14/10/2010 13:00
(VTC News) - Việc Nga giữ bí mật về cuộc điều tra vụ chìm tàu chiến Cheonan mà không cung cấp cho Hàn Quốc đã gây nên rất nhiều nghi ngờ, đồn đoán trong giới phân tích. Theo Petrov, một chuyên gia Nga về Triều Tiên, giảng viên đại học Sydney, “đây là động thái có tính chiến lược của Nga”.
Sự cố chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc vẫn là một vấn đề nóng hổi trong quan hệ Liên Triều và nó càng trở nên nóng hơn khi mỗi bên đều có những lý do để biện hộ cho hành động và lời nói của mình.
Ngay sau khi xảy ra sự cố này không lâu, Nga đã được phép phái một đội điều tra độc lập đến tìm hiểu nguyên nhân, phía Hàn Quốc đã tạo điều kiện để việc điều tra được diễn ra thuận tiện.
Nga không tham gia vào đội điều tra đa quốc gia do Seoul dẫn đầu diễn ra trước đó, trong đó kết luận con tàu chiến dài 88 m này đã bị gẫy đôi do một quả ngư lôi được phóng ra từ tàu ngầm Bắc Triều Tiên, làm thiệt mạng 46 thủy thủ.
Chuyên gia Nga về Triều Tiên Petrov: "đây là động thái có tính chiến lược của Nga"
Các nhà điều tra Nga đã tiến hành công việc của mình trong một tuần, trên cơ sở xem xét đống đổ nát còn lại của con tàu Cheonan. Tuy nhiên, sau khi trở về, họ đã tuyệt đối im lặng về kết quả điều tra của mình. Cho đến nay, nước này vẫn từ chối cung cấp thông tin cho Seoul, động thái này khiến các nhà quan sát cho rằng đó là một sự xúc phạm ngoại giao.
Leonid Petrov, một chuyên gia Nga về Triều Tiên cho biết, “Nga có thể chia sẻ thông tin điều tra này với Trung Quốc hay Mỹ nhưng không thể với Hàn Quốc để tránh tạo nên một cuộc đối đầu với Seoul”.
Trong một hội nghị gần đây tại Nga, Borodavkin, thứ trưởng ngoại giao nước này phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đã bóng gió đề cập đến vấn đề này khi trả lời phỏng vấn báo chí. Borodavkin cho biết, kết quả điều tra này được coi là tài liệu “tuyệt mật” và chỉ được cung cấp cho các nhà lãnh đạo Nga, đồng thời nói thêm rằng nước này sẽ không cung cấp thông tin cho cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.
Ông Petrov, một giảng viên đến từ đại học Sydney cho biết, “Nga không muốn tiết lộ bản báo cáo này cho Hàn Quốc vì nó có thể làm mất ổn định khu vực đồng thời làm Seoul và đồng minh giận dữ, trong đó có Hoa Kỳ”.
“Các cường quốc khu vực, dẫn đầu là Mỹ sẽ không hài lòng với kết quả điều tra mà Nga đưa ra, vì nó có thể mâu thuẫn với kết luận trước đó của họ”.
Đội điều tra này của Nga có tìm hiểu được những thông tin giật gân nào trái với kết luận trước đó của Hàn Quốc và đồng minh?
Sự im lặng của Nga càng làm tăng lên những nghi ngờ. Theo giới thạo tin Nga, Donald Gregg, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cho rằng, việc Nga không tiết lộ thông tin về kết quả cuộc điều tra “là bởi nó sẽ đe dọa đến uy tín chính trị của Tổng thống Lee Myung-bak và có thể gây rắc rối cho Thổng thống Obama”.
Tuy nhiên, Petrov cũng hoài nghi về kết quả điều tra của Nga như ông từng hoài nghi về kết quả mà Seoul công bố. “Tôi không biết liệu người Nga đã tìm hiểu được những gì giật gân từ cuộc điều tra của họ”.
Phản ánh tâm lý chung của người Nga về sự cố chìm tàu Cheonan, ông nói: “Tôi nghĩ rằng báo cáo của Nga gần như cũng kém thuyết phục như báo cáo của đội điều tra đa quốc gia do Seoul dẫn đầu”.
Thực tế, theo ông, không biết liệu Nga có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nó trái ngược với kết luận của Hàn Quốc và đồng minh trước đó không. Theo ông, thực ra, mục đích của Nga có tính chiến lược hơn nhiều.
“Mục đích tổng thế trong những bước đi của Nga là nhằm tạo ra thế cân bằng ở khu vực Đông Bắc Á. Cân bằng quyền lực thực tế đã không tồn tại khi Hàn Quốc cùng các đồng minh của mình, bao gồm Mỹ, Anh, Nhật, Úc đơn phương đưa ra bản báo cáo điều tra một mực đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên gây ra vụ tai nạn này”.
Ngoại trưởng Nga từng thống nhất với lãnh đạo Trung Quốc về kết quả cuộc điều tra vụ chìm tàu Cheonan?
Trong khu vực, Nga có nhiều quan tâm tới khối an ninh giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Petrov tin rằng động thái này của Nga là do gợi ý từ phía Trung Quốc.
Chỉ vài ngày trước khi đội điều tra độc lập của Nga đến Seoul, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bay tới Bắc Kinh để thảo luận về tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ chìm tàu chiến Cheonan với các quan chức hàng đầu Trung Quốc, gồm cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. “Trung Quốc nói rằng (Cheonan) là một câu chuyện buồn, nhưng rồi nó sẽ qua đi”, Petrov nói.
“Tự làm ra một bản báo cáo riêng cho mình là cách để tạo thế cân bằng quyền lực khi tiếp cận sự kiện không may mắn này”.
Tuy nhiên, theo Petrov, “hành động giữ lại bản báo cáo điều tra cho riêng mình mà không cung cấp cho Hàn Quốc là một hành động nhạy cảm, nếu không muốn nói là xúc phạm Hàn Quốc, vì nó được ngầm hiểu rằng Hàn Quốc không xứng đáng có được kết quả điều tra này”.
Mặc dù quan hệ Hàn Quốc và Nga sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều từ sự cố chìm tàu Cheonan này nhưng theo Petrov thì nó sẽ sớm được khắc phục do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.
“Hàn Quốc và Nga cùng cần nhau. Hàn Quốc cần duy trì thị trường xuất khẩu của mình, và Nga hiện là thị trường tiêu thụ rất lớn các sản phẩm Hàn Quốc”, Petrov nói.
Hữu Túc (Theo Korea Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét