Cử tri “không hài lòng” với chính sách của ông Obama

CAND Online:
Quốc tế


Tổng thống Barack Obama.


Cử tri “không hài lòng” với chính sách của ông Obama
12:11:12 07/11/2010
Chiến thắng của đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua được xem là một lời "than phiền" của cử tri đối với những chính sách mà ông Obama nỗ lực thực thi trong suốt 2 năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài trong 4 năm.

Cuộc bầu cử ngày 2/11 vừa qua được gọi là cuộc bầu cử giữa kỳ vì nó được tổ chức vào giữa nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống Mỹ với mục đích chọn ghế trong Quốc hội và một số ghế thống đốc bang. Sự kiện như thế thường được xem là "thước đo" uy tín và tương lai của Tổng thống đương nhiệm. Cuộc bầu cử lần này được bầu lại toàn bộ 435 ghế của Hạ viện, 37/100 ghế tại Thượng viện và 37/50 ghế thống đốc bang.

Trước ngày 2/11, đảng Dân chủ của ông Obama hầu như một mình làm mưa, làm gió trên chính trường nước Mỹ vì có lợi thế nắm đa số ghế ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ.

Hơn hai năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã ghi được những điểm vàng trong chính sách đối ngoại như: Thực hiện lời hứa kết thúc cuộc chiến Iraq và đẩy nhanh thời hạn rút lực lượng tham chiến của Mỹ ra khỏi đây; khởi động lại chính sách đàm phán hòa bình đang đã bị bế tắc ở Trung Đông; cam kết sự trở lại của Mỹ tại Đông Nam Á; cải thiện quan hệ quan hệ với Nga từ băng giá thành nồng ấm…

Thế nhưng, oái oăm thay Tổng thống lại thua ngay trên sân nhà vì dường như cương lĩnh "Thay đổi, Chúng ta có thể" đã mang lại chiến thắng vang dội cho ông hai năm trước đây xem ra vẫn chỉ là câu khẩu hiệu. Hiện tại, nước Mỹ có số người thất nghiệp cao trong các nước công nghiệp hàng đầu thế giới - gần 10% và nền kinh tế đang ì ạch phục hồi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu… Điều đó khiến 4/5 lực lượng cử tri trẻ, từng giúp ông Obama đắc cử Tổng thống cách đây 2 năm, đã quay lưng lại với ông trong cuộc bầu cử lần này.

Tỷ lệ tín nhiệm của ông Obama giảm đáng kể từ sau cuộc cải cách y tế ở Mỹ do nhiều người dân nước này cho rằng chính phủ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của họ. Theo một cuộc thăm dò của kênh truyền hình CNN, 52% người Mỹ không đồng ý với các công việc của ông Obama. Còn kết quả thăm dò được thực hiện hai tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ của kênh CBS, một phần ba cử tri của năm 2008 đã không có ý định bỏ phiếu cho đảng Dân chủ...

Đảng Cộng hoà đã triệt để lợi dụng tâm lý của người dân Mỹ và đã đưa ra một cương lĩnh tranh cử đầy sức thuyết phục đối với cử tri. Chương trình có tên gọi "Lời cam kết với nước Mỹ" bao gồm các mục tiêu quan trọng như cắt giảm chi tiêu liên bang và bãi bỏ luật cải cách y tế mà Tổng thống Obama ký hồi tháng 3 nhằm tiết kiệm 100 tỉ USD; tạo hàng vạn công ăn việc làm cho đội quân thất nghiệp… đã tạo ra cú hích đáng kể để đảng Cộng hòa có được thành tích bầu cử giữa kỳ tốt đẹp nhất từ 16 năm nay.

Như vậy, chiến thắng của đảng Cộng hoà vừa qua được xem là một lời "than phiền" của cử tri đối với những chính sách mà ông Obama nỗ lực thực thi trong suốt 2 năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài trong 4 năm. Đồng thời với việc bỏ phiếu cho sự thay đổi bằng cách trao quyền kiểm soát Hạ viện cho phe Cộng hòa và tạo điều kiện cho đảng này giành thêm ghế tại Thượng viện, cử tri Mỹ đã buộc Chính phủ của ông Obama phải thay đổi chính sách sao cho mục tiêu phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bền vững phải được ưu tiên số một trong 2 năm tới.

Một năm trước đây, khi ông Obama xuất ngoại lần đầu tiên tới châu Âu với tư cách là Tổng thống Mỹ, nhiều người đã hy vọng rằng ông sẽ đem lại sự thay đổi cho EU nói riêng và thế giới nói chung. Nay, mất đi sự hậu thuẫn của Hạ viện, EU dường như có sự băn khoăn - vì vị thế chính trị không mạnh như trước nên ông Obama sẽ không còn có khả năng quyết đoán mạnh mẽ như xưa.

Hơn thế nữa, ông có thể sẽ bị bó hẹp "phạm vi hoạt động" trong cả chính sách đối ngoại lẫn đối nội. Nhiều nhà bình luận cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU ở Lisbon vào tháng tới sẽ là "thuốc thử" và qua đó thế giới có thể nhìn thấy sự thay đổi chính sách hay không của nước Mỹ sau ngày 2/11. Tuy nhiên, ông Guido Westerwelle, Bộ trưởng Ngoại giao Đức - quốc gia lớn nhất và có tiếng nói hết sức trọng lượng tại EU - lại khẳng định rằng: Chính sách đối ngoại của chính quyền Obama không bị tổn hại và ông Obama vẫn được người Đức yêu mến bởi ông không phải mẫu người như cựu Tổng thống George W. Bush - cha đẻ của cuộc chiến tại Iraq.

Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Đức còn ca ngợi: "Tổng thống Mỹ vẫn là một tổng thống mạnh mẽ và quyết đoán" và cho rằng "Sẽ là đánh giá thấp Tổng thống của nước Mỹ, nếu nghĩ rằng ông đã bị làm cho suy yếu trong chính sách đối ngoại đặc biệt về mục tiêu giải trừ vũ khí nguyên tử".

Bản thân ông Obama, sau khi nghe kết quả của cả hai viện, đã phát biểu: "Người dân Mỹ không muốn thấy các chính trị gia dành hai năm tới để mở lại cuộc chiến tranh chính trị giống như những gì đã xảy ra trong hai năm qua. Đồng thuận không dễ vì cả hai đảng đều có những nguyên tắc và tin tưởng riêng, khó thỏa hiệp, nhưng các chính trị gia, vì lợi ích của người dân, cần phải hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như tạo công ăn việc làm, an ninh, năng lượng sạch, giáo dục và đầu tư công nghệ. Bất luận thế nào đất nước cần phải mạnh và đoàn kết để có thể cạnh tranh toàn cầu và không người nào hoặc đảng nào có độc quyền sáng suốt". Và ông hứa sẵn sàng nghe các ý kiến tốt bất kể do người nào, đảng nào đưa ra vì hy vọng cho phát triển và tiến bộ.

Về vấn đề đảng Cộng hòa dọa sẽ làm chậm lại bộ luật chăm sóc sức khỏe và chỉ trích kế hoạch kích cầu của mình, Tổng thống Mỹ gợi ý hai đảng nên thảo luận những điều khoản mà đảng Cộng hòa quan tâm, bởi vì đa số người Mỹ ủng hộ nhiều điều khoản quan trọng của bộ luật này và hai đảng phải tìm cách làm thế nào để tiến trình phục hồi kinh tế được bền vững và mở rộng. Cuối cùng, Tổng thống Obama khẳng định rằng: Các bên cần đàm phán trong "tinh thần cởi mở" và nhìn nhận rằng nếu không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, các kế hoạch trong tương lai của ông sẽ khó thực hiện đầy đủ.

Trong một cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích và trách nhiệm, mỗi một nước đều có những vai trò nhất định. Hiện tại, hầu hết các quốc gia đang hợp sức cùng với Mỹ trong nhiều hành động để đảm bảo một môi trường bền vững cho tiến trình phục hồi nền kinh tế sau suy thoái và tiếp tục hợp tác với nhau để tăng trưởng trong tương lai. Vì thế, không có lý do gì để Chính phủ Mỹ sau cuộc bầu cử trên chỉ hướng nội mà có thể giải quyết những khó khăn trong nước mà không cần tiếp tục thực hiện các cam kết hợp tác quốc tế đã có. Ông Frédéric Lefebvre - người phát ngôn thuộc đảng cầm quyền của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - đã có một nhận xét rất chí lý là: Chúng ta không thể đảo ngược lại mọi thứ. Pháp, châu Âu cần Mỹ để tiến lên và ngược lại. Đó cũng là điều mà ai cũng nghĩ tới và tin tưởng.

Quốc hội Hoa Kỳ - cơ quan lập pháp của chính quyền liên bang - là một định chế quyền lực theo mô hình lưỡng viện: Hạ viện (còn gọi là Viện dân biểu) và Thượng viện. Viện dân biểu có 435 thành viên, mỗi dân biểu đại diện cho một hạt bầu cử, phục vụ trong nhiệm kỳ hai năm. Số dân biểu đại diện cho mỗi bang được ấn định theo tỷ lệ dân số. Ngược lại, tại Thượng viện, số thượng nghị sĩ đại diện cho mỗi bang là hai người, không tính theo tỷ lệ dân số. Như vậy có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, phục vụ theo nhiệm kỳ sáu năm. Thành viên của cả hai viện đều được người dân bầu trực tiếp. Tại một số bang, thống đốc có quyền bổ nhiệm thượng nghị sĩ tạm quyền khi có chỗ khuyết giữa nhiệm kỳ.


Chí Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét