(ANTĐ) - Đã 4 ngày sau bầu cử, Kyrgyzstan vẫn chưa xác định được ai là người nắm quyền đất nước. Tương lai của đất nước Trung Á này thật khó xác định.
Tình cảnh khó khăn của người dân Kyrgyzstan ở vùng nông thôn |
Hôm qua, 5 chính đảng giành được quá 5% số phiếu ủng hộ của cử tri theo quy định tại cuộc bầu cử Quốc hội hôm 10-10 đã nhất trí tiến hành kiểm lại phiếu sau khi có đơn kiện của Đảng “Kyrgyzstan thống nhất”, chính đảng chỉ thiếu 0,16% số phiếu bầu. Điều đó đồng nghĩa với việc giấc mơ về mô hình dân chủ nghị viện kiểu phương Tây mà nước này muốn áp dụng sau cuộc bầu cử vẫn chưa thành hiên thực.
Nếu nhìn bề ngoài, cuộc bầu cử này nhằm hợp thức hóa các thể chế quyền lực, vốn được hình thành sau khi chính quyền lâm thời Kyrgyzstan do bà R. Otunbaeva đứng đầu lên nắm quyền thông qua cuộc bạo động lật đổ cựu Tổng thống K. Bakiev hồi tháng tư vừa qua. Nhưng thực chất, nó là một cuộc thử nghiệm nữa nhằm chuyển đổi mô hình quyền lực của Kyrgyzstan từ chế độ cộng hòa tổng thống sang chế độ cộng hòa nghị viện.
5 năm trước đây, ông K. Bakiev giành quyền lực bằng cuộc đảo chính. Khi đó, người ta hết lời tán dương, coi cuộc đổi ngôi đó như ngọn cờ “cách mạng nhung” trong khu vực. Chế độ cộng hòa do ông K. Bakiev đứng đầu được báo chí phương Tây ca ngợi như sự vượt trội về dân chủ. 5 năm sau, chính ông K. Bakiev phải ra đi bởi cách mà ông giành quyền lực trước đây. Và một cuộc thử nghiệm nữa vẫn dưới cái mác “áp dụng ưu việt của dân chủ phương Tây” lại được tiến hành.
Nhưng ngay từ lúc đó, cựu Chủ tịch Quốc hội Z. Kurmanov đã cảnh báo rằng Kyrgyzstan có hàng chục cộng đồng sắc tộc khác nhau. Mỗi cộng đồng sắc tộc, khu vực ở đây thường có một chính đảng riêng, đối chọi nhau về đường lối, mục tiêu. Do đó, việc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền trong Quốc hội sẽ khó khăn và phức tạp.
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Một đất nước nhỏ bé với dân số chỉ 5,3 triệu người mà có tới 29 đảng phái chính trị ra tranh cử. Hệ quả là đảng Tổ quốc dẫn đầu cuộc đua cùng chỉ giành được 8,88% số phiếu, không thể một mình đứng ra thành lập chính phủ. Bắt tay với nhau thì cũng chưa thấy ai muốn bởi những chia rẽ về sắc tộc. Thế là chính trường Kyrgyzstan rơi vào bế tắc.
Chưa biết tương lai Kyrgyzstan thế nào nhưng một thực tế đã rõ là mâu thuẫn trên chính trường kéo dài đã tác động nghiêm trọng tới những vấn đề kinh tế - xã hội: ngân sách trống rỗng, nợ nước ngoài tăng cao, nền kinh tế đứng bên bờ sụp đổ, khoảng 2 triệu người đang bị thiếu ăn trầm trọng, tham nhũng hoành hành. Nguy hiểm nhất là sự chia rẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa cực đoan và khủng bố quốc tế hiện thực hóa mục tiêu “Hồi giáo hóa” Kyrgyzstan, biến quốc gia này thành một Afghanistan mới.
Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét