Thứ Tư, 10-11-2010, 15:00 (GMT+7) | ||||
Đồng chí Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: Thủy điện xả lũ sai; gây thiệt hại nặng, dân hoàn toàn kiện được | ||||
Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đại diện nông dân tỉnh này cho biết đang kiện đòi thường việc thủy điện Đa Nhim xả lũ gây thiệt hại cho dân. Tại Phú Yên, ngày 2/11, hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ sai quy trình với lưu lượng lớn khiến hạ du sông Ba ngập nặng. Báo Phú Yên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB-TKCN) Phú Yên – một số nội dung liên quan đến vấn đề này.
- Thực tế thì vào sáng 2/11, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng có thời điểm lên đến hơn 6.000m3/giây nhưng không báo cáo chính thức với UBND tỉnh Phú Yên, kể cả tôi là Trưởng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh. Điều này là sai quy trình vận hành liên hồ mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Tại cuộc họp ngay ở nhà máy vào trưa cùng ngày, tôi đã phản ứng gay gắt cách làm ấy, lãnh đạo nhà máy sau đó đã giảm bớt lưu lượng xả và có báo cáo cụ thể, đúng quy trình.
Việc Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ sai quy trình đã gây khó khăn cho UBND tỉnh Phú Yên trong việc điều hành sơ tán dân ở vùng hạ lưu sông Ba. May mắn là vào thời điểm mà thủy điện này xả lũ không báo cáo, nước ở hạ du sông Ba chưa đạt báo động cấp 2, lại không trúng thời điểm triều cường nên ngập lụt cũng không đặc biệt nghiêm trọng, nếu không thiệt hại không biết đâu mà lường. Thêm nữa, người dân và các địa phương cũng đã chủ động trước vì đêm 1/11, thủy điện Sông Hinh đã thông báo xả lũ, sơ tán đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người. Thiệt hại chủ yếu là hàng ngàn ngôi nhà bị ngập.
* Trong trường hợp thủy điện xả lũ sai quy trình, nếu gây thiệt hại cho nhân dân, thì bà con có thể khởi kiện thủy điện được không?
- Hoàn toàn được chứ sao lại không! Nếu thủy điện gây thiệt hại thì dân có thể kiện ngay. Trong đợt xả lũ sáng 2/11, may là sau cuộc làm việc của tôi, lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ đã điều chỉnh và thực hiện nghiêm quy trình nên không gây thiệt hại nặng thêm, chứ nếu họ phớt lờ thì chúng tôi “trị” thẳng tay ngay. Không những thế, theo quy trình đã được ban hành, cấp trên sẽ xử lý nặng.
Sáng 3/11, đường Trần Hưng Đạo vẫn còn đoạn ngập do “dư âm” xả lũ ngày 2/11 và triều cường khiến nước sông Đà Rằng dâng cao. - Ảnh: P.V
* Thưa đồng chí, hai ngày 8 và 9/11, các thủy điện ở Phú Yên lại xả lũ với lưu lượng tăng dần khiến vùng hạ du phải đón nhận một đợt lũ lụt mới. Vậy UBND tỉnh điều hành thế nào để tránh việc cứ “nghe thủy điện xả lũ là dân hạ lưu nơm nớp lo” như người dân đã nói?
- Thực tế thì kiểu xả lũ hiện nay của các thủy điện làm chúng tôi rất mệt, nói thật là phải “canh” từng giờ. Từ ngày 7 đến ngày 9/11, hai thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ có xả lũ, nhưng lưu lượng vừa phải và xả liên tục nên người dân ở hạ du sông Ba chủ động hơn với tình hình lũ lụt và chưa gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Song, thú thực là tôi rất lo, vì lỡ đêm hôm, mưa lớn, triều cường, điện cúp mà thủy điện xả lũ, có khi xả với cường độ lớn, thì không lường được là hậu quả thế nào.
Tôi đã yêu cầu các nhà máy thủy điện cần chủ động hơn trong công tác xả lũ, phải phối hợp, nắm bắt chi tiết và chính xác dự báo thời tiết, thủy văn để điều tiết lũ, báo cáo cho UBND tỉnh đúng quy trình. Tôi cho rằng việc thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ ào ạt như ngày 2/11 là vì họ chưa có kinh nghiệm trong điều tiết lũ vì mới là năm đầu tiên hoạt động. Họ cứ sợ nước trong hồ không đủ để phát điện nên cứ giữ lại, đến khi thấy lũ về nhiều mới giật mình xả ào ào. Làm như vậy chẳng có quy chế, chẳng khoa học gì cả và rất nguy hiểm.
* Xin cám ơn đồng chí.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG (thực hiện) |
Thủy điện xả lũ sai; gây thiệt hại nặng, dân hoàn toàn kiện được
.: Phú Yên Online:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét