp đã bỏ lửng hàng chục năm, thậm chí rạp Kim Đồng biến thành chỗ bán bia, rạp Đại Nam biến thành chỗ gửi xe, cho đến khi phát động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thì vội vàng xây dựng và xây dựng không đến nơi đến chốn.
Đáng ra những việc đấy không phải chờ đến 1000 năm Thăng Long. Mà 1000 năm Thăng Long đã phát động từ trước đấy 12 năm, sao giờ vẫn còn vội vàng như vậy? Mà sự vội vàng đôi khi dẫn đến những hệ lụy rất nguy hiểm.
Giáo sư có thể nói rõ hơn?
Một công trình văn hóa ví dụ như là rạp Đại Nam hay rạp Kim Đồng chẳng hạn, thì phải xây hết sức cẩn trọng vì đó là chỗ người dân đến để hưởng thụ văn hóa. Không thể làm ồ ạt chỉ để chào mừng sự kiện được.
Ta phải công nhận Hà Nội có những đổi mới đẹp đẽ hơn, khang trang hơn như đưa dây điện ngầm xuống dưới mặt đất, hay những tác phẩm gốm sứ bên bờ sông Hồng... Nhưng nhìn lại vẫn có nhiều cái cũ kỹ, như văn hóa giao thông lộn xộn và người nước ngoài đến đây không biết làm thế nào để qua đường, người dân thì mỏi mệt với bao vấn đề phải đối mặt hàng ngày.
Kỷ niệm 1000 năm tức là kỷ niệm truyền thống của thủ đô, kỷ niệm mốc son của lịch sử, là cơ hội để ta ôn lại lịch sử, ôn lại truyền thống thì ta phải làm sao cho cái đó trở thành mục tiêu chính. Chứ không phải là một lễ hội tổ chức thật to, thật rầm rộ rồi qua đi trong một vài ngày.
Ta phải làm sao tôn vinh được truyền thống văn hóa dân tộc, để những sự kiện thế này phải là ngày hội văn hóa, là cơ hội cho giới trẻ hiểu thêm về cội nguồn dân tộc, tôn vinh lịch sử, ca ngợi truyền thống, rồi từ đó có thể biết được truyền thống đấu tranh của dân tộc như thế nào? Để biết được rằng tại sao đến hôm nay, sau 1000 năm thăng trầm của lịch sử, ta vẫn độc lập, vẫn đứng vững trên trường quốc tế.
Một sự kiện được chuẩn bị cả chục năm trời, mà chỉ tổ chức tưng bừng như cơn bão đi qua xong rồi thôi thì đáng tiếc quá.
Màn trình diễn chào mừng Đại lễ tại SVĐ Mỹ Đình, Ảnh Lê Anh Dũng |
Chưa thấy chiều sâu văn hóa
Như GS vừa nói, Đại lễ 1000 năm Thăng Long là dịp để ta soi lại, ngẫm lại những bài học văn hóa - lịch sử truyền thống của nước ta, vậy theo quan sát của GS thì chúng ta đã làm được điều đấy chưa và những giá trị tinh thần mà cơ hội này đem lại là gì ?
- Nói một cách công bằng, qua dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, bộ mặt thủ đô có khang trang hơn nhưng những thay đổi về chiều sâu văn hóa thì vẫn chưa thấy rõ. Ví dụ, phát động làm những bộ phim hoành tráng về Hà Nội, như về việc dời đô của Lý Công Uẩn, về Lý Thường Kiệt ...phát động rầm rộ nhưng nay kết quả hoàn toàn không như mong đợi. Đó là một điều đáng buồn!
Nhiều vở kịch nhưng không dựng vở mới, mà tập trung tổ chức liên hoan những vở có sẵn. Phải chăng đó chỉ là cách đối phó, cách làm mới các vở cũ. Đó không phải là công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long. Bởi đáng ra, phải có những tác phẩm mới, hoành tráng.
Tôi không biết có phải có ngại ngần trong quan hệ ngoại giao hay không mà chúng ta không dựng lại những sự kiện lịch sử như thế. Thật đáng buồn dịp Đại lễ không có tác phẩm mới hoành tráng nói về lịch sử oai hùng của dân tộc, mặc dù lịch sử có rất nhiều người anh hùng kiệt xuất như vậy.
Không phải đọng lại ở Hà Nội là những nhà hát sang trọng vì việc xây nhà hát là lúc nào cũng phải xây chứ không phải đến 1000 năm Thăng Long mới xây, mà sau Đại lễ cần phải xây nhiều công trình văn hóa khác.
Chủ trương của Đảng, Chính phủ rất đúng, vì đã phát động hơn 10 năm trời nhưng việc tổ chức thực hiện thì chưa đạt được mong muốn của dân. Vậy cuối cùng đọng lại những gì ngoài những phong trào bề nổi chẳng khác gì như các dịp lễ hội khác. Phải làm sao thấm sâu vào tâm hồn người dân để người dân ấn tượng mãi, suy nghĩ mãi thì đó mới là cái đọng lại lâu bền nhất.
"Hướng tới 1000 năm Thăng Long" là một khẩu hiệu hết sức ý nghĩa, là khẩu hiệu đúng đắn. Nó được phát động để mọi người suy nghĩ phải làm gì để hướng tới. Nhưng tôi thật buồn là nó bị nhiều người lợi dụng cái đó, chỉ khoác áo khẩu hiệu đó để làm việc khác. Mà thực tế là việc họ làm không có ý nghĩa gì cho 1000 năm Thăng Long. Họ lợi dụng cơ hội này để tự tôn vinh mình, đánh bóng mình hoặc trục lợi.
Thậm chí nhiều công trình, nhiều dự án còn lợi dụng ngày lễ này để được thông qua, để được duyệt dự án và được cấp kinh phí. Đó không phải là phục vụ 1000 năm mà phục vụ cho cá nhân họ.
Về vấn đề sáng tác, phát động trong 10 năm, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, bao nhiêu khoản tiền đưa ra nhưng giờ vẫn chưa thấy kết quả đặc biệt. Ví dụ, đổ ra hàng trăm triệu sang Trung Quốc mượn trường quay để quay phim, thời gian, công sức, tiền bạc bỏ ra rất lớn, nhưng không thu được kết quả vì trường quay Trung Quốc làm sao quay được lịch sử Việt Nam. Kết quả thì đã ầm ĩ trên báo chí rồi đó.
Hay kịch bản đầu tư vào nhưng khi không thực hiện được thì tiền đâu có trả cho nhà nước. Đấy chỉ là khối văn học nghệ thuật, còn nhiều chi phí khác không có hiệu quả thực tế mà chỉ là sự lãng phí.
Theo tôi, hướng về dân tộc phải tôn vinh bằng tất cả trái tim, bằng cái tâm của mình, chứ không phải bằng những kiểu "khua chiêng, gõ mõ" như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét