Những thời khắc đáng nhớ của cuộc giải cứu lịch sử

Thanh Nien Online:
14/10/2010 16:44

(TNO) Suốt 22 giờ giải cứu 33 thợ mỏ Chile đều đáng nhớ với cả thế giới. Mỗi thời khắc đều không thể nào quên với mỗi người dân Chile. Thật khó để lựa chọn những sự kiện đặc biệt nhất trong ngày thần kỳ.

>> Thợ mỏ cuối cùng đã lên mặt đất / Diễn tiến vụ sập mỏ lịch sử

Cuộc giải cứu đầu tiên

Người thợ mỏ Chile đầu tiên được chọn để vượt qua hành trình 700 mét từ trong lòng đất ra thế giới bên ngoài là Florencio Avalos, 31 tuổi. Anh bước ra khỏi lồng cứu hộ với nụ cười thật rạng rỡ, ôm hôn gia đình trong thời khắc cả thế giới đều dõi nhìn.


Vòng tay cảm ơn mà Avalos (mũ trắng) dành cho nhân viên cứu hộ - Ảnh: Reuters

Là “tổ phó” của "nhóm 33", Avalos được chọn thoát hiểm đầu tiên bởi anh là người có thể lực tốt nhất.

Nhưng Avalos cũng là người… e thẹn nhất, e thẹn đến độ xung phong làm người cầm máy quay phim trong những ngày bị giam cầm dưới lòng đất để khỏi phải xuất hiện trong các đoạn video gởi “lên trên”.

Một người anh trai của Avalos là Renan Anselmo Avalos Silva cũng bị nạn như anh.

Cuộc hội ngộ cảm động

Claudio Yanez là thợ mỏ thứ 8 được đưa lên mặt đất.

Run rẩy bước ra khỏi lồng cứu hộ, anh “khóa chặt” người bạn đời của mình trong đúng 1 phút bằng vòng tay chặt như 2 gọng kìm.

Cristina Nunez, người phụ nữ mới 26 tuổi nhưng đã chung sống 10 năm với anh không làm sao thoát khỏi vòng tay ấy, nên “đành” thốt ra rằng mong ước đầu tiên của cô trong giờ phút này là… cưới Yanez (hai người đã có hai con gái, nhưng vẫn chưa chính thức kết hôn).


Yanez được đưa đi kiểm tra sức khỏe - Ảnh: Reuters

Thợ mỏ lớn tuổi nhất

Không rõ lúc mới vô nghề, Mario Gomez có phải là thợ mỏ nhí nhất hay không, chỉ biết rằng lúc đó ông mới 12 tuổi. Còn bây giờ, ở tuổi 63, Mario Gomez là người thợ mỏ lớn tuổi nhất trong "nhóm 33".


Giây phút không thể nào quên của người thợ mỏ già (người không đội mũ bảo hộ) - Ảnh: Reuters

Suốt đời cặm cụi trong những hầm lò đen tối, Gomez đã mắc “căn bệnh thợ mỏ”: bệnh bụi phổi. Trong ngày giải cứu, ông được đeo một loại mặt nạ oxy đặc biệt.

Vừa ra khỏi lồng cứu hộ, ông quỳ thụp xuống, cúi thấp đầu cầu nguyện, tay nắm chặt lá cờ Chile. Ông chỉ sực tỉnh khi vợ ông cúi xuống, đỡ ông dậy để 2 người có thể tận hưởng vòng tay đoàn tụ.

Thợ mỏ “nổi” nhất

Mario Sepulveda lao lên mặt đất bằng tất cả sức mạnh, sự sôi nổi dù anh đã “xài” rất nhiều "vốn" sức mạnh và sôi nổi ấy từ những ngày còn bị kẹt trong mỏ. Những ngày ấy, anh chính là người “lồng tiếng” cho các đoạn video gởi lên mặt đất, là “hướng dẫn viên” cho các cư dân mặt đất “tham quan” đường hầm đen tối qua các đoạn video. Lúc đó dù tương lai đang còn mịt mờ lắm, tính mạng của mình vẫn chưa còn biết ra sao, giọng Sepulveda vẫn rất hài hước, lạc quan và sôi nổi.


Cách Sepulveda chào đón tự do - Ảnh: Reuters

Lồng cứu hộ chưa kịp nhô lên mặt đất, những người có mặt tại Trại hy vọng đã nghe tiếng reo hò ầm ĩ của anh. Rồi anh “bắn” ra, vung tay, múa chân, đấm, đạp vào không khí. Đó là cách anh tận hưởng tự do.

Trong lúc các nhân viên cứu hộ còn đang hoa mắt, họ được dúi một cái gì đó cứng cứng vào tay. Đó là quà của Sepulveda: những viên đá anh mang từ độ sâu 700 mét!

Trong cuộc họp báo sau đó, thợ mỏ Sepulveda phát biểu rất chuyên nghiệp: “Tôi sinh ra đã là một thợ mỏ và tới lúc chết đi tôi cũng sẽ là thợ mỏ. Chúng tôi là những người thợ mỏ, chúng tôi là những người mạnh mẽ. Đừng xem chúng tôi là siêu sao hay những doanh nhân phô trương”.

Đám cưới ở nhà thờ

Lúc còn bị giam trong "nhà tù" dưới 700 mét đất, Esteban Rojas đã hứa với vợ trong một cuộc gọi điện thoại video rằng nếu thoát ra được, anh sẽ ngay lập tức đưa vợ đến nhà thờ làm lễ cưới.


Vợ chồng Rojas đang mơ về một đám cưới ở nhà thờ - Ảnh: Reuters

Thật ra Esteban Rojas, 44 tuổi và vợ đã cưới nhau được 25 năm, có điều đó chỉ mới là một nghi thức dân sự và cả 2 vẫn mong ước một đám cưới ở nhà thờ, nơi Rojas sẽ hứa chung thủy suốt đời với người vợ Jessica Ganiez.

Lên được mặt đất, Rojas sụp xuống cầu nguyện rồi ôm chặt lấy người bạn đời khi vẫn còn đang quỳ trên mặt đất.

Thợ mỏ được cứu cuối cùng

Luis Urzua, 54 tuổi thường được kính cẩn gọi là Don Lucho. Ông chính là người có vai trò đầu tàu trong suốt 70 ngày dưới mặt đất, đoàn kết các thợ mỏ lại trong những ngày hoảng loạn nhất, đau khổ nhất, tăm tối nhất... Và ông được chọn là người được giải cứu cuối cùng, cũng vì vai trò đầu tàu của mình.


Người thân vui mừng thấy Luis Urzua bằng xương bằng thịt bước lên khỏi mặt đất - Ảnh: Reuters

Ôm Tổng thống Chile Sebastian Pinera, thợ mỏ Urzua mỉm cười đùa rằng ca trực 70 ngày của ông quả là dài, rồi ông nói: “Tôi chuyển vai trò trưởng ca trực lại cho ông và hy vọng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.

Vâng, đó là niềm hy vọng của tất cả những người thợ mỏ trên khắp hành tinh này, mong rằng điều kiện an toàn cho cái nghề nhiều nguy hiểm này sẽ được cải thiện thật tốt, để không còn có một vụ sập hầm nào nữa, không còn một gia đình nào phải chia ly vì tai nạn hầm mỏ nữa.

Người cứu hộ cuối cùng

Cả thế giới từng hồi hộp, lo lắng, hy vọng… khi Manuel Gonzalez bước vào lồng cứu hộ, trở thành “người mặt đất” đầu tiên xuống độ sâu 700 mét để giải cứu 33 người anh em của mình. Và ông đã ở đó gần tròn một ngày một đêm, trở thành người cuối cùng rời khu mỏ.


Manuel Gonzalez tự hào là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng trong "tàu con thoi" lên xuống khu mỏ - Ảnh: Reuters

Sau khi thợ mỏ cuối cùng bước lên chuyến tàu rời lòng đất, Gonzalez còn ở đó thêm 26 phút nữa, trước khi nói lời tạm biệt với nơi các thợ mỏ từng tưởng là nấm mộ của mình. Lồng cứu hộ chở ông nhô lên mặt đất trong ánh mắt ngưỡng mộ của cả thế giới.

Đoan Nhật


Diễn tiến vụ sập mỏ lịch sử
13/10/2010 8:51
Cuộc giải cứu thợ mỏ đã bắt đầu vào sáng 13.10 (giờ VN) - Ảnh: Reuters
(TNO) Không thể không gọi đây là vụ sập mỏ lịch sử, dù các tai nạn kiểu như thế này xảy ra khắp nơi trên thế giới. Tính tới ngày hôm nay, 13.10, nhóm 33 thợ mỏ gặp nạn đã ở dưới lòng đất 68 ngày - quãng thời gian lịch sử.

Tai nạn

33 thợ mỏ Chile đã bị kẹt dưới lòng đất khi một phần khu mỏ San Jose, nằm giữa sa mạc Atacama của Chile bất ngờ đổ sập vào ngày 5.8.2010.

Vụ sập hầm tiếp theo, xảy ra vào ngày 7.8 chặn luôn lối vào khu mỏ sâu, ngăn cản mọi nỗ lực cứu hộ. Lối thoát hiểm cũng bị bịt kín.

San Jose là mỏ đồng đỏ và vàng. Đường hầm chính dẫn xuống hầm mỏ rất sâu, cách mặt đất đến 720 mét. Hai vụ sập xảy ra ở độ sâu chừng 400 – 500 mét so với mặt đất.

Các đội cứu hộ đã khoan rất nhiều lỗ thăm dò, đưa các thiết bị cảm biến âm thanh xuống lòng đất. Họ cố gắng tìm kiếm dấu hiệu của sự sống, dù biết rõ hệ thống thông gió đã bị hư hại ở nhiều nơi.

Phát hiện

17 ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, các nhân viên cứu hộ thấy một mẩu giấy cột vào một thiết bị thăm dò. Mẩu giấy có nội dung: "Estamos bien en el refugio los 33" (Toàn bộ 33 người chúng tôi đều ổn trong chỗ trú ẩn).

Niềm vui vỡ òa trên mặt đất, nhất là với gia đình các thợ mỏ. Và dòng chữ ngắn ngủn này lập tức nổi tiếng trên toàn thế giới, khởi đầu cho một chiến dịch giải cứu thợ mỏ chưa từng có trong ngày công nghiệp lắm tai nạn này.

“Nơi trú ẩn” mà các thợ mỏ đề cập tới là chỗ họ đang ăn trưa khi vụ sập hầm đầu tiên xảy ra. Nó cách mặt đất 700 mét! (Chiều cao của tòa nhà cao nhất TP.HCM - Bitexco Financial - là 262 mét).

Cuộc sống dưới lòng đất

Liên lạc với người thân ở phía trên mặt đất có lẽ là hoạt động quan trọng nhất với nhóm thợ mỏ, giúp cho họ giữ được niềm hy vọng và tinh thần lạc quan. Thư từ, cùng với thực phẩm các vật dụng thiết yếu, được gởi xuống lòng đất trong những cái ống được đặt tên là “palomas”, có nghĩa là chim bồ câu.

Còn “quà” của các thợ mỏ gởi lên cho mặt đất, ngoài những lá thư cho người thân, còn có các đoạn video cập nhật tình hình trong khu mỏ họ đang trú ẩn.

33 thợ mỏ chia nhau thành 3 nhóm, thay phiên trực mỗi ngày. Công việc của họ chủ yếu là dọn dẹp những mảnh đất đá rơi xuống từ lỗ khoan tiếp tế, vốn liên tục được nới rộng ra để hàng chục “chim bồ câu” đáp xuống mỗi ngày. Những người không trong ca trực thì ngủ nghỉ, viết thư, chơi cờ. Ngoài ra, họ cũng phải thường xuyên tập thể dục để không quá béo, gây khó khăn cho cuộc giải cứu. Từ dưới lòng đất, các thợ mỏ cũng được huấn luyện truyền thông: được chuyên gia từ xa chỉ bảo cách ứng xử với giới truyền thông bởi tất cả đều đã trở nên quá nổi tiếng và chắc chắn sẽ được giới truyền thông săn đuổi tới nơi tới chốn khi họ lên được mặt đất.

Cuộc sống trên mặt đất

Gia đình, người thân, bạn bè của các thợ mỏ bị mắc kẹt đã tạm trú luôn ở gần cửa xuống khu mỏ sau khi tai nạn xảy ra. Nơi họ ở được đặt tên Trại hy vọng.

Từng gia đình sống trong những cái lều khác nhau, hằng ngày nhận thực phẩm từ các tổ chức từ thiện hoặc chính quyền địa phương.

Hằng ngày, họ viết thư, động viên các thợ mỏ và chờ đợi tin tức của họ thông qua “chim bồ câu”.

Một trường học đã được lập ngay tại đây, dành cho con cái của các thợ mỏ theo như yêu cầu của những người sống dưới lòng đất.

Giải cứu

Giờ G như đến gần hơn bao giờ hết, khi mũi khoan đường hầm cứu hộ chạm đến nóc khu hầm trú ẩn của các thợ mỏ hồi cuối tuần qua. Tin này lập tức loan đi khắp thế giới. Các thợ mỏ hồi hộp đến ngộp thở. Tuy nhiên, theo như thông tin từ chính quyền Chile, tinh thần của tất cả đều rất tốt và ai cũng sẵn sàng tình nguyện là người lên mặt đất cuối cùng.

Việc gia cố đường hầm bằng những ống thép lớn, kiểm tra hệ thống ròng rọc, kiểm tra bãi đáp trực thăng để đưa thợ mỏ đến bệnh viện, các thiết bị bảo đảm sức khỏe cho thợ mỏ… được gấp rút hoàn thành. Đến ngày 12.10, lồng cứu hộ, được đặt tên Phoenix 1 cũng đã được đưa xuống đường hầm, đến độ sâu 610 mét, tức chỉ cách nơi nhóm thợ mỏ bị mắc kẹt chừng 12 mét. Hãng truyền thông CNN dẫn lời Bộ trưởng Hầm mỏ Chile Laurence Golborne nói rằng quyết định giữ lồng cứu hộ ở khoảng cách này để đề phòng trường hợp “có ai đó nhảy vào trong!”

Lồng cứu hộ chỉ có thể đưa 1 người duy nhất trong mỗi lần vận hành.

Dự kiến toàn bộ chiến dịch giải cứu, nếu diễn ra suôn sẻ, sẽ kéo dài chừng một ngày rưỡi.

Và chiến dịch cứu hộ lịch sử được bắt đầu trong buổi sáng hôm nay, theo giờ Việt Nam, thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Đoan Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét