“Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long”: Đâu rồi, niềm tự hào dân tộc? - “Ly Cong Uan, duong toi thanh Thang Long”: Dau roi, niem tu hao dan toc?

CAND.COM.VN:
6:35, 10/10/2010

Chiếc mũ bình thiên của vua Việt y chang mũ của vua nhà Tốn

Bộ phim “Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long” từng được coi là một lễ vật dâng lên Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng lễ vật không đảm bảo sự thành kính với tổ tiên, không mang lại lòng tự hào dân tộc với khí phách và truyền thống yêu nước cùng với nét văn hóa Việt, thì “không thể tới được thành Thăng Long” là điều tất yếu. Quyết định của Hội đồng duyệt phim Quốc gia không cho chiếu phim này trong dịp Đại lễ đã làm hài lòng dư luận, nhưng khả năng để ngỏ vẫn còn: “không ai cấm chiếu sau Đại lễ”.

Tuy nhiên, xung quanh bộ phim gây phản ứng nhất trong làng điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay này, có lẽ còn nhiều điều bạn đọc chưa được biết đến.

Sai lệch lịch sử và tinh thần dân tộc

Bộ phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" được đầu tư tới hơn 100 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Truyền thông (CPTT) Trường Thành hợp tác với EASTV Hồng Công đồng sản xuất. Theo thông báo, tác giả kịch bản phim là ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CPTT Trường Thành và nhà biên kịch Kha Chung Hòa, người Trung Quốc chỉnh sửa; đạo diễn Trung Quốc là Cận Đức Mậu và đạo diễn Việt Nam là Tô Huy Cường.

Hôm ra mắt đoàn làm phim, nhiều người đã dự cảm về sự thiếu hồn Việt của bộ phim, khi gần như toàn bộ ê-kíp làm phim là người Trung Quốc, nên đã đặt câu hỏi với ông Sơn về việc phim sẽ khó thuyết phục được khán giả Việt Nam. Và sự thật cũng đúng như câu trả lời của nhà sản xuất: "Bộ phim sẽ là câu trả lời chính xác nhất"!

Ngay khi trích đoạn phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" được quảng cáo trên truyền hình và xuất hiện trên mạng, lập tức, cộng đồng mạng lẫn báo chí đều lên tiếng. Chỉ ở một đoạn phim ngắn, cũng dễ dàng nhận ra đó là bộ phim "Trung Quốc nói tiếng Việt" như quan điểm của nhà thơ Đỗ Trung Quân, khi trang phục, cảnh trí thuần... Trung Quốc! Đấy mới chỉ là đoạn "ví dụ", còn ở 19 tập phim thì, bộ phim còn nhiều điều đáng phải quan tâm.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, thành viên của Hội đồng Duyệt phim quốc gia, cũng là người "có duyên" với bộ phim này từ lúc khởi đầu, cho rằng, điều làm ông bức xúc nhất là bộ phim không thể hiện được tính xác thực của lịch sử Việt Nam. 19 tập phim có tên là "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long", nhưng chỉ duy nhất có tập thứ 19, mà cũng chỉ một phần của tập này, nói đến chuyện dời đô từ Hoa Lư tới Đại La với những hình ảnh về một đoàn thuyền trên sông, trên đó có những người đứng chỉ trỏ.

18 tập phim còn lại và cả phần lớn tập phim thứ 19 đều là cảnh huynh đệ tương tàn, đầu rơi máu chảy rùng rợn: có tới mấy trường đoạn về việc Đinh Liễn giết Hạng Lang với cái chết rất khủng khiếp: những chiếc chông xuyên lên mặt, lên trán, lên má. Cảnh Lê Long Đĩnh giết Lê Cung Việt cũng thế. Mở đầu phim đã có cảnh phi ngựa, chém giết dài dặc để miêu tả cảnh loạn 12 sứ quân, nhưng điều này không đúng với lịch sử. Vì gọi là loạn 12 sứ quân, nhưng thực chất chỉ là các thủ lĩnh thời đó cát cứ và trong hơn 20 năm, chỉ có 3 cuộc giao tranh, mà chủ yếu là gọi hàng, mua chuộc, chứ không có cảnh chém giết dã man giữa anh em, trong triều đình.

Những gì phim miêu tả là không đúng với tinh thần dân tộc Việt Nam vốn là hòa hiếu, nếu có chiến tranh, xung đột cũng chỉ thu phục là chính, còn "nội bộ" mà khi bị đánh dữ quá thì... bỏ chạy. Chỉ có Tần Thủy Hoàng và nhiều trận đánh giết khác ở lịch sử ở Trung Quốc mới giết nhau đến 40 vạn người, làm nên cảnh đầu rơi máu chảy, xương tan thịt nát. Và ê-kíp làm phim người Trung Quốc đã đem gán lịch sử ở đất nước họ vào lịch sử Việt Nam là không thuyết phục.

Đặc biệt, phần nói về cuộc kháng chiến chống Tống lần 1 của Lê Hoàn trong bộ phim hoàn toàn sai lệch với lịch sử Việt Nam: Trên thực tế, khi quân Tống lăm le xâm lược nước ta, Lê Hoàn và triều đình đã gấp rút chuẩn bị kháng chiến với kế hoạch kiên quyết đánh chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch trên các hướng và đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng - Tây Kết giòn giã, khiến quân Tống đại bại.

Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" - những cảnh trí, trang phục không mang hồn Việt.

Cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi góp phần củng cố nền độc lập dân tộc, giúp đất nước yên hàn trong gần một thế kỷ. Thế nhưng, niềm tự hào dân tộc này đã bị "lãng quên" trong bộ phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long", khi miêu tả cả trận đánh chỉ diễn ra ở một ngọn núi ất ơ nào đó có tên là... Chu Tước (?) với cảnh Lê Hoàn kéo quân lên đỉnh núi, còn quân giặc ở chân núi! Điều đáng nói ở đây còn là cảnh: trước khi Lê Hoàn ra trận, sư Vạn Hạnh ra đón đầu, dặn dò "chớ có đánh, chỉ sau 21 ngày quân Tống tự rút quân" và đưa cẩm nang để khi gặp khó khăn thì mở ra, trong đó cũng có câu "án binh bất động, giặc tự mà tan".

Thậm chí dẫn đến cảnh Lê Hoàn ra lệnh cho quân sĩ ai đánh thì chém đầu. Tinh thần này mâu thuẫn với truyền thống yêu nước, kiên cường bất khuất của dân tộc ta, mà các cụ bô lão trong hội nghị Diên Hồng đời Trần là một biểu tượng, khi vạn người đồng thanh hô "đánh" chứ không hòa với giặc! Bởi thế, nhà sử học Lê Văn Lan xa xót: Những tình tiết cho rằng, chúng ta không cần đánh, mà giặc tự đến rồi sẽ tự rút, là chuyển tải thông điệp phủ nhận lịch sử oai hùng của dân tộc ta đã dũng cảm đánh tan giặc Tống, giữ yên bờ cõi. Điều này dễ gây suy diễn với nhiều sự kiện còn chưa xa trong lịch sử nước nhà.

Quyết định dời đô là sự sáng suốt, mang tính thời đại của vị vua đầu triều Lý. Thế nhưng, phần kết bộ phim lại cho khán giả hiểu rằng, việc dời đô mà chúng ta đang tự hào kỷ niệm 1000 năm, chỉ là do Lý Công Uẩn học theo nhà Chu bên Trung Quốc! Liệu có phải đây là sự giễu cợt lịch sử dân tộc?


(Tiếp theo trang 1)

Đâu hồn Việt?

Không chỉ thế, việc dàn dựng, cảnh trí, trang phục, diễn xuất, ngôn ngữ của bộ phim cũng mang đặc văn hóa, lịch sử Trung Hoa. Người Việt Nam xưa nay chỉ gọi nhau là anh - em, vậy mà trong phim lại dùng đại từ "huynh - muội", thậm chí, Lý Công Uẩn và nhiều nhân vật khác đều gọi đối tượng chuyện trò, như gọi ông chủ quán là "tiểu huynh đệ" (!). Hay sự lên ngôi của vua nước Việt thường được gọi là “lên ngôi”, nhưng trong phim đều dùng từ "đăng cơ" xa lạ với ngôn ngữ Việt.

Theo các nhà sử học, cung điện Việt Nam ở Hoa Lư cũng như Thăng Long cách đây 9/10 thế kỷ giản dị, chứ không giống trong phim, vì phim dựa theo cung điện thời Tần Hán trở về trước. Một nhà nghiên cứu ở Huế cho biết: Đến đầu thế kỷ XIX, điện Minh Thành trong lăng Gia Long vẫn chưa có sơn, còn để mộc, mà cung điện nhà Lý cách đó 9 thế kỷ đã sơn đỏ chót là vô lý. Đến chùa Lục Tổ ở Tiêu Sơn (Bắc Ninh) hiện vẫn còn và người xem có thể nhận biết, so sánh, vậy mà trong phim lại là ngôi chùa điển hình Trung Quốc.

Sự cẩu thả trong phim còn thể hiện ở chỗ: Lý Công Uẩn đứng trước một vách núi sừng sững, trước mặt là một vài mảnh ruộng, nhưng lại nói là đang đứng giữa đất Đại La có thế bằng phẳng, rộng rãi (?). Đội kị binh ăn mặc như người Hán trong phim cũng thật xa lạ với lịch sử Việt Nam.

Về phục trang, chỉ người Trung Quốc mới búi tóc ngược lên đỉnh đầu rồi buộc khăn vào, nhưng ở phim này, người Việt cũng thế. Thời Lý thời Trần, phụ nữ Việt đều mặc váy nhưng trong phim, phụ nữ lại mặc quần với áo cài khuy kiểu Trung Quốc. Mũ Bình Thiên của vua Lý có chùm tua phía trước y chang mũ vua nhà Tống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ngạc nhiên: Phim lịch sử dù sai một chi tiết là đã không thể được, mà bộ phim này lại có có nhiều chi tiết sai về phục trang, khung cảnh. Khi một bộ phim về lịch sử Việt Nam lại không có tính lịch sử và văn hóa Việt Nam thì gọi là gì? Liệu có thể ví như một con la - loại động vật lai giữa lừa và ngựa?

Giáo sư Lê Văn Lan chính thức lên tiếng

Trong bộ phim đang gây xôn xao dư luận này ghi rõ "cố vấn lịch sử: Lê Văn Lan", khiến không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên, vì bộ phim do một chuyên gia sử học hàng đầu Việt Nam cố vấn mà lại để quá nhiều sai sót về lịch sử như thế.

Về vấn đề này, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định, việc đề tên ông với vai trò như vậy là không hợp pháp. Giáo sư cho biết thêm: Vào tháng 10/2009, ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Trường Thành cùng một số người đến gặp giáo sư và đề nghị hợp tác. Sau đó, 2 bên đã ký hợp đồng thỏa thuận với nội dung: Giáo sư Lê Văn Lan sẽ nhận nhiệm vụ thẩm định và tu chỉnh kịch bản "Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long".

Vì thông tin trên báo chí cho biết, Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đồng ý cho chiếu phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" trong dịp Đại lễ, nên Giáo sư Lê Văn Lan rất ý thức về việc sửa chữa kịch bản cho tốt, để bộ phim xứng đáng là món quà phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc thẩm định đã được Giáo sư Lê Văn Lan thực hiện đúng theo hợp đồng và hoàn tất từ tháng 11/2009, với yêu cầu làm lại kịch bản theo chỉnh sửa của ông.

Theo giáo sư, ở tập nào ông cũng yêu cầu sửa lại kỹ càng cho đúng với chính sử. Tuy nhiên, từ lần đầu tiên góp ý cho kịch bản, Giáo sư Lê Văn Lan đã yêu cầu phải sửa địa danh núi Chu Tước, đặc biệt là sửa hẳn hoi lại những diễn biến của "trận Chu Tước", vì không có trong lịch sử, nhưng phía Công ty CPTT Trường Thành đã không nghe. Chỉ đến lần góp ý thứ 2, họ mới đổi địa danh Chu Tước thành Ải Chi Lăng, nhưng vẫn không đúng với lịch sử. Có vẻ như họ cố tránh cái địa danh Bạch Đằng đã góp phần làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc?

Giáo sư Lê Văn Lan phủ nhận vai trò là "cố vấn lịch sử" như ghi trong phim, còn bởi: từ tháng 11/2009, sau khi thẩm định và bàn giao xong kịch bản đã được chỉnh sửa, ông hoàn toàn không dính líu gì, cũng như không có thông tin gì về việc làm phim. Toàn bộ quy trình làm phim, Giáo sư Lê Văn Lan cũng "không được chứng kiến, tham gia, chỉnh lý và góp ý một tí nào". Hơn nữa, bộ phim đã không làm theo những gì ông chỉnh sửa ở khâu kịch bản. Do vậy, ông cho rằng, việc đề tên ông trong bộ phim là không hợp pháp.

Có một thông tin đáng được lưu ý mà Giáo sư Lê Văn Lan cho biết: Khi Công ty Trường Thành chuyển kịch bản cho ông chỉnh sửa, góp ý, thì có tập đã được dịch sang tiếng Việt, nhưng có tập còn nguyên tiếng... Trung Quốc; có tập đưa cho ông muộn và được giải thích với lý do "bên Trung Quốc gửi sang chậm". Điều này, cho thấy, những câu hỏi được đặt ra trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc ai là tác giả đích thực của kịch bản phim "Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long" không phải không có cơ sở!

Đi tìm câu lý giải

Dù sao thì "sự kiện" về phim "Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long" cũng là một dấu ấn buồn với những người làm điện ảnh Việt Nam. Nó để lại bài học kinh nghiệm đắt giá, không chỉ về tiền bạc: Người nghệ sĩ có quyền sáng tác, nhưng cần phải có nhận thức và ý thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam cùng với phông văn hóa cần thiết, nhất là một tấm lòng yêu nước, để tôn trọng sự thật lịch sử, không làm biến dạng các sự kiện, địa danh và nhân vật lịch sử.

Làm một bộ phim về những dấu ấn lịch sử đất Việt, văn hóa Việt, nhưng lại xây dựng hoàn toàn ở nước khác, do ê-kíp người nước ngoài thực hiện, đã dẫn đến sự sai lệch về lịch sử, văn hóa Việt, với những hình ảnh xa lạ với người Việt Nam. Để xảy ra những điều đáng tiếc đó, không thể không nói đến trách nhiệm của tác giả và đạo diễn phía Việt Nam, đó là 2 ông Trịnh Văn Sơn và Tô Huy Cường.

Tham gia làm một bộ phim lịch sử hoành tráng làm món quà đặc biệt cho Đại lễ, nhưng họ có phải là những nhà điện ảnh giàu kinh nghiệm? Nếu bạn nhấn chuột vào Google để tìm kiếm, thì bạn sẽ thất vọng vì không có một dòng nào về sự nghiệp điện ảnh của cả hai. Như vậy, có phải bộ phim là quá sức với họ?

Trong bộ phim này, nếu thất bại thuộc về phía nghệ sĩ Việt Nam, thì lại là thành công của nghệ sĩ Trung Quốc, khi họ đã làm sai lệch lịch sử nước Việt để không chạm đến phần quá khứ không tốt đẹp của cha ông họ. Có người nói, phim làm thế là do ê-kíp người Trung Quốc không hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhưng nhiều người lại khẳng định: chính điều đó càng chứng tỏ họ am hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam hơn cả những người Việt Nam cùng tham gia.

Không nên đưa bất cứ lý do gì để bao biện cho bộ phim, thậm chí như ý kiến của một số người có trách nhiệm, bởi dù là tư nhân hay Nhà nước, cũng không ai có quyền làm sai lệch lịch sử, văn hóa dân tộc, khi đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc cả ngàn năm qua. Đó cũng chính là lý do "Lý Công Uẩn, đường đến thành Thăng Long" không được công chúng hoan nghênh. Nếu tiếp tục chiếu một bộ phim lịch sử không trung thành với chính sử, thì dù ở bất cứ thời điểm nào, cũng khiến người xem hiểu sai về lịch sử và văn hóa dân tộc, mà điều này thì 100 tỉ chứ 1.000 tỉ đồng cũng không sửa sai nổi

Thanh Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét