- Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Hà Nội, chiều 11/10, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ đã hội đàm song phương, nối lại trao đổi quân sự cấp cao đã bị đình trệ trong gần 1 năm qua.
>> "Biển Đông không phải chuyện tranh nhau mảnh sân trước nhà"
>> Mỹ, Trung: Khôi phục quan hệ quân sự để dịu căng thẳng
>> Bộ trưởng Gates: Đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ
Trong nửa giờ hội đàm, được ông Quan Hữu Phi, Phó Chủ nhiệm Phòng Đối ngoại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay là “hiệu quả, và xây dựng với việc đạt đồng thuận”, hai Bộ trưởng đã trao đổi sâu về quan hệ quân sự Trung - Mỹ, và các vấn đề cùng quan tâm.
Không muốn quan hệ quân sự là con tin chính trị
Tại cuộc gặp, hai bên đã nêu vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vốn làm đình trệ quan hệ quân sự song phương hai nước thời gian qua. Trung Quốc cho rằng chính việc này cản trở sự phát triển quan hệ quân sự hai nước và là thách thức chính cho quan hệ Mỹ - Trung.
Ông Quan Hữu Phi tại buổi gặp gỡ báo chí. Ảnh Kỳ Thanh.
Thực tế, Trung Quốc đã ngừng trao đổi cấp cao với Mỹ từ hồi tháng 1 để phản ứng việc Washington thông qua thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan.
Trong khi đó, tờ New York Times dẫn lời Bộ trưởng Gates cho rằng quyết định bán vũ khí cho Đài Loan không được đưa ra trong Bộ Quốc phòng. “Đó là quyết định chính trị lâu dài”. Và quan hệ quân sự Mỹ - Trung “không nên là con tin cho một quyết định chính trị”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, quan hệ quân sự Mỹ - Trung nên được duy trì ổn định bất chấp sự lên xuống của quan hệ hai nước.
Gặp gỡ báo chí sau Hội đàm, ông Quan Hữu Phi dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc: “Quan hệ quân sự Trung - Mỹ không nên được định dạng bằng sự khác biệt mà bằng lợi ích chung và trách nhiệm chung của hai nước”.
“Trung Quốc kiên trì theo đuổi xây dựng quan hệ quân sự với Mỹ và cùng với Mỹ tiến hành các biện pháp tích cực để từng bước tìm giải pháp cho những vấn đề đang thách thức quan hệ quân sự hai nước”.
Theo ông Phi, hai Bộ trưởng Mỹ - Trung xác định quan hệ quân sự hai nước đóng vai trò quan trọng và đang ngày có ảnh hưởng ra khu vực và toàn cầu.
Dù hai nước còn nhiều khác biệt nhưng khác biệt chính là cơ hội để hai nước tăng cường đối thoại, để xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, ông Phi nói.
Cả hai Bộ trưởng cho rằng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng là định chế quan trọng giúp tăng đối thoại, lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, nơi hai nước có thể đóng vai trò tích cực và xây dựng vì hòa bình và ổn định khu vực.
Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Lương Quang Liệt đã mời Bộ trưởng Robert Gates thăm Bắc Kinh vào đầu năm 2011 và ông Gates đã nhận lời.
Vẫn khác biệt “lợi ích cốt lõi”
Ông Phi cũng dẫn lời Bộ trưởng Lương Quang Liệt cho rằng quan hệ hai nước cần được xây dựng trên cơ sở tôn trọng và quan tâm đến lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn của nhau, tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược, giảm sự nghi kị và đánh giá sai lệch về nhau, giải quyết các khác biệt và các vấn đề nhạy cảm.
Thực tế, “lợi ích cốt lõi” và “mối quan tâm lớn” của Mỹ và Trung Quốc lại có khoảng cách khá xa và được xem là nguyên nhân tạo căng thẳng giữa hai nước thời gian qua.
Năm 2010, lần đầu tiên Trung Quốc đã đưa Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) vào trong nhóm “lợi ích cốt lõi”, cùng với Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, gây căng thẳng cho khu vực, trong đó có phản ứng mạnh của Mỹ.
Cả Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đều bày tỏ “lợi ích quốc gia” của Mỹ ở Biển Đông tại các diễn đàn khu vực khác nhau.
Ngay trước cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc, trong cuộc trò chuyện với sinh viên và học viên Việt Nam tại Hà Nội, ông Gates nhấn mạnh, “Mỹ và Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực, cùng chia sẻ lợi ích chung trong an ninh hàng hải…”
Cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông cũng rất khác nhau. Tại cuộc họp báo, ông Phi nhắc lại quan điểm của Trung Quốc cho rằng, “tình hình Biển Đông là ổn định. Vấn đề Biển Đông không phải là câu chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN với tư cách một khối”.
Ông Phi cho biết, hiện nay Trung Quốc đang “làm việc cùng với từng nước ASEAN liên quan” để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trong khi đó, Mỹ luôn ủng hộ cách tiếp cận đa phương. Sáng 11/10, ông Gates đã gián tiếp chuyển thông điệp này trong bài phát biểu tại ĐHQG Hà Nội: “Chỉ trông chờ vào các quan hệ song phương là không đủ. Chúng ta cần những thể chế đa phương để đối phó với những thách thức an ninh quan trọng nhất trong khu vực này (trong đó có an ninh biển và tranh chấp lãnh thổ – pv)”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét