Các nước “đua nhau” tậu chiến đấu cơ

Thế giới - Dân trí:
Thứ Năm, 11/11/2010 - 16:37

(Dân trí) - Theo một báo cáo công bố hôm qua, máy bay chiến đấu chiếm 1/3 tổng giá trị các vụ chuyển nhượng vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2005-2009 và Ấn Độ là quốc gia tậu nhiều chiến đấu cơ nhất thế giới.
Các máy bay chiến đấu của Anh và Ấn Độ tề tựu tại căn cứ không quân Kalaikunda, Ấn Độ trong cuộc tập trận chung.

Trong một báo cáo được công bố hôm qua, Viện nghiên cứu hoà bình Quốc tế Stockholm (SIRI) tại Stockholm, Thuỵ Điển đã bày tỏ lo ngại rằng việc doanh thu từ máy bay chiến đấu tăng có thể gây mất ổn định tại nhiều khu vực trên thế giới.

Trong khoảng thời gian từ 2005-2009, Mỹ đã bán tổng cộng 341 máy bay chiến đấu, tăng so với con số 286 của 5 năm trước; Nga bán 219 chiếc, giảm từ con số 331 chiếc của 5 năm trước; và Pháp bán 75 chiếc, tăng lên từ con số 58 chiếc.

Theo báo cáo của SIRI, thế giới chỉ có 11 nước sản xuất máy bay chiến đấu, gồm: các nước có khả năng tự sản xuất là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Nhật Bản; và 4 nước thành viên tập đoàn hàng không châu Âu Eurofighter là Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh.

Tuy nhiên, danh sách các nước mua rất dài. Trong 5 năm, hơn 50 quốc gia đã mua tổng cộng 995 máy bay chiến đấu, với Ấn Độ là quốc gia mua nhiều nhất - 115 chiếc. Các nước khác nằm trong danh sách mua nhiều là Israel (82), Ba Lan (48), Trung Quốc (45), Yemen (37), Mỹ (33)…

Ẩn Độ, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Israel là những nước mua nhiều chiến đấu cơ nhất, chiếm 1/3 số lượng máy bay chiến đấu được chuyển giao. SIRI cảnh báo rằng "nhiều nước khác mua nhiều chiến đấu cơ nằm trên những khu vực căng thẳng nghiêm trọng".

“Mặc dù máy bay chiến đấu là một trong những vũ khí quan trọng nhất cần thiết cho phòng thủ nhưng các máy bay này cũng khiến cho các quốc gia sở hữu chúng có khả năng dễ dàng tấn công vào sâu lãnh thổ các quốc gia láng giềng”, Siemon Wezeman, một quan chức từ SIRI, nhận định.

SIRI là một tổ chức quốc tế độc lập chuyên nhiên cứu các cuộc xung đột, các loại vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Viện này cung cấp dữ liệu, các phân tích, đánh giá - dựa trên các nguồn thông thông tin công khai - cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, báo chí và công chúng quan tâm.

An Bình
Theo AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét