Trung Quốc trở thành cường quốc đất hiếm như thế nào?

BAODATVIET.VN:
5:07 AM, 10/11/2010


Từ một nước có nền công nghệ luôn đi sau nhiều nước phát triển, Trung Quốc đang vươn lên vị trí dẫn đầu với tốc độ như vũ bão nhờ khả năng nhìn xa trông rộng...
Đất nước này đã chú trọng nghiên cứu về đất hiếm như là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn.

Trước đây đã có nhiều lo ngại từ phương Tây về khả năng tiếp cận ngày càng hạn chế đối với nguồn cung đất hiếm, đặc biệt sau khi một báo cáo sơ bộ của Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc năm 2009 kêu gọi cấm bán hoàn toàn 5 loại đất hiếm gồm terbium, dysprosium, ytterbium, thulium, and lutetium, và hạn chế xuất khẩu neodymium, europium, cerium, và lanthanum.

Giữ át chủ bài

Theo thiếu tá hải quân Mỹ Cindy A. Hurst, nhà phân tích ở Cơ quan nghiên cứu quân sự nước ngoài tại Kansas, phải đến ngày 4.2.2010, gần 2 tuần sau khi chính quyền Obama tiết lộ thỏa thuận vũ trang trị giá 6,4 tỉ USD với Đài Loan, một bài báo đăng trên ấn phẩm online của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề xuất cấm bán đất hiếm cho các công ty của Mỹ như một sự trừng phạt, và khi có tin Trung Quốc đang thắt chặt xuất khẩu đất hiếm ra nước ngoài, nhiều nước mới thực sự thấy báo động về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và nguy cơ của việc nước này đang nắm quân át chủ bài.
Một nhân viên đang phân tích các mẫu đất hiếm tại Viện Nghiên cứu đất hiếm Bao Đầu, phía bắc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua / Ren Junchuan)

Bài báo đó ngay lập tức gây nên sự phản ứng dữ dội từ phía các nhà nhập khẩu đất hiếm vì Trung Quốc cung cấp tới 97% lượng đất hiếm của thế giới. Dù một số nước khác cũng có trữ lượng đất hiếm có thể khai thác được, nhưng phải mất từ 10-15 năm để phát triển một ngành công nghiệp đất hiếm từ đầu. Trong khi đó, sự thâu tóm kim loại đất hiếm có thể giúp Trung Quốc một ngày nào đó chiếm ưu thế lớn về công nghệ cũng như tăng cường sức mạnh quân sự.

Đối với một số nước như Nga, đất hiếm được coi là bí mật quốc gia, nên khái niệm này không hề được đề cập tới trong giai đoạn trước năm 1993. Trong thời gian dài, các ứng dụng bí mật bị giới hạn với một số cơ quan có chức năng nghiên cứu, thiết kế, và sản xuất thiết bị và vũ khí quân sự. Lý do là hơn 80% ngành công nghiệp đất hiếm để phục vụ cho hệ thống quốc phòng của Liên Xô cũ.

Ngày nay, nhiều nhà phân tích quốc tế xem đất hiếm là thành phần chủ chốt trong phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại. Ở Trung Quốc, đất hiếm được gọi là kho báu được tìm thấy của ngành vật liệu mới và là “vitamin của công nghiệp hiện đại”, hay “vật liệu của tương lai”.
Theo Cục khảo sát địa chất Mỹ, nhiều chất có thể được sử dụng thay thế đất hiếm, nhưng hoạt động kém hiệu quả hơn vì đất hiếm có ưu điểm về trọng lượng, sức bền, đặc tính quang học.

Trong nhiều trường hợp, nếu sử dụng các kim loại khác để thay thế đất hiếm sẽ khiến thiết bị hoạt động kém hiệu quả hơn. Nam châm đất hiếm là ứng dụng rộng rãi nhất. Trong những năm 1960, Mỹ dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển nam châm. Trong thời gian chưa đầy một thập kỷ, thị trường nam châm vĩnh cửu đã thay đổi hoàn toàn. Năm 1998, 90% sản lượng nam châm thế giới thuộc về Mỹ, châu Âu và Nhật. Đến tháng 9 năm 2007, Trung Quốc đã có 130 doanh nghiệp sản xuất nam châm NdFeB lớn, với sản lượng 80.000 tấn mỗi năm.

Đảo ngược thế cờ

Theo một số nguồn tin, các mỏ đất hiếm ở Mỹ, Canada, Australia, và Nam Phi có thể khai thác từ năm 2014. Theo GS Jean-Claude Bunzli ở Viện công nghệ liên bang Thụy Sĩ, lượng đất hiếm được sử dụng trong công nghệ quốc phòng không nhiều quá nên lượng cung đất hiếm từ Trung Quốc ngày càng giảm trong tương lai gần có thể sẽ không gây ra vấn đề gì lớn, vì các mỏ khai thác ở phương Tây không lâu nữa sẽ hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là Trung Quốc ngày càng chú trọng nghiên cứu phát triển đất hiếm, trong khi Mỹ thì ngược lại.

Một công nhân tại thành phố Bao Đầu, phía bắc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc đang làm sạch một sản phẩm bán thành phẩm có chứa thành phần sắt, rubidi và (Ảnh: Xinhua / Ren Junchuan)

Mỹ đã mở đường cho nhiều công nghệ hiện đại ngày nay để Trung Quốc đang tận dụng những công nghệ đó. Trong giai đoạn 1940-1990, giới khoa học của cả Mỹ và Trung Quốc đều hứng thú với nghiên cứu phát triển đất hiếm, nhưng chỉ còn một vài nhà khoa học ở Mỹ ngày nay còn chú trọng vào đất hiếm. Trong khi đó, Trung Quốc đã thành lập nhiều phòng thí nghiệm và các đội chuyên nghiên cứu đất hiếm.

Từ đất hiếm, Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều ứng dụng, nhiều nghiên cứu trong số đó hiện nay đang được sử dụng và phát triển ở Mỹ, như chất đốt trong bom, thiết bị chặn bức xạ hạt nhân, nam châm vĩnh cửu với từ trường mạnh hơn sắt nam châm cả trăm lần, vật liệu laser, vật liệu siêu dẫn, thiết bị phát hiện tàu ngầm...

Từ khi hai chương trình thúc đẩy khoa học 863 và 973 được Trung Quốc thông qua vào những năm 1980 với trọng tâm phát triển công nghệ sinh học, vũ trụ, thông tin, laze, tự động, năng lượng và vật liệu mới trong cả các dự án quân sự và dân sự, trong đó đất hiếm được nhấn mạnh trong từng mục tiêu, ngành công nghiệp khai thác và phát triển ứng dụng đất hiếm ở Trung Quốc phát triển với tốc độ không ngừng.

Trên thế giới có hai tạp chí chuyên về khai thác đất hiếm, gồm : the Journal of Rare Earth and China Rare Earth Information Journal đều là ấn phẩm của Hiệp hội đất hiếm Trung Quốc. Hiệp hội này được thành lập năm 1980, gồm hàng chục ngàn nhà nghiên cứu khoa học và kỹ thuật đất hiếm. Số lượng nhà khoa học Mỹ cống hiến cho nghiên cứu đất hiếm không là gì so với lực lượng ở Trung Quốc.

Theo tác giả Cindy Hurst, vị trí của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm cũng như trữ lượng, tiềm năng khai thác và phát triển đất hiếm to lớn của nước này có thể trở thành lợi thế quyết định trong ngành công nghiệp quân sự. Do đó, Mỹ phải lường trước điều này và có kế hoạch kịp thời thì mới mong duy trì địa vị dẫn đầu trong công nghiệp quân sự.

Thu Loan (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét