Tổng thống Ukraine cách chức 2 Phó Thủ tướng

VOVNEWS.VN:
Cập nhật lúc : 4:12 PM, 14/10/2010

Sắc lệnh của Tổng thống Yanukovych nêu rõ "đây là bước đi cần thiết để cơ cấu Chính phủ phù hợp với Hiến pháp"

>> Sự khởi đầu nhanh chóng

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ngày 13/10 đã ký sắc lệnh cách chức Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp Viktor Slauta và Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm điều phối các vấn đề Nội vụ và Quốc phòng Vladimir Sivkovych.

Nội các của Thủ tướng Nikolai Azarov được thành lập tháng 3 vừa qua có 5 Phó Thủ tướng, nhiều hơn 2 người so với quy định của Hiến pháp Ukraine năm 1996.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Yanukovych sử dụng những quyền được trao cho ông sau phán quyết ngày 30/9 của Tòa án Hiến pháp nước này, theo đó hủy bỏ cải cách hiến pháp năm 2004 - quy định chuyển nhiều quyền hạn của Tổng thống cho Quốc hội như quyền bổ nhiệm các Bộ trưởng Chính phủ, và khôi phục Hiến pháp năm 1996.

Tổng thống Viktor Yanukovych cho rằng, việc sa thải hai Phó Thủ tướng để phù hợp với Hiến pháp của nước này (Ảnh: AP)

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Ukraine, Tổng thống Yanukovych cho rằng, Ukraine cần thiết lập nguyên tắc bầu cử của châu Âu, theo đó bầu cử Quốc hội và Tổng thống diễn ra cùng ngày.

Đề nghị này của ông Yanukovych được đưa ra trong bối cảnh trước đó, Quốc hội nước này đệ trình Tòa án Hiến pháp bản kiến nghị, theo đó yêu cầu kéo dài nhiệm kỳ của các nghị sĩ hiện nay thêm một năm.

Theo Hiến pháp năm 1996, Quốc hội và các cơ quan chính quyền địa phương được bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, Quốc hội khóa này được bầu năm 2007 với nhiệm kỳ 5 năm. Vì vậy, các nghị sỹ đã yêu cầu kéo dài nhiệm kỳ thêm 1 năm và cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào năm 2012 thay vì vào tháng 3/2011.

Trong khi đó, cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine tiếp theo cần phải diễn ra vào tháng 3/2015./.

TTXVN

Cập nhật lúc : 2:35 PM, 08/06/2010
100 ngày của Tổng thống Ukraine Yanukovich
Sự khởi đầu nhanh chóng

(VOV) - Ông Yanukovich đã thực hiện những bước đột phá trong mối quan hệ với Nga và Liên minh châu Âu. Song phía trước ông Yanukovich vẫn là thách thức…

Cầu nối giữa Châu Âu và nước Nga

Vào ngày tuyên thệ nhậm chức của ông Yanukovich, ngày 25/2/2010, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết, theo đó, Ukraine có quyền viết đơn gia nhập Liên minh Châu Âu. Đây là một kết quả mang tính biểu tượng cao vì trước đó, người tiền nhiệm của ông Yanukovich là ông Yushchenko trong suốt 5 năm liền đã không làm được điều này.

Trong thời gian tranh cử, ông Yanukovich hứa cải thiện quan hệ với Nga, nhưng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống lại là đến Brussell (Bỉ). Điều này cho thấy, mặc dù là một người được cho là “thân Nga” nhưng ông Yanukovich cũng sẵn sàng bắt tay với Châu Âu. Tổng thống Yanukovich khẳng định, Ukraina sẽ ủng hộ quan hệ với Nga, Châu Âu và các nước khác, trong đó ưu tiên hàng đầu là Mỹ. Ukraine phải là cầu nối đặc biệt giữa Nga và phương Tây.

Trong quan hệ với châu Âu, ông Yanukovich nhanh chóng đạt được đột phá trong những vấn đề mà Tổng thống tiền nhiệm Yushchenko không thể thực hiện. Đó là việc ký thoả thuận với EU về khu vực thương mại tự do và “lộ trình” thương lượng về chế độ miễn thị thực mà không phải đổi lại thứ gì cho Châu Âu.

Ukraine - Nga hướng về tương lai

Tổng thống Yushchenko thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên, năm 2005, là đến Nga. Tuy nhiên, sau chuyến thăm này quan hệ 2 nước hầu như đi xuống. Trong khi đó, ông Yanukovich đặt chuyến thăm Nga xuống hàng thứ 2 trong lịch làm việc. Nhưng ngay sau cuộc viếng thăm đầu tiên, quan hệ song phương Ukraine - Nga, vốn đang đóng băng, đã được khởi động trở lại. Hai bên tuyên bố quay trở lại quy chế đối tác chiến lược Ukraine - Nga với những quan điểm cụ thể.

Đột phá diễn ra ngày 21/4 tại thành phố Kharkov của Ukraine, khi ông Yanukovich và người đồng nhiệm Nga Medvedev ký thoả thuận đồng ý gia hạn thời gian có mặt của Hạm đội biển Đen của Nga tại Crimea thêm 25 năm, kể từ sau năm 2017 là năm hết hạn hợp đồng hiện nay. Đổi lại, Ukraine được mua khí đốt của Nga với giá ưu đãi hơn trước.

Tiếp đó, ngày 17/5, trong thời gian Tổng thống Nga Medvedev thăm Kiep (Ukraine), hai bên ký thoả thuận về phân định ranh giới quốc gia giữa 2 nước, thoả thuận về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng và phát triển hệ thống dẫn đường vệ tinh toàn cầu của Nga Glonas, thoả thuận về những biện pháp đầu tiên trong phát triển hợp tác giáo dục - khoa học giai đoạn 2010-2012, thoả thuận về hợp tác liên ngân hàng, chương trình hợp tác giữa bộ văn hoá 2 nước giai đoạn 2010-2014. Ngoài ra, Tổng thống 2 nước còn ký các tuyên bố chung về các vấn đề an ninh châu Âu, an ninh tại khu vực biển Đen…

Hàng loạt các thoả thuận đáng chú ý khác cũng đang được hai nước xem xét như: hợp tác trong lĩnh vực nguyên tử, chế tạo máy bay, tàu biển, hiện đại hoá hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraine… rồi cả những thay đổi trong văn hóa, giáo dục với Nga.

Đối mặt với thách thức

Cùng với những thành công nhanh chóng về mặt đối ngoại, ông Yanukovich đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong nước.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xã hội Penta của Ukraine, ông Vladimir Fesenko nhận xét, Tổng thống Yanucovich đã quay lại chính sách đối ngoại đa phương (nguyên Tổng thổng Leonid Kuchma trước đây đã từng thực hiện). Chính sách này có những mạo hiểm nhất định.

Về mặt hình thức, chính sách đối ngoại được công bố là đa phương, nhưng trên thực tế, rất dễ nhận thấy một sự xích lại gần với Nga, hình thành những mối quan hệ đặc biệt với Nga. Điều này trong tương lai dễ tạo ra mạo hiểm vì đối với Ukraina, việc giữ được sự cân bằng lợi ích trong quan hệ Đông - Tây luôn là nhân tố quan trọng. Việc ngả theo hướng này hay hướng khác dễ dẫn tới những mâu thuẫn chính trị nội bộ, cũng như các vấn đề chính trị quốc tế.

Việc gia hạn thời gian có mặt của Hạm đội biển Đen của Nga tại Crime thêm 25 năm cũng làm dấy lên sự phản đối của lực lượng đối lập Ukraine. Vào ngày phê chuẩn văn kiện, ngày 27/4, tại Quốc hội Ukraine xảy ra một số xô xát giữa các nghị sĩ. Bên ngoài toà nhà Quốc hội một số người thuộc phe đối lập cũng tập trung phản đối. Tuy nhiên, lực lượng đối lập đã không thể thành công và không gây được ảnh hưởng nào đến hoạt động của chính quyền.

Về mặt xã hội, những chính sách của chính quyền Tổng thống Yanukovich nhận được sự ủng hộ từ các khu vực phía Đông, lại không nhận được sự ủng hộ ở miền Tây Ukraine và một phần ở miền Trung Ukraine vốn có truyền thống ủng hộ lực lượng “da cam”. Sự chia rẽ trong xã hội Ukraine vốn tồn tại từ lâu, và rất khó dung hòa. Vì vậy, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, Ukraine nên trở thành một nhà nước liên bang với các nước cộng hòa tương đối độc lập về chính sách đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, một số chính trị gia hàng đầu lại có ý kiến khác, ví dụ như Chủ tịch Quốc hội Ukraine Litvin luôn phản đối quan điểm Liên bang. Theo ông Litvin, những khuynh hướng ly tâm có thể dẫn tới sự chia rẽ nghiêm trọng của đất nước.

Ông Vladimir Fesenko còn cho rằng, những căng thẳng chính trị nội bộ sẽ mang đến những đe doạ nhất định. Đương nhiên, Tổng thống Yanukovich không muốn tình hình căng thẳng. Chuyến đi đến Litvin tuần cuối cùng của tháng 5 vừa qua chứng tỏ điều này. Ông Yanukovich cam kết thực hiện những điều đã hứa, trong đó có việc chính quyền Trung ương sẽ làm tất cả để nâng cao mức sống người dân miền Tây, một khu vực vốn tập trung nhiều nhà máy công nghiệp.

Về kinh tế, các chuyên gia cho rằng, hãy còn quá sớm để đánh giá kế hoạch kinh tế - xã hội, đánh giá hoạt động của chính quyền hiện nay. Dưới con mắt của các nhà xã hội học, thành tựu lớn nhất trong 100 ngày cầm quyền của ông Yanucovich là việc giảm giá mua khí đốt của Nga.

Mặc dù ngân sách Nhà nước được thông qua, tình hình kinh tế được cải thiện, nhưng điều này không chỉ hoàn toàn gắn với hoạt động của chính quyền mới, mà nó còn gắn với sự khởi sắc chung của nền kinh tế toàn cầu. Ukraine vẫn phụ thuộc mạnh vào tình hình kinh tế thế giới. Chính vì vậy, ổn định kinh tế xã hội đất nước và làm sao để phát triển vẫn là thách thức đối với ông Yanukovich./.

Quang Sơn (từ Moscow)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét