Xem phim "Bí thư tỉnh ủy" - Diễn đàn - bạn đọc - Dân trí:
Xem phim "Bí thư tỉnh ủy"
(Dân trí) - Có thể nói, thông điệp về người lãnh đạo lương thiện, trong sạch, liêm khiết, một lòng một dạ với dân, được dân tin, dân mến, dân yêu đã được truyền tải và đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng nhưng cũng rất thuyết phục qua seri phim truyền hình “Bí thư tỉnh ủy”.
>> “Bí thư tỉnh ủy”- niềm hy vọng mới của dòng phim chính luận Một cảnh trong phim "Bí thư Tỉnh ủy".
Có lẽ phải những ai từng sống qua thời của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim (lấy nguyên mẫu cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) Kim Ngọc) ấy mới “cảm” được một cách sâu sắc nhất, thấm thía nhất những gì toát lên (và cả còn ẩn dấu phía sau) qua mỗi khuôn hình, mỗi tình tiết của bộ phim chính luận tưởng chừng đâu khô khan nhưng lại có sức cuốn hút đặc biệt này.
Với lứa chúng tôi, những người ít nhiều cũng có thể coi là có phần được cùng thời với Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Kim, đây là một trong những bộ phim gây xúc động và đi vào lòng người nhất.
Phim vừa lật lại những trang bi thương nhưng cũng rất hùng tráng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, khiến ta vừa rơi nước mắt vừa tự hào. Phim cũng khơi gợi trong ta những khát vọng hướng thiện, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vượt khó vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Với “Bí thư Tỉnh ủy”, chúng tôi như được trở lại với một thời để nhớ, để yêu thương và cả chua xót. Vẫn những cảnh làng quê nghèo đơn sơ bờ tre, gốc rạ, mái tranh. Vẫn những va chạm, tranh chấp nhỏ nhặt đời thường do cái nghèo, cái đói, cái lo quẩn lo quanh... Nhưng cái làm nên hồn vía, làm nên chất Việt ở đây nhất chính là những CON NGƯỜI viết hoa. Họ chỉ là là những người dân quê nâu sồng, chân đất, ít học, suốt ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, chính tay làm ra hạt lúa, củ khoai, chăn nuôi được lợn, gà mà quanh năm vẫn chẳng đủ ăn.
Là con dân Việt Nam, làm sao chúng ta có thể không yêu, không thương và không cảm phục những con người ai cũng có thể ví: “như người mẹ khổ đau sớm chiều gánh nặng/ nhẫn nại nuôi con suốt đời im lặng”. Đất nước nghèo lại trải qua chiến tranh, giặc dã liên miên tiêu hao cơ man nào là sức người, sức của.
Hết chiến tranh rồi, công cuộc xây dựng đất nước vẫn không kém phần gian khó. Cuộc sống người dân nhìn chung còn nhiều vất vả, trong đó người dân nông thôn bao giờ cũng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Vậy mà trong những trái tim chân quê ấy luôn tiềm tàng tình yêu thương, nghĩa đùm bọc, đức hy sinh...
Ai có thể cầm lòng cho đặng trước những cảnh rất thực của một thời: vành bánh xe đạp của chị Bí thư Huyện ủy buộc dây thun như vết thương bị băng bó. Cảnh chợ quê nghèo xơ xác, bà lão Quê lấy gạo ra chợ đổi chút thịt định về nấu cho đứa cháu bao lâu không biết đến mùi thịt ăn, nhưng lại bị đội “trật tự” ăn chặn trắng trợn. Cảnh ông Bí thư Tỉnh ủy ân cần hỏi han, chở bằng xe đạp bà lão ăn xin về nhà mình ăn cơm, rồi đưa bà về tận nhà cùng những lời khuyên nhủ chân tình với con cháu về chữ hiếu, về đạo làm con…
Dù trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại không ít quan tham, cũng vẫn còn đó những tệ nạn, những thói hư tật xấu như hai mặt tất yếu của cuộc sống. Song những điều tốt đẹp, xu thế vươn lên hoàn thiện, phát triển đất nước vẫn luôn chứng tỏ sức mạnh nổi trội. Chúng tôi tin và mong rằng, những hình mẫu như Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc lừng danh gắn liền với thời khoán hộ những năm 60, 70 thế kỷ trước, một con người cả đời trăn trở làm sao giúp dân thoát khỏi cái đói, cái nghèo vẫn mãi tỏa sáng và là niềm động viên mạnh mẽ thúc đẩy niềm tin trong mọi thế hệ người dân.
Thanh Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét