Lũ chồng lũ, hàng ngàn hộ dân lại bị nhấn chìm

Xã hội - Dân trí:
Thứ Tư, 10/11/2010 - 11:53

Bình Định:

(Dân trí) - Mưa lớn tiếp tục kéo dài hơn ba ngày nay kết hợp triều cường đã gây ngập nặng nhiều nơi ở Bình Định. Có nơi nước đã dâng cao đến 2m, nhấn chìm hàng ngàn nhà dân. Mực nước các sông không ngừng dâng cao, ào ạt đổ về phía hạ lưu.


Nước dâng ngập nhiều nơi ở Bình Định. Chưa qua cơn lũ này, người dân lại khắc khoải đối mặt với cơn lũ khác
Mực nước sông Kôn, sông Hà Thanh không ngừng dâng cao ở mức báo động, ào ạt đổ về phía hạ lưu nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà ở các xã khu đông như Cát Thắng, Cát Chánh (huyện Phù Cát); Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Có những xã bị lũ cô lập 100% như xã Cát Chánh.

Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí, ông Văn Thanh Đua, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, cho biết: “Toàn xã có hơn 1.600 hộ dân chia thành 5 thôn đều bị lũ bao vây, nước ngập sâu từ 1-2m, gió rất mạnh. Giao thông đi lại di dời dân duy chỉ có một chiếc ghe máy của xã, kết hợp với mấy chiếc sõng của dân nên xã chỉ tiến hành di dời dân tại chỗ chứ không di dời tập trung được.
Xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) trắng xóa một màu nước

Do mực nước dâng cao nên trong ngày 9/11 xã chỉ di dời được gần 300 hộ dân ra khu vực cao hơn. Xã cũng huy động toàn bộ lực lượng xung kích tập trung chuyển mì tôm và nước uống cho người dân cầm cự trước mắt”.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định chia làm 2 mũi đi kiểm tra tình hình ngập lụt tại 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát chỉ đạo công tác ứng cứu. Tại huyện Tuy Phước, gần 50 ngôi nhà sập hoàn toàn, giao thông về nhiều xã vẫn còn bị chia cắt, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu từ 1-2m.

Thống kê riêng huyện Phù Cát có khoảng 3.700 ngôi nhà bị ngập sâu từ 1 đến 2 mét, nặng nhất là xã Cát Chánh bị lũ bao vây và mực nước dâng cao khiến công tác ứng cứu và sơ tán dân rất khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Phụng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: “UBND huyện Phù Cát đã tổ chức di dời hơn 2.000 người dân lên những nhà cao tầng kiên cố, trường học. Huyện đã huy động lực lượng quân đội, thanh niên xung kích vận chuyển 1.500 thùng mỳ tôm, 1.500 chai nước hỗ trợ bà con. Công tác ứng cứu dân và di dời ra khỏi vùng nguy hiểm đang rất gấp, mực nước lũ đang tiếp tục dâng cao không biết chừng khó trở tay kịp”.
Do không có phương tiện nên việc di dời dân gặp nhiều khó khăn

Mưa lớn liên tiếp kéo dài mấy ngày liền, lũ đầu nguồn đổ về không chỉ khiến các địa phương vùng rốn lũ ngập chìm trong nước mà ngay cả TP Quy Nhơn cũng rơi vào cảnh đường phố biến thành sông. Hàng ngàn nhà dân bị lũ nhấn chìm dài ngày đang cần cứu trợ lương thực khẩn cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết: “Vấn đề gay cấn nhất hiện nay là những địa phương bị nước lũ cô lập dài ngày (từ ngày 2/11 đến nay), nay cơn lũ mới lại ngập sâu hơn. Nặng nhất có gần 4.000 hộ dân bị ngập sâu từ 1-2m ở xã Cát Chánh, Cát Tiến và một phần Cát Nhơn (Phù Cát), Phước Thuận, Phước Thắng, Phước Nghĩa, Phước Hòa (Tuy Phước) đều bị ngập chìm cả tuần nay rất khổ cực.

Bức xúc nhất là việc cứu trợ kịp thời lương thực cho dân, để tiếp cận được những vùng ngập sâu như Cát Chánh, Cát Tiến chúng tôi phải đi mất 3 chặng bằng bo bo mới đến, dân các vùng này chủ yếu là nấu nướng bằng bếp củi, nay bị ướt hết, điện lại mất nên đời sống của bà con hết sức khổ cực. Nếu mai mốt nước không rút tỉnh chỉ còn cách là di dời toàn bộ dân lên vùng cao, chứ ở lại chỉ cầm cựu với gói mì sống cực lắm”.

Tại TP Quy Nhơn, mưa to liên tục không ngớt, nước thoát không kịp, đã gây ngập úng nhiều nơi. Ở các phường ngoại thành như: Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu và xã Phước Mỹ nhiều nơi bị ngập từ 0,5-1m. Đường giao thông nông thôn tại các khu vực trũng thấp bị nước phả tràn, việc đi lại hết sức khó khăn.

Tuyến đường quốc lộ 1A trên địa bàn phường Trần Quang Diệu có nhiều đoạn bị ngập nước 0,6 m gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Tại phường Đống Đa, tình trạng sạt núi đã xảy ra, 2 ngôi nhà của người dân ở khu vực 1 đã bị đất trên núi đổ xuống làm sập nhà.

Tính từ ngày 2/11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có 7 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương do mưa lũ.

Mưa lũ còn làm sập hoàn toàn 50 ngôi nhà, gần 4.000 hộ dân bị ngập sâu trong lũ. Thiệt hại ước tính trên 500 tỉ đồng.

Riêng xã đảo Nhơn Châu tiếp tục bị cô lập do tàu thuyền không thể ra vào được. Khó khăn hiện nay trên đảo Nhơn Châu là thực phẩm tươi sống, rau xanh không có để dùng. Xã cũng chuẩn bị sẵn sàng di dời 17 hộ dân, với 81 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở do triều cường đến nơi an toàn.

Gần 10 ngày qua, 330 hộ dân với 1.900 nhân khẩu ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa bị cô lập giữa đầm Thị Nại. Cuộc sống người dân nơi đây vốn đã khó khăn, nay lại càng nhọc nhằn hơn trong lúc mưa lũ dồn dập ập đến.

Hiện tại, rất nhiều gia đình đang thiếu trầm trọng nước uống và chất đốt. Nhiều người đã hứng nước mưa để dùng tạm qua ngày. Người dân thôn Phước Lợi (xã Phước Thắng), thôn Huỳnh Gian Bắc (xã Phước Hòa) cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự…

Báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCLB-TKCN Bình Định, tính đến 5 giờ chiều ngày 9/11 toàn tỉnh có thêm 2 người chết là ông Võ Ngọc Hoàng, 69 tuổi ở xã Nhơn Thành (An Nhơn) và ông Nguyễn Tĩnh, 32 tuổi ở Hoài Nhơn bị lũ cuốn trôi.

Tấn Tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét