Cập nhật lúc 15h18" , ngày 15/10/2010
|
(VnMedia) - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang muốn tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Điều này được thể hiện trong cuộc họp NATO ngày hôm qua (14/10).
Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 28 quốc gia thành viên của NATO hôm qua đã gặp nhau ở Brussels, Bỉ để thảo luận về Khái niệm Chiến lược mới của liên minh quân sự phương Tây.
Phát biểu trước khi cuộc họp diễn ra, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết: "NATO cần phải mở rộng mối quan hệ hợp tác với cả những nước như Trung Quốc và Ấn Độ".
Khái niệm Chiến lược là một văn bản chính thức vạch ra mục tiêu, bản chất và các nhiệm vụ an ninh cơ bản của liên minh NATO. Từ khi được thành lập năm 1949 đến nay, NATO đã đưa ra 6 Khái niệm Chiến lược với bản mới nhất được thông qua năm 1999, trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9.
Tuy nhiên, tình hình an ninh đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua, khiến cho bản Khái niệm Chiến lược hiện nay của NATO không còn thích hợp để tổ chức này có thể đối phó với những mối đe doạ an ninh mới. "Nhiệm vụ cốt lõi của NATO là bảo vệ 900 triệu công dân của các nước thành viên khỏi bị tấn công. Nhiệm vụ này không bao giờ thay đổi nhưng NATO cần phải có một hệ thống phòng vệ hiện đại trước các mối đe doạ thời hiện đại," ông Rasmussen phát biểu.
Bản Khái niệm Chiến lược mới của NATO dự kiến sẽ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lisbon vào tháng tới. Một trong những nội dung trong Khái niệm Chiến lược mới của NATO thu hút sự quan tâm của nhiều người là việc NATO có dự định triển khai lực lượng cho các nhiệm vụ ra bên ngoài phạm vi truyền thống ở Châu Âu. Đây không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo hàng đầu của NATO đề cập đến việc mở rộng quan hệ với các cường quốc mới nổi như Trung Quốc.
Hồi đầu năm nay, Tổng thư ký Rasmussen đã từng có phát biểu tương tự như trên tại Hội nghị An ninh Munich hàng năm. Sau đó, vào tháng 4, ông Michael Ruhle, một cố vấn chính trị cấp cao của NATO, đã viết một bài báo nói về việc NATO cần phải hợp tác với các thành viên không liên kết.
NATO đã có các cuộc gặp không chính thức với Nga trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO. Tuy nhiên, cho đến nay liên minh quân sự này chưa từng có cuộc đối thoại có tổ chức nào với Trung Quốc - một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, có ít hy vọng rằng Trung Quốc sẽ đề cao mối quan hệ hợp tác với NATO. Đây là nhận định của ông Tao Wenzhao, một giáo sư của Viện Nghiên cứu Châu Mỹ thuộc Học viên Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết.
"NATO đang muốn tìm kiếm mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc bởi vì họ đang muốn có sự giúp đỡ đáng kể từ cường quốc này nhằm giảm bớt gánh nặng trong cuộc chiến kéo dài 9 năm ở Afghanistan," ông Tao cho biết. Tuy nhiên, thậm chí nếu Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp chống khủng bố thì Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi cam kết không liên kết của mình, giáo sư Tao nói thêm.
Mỹ thúc ép các đồng minh về lá chắn tên lửa
Cũng trong cuộc họp NATO ngày hôm qua, Mỹ đã thúc giục các đồng minh NATO ủng hộ kế hoạch triển khai xây dựng một lá chắn tên lửa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu: "Công việc nghiên cứu đã hoàn thành, các dữ liệu đều đã xong và mức chi phi cũng chấp nhận được. Đã lên lúc cần phải đưa ra quyết định."
Mỹ muốn các nước NATO đầu tư xây dựng một kế hoạch lá chắn tên lửa nhằm chống lại những mối đe doạ tên lửa từ các quốc gia thuộc “trục ma quỷ” như Iran và Triều Tiên.
Theo Bộ trưởng Gates, chi phí cho mạng lưới lá chắn tên lửa chung sẽ vào khoảng từ 85 đến 100 triệu euro (tương đương 120 đến 140 triệu USD). Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Rasmussen lại cho rằng chi phí để thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung là gần 200 triệu euro.
Tuy nhiên, ông Rasmussen tỏ ra rất lạc quan về viễn cảnh các nhà lãnh đạo NATO sẽ thông qua kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa tại hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon vào ngày 19-20/11 tới. Ông này cho biết, các nước thành viên NATO gần như đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Chỉ duy nhất nước Pháp tỏ ra thận trọng khi bày tỏ mong muốn được biết rõ hơn về chi phí cũng như cách thức hoạt động của lá chắn tên lửa. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Herve Morin ám chỉ nước ông sẽ không gây cản trở đối với kế hoạch lá chắn tên lửa chung của Châu Âu.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét